(thitruongtaichinhtiente.vn) - Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) đang hoàn thiện Dự thảo Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi (BHTG) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các Bộ, ngành, đơn vị liên quan.
Tại Dự thảo Chiến lược, BHTGVN xác định mục tiêu tổng quát là “Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần tích cực duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng”.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động BHTG – nền tảng vững chắc bảo vệ người gửi tiền
BHTGVN đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn hệ thống thực hiện giám sát liên tục, thường xuyên đối với 100% tổ chức tham gia BHTG trên địa bàn quản lý. Tính đến ngày 31/8/2022, BHTGVN thực hiện giám sát 1.283 tổ chức tham gia BHTG, bao gồm 97 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.181 quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), 1 ngân hàng hợp tác xã và 4 tổ chức tài chính vi mô.
Hàng năm, hoạt động kiểm tra được tăng cường thực hiện nhằm phát hiện vi phạm các quy định pháp luật về BHTG tại các tổ chức tham gia BHTG, qua đó xác định mức độ vi phạm và yêu cầu tổ chức tham gia BHTG có biện pháp khắc phục và báo cáo NHNN có biện pháp xử lý kịp thời.
Công tác tham gia kiểm soát đặc biệt và thu hồi tài sản góp phần giúp BHTGVN kiểm soát chặt chẽ QTDND yếu kém, có khả năng lâm vào tình trạng phá sản, chủ động chuẩn bị các phương án chi trả khi phát sinh nghĩa vụ chi trả tiền bảo hiểm. Từ đó, xây dựng được phương án chi trả để kịp thời trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền (nếu có).
BHTGVN cũng chủ động, tích cực cử cán bộ tham gia ban kiểm soát đặc biệt đối với một số QTDND yếu kém, phối hợp với NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố đề xuất phương án xử lý nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì an ninh trật tự tại các địa phương.
Tăng cường năng lực tài chính của tổ chức BHTG
Để khẳng định cam kết của Nhà nước trong việc bảo vệ người gửi tiền thông qua cơ chế BHTG công khai, minh bạch, hạn chế sử dụng ngân sách nhà nước trong việc xử lý ngân hàng yếu kém, BHTGVN chú trọng xây dựng nguồn quỹ BHTG đủ lớn để kịp thời xử lý đổ vỡ ngân hàng và thực hiện việc chi trả cho người gửi tiền khi xảy ra chi trả bảo hiểm tiền gửi. Đồng thời, hàng quý BHTGVN chủ động đôn đốc, hướng dẫn các tổ chức tham gia BHTG tính và nộp phí BHTG. Toàn bộ phí BHTG do tổ chức tham gia BHTG nộp cho BHTGVN được bổ sung vào Quỹ dự phòng nghiệp vụ dùng để chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền khi tổ chức tham gia BHTG không có khả năng chi trả.
Để nâng cao niềm tin của người gửi tiền đối với chính sách BHTG, BHTGVN thực hiện quản lý và đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi theo quy định của pháp luật, phân tích thận trọng diễn biến thị trường tiền tệ, tập trung đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi một cách linh hoạt giữa hai thị trường sơ cấp và thứ cấp để sinh lời; định kỳ thu hồi đầy đủ các khoản gốc và lãi đầu tư đến hạn, đảm bảo nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của BHTGVN có thể quay vòng vốn tái đầu tư, thực hiện tốt mục tiêu bảo toàn và phát triển vốn, nâng cao năng lực tài chính của BHTGVN. Tổng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi BHTGVN đã thực hiện đầu tư đến hết tháng 8/2022 là 89.709,2 tỷ đồng. Trong đó, tổng số tiền đầu tư trong 8 tháng đầu năm 2022 là 10.240,6 tỷ đồng.
Chiến lược phát triển BHTG là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 của BHTGVN. Hy vọng Chiến luợc này sớm được phê duyệt, giúp BHTGVN bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.