Chứng khoán

Tiếp tục là sức nặng từ khối ngoại đè lên tâm lý thị trường

Mai Hương 18/12/2023 - 16:58

Thêm một lần nữa, thị trường lại phải quay lại mốc 1.100 điểm với tâm lý đang bị ức chế của những phiên trước đáo hạn phái sinh. Nhóm ngân hàng với nhiều mã bị khối ngoại rút tiền tạo ra sức nặng rất lớn lên chỉ số.

chrome_xamhbytmf6.png

Định vị thị trường

Từ vị thế được kỳ vọng sẽ hòa nhập cùng diễn biến khu vực, VN-Index đang gây thất vọng cho nhà đầu tư trong nước. Khi các chỉ số chứng khoán châu Á đang chững lại thì tâm lý của thị trường trong nước còn tiếp tục gây thêm sự ức chế hơn.

Một số chỉ số chứng khoán như KOSPI (+0,13%), SET (+0,29%), KLSE (+0,24%) thực tế vẫn tăng điểm nhẹ nhưng VN-Index lại giảm phiên thứ 4 liên tiếp, đồng thời để mất hết các đường xu hướng ngắn và dài hạn trong phiên giao dịch ngày 18/12.

Chất xúc tác

Về mặt nguyên tắc, nhà đầu tư ngắn hạn được quyền hành động ngay khi chỉ số phát đi những dấu hiệu kỹ thuật không tích cực kể trên. Nhưng thực tế, với nhóm đầu tư trung và dài hạn, thị trường thực tế không quá tệ xét trên một số biến số vĩ mô như tỷ giá, lãi suất, chính sách tiền tệ của cơ quan điều hành.

chrome_gh5eryfyx0.png
Nguồn BSC.

Theo thống kê, tuần vừa qua, lãi suất liên ngân hàng qua đêm được giao dịch bình quân ở mức 0,15% ở kỳ hạn qua đêm. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 240 nghìn tỷ đồng.

Hoạt động bán ròng của khối ngoại cùng với tâm lý trong tuần đáo hạn phái sinh đang là những biến số gây nhiễu cho thị trường. Sau phiên hôm nay (ngày 18/12), khối ngoại đã có 14 phiên bán ròng trên thị trường, qua đó nâng tổng giá trị bán ròng lũy kế từ đầu năm lên gần 22.000 tỷ đồng.

3ex-2023-12-18.png

Các mã FUEVFVND (-209,4 tỷ đồng), VNM (-92,3 tỷ đồng), STB (-66,3 tỷ đồng), VPB (-55 tỷ đồng) chịu nhiều áp lực bán ra nhất. Tính riêng HOSE, khối ngoại bán ròng 771 tỷ đồng, đóng góp vào giao dịch 2 chiều vẫn đạt tới 22% dù thị trường đã đi qua phiên cơ cấu ETFs.

hose-2023-12-18.png

Vận động thị trường

Ngoài việc khối ngoại đẩy mạnh giao dịch thì mấu chốt là tiền nội cũng đang tỏ ra khá "yếu đuối" với phiên thứ 3 liên tiếp giao dịch dưới mức bình quân 20 phiên.

Nhà đầu tư nội đang chấp nhận để nhóm ngoại định hướng thị trường dù tỷ trọng của dòng tiền nội trong giao dịch vẫn không hề thấp.

Các mã STB (-3%), VNM (-1,6%), VPB (-1,6%), STB (-3%) đều giảm khá mạnh do cầu đỡ từ dòng tiền nội không quyết liệt. VPB thậm chí đã có lúc đã giảm tới 3,5%, gây ra hoang mang cho nhà đầu tư.

Hiện xét về trạng thái kỹ thuật, nhiều cổ phiếu "vua" như STB, VPB, VCB đang rơi vào tình trạng cần phải "cảnh giác". Nếu những diễn biến này lan rộng hơn tới các mã trong ngành, thị trường sẽ không còn đủ lực để tạo ra một sóng tăng trong những tuần cuối cùng của năm 2023.

Các nhóm ngành chung đều có thể chịu liên đới nếu điều này xảy ra. Độ rộng của HOSE đã phản ánh tâm lý này với 70% mã giảm giá.

Một số tia hy vọng vẫn được "lóe lên" từ diễn biến của một số cổ phiếu nhóm Midcap và Penny như TCH (+2,8%), HHS (+6,94%), HNG (+6,91%) nhưng với trạng thái thanh khoản đang hụt hẫng của thị trường, nhà đầu tư vẫn sẽ phải đặt sự hoài nghi trong giao dịch thay vì mạnh tay tham gia các mã này.

Chốt phiên, VN-Index mất 10,42 điểm (-0,95%) xuống 1.091,88 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt 14.727 tỷ đồng, tương đương 713 triệu đơn vị.

HNX-Index và UPCoM-Index vẫn tiếp tục bị "kìm hãm" thay vì thoát khỏi vận động của VN-Index. 2 chỉ số đều giảm 0,57% và 0,19%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn chỉ đạt 1.700 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục là sức nặng từ khối ngoại đè lên tâm lý thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO