Vấn đề - Nhận định

Chưa phải thời điểm thích hợp thay đổi phương pháp tính thuế

Thanh Thanh 05/07/2023 - 09:42

Chia sẻ với tình trạng khó khăn của doanh nghiệp và đề nghị chưa nên có điều chỉnh về thuế hay bất cứ hành động chính sách gì có thể khiến doanh nghiệp khó khăn hơn là ý kiến chung được ghi nhận tại Hội thảo khoa học Góp ý xây dựng dự án Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức sáng ngày 4/7/2023.

Doanh nghiệp mong muốn ốn định chính sách thuế để vượt qua khó khăn và phục hồi

toan-canh-hoi-thao.png
Toàn cảnh hội thảo

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn, cho biết, ngày 21/6 vừa qua, Bộ Tài chính đã chính thức có Tờ trình Chính phủ về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế TTĐB (sửa đổi).

Những nội dung chính của Luật Thuế TTĐB được Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi gồm: Mở rộng cơ sở thuế, đưa vào diện chịu thuế TTĐB các hàng hóa dịch vụ như nước giải khát có đường, thức uống đại mạch, nước giải khát không cồn, sản phẩm thuốc lá mới, kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng…; Bổ sung quy định về căn cứ tính thuế và phương pháp tính thuế; Quy định về Biểu thuế, mức thuế TTĐB (bổ sung), trong đó có việc điều chỉnh thuế suất thuế TTĐB đối với thuốc lá, rượu, bia; Mô tả cụ thể các mặt hàng chịu thuế trong Biểu thuế TTĐB; Quy định nội dung của một số điều luật, đảm bảo sự thống nhất giữa Luật Thuế TTĐB và các luật chuyên ngành có liên quan….

Đối với sản phẩm rượu bia, dự thảo thay đổi phương pháp tính thuế từ phương pháp tính thuế tương đối như hiện nay sang phương pháp tính thuế hỗn hợp và tuyện đối, đồng thời đề xuất điều chỉnh tăng mức thuế suất thuế TTĐB để tăng giá bán rượu, bia ít nhất 10% theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và lộ trình tăng thuế theo mức tăng thu nhập và lạm phát.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) Nguyễn Văn Việt, ngành rượu bia đã có đóng góp ngân sách đáng kể (khoảng 60 ngàn tỷ đồng/năm), đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, đẩy lùi vấn nạn hàng lậu, hàng giả…

oviet.png
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA)

Cũng theo Chủ tịch VBA, vấn đề tăng thuế TTĐB đối với rượu bia được đặt ra từ năm 2014 và một số năm tiếp theo. Thống kê cho thấy năm 2016 khi bắt đầu tăng thuế thì phần thu tăng khá cao, nhưng 2017 hầu như không tăng, 2018 tăng không đáng kể. Tương tự năm 2019 ghi nhận tăng trưởng nhẹ, nhưng nộp ngân sách nhà nước (NSNN) vẫn tăng cho thấy doanh nghiệp vẫn phát triển. Tuy nhiên, năm 2020 do tác động của COVID-19, thuế suất giảm xuống 14,05%, và năm 2021 vẫn ảnh hưởng nên thuế giảm còn 7%.

Với dự thảo Luật thuế TTĐB (sửa đổi), Chủ tịch VBA đề nghị chưa sửa đổi Luật thuế TTĐB, ít nhất trong thời gian 2023-2025 và ổn định chính sách thuế như hiện nay để giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phục hồi.

Cũng theo đại diện VBA, khi chưa có đầy đủ cơ sở khoa học thuyết phục cũng như chưa đánh giá tác động đầy đủ đối với việc mở rộng các đối tượng chịu thuế TTĐB, Ban soạn thảo cần cân nhắc, chưa nên bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn vào đối tượng chịu thuế TTĐB.

Đặc biệt, việc cải cách chính sách thuế theo Quyết định 508/QĐ-TTg cần có nghiên cứu, tính toán khoa học, thực tiễn ở Việt Nam, đảm bảo: Phù hợp với thực trạng điều kiện sản xuất, kinh doanh ngành hàng ở Việt Nam; Minh bạch, có lộ trình rõ ràng, đơn giản, có tính khả thi; Hài hòa các lợi ích giữa Nhà nước (điều tiết tiêu dùng, tăng thu ngân sách và nuôi dưỡng nguồn thu bền vững), doanh nghiệp (không gây ảnh hướng lớn, tạo tính ổn định) và người tiêu dùng (bảo vệ vệ sức khỏe)

Nếu thay đổi phương pháp tính thuế cần đánh giá một cách kỹ lưỡng

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN lớn (Tổng Cục thuế, Bộ Tài chính) cho biết, đóng góp cho NSNN của ngành công nghiệp đồ uống trong giai đoạn gần đây tương đối cao và ổn định (từ 50.000 tỷ đồng/năm đến 56.800 tỷ đồng/năm). “Trong bối cảnh các DN trong ngành đồ uống đang cần phục hồi sau ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, mức đóng góp ngân sách như vậy là rất đáng khích lệ”, ông Phụng đánh giá.

ophung.png
Ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng Cục thuế, Bộ Tài chính)

Về phương pháp tính thuế, ông Phụng nêu quan điểm, thuế tương đối hay thuế theo tỷ lệ phần trăm (%) tính trên cơ sở tính thuế (giá tính thuế, trị giá tính thuế, doanh thu tính thuế, …), thuế tuyệt đối, hay thuế hỗn hợp (gồm cả thuế tuyệt đối và thuế phần trăm) là các phương pháp tính thuế đều có những ưu điểm cũng như các nhược điểm nhất định.

“Nếu thay đổi phương pháp tính thuế mà không đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng, ảnh hưởng đến khả năng sản xuất kinh doanh của các DN bia phổ thông thương hiệu Việt (đang sản xuất tại các nhà máy bia địa phương trải khắp cả nước) sẽ gián tiếp ảnh hưởng rất lớn đến thu NSNN cũng như cân đối ngân sách của các địa phương. Khi thị phần sụt giảm do mặt bằng giá bị đẩy cao lên (bởi tác động của thuế), sản lượng sản xuất và tiêu thụ giảm, đóng góp NSNN qua đó cũng sẽ giảm theo là điều dễ được nhận biết...”, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN lớn (Tổng Cục thuế) phân tích.

Cũng theo ông Phụng, lựa chọn phương pháp tính thuế nào là lựa chọn của mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ, sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước để đảm bảo trong xu thế hội nhập của thế giới phải tạo ra lợi thế của quốc gia mình. Vì vậy, trong điều kiện thực tế của Việt Nam hiện nay, thời điểm này chưa phải là thời điểm thích hợp để áp dụng phương pháp hỗn hợp hay phương pháp tuyệt đối, kể cả trên phương diện thu NSNN và chi phí quản lý thuế.

Đồng thời đề xuất tiếp tục duy trì phương pháp tính Thuế TTĐB đối với rượu, bia theo tỷ lệ phần trăm và cân nhắc điều chỉnh tăng thuế suất theo lộ trình phù hợp với nhịp của thị trường và sức khỏe của DN.

“Nếu được chấp nhận, việc tăng thuế tỷ lệ phần trăm ở mức vừa phải và có lộ trình có thể được xem là phương án có hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, vừa giúp đảm bảo ổn định nguồn thu NSNN, đồng thời vẫn điều tiết, định hướng tiêu dùng, giảm mức độ sử dụng đồ uống có cồn mà vẫn giúp các DN sản xuất bia rượu trong nước ổn định phát triển sản xuất kinh doanh”, ông Phụng quả quyết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chưa phải thời điểm thích hợp thay đổi phương pháp tính thuế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO