Doanh nghiệp

CEO Shopee Việt Nam: Thành công ở Việt Nam nhờ chi phí Internet thấp nhất Đông Nam Á

Cẩm Thạch 14/08/2024 - 17:22

Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam Trần Tuấn Anh cho biết, thành công hiện tại của Shopee chính là thị trường Việt Nam có những lợi thế đặc thù, đó là chi phí tiếp cận mạng Internet thấp nhất thị trường Đông Nam Á.

screenshot-2024-08-14-at-16.27.18.png
Ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam

Ngày 14/8, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Phát triển thương mại điện tử - Cơ hội, động lực và thách thức".

Theo ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam, thành công hiện tại của Shopee tại thị trường Việt Nam chính là thị trường có những lợi thế đặc thù.

Đó là chi phí tiếp cận mạng Internet thấp nhất thị trường Đông Nam Á. Điều này có nghĩa là người tiêu dùng ở bất cứ vùng miền nào đó có thể tiếp cận. Riêng đối với Shopee, sẽ có nhiều người tiêu dùng hơn ở những thành phố nhỏ, vùng nông thôn chứ không phải thành thị. Đây là tiền đề phát triển cho bất cứ công nghệ nào liên quan đến thương mại điện tử.

Thứ hai là hạ tầng, khâu vận chuyển. Trước đây đơn hàng thời gian có thể từ 4 đến 5 ngày trên toàn quốc, nhưng hiện hại chỉ dưới 2 ngày trên toàn quốc và ở thành phố lớn thì gần như là trong ngày… chính là tiềm lực để Shopee phát huy nhiều hơn nữa.

Cũng theo ông Tuấn Anh, quy mô thị trường Việt Nam rất lớn, dân số đông, tiếp cận những sản phẩm mới rất nhanh cũng như thu nhập của người dân đang tăng. Những người dân ở vùng sâu, vùng xa, biển đảo vẫn có thể tiếp cận được, gần như là không có rào cản.

Về lĩnh vực sản xuất, ở Việt Nam có đặc thù sản xuất tại nội địa rất mạnh. Đây là tiềm lực để từ đó tận dụng nguồn nhân lực có kỹ năng, có hiểu biết nhất định để phát triển nhiều hơn nữa. Đó là lý do chúng tôi đang tiếp cận từ doanh nghiệp đến những doanh nghiệp sản xuất này, phát triển từ thị trường nội địa để đi ra thế giới.

Theo Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam, Shopee có quyết tâm rất lớn trong việc kết nối những quốc gia Asean để tận dụng các thế mạnh cũng như dịch vụ đang có.

Cũng theo ông Tuấn Anh, trải nghiệm khách hàng, giải quyết khiếu nại, bảo vệ người tiêu dùng là vấn đề sống còn của doanh nghiệp thương mại điện tử, nhất là Shopee.

“Chúng tôi đã đầu tư rất lớn vào thị trường Việt Nam, có những cơ chế nhất định để kiểm soát, tăng trải nghiệm cho người tiêu dùng như giao hàng nhanh hơn, tăng sự an tâm cho người tiêu dùng. Song song với đó, chúng tôi mong có sự hướng dẫn từ các bộ, ngành cũng như địa phương trong những trường hợp cụ thể”, ông Tuấn Anh nói.

Theo thống kê của Công ty phân tích và tư vấn phát triển kênh thương mại điện tử YouNet ECI, quý II/2024, tổng giao dịch (GMV) của Shopee đạt 62.380 tỷ đồng, chiếm 71,4% thị phần. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, tổng giao dịch của Shopee lên đến 116.120 tỷ đồng, chiếm 69,7% trong khi Tiktok là 37.600 tỷ đồng, chiếm 22,6%.

Mặc dù vấp phải một số phản hồi không tích cực từ nhà bán hàng, Shopee vẫn theo đuổi chiến lược chiều chuộng người mua để giữ chân họ. Sau khi cho phép khách hàng trả sản phẩm trong vòng 15 ngày kể từ khi nhận hồi tháng 3, sàn này thử nghiệm cho khách hủy đơn ngay cả khi đang vận chuyển vào giữa tháng 6.

Trong quý II/2024, Shopee có 261.000 nhà bán, gấp hơn 2 lần TikTok (113.000 nhà bán), Lazada (104.000 nhà bán), trong khi Tiki có 8.800 nhà bán, giảm đến 19,1%.

Tại toạ đàm, PGS-TS Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ TT-TT) cho biết, tính đến hết năm 2023, lĩnh vực thương mại điện tử đã đóng góp khoảng 15-17% trong tổng giá trị của kinh tế số quốc gia.

Ngoài ra, chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số đã xác định mỗi hộ nông dân, mỗi hộ kinh doanh đều có thể trở thành những cửa hàng trực tuyến trên thương mại điện tử để tăng cường khả năng tiếp thị, quảng bá các dịch vụ của mình.

Hiện nay, Việt Nam có trên 14 triệu cửa hàng, 9 ngàn chợ, nhưng xu hướng thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt sau giai đoạn dịch COVID-19. "Không gian cho thương mại điện tử ở Việt Nam có thể đạt được mức trung bình của thế giới là rất rộng mở", ông Tuấn chia sẻ.

Hiện, Bộ TT-TT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương (trực tiếp là Cục Thương mại và Kinh tế số) cùng thúc đẩy một chương trình chung để thúc đẩy các doanh nghiệp, hộ gia đình, hộ kinh doanh, các cửa hàng bán buôn và bán lẻ là được chuyển đổi số đưa lên không gian mạng.

Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Lại Việt Anh thông tin năm 2023 thương mại điện tử Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 25%, thuộc quốc gia phát triển nhanh nhất của Đông Á, trong nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Tiềm năng phát triển thương mại điện tử còn rất rộng lớn, bởi thương mại điện tử đã chiếm khoảng 8% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
CEO Shopee Việt Nam: Thành công ở Việt Nam nhờ chi phí Internet thấp nhất Đông Nam Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO