Hoạt động ngân hàng

Cầu vốn dần trở lại, tín dụng Ngân hàng Khu vực 12 tiếp đà tăng trưởng

ThS. Trần Trọng Triết 11/06/2025 - 15:18

Tăng trưởng tín dụng trên đà cải thiện khi mặt bằng lãi suất ổn định ở mức thấp, cầu vốn dần trở lại, nhất là với tín dụng cho cá nhân vay mua nhà để ở… Các ngân hàng trên địa bàn Khu vực 12 kỳ vọng có thể hoàn thành mục tiêu tín dụng và chỉ tiêu lợi nhuận.

Ông Tạ Thành Long, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 12 chia sẻ, đến cuối tháng 5/2025, tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn 5 tỉnh Đông Nam Bộ, gồm: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước và Tây Ninh, ước đạt hơn 1,2 triệu tỷ đồng, tăng gần 3,6% so với đầu năm nay.

Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn ước đạt hơn 762,4 nghìn tỷ đồng, tăng 3,8% so với đầu năm nay. Dư nợ cho vay trung, dài hạn ước đạt 458,4 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 3,2% so với đầu năm nay.

Ngân hàng Nhà nước Khu vực 12 đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; đồng thời, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

cong-nhan-lam-viec-tai-mot-cong-ty-che-bien-keo-hat-dieu..jpg
Vốn tín dụng tại Ngân hàng Khu vực 12 tiếp tục tập trung cho các nhóm ngành, lĩnh vực là động lực tăng trưởng của nền kinh tế

Điểm đáng chú ý, vốn tín dụng tại Ngân hàng Khu vực 12 tiếp tục tập trung cho các nhóm ngành, lĩnh vực là động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Trong đó, các ngân hàng thương mại phối hợp chặt chẽ hiệp hội doanh nghiệp để hỗ trợ kịp thời lĩnh vực xuất khẩu - một trong ba trụ cột tăng trưởng của nền kinh tế trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động trước các chính sách thuế quan của Mỹ. Các hoạt động kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, đối thoại chính sách và tháo gỡ vướng mắc tiếp tục được duy trì hiệu quả, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Ông Tạ Thành Long nhận định, lãi suất thấp là động lực giúp tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng, đồng thời tạo động lực cho doanh nghiệp đầu tư mới, tạo hiệu ứng lan tỏa ra nền kinh tế. Trong 5 tháng đầu năm 2025, việc mặt bằng lãi suất tiếp tục duy trì ở mức thấp là yếu tố then chốt hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã trên địa bàn giảm chi phí vốn vay, từ đó mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Cụ thể, các chương trình tín dụng ngắn hạn bằng đồng Việt Nam cho 5 nhóm ngành ưu tiên với lãi suất cho vay không quá 4%/năm đã giúp hàng loạt doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp công nghệ cao… tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi.

Trong đó, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng dư nợ cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên trên địa bàn các tỉnh trong khu vực, với tỷ lệ hơn 33,5%.

Thời gian qua, ngành Ngân hàng tại các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ chú trọng ưu tiên dòng vốn tín dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, các lĩnh vực ưu tiên. Trong đó, các lĩnh vực ưu tiên nguồn vốn tín dụng gồm: nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tại Đồng Nai, dư nợ cho vay về các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa... chiếm tỷ trọng cao so với dư nợ cho vay các lĩnh vực này trong Khu vực 12.

Bên cạnh đó, những chương trình tín dụng chính sách, cho vay nhà ở xã hội, giải ngân gói tín dụng lâm, sản thủy sản, các gói tín dụng nhà ở cho người dưới 35 tuổi… tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh phát triển, bất động sản hồi phục.

Năm nay, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16% và để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng cung ứng vốn, cơ quan này đã thông báo công khai, minh bạch về nguyên tắc giao tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng.

Về tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, kết quả cho vay 5 tháng năm 2025, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh tỉnh Đồng Nai đã cho vay trên 1,1 nghìn tỷ đồng với trên 20,8 nghìn hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn. Qua đó, nâng tổng số dư nợ nguồn vốn tín dụng chính sách mà NHCSXH chi nhánh tỉnh đang quản lý đạt trên 6,2 nghìn tỷ đồng, với 127,4 nghìn khách hàng đang còn dư nợ.

Ông Tạ Thành Long chia sẻ định hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước và các chi nhánh tại các tỉnh Khu vực 12, gồm Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước và Tây Ninh luôn bám sát chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Trung ương để triển khai hiệu quả các chính sách tín dụng, mở rộng mạng lưới ngân hàng, cải tiến quy trình nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp.

Ngân hàng Nhà nước Khu vực 12 tiếp tục chủ động nắm bắt, dự báo tình hình, triển khai hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, cải tiến quy trình, rút ngắn thời gian giải ngân. Về phía doanh nghiệp, cần nâng cao năng lực quản trị, hoàn thiện hồ sơ pháp lý, chủ động xây dựng phương án sản xuất khả thi. Đồng thời, thay đổi tư duy tiếp cận tín dụng không chờ vốn, mà phải chuẩn bị để hấp thụ vốn hiệu quả. Tìm giải pháp khơi thông vốn tín dụng, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương. Ngân hàng có tiền, doanh nghiệp có nhu cầu, nhưng nếu các bên còn giữ khoảng cách, ngại trách nhiệm, chậm đổi mới tư duy thì doanh nghiệp sẽ suy kiệt, ngân hàng cũng không thể phát triển lành mạnh, và kinh tế địa phương sẽ bị ảnh hưởng.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cầu vốn dần trở lại, tín dụng Ngân hàng Khu vực 12 tiếp đà tăng trưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO