Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 67/NQ-CP ngày 2/5 về đề nghị xây dựng dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo trình tự, thủ tục rút gọn, dự kiến trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp Quốc tháng 5/2023.
Theo đó, Chính phủ quyết nghị thông qua đề nghị xây dựng dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế GTGT như đề nghị của Bộ Tài chính. Chính phủ giao Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ trong quá trình xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội theo đúng quy định; chịu trách nhiệm về các nội dung, số liệu, báo cáo, đề xuất.
Chính phủ cũng quyết nghị giao Bộ trưởng Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự án Nghị quyết về giảm thuế GTGT vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Chính phủ cũng đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho phép xây dựng dự thảo nghị quyết này theo trình tự, thủ tục rút gọn và trình Quốc hội thông qua theo quy trình một kỳ họp vào cuối tháng 5.
"Tờ trình báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cần nêu nội dung đề nghị Đảng đoàn Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị về chủ trương giảm thuế GTGT để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn hiện nay", Chính phủ lưu ý với Bộ Tư pháp.
Trung tuần tháng 4, Bộ Tài chính đề xuất giảm 2% thuế GTGT với hàng hoá, dịch vụ có thuế suất 10%. Cơ sở kinh doanh khi xuất hoá đơn sẽ được giảm 20% mức tỷ lệ phần trăm để tính thuế. Chính sách này dự kiến áp dụng đến hết năm 2023.
Trước đó, vào năm 2022, giảm thuế GTGT về 8% cũng được Chính phủ áp dụng để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch. Theo Bộ Tài chính, việc áp dụng tiếp chính sách này năm nay là cần thiết nhằm kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh sớm phục hồi và đóng góp trở lại ngân sách.
Việc giảm thuế GTGT 2% trong năm 2022 được các doanh nghiệp, Hiệp hội đánh giá là chính sách hỗ trợ kịp thời đã giúp chính sách nhanh đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả cao, tác động nhanh và trực tiếp tới doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Nếu kéo dài thời gian hỗ trợ giảm thuế GTGT sẽ giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn lực để đảm bảo đủ nguồn cung, ổn định giá cả, qua đó người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi. Thậm chí, chính sách giảm thuế GTGT được coi là một biện pháp trợ lực tài chính mạnh mẽ của Chính phủ đối với nền kinh tế và có thể tạo động lực tốt cho sự phục hồi của doanh nghiệp, khuyến khích tiêu dùng.
Theo Bộ Tài chính ước tính, ngân sách giảm thu 5.800 tỷ đồng mỗi tháng và 35.000 tỷ đồng trong 6 tháng cuối năm nay.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề xuất hạ mức thu 35 khoản phí, lệ phí trong nửa cuối năm (tương đương giảm thu 700 tỷ đồng) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.