Chứng khoán

Chưa tìm được động lực vượt 1.250 điểm, VN-Index tiếp tục giằng co

Mai Hương 10/05/2024 - 18:51

Phiên giảm điểm thứ 2 của VN-Index với biên độ nhỏ lại xuất hiện. Trong phiên hôm nay (10/5), thị trường vẫn chứng kiến sự phân hóa giữa các cổ phiếu và trong chính các nhóm ngành.

screenshot-2024-05-10-171430.png

Định vị thị trường
Thị trường chứng khoán thế giới đang hướng đến số liệu CPI tháng 4/2024 của Mỹ trong tuần tới. Các phiên gần đây đã chững lại nhưng vẫn đảm bảo được trạng thái tích cực trong ngắn hạn. Các chỉ số TWSE (+0,72%), NIKKEI 225 (+0,41%), KOSPI (+0,57%), SHMCP (+0,01%) đã tăng trở lại trong phiên cuối tuần.

VN-Index vẫn đang neo khá sát vùng 1.250 điểm dù đà tăng cũng đã chững lại. Chỉ số giảm điểm phiên thứ 2 với điểm số chưa đến 4 điểm.

Chất xúc tác

Dòng tiền trên thị trường đã xuất hiện rõ ràng hơn kể từ phiên giao dịch ngày 8/5 nhưng sau 2 phiên, khớp lệnh không duy trì được trên mức bình quân 20 phiên. Các cổ phiếu khớp lệnh tốt nhất của HOSE đều kém khá xa mức 1.000 tỷ đồng như DIG (597 tỷ đồng), HPG (574 tỷ đồng), MWG (567 tỷ đồng), DBC (500 tỷ đồng).

Nhà đầu tư nội chiếm tỷ trọng hơn 90% tổng giao dịch 2 chiều vẫn cho thấy vai trò quan trọng trong vận động của thanh khoản chung. Trong khi đó, khối ngoại cũng giảm bớt ảnh hưởng dù vẫn bán ròng 500 tỷ đồng.

3ex-2024-05-10.png

Theo thống kê, khối ngoại đã bán ròng liên tiếp 3 phiên trên HOSE với tổng giá trị ròng gần 3.500 tỷ đồng.

Vận động thị trường

Trong nhóm bị khối ngoại bán ra, VHM vẫn là tâm điểm thị trường với phiên bán ròng thứ 6 liên tiếp. Tính cả phiên hôm nay, giá trị bán ròng đã đạt gần 3.500 tỷ đồng.

Ít nhiều, VHM vẫn chưa thực sự tích cực khi giảm mất 1,47 xuống 40.350 đồng/cổ phiếu. So với nhiều cổ phiếu Bluechips khác, VHM tiếp tục là cổ phiếu yếu với vùng giá đáy của năm 2024.

Dù vậy, VHM chỉ là một phần gây ảnh hưởng lên chỉ số. Các mã Ngân hàng như BID (-0,91%), VCB (-0,5%), VPB (-1,3%) cũng là những nhân tố tham gia gây áp lực lên thị trường.

Tổng cộng rổ VN30 có 22/30 mã giảm. VN-Index đóng cửa giảm 3,94 điểm xuống 1.244,7 điểm (-0,32%). Thanh khoản đạt 669,11 triệu đơn vị, tương đương 16.238 tỷ đồng.

Với các cổ phiếu Midcap và Penny, sự chững lại của chỉ số cũng khiến cho các nhóm ngành có sự phân hóa. Một vài cổ phiếu năng lượng, dầu khí, công nghệ, nhựa, bất động sản, nông nghiệp vẫn đi ngược như PVT (+2,76%), PVD (+1,42%), ELC (+6,96%), CMG (+6,32%), TCH (+2,2%), DBC (+6,23%)… nhưng không tạo hiệu nhóm ngành.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán được xem là sự đồng đều nhất với nhiều mã tăng giá đồng loạt như VND (+1%), AGR (+1,3%), CTS (+4,4%), ORS (+1,4%), VIX (+1,7%) nhưng với biên độ tăng vẫn còn khá khiêm tốn.

Trên HNX và UPCoM, vận động của 2 chỉ số cũng không còn đồng thuận khi HNX-Index tăng 0,47% và UPCoM-Index giảm 0,2%. Các cổ phiếu PVS (+3,3%), TNG (+2,3%), BVS (+7,8%), MBS (+1,1%) giao dịch trái chiều với BSR (-1%), DDV (-1,6%), ACV (-1%).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chưa tìm được động lực vượt 1.250 điểm, VN-Index tiếp tục giằng co
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO