Thứ Ba, 22/7/2025
Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Thực hiện tốt các giải pháp công nghệ, nhất là trong lĩnh vực thu thập thông tin, dữ liệu và chấm điểm tín dụng sẽ là cơ sở nền tảng tốt đế thực hiện các giải pháp tín dụng theo tinh thần Nghị quyết 68 về cho vay tín chấp; cho vay dựa trên dòng tiền và phát triển mở rộng sản phẩm tín dụng: cho vay bằng phương thức điện tử.
Để thực hiện Nghị quyết 68 -NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân (Nghị quyết 68), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã và đang tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ và chương trình hành động cụ thể từ công tác truyền thông; xây dựng chính sách đến việc triển khai và thực hiện cơ chế thử nghiệm, áp dụng các giải pháp công nghệ trong hoạt động chấm điểm tín dụng; chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình mở và cho vay ngang hàng; cũng như thực hiện ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, triển khai dịch vụ hành chính công trực tuyến…
Tất cả những hoạt động này không chỉ mang lại lợi ích và sự thuận tiện cho doanh nghiệp, mà còn là những nội dung thuộc nội hàm nhiệm vụ liên quan hoạt động ngân hàng tại Nghị quyết 68.
Vì vậy, thực hiện tốt các giải pháp công nghệ, nhất là trong lĩnh vực thu thập thông tin, dữ liệu và chấm điểm tín dụng sẽ là cơ sở nền tảng tốt đế thực hiện các giải pháp tín dụng theo tinh thần Nghị quyết 68 về cho vay tín chấp; cho vay dựa trên dòng tiền và phát triển mở rộng sản phẩm tín dụng: cho vay bằng phương thức điện tử.
Với ý nghĩa đó, ở góc độ địa phương, thực hiện nhiệm vụ UBND tỉnh Đồng Nai giao về xây dựng chương trình kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 68 của ngành ngân hàng trên địa bàn, trước hết các TCTD trên địa bàn cần quan tâm và chủ động thực hiện một số giải pháp và nhiệm vụ định hướng. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện tốt và phát huy hiệu quả cơ chế chính sách về tiền tệ tín dụng của NHNN đối với phát triển kinh tế tư nhân. Trong đó, thực hiện tốt các chương trình tín dụng, chính sách tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; hộ gia đình và hợp tác xã như: chương trình cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng với lãi suất không quá 4%/năm đối với 5 nhóm ngành (doanh nghiệp nhỏ và vừa; xuất khẩu, nông nghiệp & nông thôn; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao); cho vay phát triển nông nghiệp & nông thôn theo Nghị định 55 và Nghị định 156 của Chính phủ…; các chương trình tín dụng chuyên đề và giải ngân gói tín dụng ưu đãi (gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng cho vay lâm sản thủy sản; gói tín dụng 500 nghìn tỷ đồng cho vay hạ tầng và phát triển ứng dụng khoa học công nghệ…). Đây là các cơ chế chính sách về tiền tín dụng của Chính phủ, của NHNN đã và đang thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân nói riêng phát triển trong suốt thời gian qua.
Theo đó, đến cuối tháng 6/2025, tổng dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đạt 74.442 tỷ đồng, tăng 5,94% so với cuối năm và tăng 13,1% so với cùng kỳ; cho vay công nghiệp chế biến chế tạo đạt 118,1 nghìn tỷ đồng, tăng 12,7% so với cuối năm và tăng 15,5% so với cùng kỳ; cho vay bán buôn, bán lẻ, sữa chữa ô tô, xe máy… đạt 143,5 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với cuối năm và tăng 12,7% so với cùng kỳ; cho vay xây dựng đạt 33,3 nghìn tỷ đồng, tăng 7,1% so với cuối năm và tăng 17% so với cùng kỳ; cho vay kinh tế hộ đạt 82,4 nghìn tỷ đồng, tăng 1,53% so với cuối năm và tăng 4,3% so với cùng kỳ.
Thứ hai, tiếp tục đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn và dịch vụ ngân hàng cho các doanh nghiệp nói chung và cho doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân nói riêng trên địa bàn Tỉnh. Mở rộng và tăng trưởng tín dụng hiệu quả nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã phát triển, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trên thực tế, dư nợ tín dụng cho vay khu vực kinh tế tư nhân luôn chiếm tỷ trọng cao so với tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Tại địa bàn tỉnh Đồng Nai, dư nợ cho vay kinh tế tư nhân (gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp FDI; kinh tế hộ và HTX…) chiếm khoảng trên 90% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn.
Bên cạnh đó, dịch vụ thanh toán, chuyển tiền tiện ích, nhanh chóng, an toàn và hiệu quả, đã không chỉ góp phần tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp mà còn nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, qua đó thúc đẩy quá trình tuần hoàn và luân chuyển vốn trong toàn bộ nền kinh tế, kích thích kinh tế tư nhân phát triển. Trong quá trình này, sự phát triển kinh tế tư nhân, trở thành động lực thúc đẩy mở rộng tăng trưởng và phá triển các hoạt động dịch vụ ngân hàng.
Thứ ba, cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân trên địa bàn phát triển. Trong đó hỗ trợ doanh nghiệp với nội hàm không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ ngân hàng; tiết giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động để giảm chi phí đầu vào, giảm lãi suất cho vay bền vững. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi trong giao dịch với ngân hàng để doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh và HTX tiết giảm chi phí và thời gian giao dịch; giao dịch tiện lợi, tiện ích nhằm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp để phát triển.
Thứ tư, làm tốt công tác triển khai và thực hiện cơ chế chính sách trên địa bàn, gắn liền với việc thực hiện tốt hoạt động truyền thông chính sách; các chương trình đối thoại doanh nghiệp; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và kết nối ngân hàng doanh nghiệp để thông tin và phổ biến chính sách đưa cơ chế chính sách đi vào cuộc sống thực tiễn có hiệu quả. Trong đó tổ chức thực hiện các hoạt động thông tin truyền thông về Nghị quyết 68, cũng như các cơ chế chính sách thực hiện Nghị quyết 68 của NHNN tại địa bàn.
Đây là các nhóm giải pháp, nhiệm vụ định hướng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển, với tinh thần chủ động và trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ địa phương của NHNN giao mà các TCTD cần quan tâm thực hiện.