(thitruongtaichinhtiente.vn) - Hàng loạt các giải pháp như: giảm lãi suất; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ; giảm phí... từ ngành ngân hàng đang giúp cộng đồng doanh nghiệp từng bước vượt qua những tác động tiêu cực từ dịch Covid-19. Tuy nhiên, điều này cũng đang ảnh hưởng lớn đến hoạt động của ngành Ngân hàng, trong đó có rủi ro nợ xấu tiềm ẩn tăng.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành Ngân hàng đã và đang triển khai quyết liệt, mạnh mẽ và có hiệu quả các giải pháp về điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, tập trung các nguồn lực để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và người vay vốn bị thiệt hại bởi dịch Covid-19. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để duy trì ổn định vĩ mô, trong đó: tập trung vào kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và đảm bảo thanh khoản của hệ thống ngân hàng và toàn bộ nền kinh tế.
Chủ động hỗ trợ doanh nghiệp và người dân
Ngay khi xảy ra dịch bệnh, NHNN đã chủ động ban hành các văn bản và tổ chức làm việc trực tiếp với các TCTD để yêu cầu rà soát, đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch đối với khách hàng, xây dựng các chương trình, kịch bản hành động của ngân hàng để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, cụ thể: ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 12/3/2020 hướng dẫn các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ cho tất cả các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; tiếp đến là Chỉ thị 02/CT-NHNN, ngày 31/3, về yêu cầu Chủ tịch HĐQT/HĐTV/TGĐ các TCTD nghiêm túc triển khai các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng để tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh, trong đó đẩy mạnh cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi…
Cùng với đó, lãi suất cũng được điều chỉnh giảm để hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể: từ ngày 17/3, NHNN giảm đồng bộ các mức lãi suất để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, cụ thể: trần lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên giảm từ mức 6,0%/năm xuống mức 5,5%/năm; giảm 0,5-1%/năm các mức lãi suất điều hành, tăng 0,2%/năm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc để phát tín hiệu mạnh mẽ định hướng điều hành giảm lãi suất của NHNN, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho TCTD trong trường hợp tiếp cận vốn từ NHNN và hỗ trợ các TCTD có điều kiện giảm lãi suất cho vay nền kinh tế.
Tiếp đến, tại cuộc họp với các NHTM ngày 31/3, thực hiện chỉ đạo của NHNN, các NHTM đã đồng thuận tiếp tục giảm lãi suất cho vay khoảng 2% so với thời điểm trước dịch.
Điều hành tỷ giá tiếp tục phù hợp với tình hình vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ. Tỷ giá và thị trường ngoại tệ về cơ bản ổn định, tâm lý thị trường không xáo trộn, nhất là cân đối cung, cầu ngoại tệ vẫn khá thuận lợi, thanh khoản thông suốt. Đồng Việt Nam ổn định hơn nhiều so với đồng tiền của nhiều đối tác thương mại. Thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.
Những giải pháp quyết liệt trên đã từng bước giúp cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Cụ thể, tại báo cáo gửi tới Chính phủ mới đây, NHNN cho biết, đến nay, các TCTD đã bước đầu cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 52.000 khách hàng (trong đó NHCSXH 40.000 khách hàng) với dư nợ 17.927 tỷ đồng (trong đó NHCSXH 1.400 tỷ đồng); đã thực hiện miễn giảm lãi cho 6.427 khách hàng với dư nợ 125.242 tỷ đồng, số lãi được miễn giảm khoảng 300 tỷ đồng.
Đồng thời, các TCTD đã tích cực triển khai các chương trình, gói sản phẩm tín dụng ưu đãi lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường từ 0,5%-3%/năm. Hiện nay các TCTD đã cho vay mới đối với 354.286 khách hàng (trong đó NHCSXH 275.000 khách hàng), doanh số cho vay đạt 165.208 tỷ đồng (trong đó NHCSXH 12.000 tỷ đồng).
Mặt bằng lãi suất huy động của TCTD đã liên tiếp giảm ở cả ngắn, trung, dài hạn. Mặt bằng lãi suất cho vay cũng theo xu hướng giảm, riêng lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên đã giảm khoảng 0,5%/năm so với cuối năm 2019. Theo số liệu công bố của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tháng 1/2020, lãi suất cho vay của Việt Nam ở mức 7,7%, tương đương với lãi suất cho vay của Philippines (7,13%) và thấp hơn một số nước có trình độ phát triển tương đồng trong khu vực, như: Indonesia (10,08%), Mông Cổ (16,81%) và Bangladesh (9,66%).
Không chỉ đưa ra các giải pháp liên quan đến lãi suất, tỷ giá và tín dụng, ngành Ngân hàng cũng đẩy mạnh việc miễn, giảm phí nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Kết quả sau 2 lần giảm phí trong năm 2020 đã có 63% giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng qua Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) được giảm trực tiếp cho khách hàng sử dụng dịch vụ với sự tham gia của gần 100% các ngân hàng. Theo đó, tổng số tiền phí mà các ngân hàng giảm cho khách hàng trong cả 2 lần giảm khoảng 560 tỷ đồng.
Trước những tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, toàn ngành Ngân hàng cũng đã nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh, như: khử trùng, sát khuẩn, vệ sinh các khu vực giao dịch tiền mặt, kho quỹ, máy ATM, vệ sinh khử trùng tiền mặt…; tăng cường khuyến khích sử dụng dịch vụ TTKDTM, hoạt động online, hạn chế giao dịch trực tiếp; chủ động xây dựng phương án, đảm bảo các hoạt động liên tục ngay cả khi dịch bệnh phức tạp (đặc biệt là hệ thống thanh toán, công nghệ thông tin…).
Khoảng 2 triệu tỷ đồng dư nợ dự kiến bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Nỗ lực của ngành Ngân hàng đang từng bước giúp cộng đồng doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn nhưng ở chiều ngược lại: ngành Ngân hàng cũng đang đối mặt với những rủi ro, đặc biệt liên quan đến nợ xấu.
Theo đánh giá sơ bộ của NHNN, dư nợ dự kiến bị ảnh hưởng đến nay đạt khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống, tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động ngân hàng, trong đó: Ngành kinh doanh khoáng sản, nhiên liệu, nguyên vật liệu xây dựng, kinh doanh ô tô và phụ tùng là nhóm có nhiều dư nợ bị ảnh hưởng nhất với 548.000 tỷ đồng, chiếm 6,6% tổng dư nợ; Nhóm công nghiệp chế biến - chế tạo với dư nợ bị ảnh hưởng khoảng 520.000 tỷ đồng, chiếm 6,3% tổng dư nợ, trong đó ngành chế biến thực phẩm, đồ uống bị ảnh hưởng nhiều nhất; Nhóm dịch vụ lưu trú, ăn uống, dịch vụ có 169.000 dư nợ bị ảnh hưởng chiếm 2% tổng dư nợ; Nhóm nông lâm nghiệp và thủy sản có số dư nợ bị ảnh hưởng là 157.000 tỷ đồng, chiếm 1,9%; Nhóm kinh doanh bất động sản có 145.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng, chiếm 1,75%; Nhóm vận tải có 139.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng, chiếm 1,68%; Nhóm các dự án BOT, BT có 110.000 tỷ đồng bị ảnh hưởng, chiếm 1,35% tổng dư nợ,...
Theo ước tính của NHNN, với 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế như Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra, trường hợp dịch được kiểm soát trong quý I, tỷ lệ nợ xấu (nội bảng đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ) sẽ ở mức 2,9-3,2% đến cuối quý II và từ 2,6-3,0% đến cuối năm 2020.
Với trường hợp dịch diễn biến phức tạp hơn và được kiểm soát trong quý II, tỷ lệ này sẽ ở mức gần 4% vào cuối quý II và 3,7% cuối năm 2020 và còn có thể cao hơn, dẫn tới ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các TCTD và khả năng phục hồi của các TCTD yếu kém.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, trong báo cáo gửi Chính phủ, NHNN đã đề ra một loạt giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong thời gian tới, cụ thể:
Về chính sách tiền tệ, NHNN cho biết tiếp tục điều hành lãi suất một cách chủ động, linh hoạt, phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường, mục tiêu chính sách tiền tệ, đặc thù hệ thống ngân hàng Việt Nam, góp phần kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện cho các TCTD ổn định và giảm lãi suất cho vay, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi sản xuất kinh doanh.
Tỷ giá tiếp tục điều hành linh hoạt, phù hợp với thị trường trong và ngoài nước, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp để bình ổn thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo ổn định tỷ giá.
NHNN cũng tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình thanh khoản của các TCTD để có phương án điều hành nghiệp vụ thị trường mở phù hợp. Trường hợp TCTD khó khăn về thanh khoản hoặc có nhu cầu để cho vay các lĩnh vực ưu tiên, NHNN sẽ xem xét tái cấp vốn cho TCTD.
Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo và trực tiếp làm việc với Chủ tịch HĐQT/Tổng giám đốc các TCTD yêu cầu quyết liệt tổ chức triển khai có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Chỉ thị 02/CT-NHNN, đặc biệt là công tác cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới; tập trung triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để hạn chế giao dịch trực tiếp và tạo điều kiện hơn nữa cho khách hàng tiếp cận tín dụng…
Báo cáo cũng cho biết, NHNN đang khẩn trương phối hợp các bộ, ngành hoàn thiện Quyết định về việc triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các dịch vụ khác có giá trị nhỏ (Mobile Money).
Tuy nhiên, để các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ đạt hiệu quả cao trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, NHNN đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đầu mối, phối hợp các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, đánh giá tác động, mức độ thiệt hại do dịch bệnh, xây dựng và báo cáo Chính phủ các kịch bản, giải pháp tổng thể tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch. Cùng với đó là tập trung các biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh; thực hiện tốt công tác truyền thông, kiểm soát thông tin để ổn định tâm lý người dân, không gây tâm lý hoang mang, lo sợ.
NHNN cũng đề nghị, Chính phủ có các biện pháp quyết liệt đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt đối với những công trình trọng điểm quốc gia, các dự án phát triển đô thị (nhất là những dự án sắp hoàn thành và chuẩn bị khởi công), xem xét một số dự án quan trọng để chỉ đạo trực tiếp việc triển khai, đảm bảo tiến độ và hiệu quả. Đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện mạnh mẽ để triển khai các dự án FDI, dự án đầu tư tư nhân (nhất là tại các khu vực kinh tế trọng điểm).
Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính dự kiến bố trí nguồn (theo Điều 10 Luật Ngân sách Nhà nước) nếu thực hiện chính sách khoanh nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng, thiệt hại lớn do dịch bệnh…
Ngoài ra, NHNN cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch & Đầu tư chủ trì, phối hợp với NHNN, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án, cơ chế ngân sách nhà nước sử dụng nguồn vay ở mức phù hợp từ Quỹ Dự trữ ngoại hối Nhà nước nhằm chủ động có giải pháp phòng ngừa những tác động tiêu cực đến nền kinh tế (trong đó trước mắt cân nhắc chính sách đối với các ngành, lĩnh vực có dư nợ lớn và chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch) để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.