Nghiên cứu - Trao đổi

Thực trạng phát triển dịch vụ mobile money tại Việt Nam

TS. Nguyễn Chí Đức - Nguyễn Tấn Khoa 15/12/2024 06:25

Bằng việc sử dụng phương pháp phân tích tài liệu, so sánh, tổng hợp, thống kê, bài viết tập trung vào việc phân tích, đánh giá thực trạng phát triển dịch vụ tiền di động (Mobile Money) tại Việt Nam. Trên cơ sở đó, cung cấp các giải pháp chiến lược và khuyến nghị nhằm góp phần phát triển dịch vụ tiền di động tại Việt Nam trong thời gian tới.

Tóm tắt: Sự phát triển của kinh tế số và xã hội số đã góp phần thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trên toàn cầu và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Đại dịch COVID-19, cùng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động lớn đến hành vi tiêu dùng và tạo ra nhu cầu tăng về TTKDTM, nhằm giảm tiếp xúc trực tiếp và hạn chế sự lưu thông tiền mặt. Bằng việc sử dụng phương pháp phân tích tài liệu, so sánh, tổng hợp, thống kê, bài viết tập trung vào việc phân tích, đánh giá thực trạng phát triển dịch vụ tiền di động (Mobile Money) tại Việt Nam. Trên cơ sở đó, cung cấp các giải pháp chiến lược và khuyến nghị nhằm góp phần phát triển dịch vụ tiền di động tại Việt Nam trong thời gian tới.

Từ khóa: Thanh toán không dùng tiền mặt, tiền di động, Việt Nam

CURRENT STATUS OF MOBILE MONEY SERVICES DEVELOPMENT IN VIETNAM

Abstract: The development of the digital economy and digital society has contributed to the growth of cashless payment activities worldwide, and Vietnam is no exception. The COVID-19 pandemic, along with the fourth industrial revolution, has had significant impact on consumer behavior and created an increased demand for cashless payments to reduce direct contact and limit the circulation of cash. By using document analysis, comparison, synthesis and statistics, this study focuses on analyzing and evaluating the current situation of Mobile Money services development in Vietnam. Based on that, strategic solutions and recommendations are provided to contribute to the development of Mobile Money services in Vietnam in the future.

Key words: Cashless payments, Mobile Money, VietNam

1. GIỚI THIỆU

Sự xuất hiện của điện thoại thông minh có kết nối Internet đã đánh dấu bước ngoặt lớn trong thanh toán, làm giảm khối lượng giao dịch không chính thức và không giấy tờ, tăng cường khả năng tiếp cận kỹ thuật số. Mở rộng việc sử dụng điện thoại di động cho các dịch vụ giá trị gia tăng góp phần làm gia tăng cách mạng hóa ngành tài chính và mở đường cho việc tạo ra nhiều mô hình kinh doanh thông minh, hệ sinh thái tài chính số phong phú (Shaikh và cộng sự, 2022). Tiền di động bằng tài khoản định danh qua số sim (Mobile Money) là một dịch vụ kỹ thuật số, tiền di động cho phép người dùng có thể quản lý tài chính của mình thông qua thiết bị di động thay vì phải đến ngân hàng thực tế. Dịch vụ này đóng một vai trò quan trọng trong việc thay đổi các điều kiện kinh tế - xã hội của nhiều bộ phận dân cư có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ các dịch vụ ngân hàng và thúc đẩy việc mở rộng nhanh chóng khả năng tiếp cận điện thoại di động (Glavee-Geo và cộng sự, 2019). Bên cạnh đó, Mobile Money được coi là cơ sở hạ tầng mạng và nền tảng tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi tiền mặt và giá trị điện tử giữa các chủ thể kinh tế khác nhau, hỗ trợ khách hàng bằng cách cung cấp cho họ một mạng lưới các điểm giao dịch phổ biến tại nơi làm việc và sinh sống, giảm chi phí cho khách hàng khi tiếp cận các dịch vụ tài chính (Kendall và cộng sự, 2011). Đối với các doanh nghiệp, Mobile Money mang lại ít nhất hai lợi thế, đó là giúp giảm chi phí giao dịch tài chính, tạo điều kiện tiếp cận tín dụng thương mại và các khoản vay (Gosavi, 2017). Tuy nhiên, Mobile Money cũng có những rủi ro nhất định trong giao dịch về tính hệ thống, bảo mật, pháp lý, hoạt động rửa tiền và tài trợ khủng bố (Mogaji và Nguyen Thong Phong, 2022). Đồng thời, sự gia tăng sử dụng các dịch vụ Mobile Money đòi hỏi các công ty viễn thông phải nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp để duy trì tính cạnh tranh (Twum và cộng sự, 2023).

Tại Việt Nam, với quy mô dân số khoảng 100 triệu người và là quốc gia đang phát triển gắn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, việc sử dụng các hình thức TTKDTM đang gia tăng đáng kể. Các hình thức thanh toán trực tuyến, ví điện tử, và ngân hàng số đang trở nên phổ biến hơn, các ứng dụng ví điện tử như MoMo, ZaloPay, và GrabPay đã trở thành lựa chọn để thực hiện các giao dịch thanh toán hàng ngày. Quyết định số 1813/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 ngày 28/10/2021 tạo cơ sở để phát triển hệ thống TTKDTM, từ đó giảm dần sự phụ thuộc vào tiền mặt, đảm bảo tính tiện lợi, an toàn và phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Trong đề án có nhắc đến việc triển khai thí điểm hoạt động Mobile Money nhằm đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, chiến lược tài chính toàn diện, phát triển hoạt động TTKDTM, tăng khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính, ứng dụng công nghệ hiện đại cho người dân và doanh nghiệp.

2. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ MOBILE MONEY TẠI VIỆT NAM

Trước khi có Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 về việc phê duyệt đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 9/3/2021 về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ nhằm “góp phần phát triển hoạt động TTKDTM, tăng cường tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo của Việt Nam; Tận dụng hạ tầng, dữ liệu, mạng lưới viễn thông, giảm các chi phí xã hội để phát triển, mở rộng kênh TTKDTM trên thiết bị di dộng, mang lại tiện tích cho người sử dụng..”. Đến tháng 11/2021, một số nhà mạng đã được cấp phép thí điểm triển khai dịch vụ Mobile Money. Đây là một bước quan trọng để kiểm tra tính khả thi và hiệu quả của dịch vụ này trước khi triển khai rộng rãi. Việc triển khai thí điểm dịch vụ Mo-bile Money được xem là một khâu quan trọng, bám sát tinh thần Quyết định số 1813/QĐ-TTg. Qua đó, người dân có thêm một dịch vụ TTKDTM mới tiện lợi và an toàn, nâng cao hiệu quả trong giao dịch hàng ngày và thúc đẩy sự phát triển tài chính của đất nước.

Thời gian qua, Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể trong việc phát triển công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT), tính đến 6 tháng đầu năm 2023 thì tỷ lệ người sử dụng Internet đạt 78,59%, đã vượt mục tiêu kế hoạch năm 2023 (kế hoạch năm 2023 là 76%). Điều này cho thấy sự gia tăng đáng kể so với các năm trước đó và tăng khả năng tiếp cận thông tin và dịch vụ trực tuyến cho người dân. Số thuê bao băng rộng cố định hiện có khoảng 22,14 triệu thuê bao, thể hiện sự phát triển của hạ tầng mạng và khả năng tiếp cận Internet tốc độ cao tại Việt Nam. Mặt khác, đã có sự tăng lên đáng kể về việc sử dụng công nghệ di động và ứng dụng thông tin trên điện thoại di động khi số thuê bao sử dụng điện thoại thông minh khoảng 101,12 triệu, tăng 8,73% so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, Việt Nam đã ghi nhận sự cải thiện đáng kể về tốc độ trung bình mạng Internet di động, với xếp hạng hiện tại là thứ 43/138 quốc gia, tăng 8 bậc so với thời điểm trước đó, cho thấy nỗ lực của Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng và tốc độ kết nối mạng di động. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của Mobile Money và các dịch vụ công nghệ thông tin khác. Những tiến bộ này cho thấy, Việt Nam đang nỗ lực mạnh mẽ để thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển ngành công nghệ thông tin, tạo cơ hội cho sự phát triển Mobile Money và các dịch vụ công nghệ thông tin khác, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Số liệu của Bộ TT&TT cho thấy, sự phát triển tích cực của dịch vụ Mobile Money tại Việt Nam. Số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ Mobile Money đạt hơn 3,9 triệu khách hàng tính đến đầu tháng 5/2023, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2022. Về phân bố khách hàng, có hơn 2,7 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ Mobile Money đến từ nông thôn, miền núi, vùng sâu và vùng xa, chiếm 69% tổng số khách hàng sử dụng dịch vụ. Tính đến tháng 5/2023, có hơn 9.953 điểm kinh doanh Mobile Money trên toàn quốc, tăng 12% so với tháng 3/2023, đồng thời số lượng đơn vị chấp nhận thanh toán đạt 15.326 điểm, tăng 0,2% so với tháng 3/2023. Tổng số lượng giao dịch bằng Mobile Money trong những tháng đầu năm 2023 đạt hơn 26,1 triệu giao dịch (bao gồm nạp, rút, chuyển tiền và thanh toán), với tổng giá trị khoảng 1.683 tỷ đồng. Còn hoạt động chuyển đổi từ rút tiền mặt sang giao dịch qua ATM giảm 2,37% về số lượng và 4,02% về giá trị. Bên cạnh đó, tính đến hết năm 2022, các đơn vị thí điểm Mobile Money như Viettel, VNPT và MobiFone đã xây dựng hơn 82.200 điểm giao dịch kinh doanh và kết nối hơn 14.500 đơn vị chấp nhận thanh toán. Tổng quan các số liệu trên đã cho thấy sự tăng trưởng vượt bậc của dịch vụ Mobile Money tại Việt Nam, đồng thời có sự chuyển dịch tích cực từ rút tiền mặt sang TTKDTM. Điều này phản ánh sự chấp nhận, ưu tiên của người dân và doanh nghiệp đối với các hình thức thanh toán di động và công nghệ tài chính hiện đại.

Thời gian triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép là từ ngày 18/11/2021 đến ngày 18/11/2023 trên toàn quốc. Trước đó, Bộ TT&TT đã gửi công văn số 1865/BTTTT-CVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money từ sau ngày 18/11/2023 đến hết ngày 31/12/2025. Mục tiêu của việc tiếp tục triển khai là đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc khi phát triển dịch vụ. Điều này cho thấy Bộ TT&TT đã nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng và triển khai dịch vụ Mobile Money, đồng thời tạo điều kiện để dịch vụ này được cung ứng, phát triển an toàn, mang lại trải nghiệm tốt cho người dân, nhất là những người ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới và hải đảo.

Nhà nước cũng đã đưa ra nhiều chủ trương, đường lối hỗ trợ để triển khai dịch vụ này, có thể kể đến như: Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược tài chính toàn diện, nhằm tạo ra môi trường thuận lợi để phát triển tài chính toàn diện và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm tạo ra cơ sở hạ tầng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử để phục vụ cho các dịch vụ chuyển đổi số, bao gồm cả dịch vụ Mobile Money; Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 5/9/2022 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử, qua đó góp phần định hướng và tạo ra cơ sở pháp lý cho việc sử dụng các phương thức định danh và xác thực điện tử trong giao dịch; Quyết định số 1601/QĐ-NHNN ngày 21/9/2022 của NHNN ban hành Kế hoạch của ngành Ngân hàng phối hợp với Bộ TT&TT triển khai Đề án xác định chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số... Những văn bản này cho thấy cam kết của Nhà nước trong việc phát triển dịch vụ Mobile Money và chuyển đổi số quốc gia, tạo ra một môi trường thuận lợi để phát triển và mở rộng các dịch vụ TTKDTM, bao gồm cả Mobile Money cũng như hỗ trợ cho sự phát triển chuyển đổi số của doanh nghiệp và người dân.

Thêm vào đó, để thúc đẩy hoạt động Mobile Money, đã có nhiều văn bản pháp luật khác nhau cũng đã được ban hành như: Nghị định 49/2017/NĐ-CP ngày 24/04/2017 quy định về việc cung cấp thông tin cá nhân chính xác từ khách hàng, bao gồm họ tên, số CMND/CCCD, ngày cấp và nơi cấp khi đăng ký thuê bao di động, nhằm đảm bảo tính xác thực và tránh tình trạng giả mạo thông tin. Ngoài ra, Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2023 về bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng tạo ra các quy định chặt chẽ liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan. Thông báo số 174/TB-VPCP năm 2022 của Văn phòng Chính phủ chỉ đạo việc kết nối đồng bộ thông tin thuê bao di động với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý và giải quyết tình trạng SIM rác và giả mạo giấy tờ. Đồng thời, hướng dẫn thực hiện Thông tư số 09/2023/TT-NHNN ngày 28/7/2023 của NHNN cũng nhấn mạnh việc liên tục quét các giao dịch đáng ngờ trong thanh toán Mobile Money. Nếu phát hiện giao dịch đáng ngờ, ngân hàng phải dừng lại giao dịch và áp dụng biện pháp xử lí, ngăn chặn kịp thời. Những quy định và hướng dẫn này nhằm đảm bảo an toàn, bảo vệ quyền lợi của khách hàng sử dụng dịch vụ Mobile Money trong thanh toán và giao dịch tài chính. Đây là những nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan liên quan tạo ra một môi trường an toàn và tin cậy cho việc sử dụng công nghệ thanh toán số và dịch vụ tài chính.

3. VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ MOBILE MONEY TẠI VIỆT NAM

Một bộ phận không nhỏ dân cư vẫn chưa nhận thức đầy đủ, còn thiếu sự tin tưởng trong việc ứng dụng dịch vụ thanh toán Moblie Money mà chủ yếu còn thanh toán với hình thức tiền mặt truyền thống. Trong quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng nhấn mạnh “nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số”, chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức. Hiện nay, một bộ phận người dân vẫn chưa thay đổi được thói quen thanh toán tiền mặt. Việc nâng cao nhận thức công chúng hiểu biết sử dụng các dịch vụ trên nền tảng số còn nhiều bất cập, công tác vận động, khuyến khích người dân sử dụng các dịch vụ TTKDTM chưa có sự đồng bộ ở các vùng, miền. Thêm vào đó, chi phí đầu tư phát triển Mobile Money vẫn cần rất lớn ở giai đoạn đầu để tạo thói quen và niềm tin cho người sử dụng, điển hình như chi phí liên quan đến marketing, địa điểm kinh doanh…

Đối với Việt Nam, việc triển khai và thúc đẩy Mobile Money trong hoạt động thương mại điện tử và thanh toán di động vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Hiện nay, triển khai thí điểm Mobile Money qua Quyết định số 316/QĐ-TTg là một bước quan trọng để khám phá tiềm năng của thanh toán di động. Tuy nhiên, việc thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, chưa có quy định cụ thể về các chính sách, cơ chế. Thực tế, quá trình triển khai Mobile Money phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm tình hình kinh tế, quy định pháp lý hiện có và sự sẵn sàng của các bên liên quan…

Hoạt động Mobile Money gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt từ các hình thức thanh toán khác, đặc biệt là Internet Banking, ví điện tử, mã QR… hoặc một số ứng dụng nền tảng trao đổi mua bán trực tuyến đều cung cấp dịch vụ chuyển tiền, thanh toán hóa đơn và nạp tiền nhằm tạo thuận tiện cũng như tăng cường thu hút khách hàng. Dù hướng tới tầng lớp dân cư có thu nhập trung bình thấp nhưng Mobile Money vẫn chưa tạo ra động lực phát triển mạnh, sức lan tỏa chưa cao dẫn đến chưa chiếm được sự tin cậy từ khách hàng so với các hình thức thanh toán khác đã xây dựng được thói quen và hệ sinh thái riêng từ trước.

Nguồn nhân lực để phục vụ cho việc phát triển dịch vụ Mobile Money còn hạn chế, phần lớn còn thiếu kiến thức, kỹ năng hiện thực hóa công tác chuyển đối số. Số lượng chuyên gia giỏi, kỹ sư đầu ngành về phần mềm, bảo mật, công nghệ số còn thiếu. Kết cấu hạ tầng số phục vụ cho hoạt động thanh toán còn cần đầu tư hơn nữa, công tác kiểm tra, giám sát và xử lý các sự cố an toàn thông tin vẫn còn nhiều bất cập. Năng lực triển khai của các nhà mạng viễn thông vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý các rủi ro về công nghệ cũng như các vấn đề khác về tính bảo mật thông tin, hoạt động của tội phạm rửa tiền, công nghệ cao…

4. MỘT SỐ GIẢI PHÁP VÀ KHUYẾN NGHỊ

Một số giải pháp

- Tăng cường hoạt động tiếp thị với các chính sách linh hoạt khác nhau đến các khách hàng ở vùng sâu, vùng xa, khu vực nông thôn cả hình thức trực tiếp hoặc kết hợp với các phương tiện như đài, báo, mạng xã hội… đồng thời, phát động các chương trình ưu đãi với nhiều lợi ích hấp dẫn kèm theo nhằm thúc đẩy số lượng, gia tăng trải nghiệm và tạo sự tin tưởng đối với người dùng, qua đó góp phần làm tăng mức độ phổ biến sử dụng dịch vụ Mobile Money của các nhà mạng. Cần coi mỗi khách hàng là một phân khúc để tạo và cung ứng sản phẩm một cách đầy đủ, tiện lợi trên cơ sở đáp ứng nhu cầu của các khách hàng.

- Chú trọng bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, tác phong giao dịch và đưa ra các quy định, chính sách khen thưởng, kỷ luật một cách cụ thể nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cùng với đó, thu hút các chuyên gia để hỗ trợ cho quá trình triển khai thực hiện đạt được hiệu quả cao.

- Các nhà cung cấp cần xây dựng chiến lược kinh doanh rõ ràng trên sở bám sát định hướng, quy định của luật pháp và tình hình thực tiễn của thị trường. Ban hành các quy định quản lý hệ thống đại lý, địa điểm kinh doanh một cách cụ thể để hỗ trợ tối đa cho các khách hàng. Cùng với đó là thiết kế hệ thống đại lý, lựa chọn địa điểm kinh doanh phù hợp đảm bảo mức độ phủ sóng bao quát được cả nước, nhất là các vùng khó tiếp cận, bám sát tinh thần Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 về chiến lược tài chính toàn diện, qua đó đảm bảo dịch vụ được cung ứng đến các khu vực miền núi, biên giới, hải đảo và vùng đặc biệt khó khăn. Điều này, sẽ giúp giảm khoảng cách hưởng thụ dịch vụ viễn thông giữa các vùng, miền và cộng đồng dân cư cũng như đảm bảo việc cung cấp dịch vụ tài chính toàn diện theo hướng dẫn của Chính phủ.

- Phòng ngừa rủi ro về bảo mật thông tin, các nhà mạng cần bám sát, quán triệt Nghị định số 19/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền; Nghị định 53/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng... Đồng thời, xây dựng quy trình hoạt động, phương án xử lí rủi ro một cách chủ động. Qua đó, góp phần đảm bảo khả năng thanh toán, nâng cao năng lực hoạt động và hạn chế tối đa các rủi ro phát sinh.

- Đẩy mạnh việc phát triển thêm nhiều điểm chấp nhận thanh toán đảm bảo rộng khắp để tạo thói quen và tính thuận tiện cho khách hàng khi sử dụng, chú trọng đầu tư, cập nhật và phát triển hệ thống thanh toán với kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hiện đại và tiện lợi được cung cấp trên toàn quốc. Tạo ra mối quan hệ đối tác với các ngân hàng và tổ chức tài chính để phát triển và cung cấp các dịch vụ thanh toán, xây dựng một hệ thống quản lý tập trung cho phép quản lý và giám sát toàn bộ quá trình thanh toán.

- Cần tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông, cũng như việc thiết kế và phát triển các ứng dụng, nền tảng phù hợp với nhu cầu và khả năng của người dùng ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đây là một hướng đi quan trọng để khuyến khích thương mại điện tử và tài chính số, qua đó góp phần đẩy mạnh việc phát triển các sản phẩm và dịch vụ thanh toán trên thiết bị di động.

Một số khuyến nghị

- Đối với Nhà nước

Nâng cao và hoàn thiện hệ thống pháp luật đảm bảo phù hợp với đặc điểm của cơ chế thị trường đối với dịch vụ Mobile Money. Hơn nữa, cần kiến tạo một môi trường hoạt động lành mạnh, đảm bảo đạt được kỷ luật, kỷ cương, thượng tôn pháp luật và tôn trọng các quy luật thị trường. Với tư cách là sản phẩm công nghệ nên khi đi vào thực tiễn sẽ gặp phải nhiều vấn đề phát sinh, do đó Nhà nước cần chỉ đạo phối hợp linh hoạt giữa Bộ Công an, Bộ TT&TT, Bộ Tài chính, NHNN và các bên liên quan. Tập trung hoàn thiện Nghị định mới về thanh toán không dùng tiền mặt, Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng và xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết, kịp thời.

Xây dựng cơ chế và chính sách ưu đãi, linh hoạt thay đổi các chính sách và tạo ra hành lang pháp lý để phát triển Mobile Money đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tiễn, ngăn chặn hành vi cạnh tranh không lành mạnh như rửa tiền, đánh bạc online… Thêm vào đó, cần có sự quan tâm đặc biệt đến người tiêu dùng, nhất là những người ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khu biên giới và hải đảo, tạo điều kiện thuận tiện cho mọi người có thể tiếp cận nhà mạng, TCTD một cách nhanh chóng và minh bạch.

Cần tăng cường hoạt động quảng bá và giáo dục để người dùng nhận thức về lợi ích và cách sử dụng dịch vụ TTKDTM bằng tài khoản định danh qua số sim, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, mở các lớp tập huấn, trang bị kiến thức, kỹ năng tài chính cá nhân và quản lý rủi ro cơ bản, dễ hiểu để nâng cao nhận thức cho người dân.

- Đối với các bộ, ngành liên quan

Để đảm bảo sự thành công và phát triển của dịch vụ Mobile Money, việc chủ động hướng dẫn, theo dõi và bám sát tình hình triển khai là rất quan trọng nhằm giải quyết nhanh chóng các vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đồng thời, cần thành lập quy trình và cơ chế giải quyết khiếu nại, vướng mắc. Đảm bảo rằng các vấn đề phát sinh trong quá trình sử dụng dịch vụ được xử lý kịp thời và một cách công bằng. Tạo ra một kênh liên lạc để người dùng có thể báo cáo các vấn đề và nhận được sự hỗ trợ. Tiếp tục, nghiên cứu và đánh giá lại mức phí áp dụng cho các giao dịch Mobile Money, đảm bảo mức phí hợp lý và công bằng đối với khách hàng có nhu cầu giao dịch nhỏ, đồng thời tạo cơ hội cho khách hàng giao dịch nhiều hơn thông qua việc giảm phí hoặc cung cấp các chính sách khuyến mãi. Tăng cường quảng cáo dịch vụ Mobile Money thông qua các kênh trực tuyến, mạng xã hội và các nền tảng đám mây có thể giúp tăng cường nhận thức và thu hút khách hàng mới.

Tổ chức khảo sát và thu thập phản hồi từ người dùng để hiểu rõ về nhu cầu và mong muốn của họ. Dựa trên phản hồi này, có thể nâng cấp và cải thiện dịch vụ Mobile Money để đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, cần xây dựng các mối quan hệ cộng tác với các tổ chức, doanh nghiệp và cơ quan chính phủ có quan tâm đến lĩnh vực Mobile Money. Qua việc hợp tác với các đối tác có kinh nghiệm và sử dụng các tài nguyên sẵn có, có thể học hỏi và chia sẻ kiến thức để cải thiện dịch vụ và đối phó với các vấn đề phát sinh.

Tăng cường chỉ đạo, giám sát chặt chẽ hoạt động của các nhà mạng cung cấp dịch vụ Mobile Money, đảm bảo an toàn trong thanh toán, nâng cao khả năng phòng ngừa rủi ro gian lận, pháp lý, công nghệ thông tin, đa dạng hóa các biện pháp nhằm tăng trải nghiệm và thúc đẩy hoạt động TTKDTM phát triển.

Tăng cường sự phối hợp của các Bộ với nhau, nhất là Bộ Công thương, Bộ TT&TT, Bộ Công an trong việc dự báo đánh giá tình hình thị trường, xây dựng các cơ chế chính sách, cùng với các chế tài hợp lí để xử lí các hành vi vi phạm bị cấm theo tinh thần Quyết định số 316/QĐ-TTg

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

- Glavee-Geo, R., Shaikh, A. A., Karjaluoto, H., & Hinson, R. E. (2020). Drivers and outcomes of consumer engagement: Insights from mobile money usage in Ghana. International Journal of Bank Marketing, 38(1), 1-20.

- Gosavi, A. (2017). Can mobile money help firms mitigate the problem of access to finance in eastern sub-saharan Africa?’, Journal of African Business, 19(3), pp. 343–360. doi:10.1080/15228916.2017.1396791.

- Hồng Vinh (2023). Mobile Money đã có gần 4 triệu người dùng. https://vneconomy.vn/mobile-money-da-co-gan-4-trieu-nguoi-dung.

- Kendall, J., Machoka, P., Veniard, C., & Maurer, B. (2011). An emerging platform: From money transfer system to mobile money ecosystem. UC Irvine School of Law Research Paper, (2011-14).

- Mogaji, E. and Nguyen, N.P. (2022). The Dark Side of Mobile Money: Perspectives from an emerging economy, Technological Forecasting and Social Change, 185, p. 122045.

- Nguyễn Thị Hoài Thu và cộng sự (2023). Đánh giá tác động của dịch vụ tiền di động đến sự phát triển của tài chính toàn diện tại Việt Nam và một số khuyến nghị. Tạp chí Khoa học & Đào tạo Ngân hàng, Số 255- Tháng 8. 2023.

- Shaikh, A. A., Alamoudi, H., Alharthi, M., & Glavee-Geo, R. (2022). Advances in mobile financial services: a review of the literature and future research directions. International Journal of Bank Marketing, 41(1), 1-33.

- Twum, K. K., Kosiba, J. P. B., Hinson, R. E., Gabrah, A. Y. B., & Assabil, E. N. (2023). Determining mobile money service customer satisfaction and continuance usage through service quality. Journal of Financial Services Marketing, 28(1), 30-42.

Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 17 năm 2023

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực trạng phát triển dịch vụ mobile money tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO