(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 25/6, Chi hội Thẻ ngân hàng thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức cuộc họp Ban chấp hành Chi hội nhằm thảo luận các khó khăn vướng mắc trong hoạt động Thẻ của các tổ chức hội viên và bàn kế hoạch tổ chức Hội nghị nhiệm kỳ 2021 - 2024 và Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Chi hội thẻ (1996 - 2021). Tham dự cuộc họp có TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; cùng lãnh đạo Chi hội Thẻ và đại diện các tổ chức hội viên.
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phát biểu tại cuộc họp |
Tại cuộc họp, ông Đào Minh Tuấn, Chủ tịch Chi hội Thẻ đã báo cáo một số điểm nhấn trong hoạt động của Chi hội Thẻ trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021. Đồng thời nêu lên một số khó khăn, vướng mắc các ngân hàng đang gặp phải như: Chính sách phí interchange thẻ nội địa, chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chíp, một số doanh nghiệp toàn cầu không tham gia phương thức xác thực 3DS...
Ông Đào Minh Tuấn, Chủ tịch Chi hội Thẻ ngân hàng phát biểu |
Làm rõ hơn về những khó khăn vướng mắc các ngân hàng đang gặp phải, đại diện Tiểu ban Chính sách và Tiểu ban Quản lý Rủi ro của Chi hội thẻ cho biết, với chính sách phí interchange thẻ nội địa, Chi Hội thẻ đã có công văn báo cáo Vụ Thanh toán NHNN về phương án phí trao đổi thẻ nội địa, trong đó đã báo cáo 2 phương án phí trao đổi đối với giao dịch tại ATM theo đề xuất của Chi hội Thẻ và NAPAS, đồng thời đề xuất NHNN giao NAPAS chủ động rà soát, làm việc với các ngân hàng thành viên để lựa chọn phương án phù hợp. Hiện tại, NAPAS đang thực hiện khảo sát lấy ý kiến của các ngân hàng thành viên về phương án triển khai để xây dựng chính sách phù hợp trên cơ sở cân bằng lợi ích của các tổ chức thành viên.
Với việc chuyển đổi thẻ chip, các ngân hàng đang gặp một số khó khăn vướng mắc như: Chi phí liên quan đến quá trình chuyển đổi thẻ chip nội địa theo quy định của NHNN là rất lớn, dẫn đến việc các ngân hàng gặp khó khăn trong việc tính toán cân bằng hiệu quả chi phí để phê duyệt đầu tư mua sắm theo đúng quy định. Ngoài ra, thẻ Chip sẽ có thời hạn hiệu lực thay vì vô thời hạn như thẻ từ, do đó, với số lượng chuyển đổi lớn như hiện nay, các ngân hàng còn phải tính toán chi phí đầu tư gia hạn thẻ sẽ phát sinh trong 5 năm tới – khi tất cả lượng thể chuyển đổi cùng hết hạn. Bên cạnh đó, việc thực hiện chuyển đổi phụ thuộc nhiều vào sự sẵn sàng và hợp tác của chủ thẻ...
Do đó, Chi hội Thẻ đề xuất, NHNN xem xét gia hạn lộ trình chuyển đổi đối với cả hai mảng phát hành và thanh toán thẻ (ATM/ EDC) do lượng thẻ nội địa cần chuyển đổi, số ATM/ EDC cần mua sắm/ thay thế/ nâng cấp mới trên thị trường là rất lớn. Cùng với đó là có công văn kiến nghị NHNN gia hạn lộ trình chuyển đổi sau khi có kết quả cập nhật tình hình chuyển đổi thẻ chip đến hết quý III/2021.
Tại phiên họp, đại diện của Chi hội Thẻ cũng cho biết, các ngân hàng đang gặp phải khó khăn mới liên quan đến việc một số doanh nghiệp toàn cầu như Facebook, Google, Apple không tham gia phương thức xác thực 3DS. Khi phát sinh giao dịch giả mạo tại các đơn vị này thì chủ thẻ sẽ không phải chịu tổn thất tài chính do ngân hàng phát hành sẽ tra soát và đòi bồi hoàn từ đơn vị chấp nhận thẻ nhưng việc phát sinh giao dịch giả mạo sẽ ảnh hưởng tới khách hàng, tăng khối lượng công việc cho ngân hàng trong tiếp nhận giải quyết tra soát khiếu nại, ảnh hưởng đến uy tín của các ngân hàng do khách hàng hiểu lầm và đánh giá ngân hàng không đảm bảo an toàn trong giao dịch cho khách hàng.
Để giải quyết triệt để vấn đề này, Chi hội Thẻ yêu cầu các tổ chức thẻ quốc tế cần bắt buộc các đơn vị lớn như Facebook, Google, Apple phải tham gia 3DS do đây là các đơn vị đang có tỷ lệ tra soát giả mạo lớn nhất hiện nay nhằm đảm bảo tất cả các bên tham gia cùng hoạt động trong một môi trường đồng nhất các phương thức quản trị rủi ro hiện đại.
Một khó khăn nữa được nêu ra tại phiên họp, đó là chi phí viễn thông. Chi hội Thẻ cho biết, các thông báo cho chủ thẻ nêu trên được ngân hàng gửi đến qua dịch vụ tin nhắn thương hiệu mà công ty viễn thông cung cấp. Với dịch vụ này, chi phí tin nhắn của nhà mạng đang niêm yết với giá cao (800 đồng/ tin nhắn).
Trong bối cảnh giao dịch phi tiền mặt tăng mạnh trong đó có giao dịch sử dụng thẻ, dẫn đến số lượng tin nhắn phát sinh cho các giao dịch này cũng tăng đáng kể trong các năm qua. Theo đó, chi phí ngân hàng chi trả cho phần tin nhắn này qua nhà mạng viễn thông là rất lớn. Do vậy, Chi hội Thẻ đề nghị các doanh nghiệp viễn thông giảm mức phí trần của tin nhắn dịch vụ ngân hàng xuống 50% so với mức phí niêm yết hiện tại. Từ đó, giúp các ngân hàng có thêm nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Toàn cảnh phiên họp |
Tại phiên họp, Chi hội Thẻ đặc biệt lưu tâm đến những rủi ro liên quan đến thanh toán bằng thẻ cào. Theo đại diện của Tiểu ban Quản lý Rủi ro, thời gian gần đây, nhiều ngân hàng phát sinh hiện tượng các đối tượng thực hiện giao dịch gian lận thanh toán trực tuyến bằng thẻ cào điện thoại, thẻ game trên các trang thương mại điện tử với số lượng lớn.
Mặc dù đối tượng mua thẻ cào với giá trị lớn, khả năng sử dụng mã thẻ ngay sau khi phát sinh giao dịch thấp tuy nhiên hiện tại chưa có cơ chế hỗ trợ từ các nhà mạng/game để thu hồi lại các thẻ cào chưa sử dụng nên dù khách hàng khiếu nại ngay khi phát sinh giao dịch nhưng cũng chưa thu hồi được tiền về cho khách hàng.
Hiện tại, Tiểu ban Quản lý Rủi ro đang tổng hợp thông tin từ các ngân hàng thành viên về số liệu các vụ việc phát sinh. Dự kiến, tháng 7/2021, Tiểu ban sẽ gửi báo cáo chính thức đến Chi hội Thẻ về loại hình rủi ro nêu trên để có căn cứ làm việc với các cơ quan chức năng nhằm có cơ chế phối hợp xử lý thu hồi giá trị thẻ cào bị phát sinh giao dịch gian lận cũng như xem xét có hạn mức phù hợp với loại hình giao dịch mua thẻ cào nêu trên.
Phát biểu tại buổi họp, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, cuộc họp có ý nghĩa rất quan trọng nhằm đánh giá lại những khó khăn vướng mắc trong hoạt động thẻ tại các TCTD, để từ đó có những kiến nghị tới cơ quan quản lý, NHNN, các tổ chức thẻ quốc tế...
Trước những khó khăn các tổ chức hội viên đang gặp phải, nhất là trong hoạt động thẻ thanh toán, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho biết, để giải quyết các khó khăn hiện nay cần có sự đồng lòng của các tổ chức hội viên. Bên cạnh đó, công tác truyền thông về hoạt động thẻ cũng cần được tăng cường mạnh mẽ, để xã hội hiểu và cảm thông với hoạt động ngân hàng hơn.
TS. Nguyễn Quốc Hùng cũng khẳng định, với những vấn đề thuộc thẩm quyền, Hiệp hội sẽ làm việc hết trách nhiệm, nếu cần thiết sẽ có văn bản gửi tới các cơ quan quản lý và Thống đốc NHNN.
"Hiệp hội sẽ làm đến cũng để giải quyết các khó khăn vướng mắc liên quan đến hoạt động thẻ tại các tổ chức tín dụng. Qua đó, thực hiện tốt hơn trong công tác đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức hội viên của Hiệp hội", TS. Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.
Tại buổi họp Ban chấp hành Chi hội Thẻ cũng đã cho ý kiến về kế hoạch tổ chức Hội nghị nhiệm kỳ 2021 - 2024 và Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Chi hội thẻ (1996 - 2021). Theo đó, sự kiện này sẽ được tổ chức vào tuần thứ 2 trong tháng 8/2021, địa điểm tổ chức tại Quy Nhơn (Bình Định).