Trong hai năm qua, lời kêu gọi toàn cầu về hành động vì khí hậu đã dẫn đến sự chuyển đổi nhanh chóng, từ yêu cầu báo cáo ESG (môi trường, xã hội, quản trị) mang tính tự nguyện thành yêu cầu công bố thông tin bắt buộc.
Chỉ thị Báo cáo phát triển bền vững doanh nghiệp (CSDR) của Liên minh châu Âu có hiệu lực từ tháng 1/2023, đã yêu cầu những doanh nghiệp đầu tiên áp dụng Tiêu chuẩn Báo cáo phát triển bền vững châu Âu (ESRS) trong điều hành quản lý phải thực hiện ngay từ năm 2024. Những doanh nghiệp này sẽ phải công bố thông tin về những rủi ro, cơ hội được cho là sẽ nảy sinh từ các vấn đề xã hội và môi trường, cũng như những ảnh hưởng từ hoạt động của doanh nghiệp lên con người và môi trường.
Xu hướng báo cáo bắt buộc này đang được các nhà lãnh đạo, các cơ quan thiết lập tiêu chuẩn, các nhà đầu tư và các doanh nghiệp quan sát kỹ lưỡng, bởi điều này làm cho các quyết định đầu tư đang ngày càng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các yếu tố trong tiêu chí ESG. Theo nghiên cứu toàn cầu về ESG của Capital Group công bố năm 2022, 89% các nhà đầu tư chuyên nghiệp được khảo sát cho rằng việc chấp hành, đồng thuận và tin tưởng ESG tại một doanh nghiệp là một trong những yếu tố chủ chốt để họ quyết định đầu tư vào doanh nghiệp đó.
Một loại tài sản bền vững quan trọng mà nhiều doanh nghiệp đã và đang đầu tư vào chính là Chứng chỉ năng lượng tái tạo (REC), loại chứng chỉ đặc biệt được cấp cho mỗi megawatt - giờ (MWh) được tạo ra từ các nguồn năng lượng tái tạo. Những nguồn năng lượng tái tạo này bao gồm nhưng không giới hạn khí sinh học, sinh khối lỏng/rắn, nhiên liệu hóa thạch, thủy điện, năng lượng hạt nhân, nhiệt tái tạo, năng lượng mặt trời và gió.
RECs được sử dụng nhằm định lượng năng lượng tái tạo mà một thực thể tiêu thụ để những tuyên bố kiểu như “50% các hoạt động vận hành được sử dụng năng lượng tái tạo” sẽ được thực hiện dựa trên cơ sở tính toán vững chắc về mặt con số. Khi 1MWh năng lượng được tiêu thụ và khoản thanh toán được thực hiện cho nhà sản xuất năng lượng tái tạo, chứng chỉ duy nhất này sẽ bị đốt để tiêu hủy và không thể tái sử dụng nữa.
REC được công nhận như là một Chứng nhận thuộc tính năng lượng (EAC) của Tiêu chuẩn phát thải nhà kính (GHG-P), được phát triển bởi Viện Tài nguyên Thế giới (WRI) và Hội đồng doanh nghiệp phát triển bền vững thế giới (WBCDS). Chứng chỉ thể hiện trạng thái sạch khí thải của một tổ chức thuộc Phạm vi 2 - hoặc gián tiếp - khí thải. REC, với tư cách là khái niệm, được áp trong các nguyên tắc để xác định quy trình, tính xác thực và mô hình dữ liệu đường cơ sở mà nhà sản xuất, nhà đầu tư và người tiêu dùng năng lượng tái tạo cần tuân thủ.
Chứng chỉ Năng lượng tái tạo (RECs) có thể được sử dụng kết hợp với Tín chỉ cacbon để thúc đẩy sản xuất năng lượng tái tạo và giảm thiểu khí thải cacbon. RECs đại diện cho các đặc tính của môi trường được liên kết với 1MWh điện sinh ra từ nguồn năng lượng tái tạo, trong khi Tín chỉ Cacbon đại diện cho việc cắt giảm hoặc hạn chế khí thải nhà kính.
Nhiều tiêu chuẩn được đặt ra với RECs, đặc biệt ở Mỹ, nơi mô hình này lần đầu tiên được áp dụng, bao gồm Tiêu chuẩn Chứng chỉ Năng lượng tái tạo quốc tế (I-REC standard). Đây là mô hình được xác lập sau khi tiếp thu rất nhiều tiêu chuẩn ở nhiều bang của Mỹ và đang được áp dụng phổ biến nhất ở các nước đang phát triển, bao gồm Trung Quốc, Mỹ La-tinh, vùng Trung Đông và Nam Á.
Hành trình của một dự án sản xuất năng lượng tái tạo áp dụng RECs bao gồm việc thiết lập một dự án năng lượng tái tạo, được xác nhận và xác minh bởi tổ chức cấp chứng nhận, đăng ký với cơ quan đăng ký RECs, khởi tạo RECs, giao dịch RECs và cuối cùng là hủy bỏ RECs.
Trong suốt dự án, các ngân hàng có thể đóng một vai trò quan trọng theo nhiều cách, bằng nguồn vốn, kiến thức chuyên môn và mạng lưới nhân lực mạnh của mình. Các ngân hàng nên xem xét cách thức gắn kết các chiến lược kinh doanh với các cam kết bền vững tham vọng nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp, từ đó có thể thực hiện các cam kết bền vững của khách hàng và của chính họ. Trong bối cảnh này, dưới đây là một số vai trò chính mà ngân hàng có thể đảm nhận:
Cấp vốn cho các Dự án Năng lượng tái tạo: Ngân hàng có thể cung cấp tài chính cho các dự án năng lượng tái tạo, bao gồm những dự án khởi tạo ra RECs. Ngân hàng cũng có thể đề xuất các khoản vay, hình thức tín dụng, giải pháp tài chính cho dự án và cam kết hỗ trợ các nhà đầu tư trực tiếp tiềm năng trong quá trình phát triển, xây dựng và vận hành của các dự án năng lượng tái tạo. Việc hỗ trợ tài chính như vậy giúp tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình khởi tạo RECs bằng cách cho phép triển khai công nghệ năng lượng tái tạo.
Phát hành và quản lý RECs: Các ngân hàng có thể phát hành và quản lý RECs thay cho các nhà phát triển dự án năng lượng tái tạo hoặc các nhà cung cấp năng lượng; tạo điều kiện cho quá trình khởi tạo, đăng ký, tiếp thị, theo dõi, chấm dứt và báo cáo RECs để đảm bảo tính minh bạch, chính xác trên thị trường. Các ngân hàng nên bảo đảm tính toàn vẹn và dòng dữ liệu của RECs trong hoạt động phát hành để niềm tin vào RECs được thiết lập ngay từ thời điểm ban đầu.
Giao dịch RECs: Các ngân hàng có thể đóng vai trò trung gian trong giao dịch REC, tạo điều kiện cho việc mua bán REC giữa nhà sản xuất năng lượng tái tạo và người tiêu thụ năng lượng hoặc giữa những thành viên tham gia thị trường. Trong khi nhà sản xuất năng lượng tái tạo có thể bán REC để thu lợi nhuận, người mua REC như các doanh nghiệp hay các công ty công ích có thể mua để đáp ứng các mục tiêu năng lượng tái tạo của họ. Một lợi thế quan trọng của các ngân hàng là mối quan hệ chặt chẽ với khách hàng doanh nghiệp tiềm năng có khả năng tham gia hợp đồng mua bán điện (PPA) hoặc hợp đồng bán buôn từ các nhà sản xuất năng lượng tái tạo. Các ngân hàng có thể tiếp tục đẩy mạnh dịch vụ môi giới bằng việc thiết lập những nền tảng hoặc thị trường nơi người mua và người bán REC có thể kết nối và tiến hành giao dịch với cơ sở hạ tầng, công nghệ bảo mật và chuyên môn cần thiết cho các giao dịch REC hiệu quả, đảm bảo tính minh bạch, thanh khoản và toàn vẹn của thị trường.
Ví dụ, công nghệ chuỗi khối có thể được sử dụng để bảo vệ dữ liệu, chống làm giả, đảm bảo truy xuất nguồn gốc đầy đủ, hiệu quả từ các nguồn và cho phép các quy trình làm việc đa bên trong suốt thời gian có hiệu lực của REC. Các dịch vụ bổ sung mà các ngân hàng có thể cung cấp bao gồm thanh toán an toàn trên nền tảng và dịch vụ tài khoản ký quỹ, nơi các khoản tiền được giữ cho đến khi cả hai bên hoàn thành nghĩa vụ trong giao dịch.
Quản trị rủi ro và phòng ngừa rủi ro: Các ngân hàng có thể hỗ trợ quản trị những rủi ro liên quan đến các dự án năng lượng tái tạo và các giao dịch REC, cung cấp các công cụ tài chính và các sản phẩm quản trị rủi ro như các phương án, chiến lược phòng ngừa rủi ro, các sản phẩm bảo hiểm để giảm thiểu rủi ro liên quan đến biến động giá cả, các thay đổi trong quy định pháp lý, hoặc sự không chắc chắn trên thị trường REC. Các dịch vụ này có thể đem đến sự ổn định và chắc chắn cho các nhà sản xuất và người mua năng lượng tái tạo trong các hoạt động liên quan đến REC.
Dịch vụ tư vấn: Các ngân hàng có thể cung cấp các dịch vụ tư vấn về cấu trúc thuế, định giá dự án, các thị trường REC và các cơ hội liên quan cho khách hàng, gồm những nhà phát triển dự án năng lượng tái tạo, nhà đầu tư, và những người tiêu thụ năng lượng; cung cấp thông tin chuyên sâu về động lực thị trường, khung chính sách, và bối cảnh pháp lý phức tạp của thị trường năng lượng tái tạo và carbon, giúp khách hàng đưa ra những quyết định sáng suốt về cơ hội đầu tư và quản trị rủi ro.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, các ngân hàng có thể cung cấp các dịch vụ thông qua cơ sở tài chính bền vững hiện nay với việc tích hợp các yếu tố ESG. Khi các ngân hàng chú trọng tài chính bền vững và việc tích hợp các yếu tố ESG vào các hoạt động của mình, họ có thể kết hợp sâu hơn RECs vào các khoản đầu tư năng lượng tái tạo vào danh mục đầu tư của khách hàng và của chính họ, đồng thời cung cấp các lựa chọn tài chính xanh và điều chỉnh các hoạt động cho vay với các mục tiêu năng lượng tái tạo và khí hậu lớn lơn.