Ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch EVN cho biết, năm 2024, đảm bảo đủ điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân, để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6-6,5%, không để thiếu điện trong mọi tình huống như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo.
Tại "Hội nghị thường trực Chính phủ gặp mặt đầu xuân các doanh nghiệp nhà nước tiêu biểu toàn quốc", tổ chức ngày 3/3, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ông Đặng Hoàng An đề cập đến tình trạng thiếu điện diễn ra vào năm 2023.
Theo ông An, EVN thực hiện nhiệm vụ trong năm 2023 cũng có nhiều khó khăn, trong đó đã để xảy ra thiếu điện tháng 5 đầu tháng 6, dù chỉ 2-3 ngày tại miền Bắc nhưng cũng ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
“Đây là bài học sâu sắc mà EVN vẫn đang tiếp tục phân tích, mổ xẻ, có biện pháp khắc phục để thực hiện nhiệm vụ tốt hơn trong thời gian tới”, ông An nói.
Năm 2024, EVN quyết tâm bằng mọi nỗ lực, mọi giải pháp thực hiện các nhiệm vụ chính trị chủ chốt, đặc biệt là đảm bảo đủ điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân, để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6-6,5%, không để thiếu điện trong mọi tình huống như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo. EVN đã chuẩn bị kịch bản nhu cầu điện tăng trưởng cao (9,18% hoặc cao hơn), sản lượng điện toàn hệ thống có thể đạt 306,4 tỷ kWh (tăng 26 tỷ kWh so với năm 2023).
Đẩy nhanh, tăng tốc các công trình đầu tư xây dựng nguồn và lưới điện với khối lượng đầu tư 102 nghìn tỷ đồng (tăng 11 nghìn tỷ đồng so với năm 2023). Trong đó, tập trung cho các công trình trọng điểm như dự án thủy điện Yaly mở rộng – 360MW (vận hành tháng 6/2024), Hòa Bình MR – 480 MW (6/2025), Quảng Trạch 1 (1403 MW), chuẩn bị đầu tư dự án nhiệt điện LNG Quảng Trạch 2, khởi công dự án Trị An mở rộng và Thủy điện tích năng Bác Ái, đặc biệt là dồn sức thực hiện các dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) dài 519 km, tổng mức đầu tư 23 nghìn tỷ đồng để đóng điện trước 30/6/2024 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, EVN cũng phấn đấu cân bằng tài chính; bảo đảm việc làm đời sống người lao động; thực hiện các biện pháp quyết liệt, hiệu quả để nâng cao năng suất lao động; minh bạch hóa hoạt động, chống tham nhũng, tiêu cực, tăng trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, phục vụ tốt hơn cho khách hàng.
Tập đoàn đang tập trung sửa đổi nề nếp làm việc, sửa đổi, thay thế các quy chế, quy định quản lý nội bộ theo hướng tăng mạnh phân cấp, phân quyền, giao quyền gắn với trách nhiệm; tăng cường giáo dục tư tưởng, đạo đức cán bộ, đảng viên, người lao động; trách nhiệm nêu gương, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu các cấp.
Năm 2023, theo báo cáo EVN gửi Bộ Công Thương, tập đoàn này ghi nhận lỗ trước thuế hợp nhất khoảng 17.000 tỷ đồng, giảm 9.000 tỷ đồng so với năm 2022.
Tổng giám đốc EVN cho rằng, số lỗ trên chủ yếu do giá bán ra của EVN vẫn thấp hơn giá thành. Theo tính toán của EVN, tổng chi phí bình quân các khâu phát điện, truyền tải và phân phối là 2.092,78 đồng/kWh nhưng giá bán điện bình quân là 1.950,32 đồng/kWh. Theo đó, cứ mỗi kWh bán ra, EVN đang chịu lỗ 142,5 đồng.