Ngân hàng Xanh và Phát triển bền vững

Chủ tịch ACB: Sống và thở với khát vọng “Ta để lại gì cho mai sau?’’

Minh Ngọc 01/11/2023 09:43

Với tinh thần đồng hành cùng Chính phủ, thực hiện trách nhiệm của mình trong việc thực hiện các quy định pháp luật về biến đổi khí hậu và mục tiêu phát thải ròng bằng “0”, các tổ chức, doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về vấn đề này và biến nhận thức đó thành hành động cụ thể.

Đây là thông điệp từ Chủ tịch HĐQT Trần Hùng Huy trong Báo cáo Phát triển bền vững 2022 vừa chính thức phát hành của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB). Đây cũng là ngân hàng đầu tiên công bố báo cáo riêng về phát triển bền vững (ESG).

5631_acb3(1).jpg
Thông điệp từ Chủ tịch HĐQT ACB Trần Hùng Huy

Kỳ vọng lan tỏa hành động xanh và làm thay đổi nhận thức bảo vệ môi trường của người dân Việt Nam

Chủ tịch Trần Hùng Huy cho rằng, ngày nay, con người đang đối mặt với những thách thức sinh môi vô cùng lớn như: Biến đổi khí hậu, ô nhiễm (không khí, nguồn nước...), hiện tượng ấm lên toàn cầu, tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, mất đi sự đa dạng sinh học,... Nguồn cơn là sự tác động, khai thác quá mức, và/hoặc sự đối xử sai lầm của con người đối với trái đất. Liên hợp quốc đã kêu gọi các quốc gia cùng với tổ chức, cá nhân trong mỗi quốc gia chung tay ngăn chặn quá trình tàn phá môi trường sống của các thế hệ tương lai.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu COP26 diễn ra ở Glasgow (Scotland) năm 2021, Việt Nam và nhiều nước trên thế giới đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" (Net Zero) vào năm 2050. Chính phủ đã và đang xây dựng hành lang pháp lý để triển khai cam kết này, như ban hành Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 25/7/2022 phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050...

Báo cáo ghi nhận, trong 10 năm qua, ACB đã thực hiện một số bước đi cụ thể như: Giảm sử dụng nhựa, giấy..., thay vào đó là vật liệu thân thiện với môi trường; xây dựng và nâng cao nhận thức của nhân viên về bảo vệ môi trường; sống và hành động “xanh” khi có thể, lan tỏa tinh thần “Cùng ACB trân trọng trái đất này” đến khách hàng, đối tác và các cộng đồng dân cư nơi ACB hiện diện.

Phát triển bền vững ở ACB, về cơ bản, là kiên trì thực thi các nguyên tắc và thông lệ quản trị công ty vì lợi ích chung của ngân hàng; ngày càng nâng cao chất lượng các hoạt động xã hội liên quan đến nhân viên, khách hàng và cộng đồng; mở rộng các hoạt động tiết kiệm tài nguyên, giảm ô nhiễm, giảm chất thải, giảm phát thải khí các-bon; góp phần thực thi cam kết của Chính phủ vì mục tiêu Net Zero vào năm 2050.

Chủ tịch HĐQT ACB Trần Hùng Huy

Là một trong những ngân hàng lớn tại Việt Nam, ACB cho biết đã thực hành phát triển bền vững để vừa thể hiện vai trò và trách nhiệm, vừa thể hiện lòng yêu đất nước và đồng bào của mình. Năm 2022, ngân hàng đã được vinh danh bởi một loạt giải thưởng: “Top 50 doanh nghiệp phát triển bền vững năm 2022” (Tạp chí Nhịp cầu Đầu tư); “Ngân hàng bền vững tốt nhất châu Á năm 2022 (Tạp chí International Banker, UK); “Ngân hàng có trách nhiệm xã hội tốt nhất Việt Nam năm 2022” và “Ngân hàng có quản trị công ty tốt nhất Việt Nam năm 2022” (Tạp chí Global Banking and Finance Review, UK); “ACB – Một trong những tổ chức có môi trường làm việc tốt nhất châu Á năm 2022” (HR Asia).

Mục tiêu của ACB là “Lấy mô hình ESG của ACB làm nền tảng để khuyến khích các bên hữu quan áp dụng ESG và nhân rộng mô hình này đến ngày càng nhiều cá nhân và tổ chức tại Việt Nam.”

acb1.jpg
ACB chú trọng vào 13/17 Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Nguồn: Báo cáo Phát triển bền vững 2022, ACB

Vì vậy, ACB hướng tới việc duy trì và nâng cao sự tín nhiệm đối với ngân hàng bằng việc thực hành quản trị công ty tốt, đảm bảo các chức năng quản trị, kiểm soát và điều hành được thực thi vì quyền lợi của cổ đông và các bên hữu quan khác. Cam kết về phát triển bền vững này được lồng ghép vào chiến lược phát triển của ACB bao gồm việc tăng trưởng đều đặn và bền vững để đáp ứng kỳ vọng của cổ đông; nâng cao trải nghiệm cho khách hàng; xây dựng và duy trì môi trường làm việc có sức thu hút, động viên và giữ chân nhân tài. Đồng thời, ACB cũng hướng tới "net zero" với kỳ vọng lan tỏa những hành động xanh đến các bên hữu quan và làm thay đổi nhận thức bảo vệ môi trường của 1 triệu người dân Việt Nam trong vòng 5 năm tới.

Đại diện ACB cho biết, ngân hàng đang thực hiện tích hợp các yếu tố bền vững vào chiến lược kinh doanh với mong muốn góp phần gìn giữ một môi trường sống tốt hơn cho thế hệ mai sau thông qua kinh doanh bền vững và sự trân trọng đối với môi trường và xã hội. Từ đó, ngân hàng kỳ vọng rằng, mô hình ESG của ACB sẽ là nguồn cảm hứng để khuyến khích các doanh nghiệp, đối tác, khách hàng cùng thực hành ESG.

"Chúng tôi tin rằng, trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nói riêng, ACB sẽ sống và thở với khát vọng "Ta để lại gì cho mai sau?" và kỳ vọng nhận được sự đồng hành tích cực của các bên hữu quan khác để “Cùng ACB trân trọng Trái đất này”, Chủ tịch ACB bày tỏ.

Ý thức được quản trị hiệu quả chính là yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của một tổ chức, ACB luôn duy trì các tiêu chuẩn cao nhất về đạo đức kinh doanh, nguyên tắc quản trị và báo cáo chính xác, minh bạch. ACB cam kết tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật và Nhà nước nhằm hướng tới môi trường kinh doanh “sạch” và đem tới giá trị bền vững cho các bên hữu quan.

Báo cáo Phát triển bền vững 2022

Quản lý rủi ro về phát triển bền vững

Cũng tại báo cáo Phát triển bền vững (ESG), ACB nhận thức rằng, rủi ro ESG có thể tạo ra những tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến các loại rủi ro trọng yếu khác của ngân hàng. Do đó, quản lý rủi ro về phát triển bền vững tại ACB được lồng ghép vào công tác quản lý rủi ro tại ngân hàng đối với các rủi ro cụ thể, bao gồm: Rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động, rủi ro thị trường, rủi ro thanh khoản và rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng.

Các rủi ro này được theo dõi và đánh giá thường xuyên nhằm giảm thiểu tác động tới các hoạt động của ngân hàng, quyền lợi của cổ đông, khách hàng và đối tác. Đồng thời, với việc tích hợp các yếu tố về phát triển bền vững vào quản lý rủi ro, ACB cũng hướng tới kiểm soát tốt những ảnh hưởng tiểm tàng về khía cạnh môi trường, xã hội và quản trị có liên quan đến hoạt động của Ngân hàng.

Rủi ro tín dụng

ACB tích hợp phát triển bền vững vào công tác quản lý rủi ro tín dụng thông qua việc định hướng, áp dụng chính sách tín dụng, chú trọng đến vấn đề môi trường; nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng; cải thiện chất lượng môi trường và bảo vệ sức khỏe con người; đảm bảo phát triển bền vững theo mục tiêu và nhiệm vụ tại Chỉ thị 03/CTNHNN của Ngân hàng Nhà nước ngày 24/3/2015 về việc "Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng”. Đồng thời, hoạt động cho vay của ACB đối với khách hàng đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường và các Thông tư hướng dẫn có liên quan.

Trong những năm vừa qua, ACB kiên quyết nói “không” trong việc tài trợ các dự án liên quan đến ảnh hưởng môi trường.

395607828_7192654270796538_5392045323387491329_n.jpg
ACB là ngân hàng đầu tiên công bố báo cáo riêng về phát triển bền vững

Để đảm bảo vốn tài trợ được sử dụng đúng vào mục tiêu phát triển bền vững, kết quả đánh giá tác động môi trường và xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định tài trợ, ACB đánh giá nghiêm ngặt các dự án trước khi thực hiện việc chấp thuận tài trợ. Đồng thời, việc quản lý và kiểm soát rủi ro tác động môi trường, xã hội được ACB theo dõi sát sao thông qua việc tuân thủ các quy định về kiểm tra giám sát mục đích sử dụng vốn, đảm bảo hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong quá trình nhận tài trợ không trực tiếp hay gián tiếp ảnh hưởng đến môi trường và xã hội theo các cam kết và trách nhiệm của khách hàng đã được đánh giá tại thời điểm ACB xem xét tài trợ. Qua đó, ACB đảm bảo việc tài trợ thực hiện đúng với mục tiêu đã đề ra và không vi phạm mục tiêu về phát triển bền vững của ACB.

Bên cạnh đó, ACB đã và đang tích cực triển khai việc tin học hóa nhiều chương trình, nghiệp vụ tín dụng từ năm 2020. Kết quả mang lại không chỉ dừng ở việc chuẩn hóa các quy trình triển khai, hạn chế sai sót, hỗ trợ kiểm soát rủi ro hiệu quả, mà còn góp phần kiểm soát rủi ro môi trường – xã hội thông qua tiết giảm sử dụng các tài nguyên giấy (in ấn, lưu trữ hồ sơ/chứng từ) cũng như chi phí nhân sự xử lý.

Quản lý rủi ro hoạt động

Hạng mục an toàn nơi làm việc, bao gồm khả năng xảy ra tổn thất do thực thi không phù hợp quy định bảo vệ sức khỏe người lao động, khách hàng và các sự kiện bên ngoài gây ảnh hưởng đến an toàn của người lao động, khách hàng là một trong chín loại rủi ro hoạt động được xác định tại ACB. Khối Quản lý rủi ro thực hiện việc theo dõi các sự cố, sự kiện thiên tai, dịch bệnh trước, trong và sau khi xảy ra nhằm đảm bảo giảm thiểu thấp nhất mức độ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, an toàn sức khỏe nhân viên, dịch vụ cung cấp khách hàng.

Hiện tại rủi ro liên quan đến an toàn nơi làm việc đang "xanh - green" với tần suất xảy ra hiếm và mức độ tác động thấp. Đối với các nhà cung cấp, ACB luôn thực hiện đánh giá tác động môi trường và đánh giá an sinh - xã hội trước khi áp dụng tiêu chí lựa chọn nhà cung cấp. Định kỳ hằng năm, ACB thực hiện đánh giá hoạt động của các nhà cung cấp để đảm bảo chất lượng dịch vụ nhằm đưa ra phương án ứng xử phù hợp.

Quản lý rủi ro thanh khoản

ACB luôn hướng đến hệ thống quản trị rủi ro với mục tiêu "khách hàng là trọng tâm" và bảo vệ quyền lợi của cổ đông. Năm 2022, ACB hoàn thành xây dựng và triển khai chính thức các nội dung trọng yếu của quy định đánh giá an toàn thanh khoản của Ngân hàng Trung Ương châu Âu (ILAAP) và chuẩn mực Basel III và đã được KPMG rà soát độc lập về tính tuân thủ, đáp ứng đúng đủ.

Việc hoàn thành Basel III và ILAAP giúp ACB cải thiện khả năng chống chịu trước những rủi ro hệ thống, xử lý khủng hoảng tài chính cũng như tối ưu hóa phương án tăng vốn khi có nhu cầu, từ đó chủ động ứng phó trong điều kiện liên quan đến rủi ro thanh khoản. Thực tế, ACB đã duy trì được vị thế và quản lý hiệu quả dòng tiền chi trả trong bối cảnh thị trường gặp khó khăn về thanh khoản những tháng cuối năm 2022. Qua đó, giúp cho đối tác, khách hàng an tâm hơn về sức mạnh tài chính, đảm bảo và ưu tiên quyền lợi của khách hàng, cổ đông, nhà đầu tư như lời cam kết của ACB.

Quản lý rủi ro thị trường và rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng

ACB cân đối cơ cấu tỷ trọng, kỳ hạn các tài sản nợ và tài sản có trên sổ ngân hàng nhằm hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của biến động lãi suất đến thu nhập lãi thuần và giá trị kinh tế của ngân hàng, đặc biệt trong thời điểm có nhiều biến động về lãi suất. Tiếp nối với thành công trong việc hoàn thành Basel III đối với rủi ro thanh khoản trong năm 2022, ACB sẽ tiếp tục xây dựng, rà soát khung quản trị, chính sách, quy trình và phương pháp nhận diện, đánh giá
rủi ro, công cụ đo lường, giám sát, báo cáo các rủi ro thị trường và rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng theo tiêu chuẩn Basel II và III trong năm 2023.

hinh_anh_website.jpg

Quản lý rủi ro biến đổi khí hậu

ACB đánh giá rủi ro về biến đổi khí hậu bao gồm: (1) Rủi ro vật lý, do thiên tai ảnh hưởng đến hoạt động liên tục của ngân hàng cũng như tác động ảnh hưởng đến chính hoạt động khách hàng ACB tài trợ (đầu vào, cơ sở hạ tầng, lực lượng lao động,...), đặc biệt tại các chi nhánh thuộc các khu vực, các tỉnh chịu nhiều thiên tai và (2) rủi ro chuyển đổi, bao gồm rủi ro về tài sản tài trợ bị mắc kẹt do thay đổi về chính sách, quy định pháp luật gây tổn thất hoặc giảm giá trị: Các tài sản có lượng khí thải cao khi không được sử dụng và tạo giá trị, làm giảm giá trị tài sản và nguồn thu nhập trả nợ.

Đối với rủi ro vật lý do biến đổi khí hậu, Ban An toàn - phòng chống thiên tai tại ACB, bao gồm nhân sự của Khối Quản lý rủi ro, đã ban hành hướng dẫn ứng xử khi có thiên tai, dịch bệnh. Ngoài ra, ACB luôn có công văn đến các khu vực chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ nhằm chỉ đạo công tác đánh giá mức độ ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh và dịch vụ cung cấp đến khách hàng, nhằm kịp thời cập nhật kế hoạch dự phòng đảm bảo hoạt động liên tục và đề xuất các giải pháp.

Trong năm 2022, ACB đã tổ chức thực hiện đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn tại khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long, bị thiệt hại do mưa lũ tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Theo đó, các khách hàng bị ảnh hưởng được ghi nhận và đánh giá mức độ ảnh hưởng, sau đó được hỗ trợ bằng các hình thức như miễn giảm lãi vay; giảm lãi, phí; giảm lãi đồng thời cho vay tái
sản xuất. Từ năm 2020 đến nay, tổng dư nợ khách hàng bị ảnh hưởng đã được ACB hỗ trợ kịp thời là 38 tỷ đồng, riêng tổng dư nợ các khách hàng đã được hỗ trợ từ khi triển khai các giải pháp hỗ trợ
(2017 đến nay) là 78 tỷ đồng.

Bên cạnh việc tiên phong thực hiện ESG, ACB cũng chú trọng đến hoạt động kinh doanh hiệu quả. Với kết quả kinh doanh 9 tháng vừa được công bố mới đây, ACB là một trong những nhà băng tư nhân ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương với lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt hơn 15.000 tỷ đồng, hoàn thành 75% kế hoạch lũy kế năm 2023 và vẫn kiểm soát được tỷ lệ nợ xấu thuộc nhóm thấp nhất thị trường. Mức sinh lời của ACB hiện thuộc tốp cao nhất thị trường, với ROE ở mức 24,5%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch ACB: Sống và thở với khát vọng “Ta để lại gì cho mai sau?’’
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO