Doanh nghiệp

Không tính EVN, lợi nhuận 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đạt hơn 53.200 tỷ đồng

Tú Anh 05/02/2024 - 15:57

Tính đến hết năm 2023, tổng tài sản công ty mẹ của 19 tập đoàn, tổng công ty ước đạt 1,616 triệu tỷ đồng. Tổng doanh thu đạt 1,136 triệu tỷ đồng, bằng 105,15% so với kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế đạt 53.256,32 tỷ đồng (không tính Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN).

Thủ tướng chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không được để thiếu điện (Ảnh minh hoạ)
Thủ tướng chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không được để thiếu điện (Ảnh minh hoạ)

Sáng ngày 5/2, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và 19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu về triển khai sản xuất, kinh doanh năm 2024 và thúc đẩy đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Khái quát lại những thành tựu, kết quả quan trọng, tích cực của năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh hai điểm rất quan trọng: Một là, niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước được củng cố, tăng cường; hai là, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên.

Trong những thành tựu, kết quả của cả nước năm 2023, có đóng góp của Ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu. Mặc dù, 19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ trong hơn 820 doanh nghiệp nhà nước, nhưng là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, nắm giữ phần lớn tổng vốn chủ sở hữu cũng như tổng tài sản của doanh nghiệp nhà nước trong cả nước, đóng góp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

"Nhiệm vụ năm 2024 lớn hơn năm 2023, phải hoàn thành tốt hơn năm 2023. Chính phủ muốn hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn thì từng bộ, ngành, các tập đoàn, tổng công ty phải làm tốt hơn", Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

img1067-1707097479170229086249-8121.jpeg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng cho biết: Tính đến hết năm 2023, tổng tài sản công ty mẹ của 19 tập đoàn, tổng công ty ước đạt 1,616 triệu tỷ đồng. Tổng doanh thu đạt 1,136 triệu tỷ đồng, bằng 105,15% so với kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế đạt 53.256,32 tỷ đồng (không tính Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN), bằng 166,09% so với kế hoạch và bằng 110,92% so với cùng kỳ năm 2022.

Nộp ngân sách nhà nước đạt 79.252,01 tỷ đồng, bằng 199,96% so với kế hoạch và bằng 120,22% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, 15/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về doanh thu; 16/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về lợi nhuận trước thuế (riêng Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines giảm lỗ so với kế hoạch); 16/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về nộp ngân sách nhà nước.

01-7763.jpg
Ông Nguyễn Hoàng Anh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phát biểu tại Hội nghị

Các tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu tiếp tục giữ vị trí, vai trò nòng cốt, phát huy vai trò chủ lực, chủ đạo trong nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và cung cấp các mặt hàng thiết yếu cho nhân dân.

Về điện, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu năm 2023 ước đạt 271,04 tỷ kWh tăng 3,43% so năm 2022.

Về dầu thô, sản lượng đạt 8,65 triệu tấn quy dầu, bằng 115% so với kế hoạch.

Về khí, sản lượng đạt 7,84 tỷ m3, bằng 126% so với kế hoạch.

Về xăng dầu, đối với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), tổng sản lượng xuất bán hợp nhất toàn tập đoàn đạt 14,285 triệu m3/tấn, bằng 110% so với kế hoạch, bằng 103% so với cùng kỳ. Đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), nếu tính cả sản lượng từ Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn thì sản xuất xăng dầu 12 tháng hợp nhất toàn Tập đoàn đạt 13,88 triệu m3/tấn, vượt 23% kế hoạch năm (11,28 triệu tấn), tăng 5% so với cùng kỳ năm 2022 (13,28 triệu m3/tấn).

Về khai thác than nguyên khai đạt 37,06 triệu tấn, than sạch ước đạt 42,36 triệu tấn, bằng 102,3% kế hoạch.

Vận tải hàng không đạt 21,11 triệu lượt khách, tăng 16% so với cùng kỳ. Vận tải đường sắt đạt 4.541.261 lượt khách, bằng 131% so với cùng kỳ. Vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải đạt 20.782,65 nghìn tấn vận tải biển, bằng 116% so với kế hoạch; hàng hóa thông qua cảng đạt 113.500 nghìn tấn.

Về quản lý, khai thác cảng hàng không, đã phục vụ cho vận chuyển 114 triệu khách, bằng 115% so với cùng kỳ; 1.207 nghìn tấn hàng hóa - bưu kiện.

Tập đoàn Bưu chính Viễn Thông Việt Nam (VNPT) và Tổng công ty Viễn thông MobiFone chiếm thị phần và cung cấp ổn định, bảo đảm chất lượng cho khoảng 45,39% thị trường điện thoại di động (48 triệu 766 ngàn thuê bao); 41% thị trường băng rộng cố định mặt đất; 42,78% thị trường băng rộng di động mặt đất.

ubqlv-9681.jpeg
Lãnh đạo các Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu phát biểu tại Hội nghị

Phải làm ăn có lãi, đóng góp nhiều hơn nữa cho tăng trưởng GDP

Thời gian tới, Thủ tướng dự báo tình hình quốc tế, trong nước tiếp tục có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, trong đó khó khăn, thách thức nhiều hơn, nhất là trong phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân. Các tập đoàn, tổng công ty nắm giữ nguồn lực lớn, thực hiện sứ mệnh lớn phải làm ăn có lãi, đóng góp nhiều hơn nữa cho tăng trưởng GDP và ngân sách Nhà nước. Yêu cầu của năm 2024 với cả nước và với các tập đoàn, tổng công ty phải đạt kết quả cao hơn năm 2023.

Năm 2024 và thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các kết luận, nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, nắm chắc tình hình thực tiễn, cụ thể hóa thành các chương trình, đề án, dự án, tổ chức thực hiện hiệu quả. Cùng với đó, tập trung sửa đổi và đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi các luật, nghị định, thông tư có liên quan để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn về pháp lý, nhất là liên quan lĩnh vực giá, môi trường, tài nguyên, đất đai…

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh cần tập trung thúc đẩy đầu tư phát triển, khắc phục bằng được hạn chế trong vấn đề này, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho 3 đột phá chiến lược của đất nước (thể chế, hạ tầng nhân lực), làm mới 3 động lực tăng trưởng cũ (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và bổ sung các động lực tăng trưởng mới (chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ)…

Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính, chủ động, tích cực hơn nữa, phát huy tinh thần tấn công mạnh mẽ, bản lĩnh, tự tin, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ thuộc thẩm quyền, kiên định các vấn đề nguyên tắc nhưng linh hoạt trong thực hiện công việc cụ thể, tuân thủ các quy luật của kinh tế thị trường.

Giao các nhiệm vụ cụ thể thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh một số nhiệm vụ như: các tập đoàn, tổng công ty mà nòng cốt là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không được để thiếu điện; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) bảo đảm đủ dầu, khí theo kế hoạch; Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) bảo đảm đủ than trên cơ sở kế hoạch dài hạn; Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL) xử lý dứt điểm dự án mở rộng nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 (TISCO 2); Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cắt lỗ, xử lý các vấn đề tồn đọng; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) không để thiếu xăng dầu…

Thủ tướng lưu ý các cơ quan thực hiện lộ trình điều chỉnh giá điện phù hợp, không giật cục, không cầu toàn, không nóng vội; Bộ Công Thương cải tiến lại cơ chế quản lý đầu mối kinh doanh xăng dầu theo hướng đơn giản, dễ kiểm tra, giám sát… Về nhân sự, Thủ tướng yêu cầu bố trí đúng, trúng con người trên cơ sở căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, quy định của Đảng, Nhà nước, bảo đảm công khai, dân chủ, khách quan, minh bạch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không tính EVN, lợi nhuận 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đạt hơn 53.200 tỷ đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO