Tin tức

Chủ tịch Quốc hội: Vẫn còn tình trạng đùn đẩy, không dám làm, sợ sai, né trách nhiệm

Minh Đức 07/09/2023 14:29

Đó là một trong những tồn tại mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chỉ ra tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai Luật, Nghị quyết của Quốc hội khoá XV diễn ra chiều ngày 6/9.

hop.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp chiều ngày 06/09

Tại phiên họp, Hội nghị đã lắng nghe đại diện một số các Bộ, ngành, địa phương báo cáo tóm tắt 5 tham luận về tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 và triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các tháng cuối năm 2023 và năm 2024 thuộc lĩnh vực Bộ Tài chính; tình hình tổ chức triển khai và chuẩn bị tổ chức triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội thuộc lĩnh vực Bộ kế hoạch và Đầu tư; về tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 và triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các tháng cuối năm 2023, năm 2024 thuộc lĩnh vực tài chính, ngân sách; về yêu cầu và những nội dung chủ yếu trong công tác triển khai Nghị quyết số 96/2023/QH15 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn...

Cùng nội dung, nơi thực hiện được, nơi khác lại vướng mắc

Tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Hải Phòng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết, việc tổ chức hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai Luật, Nghị quyết của Quốc hội khoá XV là sự quan tâm của Quốc hội nhằm triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội. Sau hội nghị này, các địa phương sẽ tiếp tục triển khai các hội nghị tương tự để các luật, nghị quyết của Quốc hội sớm đi vào cuộc sống.

pho-bi-thu-thanh-uy-hai-phong.jpg
Phó Bí thư Thành ủy Hải Phòng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng

Đề xuất về việc tiếp thu ý kiến của các địa phương vào các dự thảo Luật, Phó Bí thư Thành ủy Hải Phòng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng bày tỏ mong muốn cơ quan soạn thảo tiếp thu, lắng nghe ý kiến từ địa phương để sát với thực tế cuộc sống. 

Thông tin về việc giai đoạn đầu nhiệm kỳ, Quốc hội có ban hành một số cơ chế đặc thù cho một số địa phương, trong đó có thành phố Hải Phòng, Phó Bí thư Thành ủy Hải Phòng đề nghị Quốc hội nghiên cứu một số cơ chế đặc thù mới để một số địa phương phát triển đột phá. Đối với thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng nhiều địa phương, trong đó có việc thu hút đầu tư với các tập đoàn lớn, các địa phương đề nghị Quốc hội sớm ban hành Nghị quyết về nội dung này, tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới.

pho-truong-doan-chuyen-trach-doan-dbqh-tinh-dak-lak.jpg
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk Lê Thị Thanh Xuân

Đồng tình với ý kiến trên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk Lê Thị Thanh Xuân phân tích, với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, nỗ lực phát huy hiệu quả và dư địa của chính sách đến của doanh nghiệp tham gia, tỉnh Đắk Lắk cũng đã chỉ đạo thành phố xây dựng chuyên mục thu hút, kêu gọi đầu tư trên Cổng Thông tin điện tử của thành phố để doanh nghiệp và Nhân dân biết tiếp cận, xúc tiến đầu tư. Đến nay, một số doanh nghiệp đang quan tâm tìm hiểu, xúc tiến đầu tư vào các lĩnh vực ngành nghề như công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng và quản lý đô thị. Đồng thời, hoàn thiện phê duyệt Đề cương, Đề án và tiến đến trình Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển thương hiệu TP. Buôn Ma Thuột trở thành phố cà phê của thế giới. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 72/2022/QH15 vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như nhiều dự án trọng điểm chưa được đề xuất phê duyệt chủ trương và nguồn vốn triển khai; tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội còn tiềm ẩn yếu tố gây mất ổn định; nguồn lực ngân sách địa phương cần đối ứng cùng với nguồn vốn vay ODA để thực hiện dự án cần sự hỗ trợ nguồn lực từ Trung ương…

Từ những phân tích trên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk Lê Thị Thanh Xuân đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm hỗ trợ nguồn lực để tỉnh Đắk Lắk sớm đầu tư hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, nhất là các tuyến đường cao tốc, trong đó có đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma thuột, hệ thống giao thông trục dọc, trục ngang kết nối giữa các tỉnh, các khu vực để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế phát triển của tỉnh. Đồng thời, các bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm, triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 103 của Chính phủ, tạo điều kiện để TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk sớm trở thành đô thị trung tâm vùng.

pho-truong-doan-chuyen-trach-doan-dbqh-tinh-thanh-hoa.jpg
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Mai Văn Hải

Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Mai Văn Hải đề nghị trong thời gian tới, Chính phủ và các bộ ngành cần quan tâm, rà soát hơn nữa việc sửa đổi các văn bản pháp luật trong thẩm quyền đề tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế cho người dân và doanh nghiệp. Để khơi thông và phát huy các nguồn lực phát triển kinh tế- xã hội đối với các tỉnh, thành phố có chính sách đặc thù, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa  đề xuất, các bộ ngành có liên quan cần sát sao hơn nữa cùng với các địa phương tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, để các chính sách thí điểm mà Quốc hội ban hành cho các địa phương này sớm đi vào thực tiễn.

pho-chu-tich-thuong-truc-hdnd-tinh-thua-thien-hue.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Quang Tuấn

Sau khi báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Quang Tuấn cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho Thừa Thiên Huế thực hiện tốt hơn nữa các Nghị quyết của Quốc hội.

Tiếp cận từ góc độ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến khẳng định, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội khóa XV đã dành nhiều thời gian, công sức để xây dựng luật, văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền, đóng góp quan trọng để đất nước ta vượt qua đại dịch COVID-19, phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, thích ứng linh hoạt với biến đổi nhanh, khó đoán định của tình hình thế giới, khu vực và trong nước.

chu-tich-uy-ban-trung-uong-mat-tran-to-quoc-viet-nam.jpg
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến

Từ thực tiễn, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phân tích: "Cùng một nội dung công việc, cùng một hệ thống pháp luật như nhau, địa phương này thì thực hiện được địa phương khác cho là vướng mắc, không thực hiện được. Điều đó cho thấy nhận thức pháp luật còn khác nhau do năng lực của cán bộ khác nhau. Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ quan tâm hơn nữa triển khai thực hiện Điều 74 Hiến pháp năm 2013, nhất là Khoản 2, Điều 74 Hiến pháp năm 2013 quy định về giải thích Hiến pháp, luật và pháp lệnh để xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh trong thực tiễn…"

Nhân dịp hội nghị này, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đề nghị trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được cơ quan chủ trì soạn thảo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội các cấp, các ngành, cử tri và Nhân dân đóng góp nhiều công sức trong quá trình chuẩn bị; đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục có cơ chế phù hợp để lắng nghe ý kiến một cách cầu thị hơn nữa để các đối tượng bị tác động đối với một số nội dung còn có ý kiến khác nhau, đáp ứng kỳ vọng của cử tri và Nhân dân.

Cơ sở quan trọng để thực hiện “quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả”

Sau khi lắng nghe trình bày báo cáo, thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá các báo cáo được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị công phu, tâm huyết, phát biểu thẳng thắn, vừa làm rõ thực trạng, vừa nêu kiến nghị, đề xuất phù hợp và có giá trị.

chu-tich-qh.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Sau khi điểm lại những kết quả tại hội nghị và ghi nhận nỗ lực của Chính phủ, Bộ, ban ngành, địa phương, Chủ tịch Quốc hội thẳng thắn chỉ ra những tồn tại và hạn chế như một số luật được ban hành từ năm 2022 nhưng đến nay các bộ liên quan vẫn chưa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện. Đặc biệt có 6 luật được thông qua tại Kỳ họp thứ 5 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024 và 1/7/2024 nhưng vẫn chưa có kế hoạch triển khai.

Tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục triệt để. Một số văn bản chưa đảm bảo về chất lượng, vừa ban hành thời gian ngắn đã phải sửa đổi, bổ sung hoặc ngưng hiệu lực thi hành do không phù hợp với thực tiễn hoặc có bất cập, vướng mắc, cản trở sự phát triển. Công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật tại một số bộ, ngành chưa được quan tâm đúng mức. Một số văn bản có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập cũng chậm được xử lý. Việc xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có vi phạm trong xây dựng ban hành văn bản chưa xử lý kịp thời và chưa tương xứng với tính chất, mức độ vi phạm.

Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, thực trạng nêu trên có nguyên nhân khách quan và chủ quan nhưng chủ quan là chủ yếu. Trước hết là do người đứng đầu một số bộ, ngành, địa phương chưa phát huy đầy đủ trách nhiệm, chưa dành sự quan tâm thỏa đáng đến công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật. Vẫn còn tình trạng đùn đẩy, không dám làm, sợ sai, né trách nhiệm của một bộ phận cán bộ công chức. Chính phủ chưa xác định kịp thời xử lý nghiêm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc để xảy ra tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết….

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh việc triển khai các Luật, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV, nhất là Luật, Nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5 đòi hỏi nỗ lực cao hơn, quyết tâm lớn hơn và sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa giữa các cơ quan, tổ chức nhằm đưa các quyết sách của Quốc hội vào cuộc sống, đóng góp thiết thực vào việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. hội nhập quốc tế, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các cơ quan, tổ chức hữu quan Trung ương và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ của mình tiếp tục phát huy hơn nữa kết quả bài học kinh nghiệm và những thành tựu đã đạt được, khắc phục những hạn chế, quán triệt đầy đủ yêu cầu nhiệm vụ trọng tâm trong công tác thi hành đối với từng dự án luật, nghị quyết được thong qua từ đầu nhiệm kỳ đến nay và tại Kỳ họp thứ 5.

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng, sự đồng hành rất trách nhiệm, chủ động, hiệu quả và giám sát chặt chẽ của Quốc hội, cùng với năng lực và quyết tâm tổ chức thi hành pháp luật một cách nghiêm túc, sáng tạo của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, như được thể hiện rõ nét qua thành công của Hội nghị, sẽ là cơ sở quan trọng để thực hiện “quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả”, góp phần để công tác triển khai luật, nghị quyết sẽ có những chuyển biến rõ nét, đạt nhiều kết quả tốt đẹp hơn trong thời gian, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, sự kỳ vọng và tin tưởng của các vị đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch Quốc hội: Vẫn còn tình trạng đùn đẩy, không dám làm, sợ sai, né trách nhiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO