(thitruongtaichinhtiente.vn) - Cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế nước ta sau đại dịch, nửa đầu năm 2022, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) giữ vững tinh thần khẩn trương, quyết tâm triển khai đồng bộ các hoạt động nghiệp vụ, mục tiêu chính sách Bảo hiểm tiền gửi (BHTG), tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, không ngừng đổi mới. Nhằm cập nhật tình hình hoạt động của BHTGVN, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Bảo Lâm, Chủ tịch HĐQT BHTGVN.
PV: Thưa ông, xin ông cho biết hiện có bao nhiêu tổ chức tham gia BHTG và tình hình hoạt động của các tổ chức này thế nào?
Ông Phạm Bảo Lâm: Tính đến ngày 30/7/2022, BHTGVN đã cấp Chứng nhận tham gia BHTG cho 1.283 tổ chức tham gia BHTG, trong đó 97 ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.181 quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), 1 ngân hàng hợp tác xã và 4 tổ chức tài chính vi mô. Trong 7 tháng đầu năm 2022, tình hình hệ thống tài chính – ngân hàng hoạt động ổn định, BHTGVN không phải chi trả tiền bảo hiểm đối với người gửi tiền tại các tổ chức tham gia BHTG. Các tổ chức tham gia BHTG chấp hành tốt quy định về tính và nộp phí BHTG cũng như miễn nộp phí BHTG cho một số tổ chức tham gia BHTG đang thuộc diện kiểm soát đặc biệt theo đúng quy định của pháp luật.
Ông Phạm Bảo Lâm, Chủ tịch HĐQT BHTGVN |
PV: Một trong những mục tiêu của chính sách BHTG là góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các TCTD. Xin ông cho biết BHTGVN đã cụ thể hóa mục tiêu này thông qua hoạt động nghiệp vụ BHTG như thế nào?
Ông Phạm Bảo Lâm: Thời gian qua, BHTGVN luôn chủ động đầu tư, tích lũy, bảo toàn và phát triển nguồn vốn. Tính đến ngày 30/6/2022, tổng nguồn vốn của BHTGVN đã đạt hơn 88,8 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2021. Và đây là nguồn lực tài chính quan trọng giúp BHTGVN luôn sẵn sàng khả năng chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền khi cần thiết cũng như có thể tham gia có hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD.
BHTGVN chủ động khắc phục những hạn chế do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chuẩn bị sẵn sàng mọi nguồn lực để triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra tại chỗ và công tác giám sát từ xa một cách thường xuyên, liên tục.
Theo đó, kịp thời đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động công tác kiểm tra, thực hiện kiểm tra định kỳ đối với 153/280 tổ chức tham gia BHTG, đạt 54,6% so với kế hoạch; hoàn thành kiểm tra đối với 21/53 QTDND theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN năm 2022, đạt 39,6% so với kế hoạch. Đồng thời, tăng cường thực hiện giám sát liên tục, thường xuyên đối với 100% các tổ chức tham gia BHTG trên địa bàn quản lý; kết nối, cung cấp, trao đổi thông tin với hoạt động kiểm tra, kịp thời tham mưu, đề xuất, kiến nghị với NHNN các vấn đề phát sinh khả năng gây rủi ro, mất an toàn hệ thống.
PV: Thưa ông, được biết thời gian này BHTGVN tổng kết 10 năm thực thi Luật BHTG và đang trong quá trình đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHTG. Lý do phải tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật BHTG thời điểm này là gì, thưa ông?
Ông Phạm Bảo Lâm: Đi kèm với quá trình tái cơ cấu các TCTD, các cơ chế, chính sách đã nhiều lần được sửa đổi, tiêu biểu là Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD (2017) đã trao thêm chức năng, nhiệm vụ mới cho BHTGVN nhằm tham gia tích cực vào quá trình này. BHTGVN được giao nhiệm vụ cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt; mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ; tham gia đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi QTDND, tổ chức tài chính vi mô, công ty tài chính; tham gia xây dựng phương án phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt, tham gia Ban kiểm soát đặc biệt... Đây đều là những chức năng, nhiệm vụ chưa được quy định tại Luật BHTG. Việc nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHTG tại Việt Nam vào thời điểm này là cần thiết, đồng bộ với khuôn khổ pháp lý hiện hành, phù hợp với thực tiễn và hướng tới thông lệ quốc tế.
Chúng tôi cũng thông tin thêm rằng, trong thời kỳ dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, lan rộng trên toàn cầu cũng như tình hình chính trị - kinh tế thế giới có nhiều biến động, thực tế ghi nhận nhiều quốc gia như: Canada, Hàn Quốc, Malaysia... đã có động thái sửa đổi, bổ sung chính sách BHTG theo hướng nâng cao vị thế, tăng cường về nghiệp vụ và năng lực tài chính cũng như quyền hạn cho tổ chức BHTG nhằm đảm bảo khả năng ứng phó hiệu quả với những khó khăn có thể xảy ra đối với hệ thống tài chính – ngân hàng quốc gia.
PV: Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn những nội dung đề xuất của BHTGVN về việc này?
Ông Phạm Bảo Lâm: BHTGVN hiện đang phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng và các cơ quan liên quan đưa ra kiến nghị, đề xuất thiết thực tiến tới sửa đổi, bổ sung Luật BHTG. Theo đó, BHTGVN có ý kiến cụ thể đối với 5 nội dung chính sách dự kiến trong đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật BHTG như (i) Hoàn thiện quy định về phí BHTG; (ii) Nâng cao năng lực tài chính, hoạt động của tổ chức BHTG; (iii) Bổ sung quyền, nghĩa vụ của BHTGVN; (iv) Hoàn thiện quy định pháp luật để BHTGVN tham gia sâu hơn vào quá trình cơ cấu TCTD yếu kém tại Việt Nam; (v) Hoàn thiện quy định về thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm đảm bảo kịp thời, hiệu quả.
Việc tạo dựng hành lang pháp lý thông thoáng, rõ ràng cho hoạt động BHTG, phù hợp với thông lệ quốc tế, nâng cao vị thế và vai trò giúp BHTGVN có thể tham gia hiệu quả hơn vào quá trình cơ cấu lại hệ thống TCTD, nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của các TCTD, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.
PV: Như ông đã chia sẻ, có thể thấy kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2022 của BHTGVN là rất tích cực. Vậy theo ông thời gian tới nhóm giải pháp BHTGVN cần tập trung nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, hoàn thành tốt mục tiêu năm 2022 là gì, thưa ông?
Ông Phạm Bảo Lâm: Thời gian tới, BHTGVN tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, hoàn thiện cơ chế pháp lý và không ngừng đổi mới nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền; góp phần đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống ngân hàng. Theo đó, chúng tôi xác định nhóm giải pháp trong thời gian tới, cụ thể như sau:
Một là, tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ của thành viên Ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Luật BHTG. Chú trọng nghiên cứu, đề xuất các nội dung phù hợp với thông lệ quốc tế và định hướng Chiến lược phát triển BHTG, đặc biệt phát huy vai trò, quyền hạn của BHTGVN trong việc tham gia sâu hơn, có hiệu quả hơn trong tái cơ cấu hệ thống các TCTD theo định hướng của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD.
Hai là, xây dựng Chương trình hành động cụ thể để thực hiện Chiến lược phát triển BHTG, chuẩn bị sẵn sàng để triển khai hiệu quả các nội dung đề ra ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược.
Ba là, tập trung các nguồn lực nhằm hoàn thành kế hoạch kiểm tra, giám sát các tổ chức tham gia BHTG, đặc biệt kiểm tra QTDND theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN.
Bốn là, chủ động chuẩn bị và sẵn sàng tham gia vào quá trình cơ cấu lại, xử lý các QTDND theo chỉ đạo của NHNN phù hợp với các qui định của pháp luật về BHTG;
Năm là, chủ động phối hợp với chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố và các đơn vị liên quan, tăng cường tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHTG, hỗ trợ sửa đổi Luật BHTG và việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển BHTG;
Sáu là, tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức, tăng cường năng lực tài chính, năng lực hoạt động, chú trọng nâng cao trình độ cán bộ, ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ BHTG, tiệm cận các chuẩn mực quốc tế về cơ chế BHTG để phát huy tốt hơn nữa vai trò bảo vệ người gửi tiền.