(thitruongtaichinhtiente.vn) - Tuy nhiên, theo Công ty chứng khoán SSI, ước tính tác động của dịch bệnh đối với kết quả kinh doanh của hầu hết các ngân hàng trong quý I/2020 là không lớn. Ngoại trừ một số ngân hàng lựa chọn chủ động trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trước để có thêm nguồn dự trữ trong tương lai.
Theo Tổng cục thống kê, tính đến thời điểm 20/3/2020, tổng phương tiện thanh toán tăng 1,55% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm trước tăng 2,54%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 0,51% (cùng kỳ năm 2019 tăng 1,72%); tín dụng của nền kinh tế tăng 0,68% (cùng kỳ năm trước tăng 1,9%), cho thấy các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh.
Báo cáo ngành Ngân hàng Cập nhật nhanh tác động của dịch Covid-19 phát hành mới đây của Công ty chứng khoán SSI cho biết tăng trưởng tín dụng chậm được ghi nhận tại 3 NHTM Nhà nước (Vietcombank, VietinBank, BIDV) cũng như các NH TMCP như MBBank và ACB. Điều này theo SSI có thể xuất phát từ việc những ngân hàng này thận trọng hơn khi giải ngân mới nhằm hạn chế rủi ro tín dụng trong tương lai. Trong khi đó, VPBank, HDBank và TPBank đã phá bỏ khuôn mẫu và bùng nổ với tỷ lệ tăng trưởng tín dụng cao; khoảng 4,8% tính đến hết tháng 2/2020 đối với VPBank, 5% tính đến hết tháng 2/2020 đối với HDbank và 9% tính đến hết tháng 3/2020 đối với TPBank.
SSI cho rằng: “Chúng tôi nhận thấy rằng VPBank và TPBank đặc biệt tích cực trong việc mua trái phiếu doanh nghiệp. Đối với HDBank, mức tăng trưởng tín dụng khá cao là nhờ các thỏa thuận cho vay với một số khách hàng doanh nghiệp, đã được ký trước đó vào cuối năm 2019. Các ngân hàng tiếp tục mở rộng gói cho vay ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp: Sau khi ban hành Thông tư 01 ngày 13/3/2020, mỗi ngân hàng đã công bố gói vay tín dụng hỗ trợ riêng cho khách hàng doanh nghiệp và cá nhân bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Gần đây, trong cuộc họp của Chính phủ với đại diện của 20 ngân hàng đã thống nhất các ngân hàng sẽ mở rộng gói vay tín dụng hỗ trợ bổ sung để hỗ trợ khách hàng vì tính chất cấp thiết đối với tình hình hiện tại”.
Chính phủ cũng đã cung cấp cho các ngân hàng các hình thức hỗ trợ khác nhau, bao gồm cắt giảm lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động ngắn hạn, giảm 50% phí giao dịch liên ngân hàng (Thông tư 04/2020) và gia hạn thời gian nộp thuế (dự thảo sửa đổi Nghị định được đang đề xuất).
Các ngân hàng được yêu cầu không chi trả cổ tức bằng tiền mặt, một yêu cầu cho các NHTM Nhà nước nhằm giữ lại thu nhập từ năm trước để hỗ trợ nền kinh tế đồng thời với lo ngại về kết quả kinh doanh
Theo SSI, ước tính tác động của dịch bệnh đối với kết quả kinh doanh của hầu hết các ngân hàng trong quý I/2020 là không lớn. Ngoại trừ một số ngân hàng lựa chọn chủ động trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trước để có thêm nguồn dự trữ trong tương lai. Tuy nhiên, trong quý II/2020, SSI cho rằng thu nhập lãi, thu nhập từ phí, và thu hồi nợ xấu sẽ giảm xuống khi các ngân hàng đáp ứng nhu cầu của khách hàng thông qua cung cấp các gói lãi suất cho vay ưu đãi và cắt giảm chi phí giao dịch và thanh toán.
SSI đã điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận trước thuế đối với các ngân hàng mà SSI nghiên cứu, giảm 11,1% và giảm 16,4% so với dự báo trước đây để phản ánh tác động của dịch Covid-19 đối với kịch bản cơ sở và kịch bản xấu nhất.
Đối với hoạt động tín dụng tiêu dùng của các ngân hàng, theo SSI ảnh hưởng sẽ diễn ra theo 2 giai đoạn. Đối với giai đoạn 1, nhu cầu vay từ các khách hàng phân khúc bình dân đại chúng và phân khúc thu nhập thấp vẫn còn, vì khách hàng vẫn cần tiền mặt để trang trải chi phí sinh hoạt. Tuy nhiên, đối với giai đoạn 2 khi dịch bệnh diễn biến phức tạp và đạt đỉnh, về mặt lý thuyết, thu nhập của phân khúc khách hàng thu nhập thấp sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên, và khả năng trả nợ của người đi vay theo kịch bản này sẽ giảm nhanh tại thời điểm này.