(thitruongtaichinhtiente.vn) - Mặc dù chịu tác động nặng nề từ đại dịch, kinh tế Việt Nam vẫn được dự báo tăng trưởng khá tích cực trong năm 2020. Bên cạnh đó, để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Chính phủ đã xem xét đưa ra gói hỗ trợ chưa có tiền lệ cho hàng triệu người dân trong đại dịch.
Theo Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế thuộc Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam, mặc dù tăng trưởng kinh tế GDP năm 2020 không thể đạt 6,0% do ảnh hưởng của đại dịch Covid-1, nhưng các chuyên gia cả trong nước và quốc tế đều có những dự báo tương đối lạc quan về kinh tế Việt Nam.
Hai kịch bản cho kinh tế Việt Nam năm 2020
Đến thời điểm này, các chuyên gia nói đến 2 kịch bản diễn biến của đại dịch: kịch bản cơ sở và kịch bản rất xấu.
Theo đó, kịch bản “cơ sở” là dịch bệnh lan rộng sang Tây Âu và Bắc Mỹ, kèm tốc độ tăng nhanh số ca nhiễm tại Việt Nam. Giả thuyết ở đây là dịch bệnh sẽ kéo dài ít nhất đến tháng 5-6 và chậm nhất tháng 7 tuyên bố hết dịch, tăng trưởng kinh tế hai quý đầu năm sẽ rất thấp; tăng trưởng nửa cuối năm sẽ mạnh do các nước đồng loạt kích thích kinh tế. Trong dự báo của Bộ Kế hoạch đầu tư đưa ra hồi tháng 2, nếu dịch kéo dài đến quý II, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ là 6%. Nhưng đây vẫn là một con số rất thách thức với điều kiện các chính sách tài khóa và tiền tệ thành công.
Còn với kịch bản “rất xấu” là khi đại dịch kéo dài dẫn đến khủng hoảng kinh tế, khởi nguồn cho khủng hoảng tài chính. Với trường hợp này, GDP năm nay chắc chắn sẽ đạt thấp. Tuy nhiên, các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dù có hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam so với báo cáo trước đó, nhưng vẫn đặt ở mức khá cao.
Trong Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO 2020) công bố ngày 3/4, ADB dự báo nền tảng kinh tế Việt Nam vẫn được đánh giá vững mạnh. GDP năm 2020 được dự báo tăng 4,8%. Nếu đại dịch được khống chế trong nửa đầu năm 2020, tốc độ này sẽ là 6,8% trong năm 2021. ADB cho rằng, dù các hoạt động kinh tế đi xuống và các rủi ro do đại dịch vẫn còn, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.
Trước đó, trong Báo cáo cập nhật kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương số tháng 4/2020 “Đông Á và Thái Bình Dương thời Covid-19”, WB dự báo mức tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2020 sẽ giảm từ mức 6,5% dự báo trước đó xuống 4,9% trong năm 2020. Trong trung hạn, tăng trưởng dự báo sẽ lên đến 7,5% trong năm 2021 và quanh mức khoảng 6,5% năm 2022.
Không bỏ rơi hàng triệu người dân trong đại dịch
Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, Chính phủ đã xem xét Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. Đây được xem là gói hỗ trợ chưa có tiền lệ cho hàng triệu người dân trong đại dịch.
Theo dự thảo Nghị quyết, tổng số tiền dự kiến hỗ trợ từ NSNN khoảng là 35.880 tỷ đồng, chưa bao gồm số tiền dự kiến cho vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) là 16.200 tỷ đồng. Cụ thể, việc hỗ trợ bao gồm các khoản sau:
Hỗ trợ thêm (ngoài mức trợ cấp thường xuyên) 500.000 đồng/người/tháng trong 3 tháng từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 cho các đối tượng là người có công với cách mạng (1,135 triệu người) đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng (dự kiến tổng số tiền hỗ trợ từ NSNN là 6.470 tỷ đồng, tổng số người được hỗ trợ 4,315 triệu người);
Hỗ trợ 1.000.000 đồng/hộ/tháng trong 3 tháng từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 cho các đối tượng là hộ nghèo (984.000 hộ), hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia trong danh sách đến ngày 31 tháng 12 năm 2019 (dự kiến tổng số tiền hỗ trợ từ NSNN là 6.730 tỷ, tổng số hộ được hỗ trợ 2.244.000 hộ);
Hỗ trợ 1.800.000 đồng/người/tháng trong 3 tháng từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 cho các đối tượng là người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương tại các doanh nghiệp (dự kiến tổng số tiền hỗ trợ từ NSNN là 5.400 tỷ đồng, tổng số lao động được hỗ trợ 1 triệu lao động);
Người sử dụng lao động được vay NHCSXH với lãi suất 0%, thời hạn không quá 12 tháng, mức vay tối đa theo 50% mức lương tối thiểu vùng/tháng/người để trả lương cho người lao động bị ngừng việc trong 3 tháng và có trách nhiệm trả số tiền lương ngừng việc còn lại cho người lao động (dự kiến số tiền cho vay là 16.200 tỷ đồng, tổng số lao động được hỗ trợ 3 triệu lao động);
Hỗ trợ 1.000.000 đồng/hộ/tháng trong 3 tháng từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 cho đối tượng là hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ (dự kiến tổng số tiền hỗ trợ từ NSNN là 2.280 tỷ đồng, tổng số hộ kinh doanh cá thể được hỗ trợ 760 ngàn hộ);
Hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng trong 3 tháng từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 cho các đối tượng là người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; lao động không có giao kết hợp đồng lao động, mất việc làm (dự kiến tổng số tiền hỗ trợ từ NSNN là 15.000 tỷ đồng, tổng số lao động được hỗ trợ là 5 triệu lao động).
Trường hợp đối tượng hỗ trợ thuộc diện được hưởng từ 2 chính sách hỗ trợ trở lên tại Nghị quyết này thì chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ cao nhất. Về nguồn để sử dụng cho việc hỗ trợ, Thủ tướng nêu rõ, có nguồn từ tiết kiệm chi thường xuyên như giảm chi cho hội nghị, hội thảo, đi công tác nước ngoài, giảm tổ chức các lễ hội. Bên cạnh đó, có nguồn từ tăng thu 2019 và sử dụng nguồn dự phòng ngân sách năm 2020 và các nguồn hợp pháp khác.