Hoạt động ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước khu vực 12: Tín dụng khởi sắc, mặt bằng lãi suất duy trì mức thấp

ThS. Trần Trọng Triết 09/04/2025 14:15

Nhu cầu vốn tín dụng trở lại khi mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp, đẩy tín dụng ngân hàng Khu vực 12 tăng dần về cuối quý đầu năm nay.

hinh-giao-dich-1(1).jpg
Ảnh minh họa

Tín dụng khởi sắc

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 12 thuộc vùng Đông Nam Bộ, là vùng kinh tế năng động của cả nước, có tầm ảnh hưởng lớn nhờ vào sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, dịch vụ logistics và đô thị hóa, có đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, vào thu hút đầu tư nước ngoài và giải quyết việc làm.

Bên cạnh đó, nhiều dự án lớn trong khu vực cũng tạo động lực quan trọng, thúc đẩy sự chuyển mình toàn diện cho phát triển kinh tế như: Cảng hàng không quốc tế Long Thành; dự án điện khí Nhơn Trạch 3, 4; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu... Đây là khu vực có rất nhiều tiềm năng để thu hút vốn huy động cũng như khả năng tăng quy mô dư nợ tín dụng trong thời gian tới.

Do đó, để góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của cả nước tối thiểu 8% và 5 tỉnh của Khu vực 12 từ 8 - 10%; Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả nước 16% (tăng 2,5 triệu tỷ đồng).

Với mức tăng trưởng chung này thì ngành Ngân hàng Khu vực 12 cần tăng thêm quy mô tín dụng khoảng 189 nghìn tỷ đồng. Đây là một thách thức cần sự nỗ lực vào cuộc của cả ngành Ngân hàng trong khu vực, sự hợp tác từ khách hàng, doanh nghiệp và sự hỗ trợ tạo điều kiện của hệ thống chính trị nói chung, đặc biệt là sự quan tâm của chính quyền các địa phương.

Hoạt động tín dụng trên địa bàn ngành Ngân hàng Khu vực 12 trong quý I/2025 đã khởi sắc. Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng (TCTD) Khu vực 12 đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, bình quân cả khu vực tăng 2,06% so với cuối năm 2024.

Tổng dư nợ tín dụng đến cuối tháng 3/2025 của Khu vực 12 ước đạt hơn 1,1 triệu tỷ đồng, tăng 0,86% so với đầu năm, trong đó tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu có mức tăng trưởng khá. Mức tăng trưởng này cho thấy dòng vốn tín dụng đã và đang được khơi thông hiệu quả vào nền kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế địa phương.

Dòng chảy tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên tiếp tục tăng trưởng ổn định, gói tín dụng lãi suất ưu đãi cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản tiếp tục giải ngân tốt, gói tín dụng ưu đãi 145 nghìn tỷ cho vay nhà ở xã hội sau thời gian triển khai quyết liệt cũng đã bắt đầu phát sinh dư nợ cho vay…

Đáng chú ý, chất lượng tín dụng trên địa bàn vẫn được kiểm soát tốt. Ước tính đến cuối tháng 3/2025, tỷ lệ nợ xấu của các TCTD chiếm 1,79% trong tổng dư nợ, duy trì dưới ngưỡng cho phép là 3%. Điều này cho thấy, các TCTD đã có sự thận trọng trong hoạt động cấp tín dụng, đảm bảo an toàn và hiệu quả của nguồn vốn.

Những kết quả tăng trưởng tín dụng trong quý I/2025 là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy sự phục hồi và thích ứng của nền kinh tế, cũng như sự chủ động và hiệu quả trong điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước và hoạt động của các TCTD. Việc tập trung nguồn vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các chương trình ưu tiên sẽ tiếp tục tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế trong những quý tiếp theo. Dư nợ tín dụng các chương trình tín dụng đạt những con số đáng khích lệ, thể hiện sự vào cuộc tích cực của hệ thống ngân hàng trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Chính phủ.

Mặt bằng lãi suất duy trì mức thấp

Ông Tạ Thành Long, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 12 chia sẻ, ngay từ đầu năm Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2025. Chỉ thị yêu cầu các TCTD ổn định lãi suất huy động để giữ vững ổn định lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp. Đến ngày 20/3, lãi suất cho vay bình quân của TCTD giảm 0,4% so với cuối năm 2024.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi các TCTD thông báo công khai, minh bạch về nguyên tắc giao tăng trưởng tín dụng năm 2025 để các TCTD chủ động triển khai thực hiện, cung ứng vốn ra nền kinh tế ngay từ đầu năm.

Tiếp tục triển khai lộ trình hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng TCTD theo Nghị quyết số 62/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội, thông báo cho nhóm ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, ngân hàng hợp tác xã và các TCTD phi ngân hàng được chủ động kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2025.

Đặc biệt, ngành Ngân hàng Khu vực 12 thuộc vùng Đông Nam Bộ là vùng kinh tế năng động của cả nước, có tầm ảnh hưởng lớn nhờ vào sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, dịch vụ logistics và đô thị hóa, có đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, vào thu hút đầu tư nước ngoài và giải quyết việc làm. Ngoài ra, nhiều dự án lớn trong khu vực cũng tạo động lực quan trọng, thúc đẩy sự chuyển mình toàn diện cho phát triển kinh tế...

Về động thái áp thuế của Mỹ với Việt Nam gần đây, ông Long cho rằng, sức ép lạm phát sẽ không đáng ngại, chưa đủ gây sức ép lên chính sách tiền tệ. Cầu tiêu dùng trong nước vẫn đang phục hồi tốt, nhưng chưa thực sự mạnh mẽ đủ tạo sức ép lên lạm phát.

Hơn nữa, Việt Nam luôn có khả năng tự chủ về lương thực, nguồn cung hàng hóa - dịch vụ thiết yếu luôn được đảm bảo. Đặc biệt, Chính phủ vẫn có trong tay một số công cụ và thể hiện quyết tâm ổn định mặt bằng giá như đảm bảo lộ trình điều chỉnh giá của một số mặt hàng, dịch vụ công thiết yếu.

Tuy nhiên, yếu tố chịu tác động lớn nhất giai đoạn này là tỷ giá. Trong bối cảnh các yếu tố bất định và chưa có kết quả cuối cùng về các quyết định áp thuế quan, tỷ giá sẽ biến động nhiều hơn trong ngắn hạn. Các lo ngại về rủi ro thuế quan có thể khiến dòng vốn đầu tư đăng ký và giải ngân chậm lại. Ngoài ra, các hoạt động xuất khẩu (đặc biệt xuất khẩu tới thị trường Mỹ) có thể chậm lại.

Về lãi suất, ông Long cho rằng, lãi suất huy động có thể ổn định trong thời gian tới; trong khi lãi suất cho vay duy trì ở ngưỡng thấp, hỗ trợ các doanh nghiệp. Tuy vậy, lãi suất cho vay vẫn có sự phân hóa giữa từng ngành nghề và doanh nghiệp, cũng như khẩu vị rủi ro giữa các ngân hàng thương mại, theo chiều hướng tạo điều kiện thuận lợi để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, hướng tới phát triển các yếu tố nội tại trong nước.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 12 sẽ chỉ đạo các TCTD triển khai thiết thực, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng trên cơ sở rà soát, đơn giản hóa và rút ngắn quy trình thủ tục, tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số để đẩy nhanh tốc độ, thời gian xử lý đề nghị của khách hàng đi đôi với việc tuân thủ đúng các quy định của pháp luật để đảm bảo an toàn hoạt động, tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay;

Đồng thời, tích cực thực hiện hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp bằng hình thức phù hợp để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của khách hàng; đẩy mạnh triển khai chương trình tín dụng cho vay đối với chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ, chương trình tín dụng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản và các chương trình tín dụng khác. Qua đó duy trì đà tăng trưởng tín dụng ổn định và hỗ trợ mạnh mẽ cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế Đông Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung trong năm 2025.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng Nhà nước khu vực 12: Tín dụng khởi sắc, mặt bằng lãi suất duy trì mức thấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO