Doanh nghiệp

Chủ tịch Đèo Cả: “Nhiều người nói tôi đầu tư mạnh vào bất động sản nhưng tôi không làm”

Huyền Châm 20/06/2023 - 13:59

Lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả cho biết, dù đối diện nhiều khó khăn nhưng tỷ lệ tăng trưởng năm 2022 cho thấy, doanh nghiệp đang đi đúng hướng.

Sáng nay (ngày 20/6), Tập đoàn Đèo Cả (mã DCG) tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2023 tại TP. Hồ Chí Minh, thông qua kế hoạch kinh doanh với mức tăng trưởng dự kiến là 50%.

727b338d-b4be-4545-b015-2748a688e2f2.jpeg
Chủ tịch Đèo Cả Hồ Minh Hoàng chia sẻ tại đại hội

Phát biểu tại đại hội, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT DCG cho biết, trải qua gần 40 năm hình thành, phát triển đến nay Đèo Cả là công ty mẹ gồm 8 công ty con (trong đó có HHV đang niêm yết trên HOSE), 3 công ty liên kết với trên 6.000 lao động, vốn điều lệ hơn 4.200 tỷ đồng.

Ông Hồ Minh Hoàng nêu, trong bối cảnh hiện nay, cơ chế chính sách còn nhiều hạn chế, chưa giải quyết những vấn đề căn bản của thực tiễn. Nhiều doanh nghiệp chưa có thói quen quản trị sự thay đổi khi đối diện với thể chế bất cập, khủng hoảng thường lúng túng, thay đổi mục tiêu. 

“Nhiều lời khuyên bảo tôi cần phát triển đa ngành, đầu tư mạnh vào bất động sản hay cho rằng "cao thủ sẽ không bằng tranh thủ". Tôi đã không làm vậy mà kiên định với chiến lược tăng trưởng tập trung, đi trong vòng tròn năng lực của mình, phát triển trên những thế mạnh, năng lực chuyên sâu. Đó là các giá trị cốt lõi như đầu tư, thi công, quản lý vận hành các công trình giao thông. Nếu có chăng là sự hợp tác của các doanh nghiệp như Văn Phú, Thành Lợi, CC1, Trường Sơn, CII, ngân hàng TPBank, VietinBank… để cùng nhau vượt khó khăn lúc này”, Chủ tịch DCG chia sẻ.

Chủ tịch Hồ Minh Hoàng cho rằng, năm 2022, tình hình kinh tế vĩ mô với nhiều biến động theo xu hướng gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp như khan hiếm nguồn nguyên vật liệu, giá cả hàng hóa, nhiên liệu tăng cao, bất động sản suy giảm, hệ quả kéo dài của dịch bệnh… nhưng con số tăng trưởng 10% doanh thu và lợi nhuận cho thấy con đường Đèo Cả đang đi là đúng hướng. 

Cụ thể, năm 2022, Đèo Cả ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.184 tỷ đồng, tăng 331 tỷ đồng (9%) so với cùng kỳ năm trước. 

Lãnh đạo DCG cho biết, năm 2022, Đèo Cả đã huy động vốn thành công để thực hiện dự án dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo, với tổng mức đầu tư 8.925 tỷ đồng. Nhiều công trình trọng điểm do Đèo Cả thi công như cầu Tình Yêu, hầm bao biển Quảng Ninh đã hoàn thành đảm bảo tiến độ. Đặc biệt, Đèo Cả và các nhà đầu tư, nhà thầu đã “giải cứu” thành công cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận sau nhiều năm đình trệ để đưa vào phục vụ người dân lưu thông từ Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Cũng trong năm qua, tập đoàn trúng nhiều gói thầu tại các dự án đường ven biển Bình Định, dự án nâng cấp, mở rộng Đèo Prenn tại Lâm Đồng, dự án cầu Hải Giang… Tại hầm Thung Thi thuộc cao tốc Mai Sơn – QL45, tập đoàn đã tiếp nhận xử lý khối lượng bị chậm tiến độ của nhà thầu khác để kịp thời đưa dự án về đích phục vụ nhân dân ngày 30/4/2023. Hạng mục hầm Trường Vinh trên cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu cũng đang bứt tốc để đảm bảo tiến độ chung của toàn dự án.

Với khối lượng công việc lớn, Đèo Cả chủ động ứng dụng BIM trong công tác thiết kế, quản lý thi công và quản lý vận hành. Năm 2022, Tập đoàn đã chi hơn 1.000 tỷ đồng mua máy móc thiết bị hiện đại phục vụ thi công dự án.

Hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định cho lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2022 đạt 419 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,2% so với cùng kỳ, tương ứng với mức biên lợi nhuận 10%.

Năm 2023, Đèo Cả được chỉ định là tổng thầu thi công cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn có chiều dài 88km, tổng mức đầu tư 20.469 tỷ đồng. Đây là dự án có quy mô lớn nhất trong 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2. Tiếp đó, Đèo Cả đứng đầu liên danh thực hiện gói thầu XL1 đoạn Chí Thạnh - Vân Phong, với giá trị hơn 4.300 tỷ đồng.

Kế hoạch doanh thu hợp nhất năm 2023 dự kiến đạt hơn 6.700 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2022. Với kế hoạch sản xuất kinh doanh này, Tập đoàn Đèo Cả đặt kế hoạch chi trả cổ tức tối đa 80% lợi nhuận sau thuế.

Giai đoạn 2023 - 2025, Tập đoàn tập trung hoạt động chủ đạo là thi công xây lắp, tiếp cận và tham gia đấu thầu các dự án sân bay, đường sắt và một số đường cao tốc ở nhiều địa phương khác nhau… Tổng mức đầu tư các dự án khoảng 26.000 tỷ đồng. Trong đó, tập đoàn dự kiến tham gia khoảng 11.500 tỷ đồng giá trị hợp đồng xây lắp triển khai từ cuối năm 2023 đến năm 2025. 

Song song với việc tăng quy mô hoạt động thi công xây lắp, Đèo Cả tích cực thúc đẩy hoạt động đầu tư các dự án hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công – tư, tiếp tục xúc tiến triển khai các dự án PPP đang nghiên cứu tại: Lạng Sơn, Cao Bằng, Lâm Đồng, Điện Biên, TP.HCM, Tiền Giang… 

Chiến lược đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao và hệ thống tàu điện ngầm metro ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã được xác định thực thi trong giai đoạn 2025-2030. Đây là loại công trình hạ tầng giao thông có giá trị rất lớn, công nghệ cao và là một phần trong định hướng chiến lược của Đèo Cả. 

Để chuẩn bị nắm bắt cơ hội này, Đèo Cả đã hợp tác với đối tác có kinh nghiệm của nước ngoài như Sany, PowerChina,… phát triển nguồn nhân lực, chuẩn bị thiết bị hiện đại để thi công, chuẩn bị đủ năng lực tổ chức để đấu thầu. Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu các mô hình tối ưu sản xuất của các doanh nghiệp ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc để đảm bảo hiệu quả đầu tư và thi công, qua đó đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp, cổ đông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch Đèo Cả: “Nhiều người nói tôi đầu tư mạnh vào bất động sản nhưng tôi không làm”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO