VN-Index đã về gần sát ngưỡng 1.080 điểm trước khi có cú đảo chiều tăng điểm cuối phiên. Nhóm VN30 là tác nhân chính kéo điểm số tăng trở lại với 20/30 mã tăng giá.
Định vị thị trường
Chuỗi 4 phiên giảm điểm gây thất vọng cho nhà đầu tư chứng khoán đã được cắt đứt với những nỗ lực đảo chiều cuối phiên.
Trong phiên hôm nay (ngày 19/12) VN-Index (+0,4%) đã hòa cùng sắc xanh của khu vực khi các chỉ số NIKKEI 225 (+1,41%), KOSPI (+0,07%), SHCMP (+0,05%), CSI 300 (+0,14%), SET (+0,12%), KLCI (+0,03%) đều tăng điểm.
Trong đó NIKKEI 225 đã tiếp tục khẳng định vị thế chỉ số dẫn dắt các thị trường châu Á với thành tích tăng 27,3% từ đầu năm.
Chất xúc tác
Sự kiện đáo hạn phái sinh tháng 12 đang là là nỗi ám ảnh lớn nhất của nhà đầu tư nội. Sau khi các quỹ ETFs ngoại đã hoàn tất đợt cơ cấu, các vận động của thị trường cơ sở và của thị trường phái sinh đang khiến nhóm cổ phiếu trụ biến động khó lường.
Theo ghi nhận mức basis của VN30F2312 và VN30 gần như đã về mức 0 nhưng khối lượng vẫn đang khá cao, đạt trên 50 nghìn đơn vị.
Nguyên nhân đã dẫn đến khớp lệnh của HOSE có phiên thứ 4 liên tiếp dưới mức bình quân 20 phiên. Đóng góp của dòng tiền nội đã tăng trở lại lên gần 90%.
Khối ngoại quay về với tỷ trọng hơn 10% dù vẫn có phiên bán ròng hơn 450 tỷ đồng. Các mã EIB (-162 tỷ đồng), VNM (-93,5 tỷ đồng), SSI (-91,53 tỷ đồng), HCM (-57,23 tỷ đồng) bị bán ra nhiều nhất, trong khi FUEVFVND (+143,2 tỷ đồng) có phiên hút tiền trở lại sau 2 phiên liên tiếp bị bán hơn 310 tỷ đồng.
Vận động thị trường
Nhờ tỷ trọng giao dịch của khối ngoại đã thu hẹp lại, các mã bị khối này bán ra đã không còn chịu áp lực như vài phiên giao dịch vừa qua. EIB (+2,23%), SSI (+1,42%), HCM (+1,62%), STB (+1,14%) đều tăng giá, trong khi VNM giữ mức tham chiếu.
Sự cải thiện của các cổ phiếu chỉ đến trong khoảng thời gian cuối phiên giao dịch cùng sự đảo chiều của HPG (+2,3%), HDB (+3%), CTG (+1,7%), TCB (+1,8%), MBB (+0,83%).
Có khá nhiều mã ngân hàng đã tham gia vào những nỗ lực kể trên qua đó giúp xoa dịu nỗi lo về xu hướng của thị trường những tuần cuối cùng của năm 2023.
Phản ứng nhạy với sự dẫn dắt của các Bluechips là nhóm thép với HSG (+3,61%), NKG (+5,49%), kế đến là nhóm chứng khoán, đầu tư công với BSI (+2,9%), FTS (+2,6%), CTS (+2,6%), ORS (+1,5%), VCG (+1,93%), HHV (+1,3%), CII (+1,23%).
Các cổ phiếu bất động sản dù đã có sự khởi sắc ở NVL (+2,4%), CSC (+2,1%), DXG (+1,6%), DIG (+1,6%) nhưng còn các trường hợp đi ngược lại như HQC (-7%), FDC (-6,8%), ITA (-6,93%).
Ngoài ra, cũng cần phải đề cập đến HAG (-6,77%) với trạng thái giảm sàn. Cổ phiếu này đã có những dấu hiệu bị chốt lời trong một vài phiên trở lại đây sau khi tăng lên mức cao nhất trong vòng 15 tháng.
Tính chung lại, độ rộng của toàn HOSE đạt 44% mã giảm so với gần 40% mã tăng giá, cho thấy tâm lý đã bớt đi sự nặng nề sau chuỗi 4 phiên giảm của thị trường.
Chỉ số VN-Index chốt phiên tăng 4,42 điểm lên 1.096 điểm (+0,4%) sau khi đã có thời điểm bị nhúng xuống gần sát mức 1.080 điểm. Mức điểm số thấp nhất ghi nhận được trong phiên ngày 19/12 là 1.082 điểm. Tổng giá trị giao dịch của cả HOSE chỉ đạt 12.805 tỷ đồng, tương đương 649,9 triệu đơn vị.
2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index đều tăng điểm theo VN-Index, lần lượt tăng 0,68% và 0,25%. Tổng giá trị giao dịch của 2 sàn đạt hơn 2.300 tỷ đồng.