(thitruongtaichinhtiente.vn) - Thông tin từ 17 ngân hàng thương mại niêm yết cho thấy nợ xấu tăng đáng kể trong quý III/2020. Giới chuyên môn dự báo, nhiều khả năng nợ xấu trong lĩnh vực ngân hàng sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Qua tổng hợp các báo cáo kinh doanh của 17 ngân hàng niêm yết (Vietcombank, VietinBank, VPBank, ACB, Sacombank, MB, VIB, SHB, HDBank, TPBank, Lienvietpostbank, Eximbank, Kienlongbank, NCB, BacABank…), Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, tính đến cuối tháng 9/2020, các ngân hàng này ghi nhận 97.280 tỷ đồng nợ xấu, tăng 30,7% so với cuối năm 2019 và tỷ lệ nợ xấu tương đương 1,8% tổng tài sản.

 

Theo VDSC, con số này phù hợp với tỷ lệ nợ xấu mà NHNN công bố là dưới mức 2,0%, một phần nhờ các biện pháp tạm thời do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành nhằm nới lỏng các quy định về ghi nhận nợ xấu của các ngân hàng đối với các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.

Nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cuối năm, bên cạnh giảm lãi suất huy động, các ngân hàng cũng hạ lãi suất cho vay. Có thể kể đến như: Từ tháng 10/2020, Vietcombank cho vay đối với DNVVN với lãi suất ưu đãi 5,9%/năm đối với các khoản vay phục vụ mục đích kinh doanh; Agribank cũng cắt giảm lãi suất cho vay lần thứ 4 trong năm nay với mức cắt giảm 0,3 điểm %; MBB cũng áp dụng lãi suất cho vay doanh nghiệp từ 6,8%/năm, với hạn mức 80% nhu cầu vốn trong thời gian tối đa 180 tháng.

Báo cáo của VDSC cho biết, tính đến ngày 26/10/2020, tăng trưởng tín dụng ước tính đạt 6,2% so với đầu năm, tăng với tốc độ chậm so với mức tăng 6,1% vào cuối tháng 9/2020. Với các diễn biến trên, các chuyên gia của VDSC dự báo: Tăng trưởng tín dụng năm 2020 vào khoảng 9,0%, trước khi cải thiện lên mức 12,0 -13,0% vào năm 2021.

“Với giả định tăng trưởng tín dụng đạt 9,0% so với cùng kỳ vào năm 2020, chúng tôi ước tính tỷ lệ nợ xấu (không bao gồm các khoản đã bán cho VAMC) sẽ khoảng 2,4% vào cuối năm 2020”, VDSC nhận định.

Lý giải nợ xấu tăng trong những tháng đầu năm 2020, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2020 mới đây, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, tác động nghiêm trọng mọi mặt đời sống kinh tế. Hoạt động ngân hàng là trung gian tài chính,người gửi tiền cũng là doanh nghiệp và người dân mà người vay tiền cũng là doanh nghiệp và người dân.

Theo Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, khi doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn, nguồn thu giảm, khả năng trả nợ sẽ gặp nhiều khó khăn đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ xấu tăng.

Ngoài ra, một nguyên nhân nữa là vấn đề kỹ thuật tính toán, trong bối cảnh tác động của COVID-19, tình hình kinh tế khó khăn, cầu tín dụng không cao như những năm trước, do đó, tỷ lệ tương đối nợ xấu/dư nợ phát sinh cũng tăng lên.

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết thêm, nếu tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp chưa rõ thời điểm kết thúc, gây khó khăn cho doanh nghiệp, thương mại quốc tế, thương mại dịch vụ bị ảnh hưởng, nhiều khả năng làm nợ xấu hệ thống ngân hàng tăng lên.

“Để kiểm soát nợ xấu NHNN cũng đã giao các đơn vị chức năng đánh giá, dự báo, phân tích và đề ra biện pháp ứng phó tình hình, bảo đảm an toàn hệ thống, các TCTD”, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ.

Trên thực tế, để tháo gỡ khó khăn, thời gian qua NHNN đã chủ động triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, NHNN đã chủ động vào cuộc nhanh chóng ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đồng thời, chỉ đạo các TCTD thực hiện cơ cấu miễn giảm lãi, hoãn giãn nợ toán nợ, gỡ khó cho doanh nghiệp và người dân.

Số liệu từ NHNN cho biết, đến ngày 28/9/2020, các tổ chức tín dụng đã tái cơ cấu thời hạn trả nợ đối với hơn 272.115 khách hàng với dư nợ cho vay khoảng 331.013 tỷ đồng, tương đương 3,8% tổng dư nợ của toàn hệ thống.

“Chúng tôi cho rằng không phải tất cả các khoản vay được tái cơ cấu sẽ chuyển thành nợ xấu. Tuy nhiên, nhiều khả năng nợ xấu tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do ảnh hưởng của đại dịch, và vượt ngưỡng 3,0% do NHNN đặt ra vào năm 2021”, VDSC dự báo.

Theo đánh giá của VDSC, ngoài khả năng hình thành nợ xấu tăng mạnh, tác động cuối cùng lên sức khỏe hệ thống ngân hàng còn phụ thuộc vào sự kết hợp của các yếu tố khác, bao gồm: Mức nợ xấu tiềm ẩn sẽ được ghi nhận; mức tỷ lệ nợ xấu mà NHNN có thể chấp nhận được; khả năng NHNN sửa đổi Thông tư 01 nhằm kéo dài thời gian gia hạn việc phân loại nợ xấu; tốc độ phục hồi kinh tế để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng.

VDSC cũng nhận định, sự phục hồi của tăng trưởng tín dụng thường chậm hơn so với phục hồi hoạt động kinh tế. Do đó, sau khi cân nhắc các yếu tố trên, VDSC cho rằng: “NHNN có thể sẽ kéo dài chính sách hỗ trợ (cụ thể là Thông tư 01) gồm các biện pháp gia hạn thời gian trả nợ hoặc hoãn ghi nhận nợ xấu”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chu kỳ nợ xấu mới trong bối cảnh COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO