Cảnh báo về làn sóng lây nhiễm COVID-19 nguy hiểm tiếp theo

D.T | 27/10/2021 06:30
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Mặc dù dự báo thời gian tới, các nước sẽ có nhiều vắc xin hơn nhưng trên thế giới vẫn báo cáo sự gia tăng các ca nhiễm COVID-19. Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương Takeshi Kasai đề nghị các nước cần chuẩn bị hệ thống y tế để đối phó và sống chung với COVID-19.

Số ca mắc mới gia tăng ở châu Âu

Nỗi đau mất người thân đang bao phủ khắp Đông Âu và Nga khi số ca tử vong ngày càng tăng. Hầu hết, các ca bệnh tử vong là do sự chần chừ trong việc tiêm vắc xin.

Tây Âu cũng đang ghi nhận số ca mắc mới tăng dù mức độ bao phủ vắc xin cao. Theo đó kể từ tháng 5, tỷ lệ mắc COVID-19 của Đức lần đầu tiên tăng lên 100 ca nhiễm mới trên 100.000 dân. Bỉ và Ireland cũng đang chứng kiến đà lây lan khi tỷ lệ mắc bệnh lần lượt là 325,76 và 432,84 trên 100.000 người.

Theo Bộ trưởng Y tế Bỉ Frank Vandenbrouck hơn 85% dân số nước này đã được chủng ngừa đầy đủ. Các ca bệnh nặng phải nhập viện hầu hết đều rơi vào những người chưa tiêm phòng.

Tỷ lệ tiêm chủng của Đông và Tây châu Âu đang theo 2 hướng riêng biệt. Nhờ có vắc xin, tỷ lệ tử vong của các quốc gia Tây Âu phần lớn không tăng so với các nước Đông Âu.

Romania đã áp dụng lệnh giới nghiêm ban đêm và bắt buộc phải vượt qua kiểm tra sức khỏe ở hầu hết các địa điểm. Yêu cầu được đưa ra khi Romania ghi nhận 19,25 ca tử vong trên 1 triệu dân. Tỷ lệ này được cho là cao nhất thế giới.

Tình trạng khẩn cấp của Romania không đến từ tình trạng thiếu vắc xin. Các nước thuộc EU đều có quyền tiếp cận với các loại vắc xin đã được phê duyệt. Nhưng việc triển khai vắc xin của Romania đã bị cản trở bởi tâm lý chần chừ của nhiều người. Đến nay, ước tính chỉ có 35,6% dân số tại đây được tiêm đủ 2 liều.

Ukraine cũng ở trong tình cảnh tương tự khi nước này ghi nhận kỷ lục 22.415 ca nhiễm trong một ngày. Các trường học ở nhiều điểm nóng về COVID-19 của Ukraine đã phải đóng cửa. Tổng thống Volodymyr Zelensky đã phải kêu gọi người dân đi tiêm và khẳng định, chỉ có vắc xin mới khiến tình trạng tốt hơn.

Vắc xin không thể làm nên tất cả

Sự xuất hiện của vắc xin đã thay đổi tình hình ở nhiều quốc gia và khiến nhiều người lạc quan hơn. Dù giữ vai trò tiên quyết trong phòng ngừa dịch bệnh nhưng vắc xin vẫn cần đi kèm với nhiều biện pháp bảo vệ bản thân khác.

Vương Quốc Anh đang ghi nhận nhiều ca bệnh hằng ngày nhất ở Tây Âu sau khi nước này loại bỏ gần như tất cả các hạn chế về giãn cách xã hội. Nhiều chuyên gia y tế và công đoàn y tế của Anh đã phải yêu cầu Chính phủ áp đặt lại các biện pháp bắt buộc như đeo khẩu trang hoặc tiêm vắc xin.

Bất chấp những lời kêu gọi, Chính phủ Anh vẫn bác bỏ các động thái ngay cả khi số người nhập viện và tử vong gia tăng. Trong khi đó, Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh mới đây đã “lưu ý” đến biến thể AY.4.2, biến thể có thể là “hậu duệ” của Delta.

Một chuyên gia y tế cho biết: “Nếu chỉ để vắc xin làm hết tất cả mọi việc sẽ là không đủ. Vắc xin quan trọng số 1 nhưng sẽ ra sao đối với những trẻ nhỏ chưa đủ điều kiện về độ tuổi để tiêm vắc xin?”.

Giám đốc Điều hành Chương trình khẩn cấp Y tế của WHO Mike Ryan nhấn mạnh: “Châu Âu cần thận trọng hơn trong các quyết định phòng, chống dịch bệnh. Chúng ta không biết 2, 3 tháng nữa tình hình sẽ ra sao. Song song với việc tiêm vắc xin, các biện pháp như đeo khẩu trang cần được tiến hành nghiêm ngặt”.

Một nửa kết quả phụ thuộc và hành động của chính chúng ta

Phát biểu trong cuộc họp tại Himeji, Nhật Bản, ngày 25/10, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương Takeshi Kasai cho biết "Ngay cả khi chúng ta đã nỗ lực hết sức, có vẻ như virus sẽ không biến mất sớm trên toàn cầu. Các nước cần chuẩn bị hệ thống y tế để đối phó và sống chung với COVID-19.".

"Bên cạnh việc tiếp tục triển khai vắc xin, thực hiện biện pháp xã hội và sức khỏe cộng đồng có mục tiêu, chúng ta cần chuẩn bị tinh thần số ca nhiễm sẽ tăng đột biến, đồng thời đảm bảo hệ thống y tế hoạt động hiệu quả để xử lý và giảm thiểu các tác động mà chúng gây ra", ông Kasai nói thêm.

Ông Kasai cho biết WHO đã làm việc với các nước trên khắp Tây Thái Bình Dương theo kịch bản COVID-19 trở thành mầm bệnh đặc hữu. Ở thời kỳ hậu đại dịch, căn bệnh không hoàn toàn biến mất, song cộng đồng tìm cách giảm thiểu mối đe dọa của nó đối với cuộc sống hàng ngày. Các quốc gia nên đưa ra quyết định dựa trên tình hình thực tế, đánh giá rủi ro cẩn thận và thấu hiểu "ranh giới" sẽ khiến các bệnh viện quá tải. Kasai chỉ ra ba biện pháp "can thiệp, thích ứng, điều chỉnh và duy trì" để đối phó với virus, đồng thời cho phép nền kinh tế và cuộc sống người dân trở lại bình thường.

Tài liệu công bố trên trang web của WHO đã vạch ra hai quỹ đạo tương lai cho đại dịch dựa trên các cuộc thảo luận của nhóm cố vấn từ tổ chức. Kịch bản thứ nhất, COVID-19 trở thành mầm bệnh đặc hữu, "lây truyền ổn định ở mức độ thấp, tiếp tục lưu hành tại một số quốc gia và thỉnh thoảng bùng phát". Kịch bản thứ hai, virus có thể phát triển thành biến chủng mới, nguy hiểm hơn, lây truyền nhanh hoặc thậm chí khiến vaccine không còn hiệu quả, tạo ra "đại dịch trong đại dịch". Một số kịch bản trung gian cũng có thể xảy ra.

(Theo: CNN, SCMP)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh báo về làn sóng lây nhiễm COVID-19 nguy hiểm tiếp theo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO