(thitruongtaichinhtiente.vn) - PwC Việt Nam vừa phối hợp với Công ty Gojek Việt Nam và Công ty Cổ phần Công nghệ Sen Đỏ tổ chức hội thảo trực tuyến với chủ đề “Đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số: Yếu tố thành công”.
|
Tại hội thảo các diễn giả cho rằng, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu để đảm bảo sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh nhiều biến động như hiện nay. Đặc biệt là việc xây dựng, tham gia vào hệ sinh thái công nghệ sẽ còn tiếp tục là động lực thay đổi, giúp các doanh nghiệp nhanh chóng nắm bắt được thị trường và đạt được các mục tiêu kinh doanh trong nền kinh tế số.
Một nghiên cứu gần đây của PwC Singapore khi phân tích kinh nghiệm của các doanh nghiệp trong chuyển đổi số cho thấy có 3 yếu tố thành công giúp đẩy nhanh tiến trình này đặc biệt trong giai đoạn nền kinh tế chịu nhiều ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, cụ thể:
Đầu tiên, nhấn mạnh các doanh nghiệp cần xây dựng hệ sinh thái của riêng mình và nhanh nhạy áp dụng các công nghệ đang có triển vọng.
Thứ hai, cần đánh giá những ưu tiên số hóa trong tổ chức nhằm hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi mô hình kinh doanh, làm sao để định hướng năng lực và ứng dụng hiệu quả các sáng kiến chuyển đổi vào mô hình kinh doanh.
Cuối cùng, áp dụng những phương thức làm việc mới để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, điều này đòi hỏi những thay đổi cần thiết về văn hóa làm việc và cách làm việc trong từng doanh nghiệp.
Tại hội thảo, ông Võ Tấn Long, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc kỹ thuật số (CDO), PwC Việt Nam cho rằng, dù là điểm khá mới trong các thảo luận về chuyển đổi số tại Việt Nam hiện nay, việc ứng dụng công nghệ, đặc biệt nhằm tạo ra mô hình kinh doanh mới, giờ đây sẽ gắn liền với khái niệm về hệ sinh thái số.
Khi các sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp có sự kết nối, mạng lưới này sẽ tạo nên hệ thống hữu cơ giữa các sản phẩm và dịch vụ khác nhau, từ đó mang lại giá trị thặng dư lớn hơn rất nhiều cho khách hàng so với việc sử dụng các dịch vụ đơn lẻ.
“Việc chuyển đổi số trong các quy trình nội bộ sẽ là chưa đủ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp nắm bắt được các cơ hội lớn hơn trong nền kinh tế số. Nếu các doanh nghiệp có thể khai thác được tiềm năng của hệ sinh thái số đối với các sản phẩm và dịch vụ của mình, chúng ta có cơ hội nắm bắt được thị trường và tiềm năng doanh thu lớn hơn nhiều”, ông Long nhận định.
Cũng theo ông Long, hiểu và đánh giá đúng tiềm năng này đã và đang là động lực cho nhiều doanh nghiệp hướng đến xây dựng hệ sinh thái ngày một lớn mạnh và bền vững hơn.
Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Hải Linh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Sen Đỏ cho rằng, các doanh nghiệp không nhất thiết là chủ sở hữu hay là đơn vị có quy mô lớn nhất trong hệ sinh thái của mình. Điều quan trọng là xây dựng được một hệ thống để cùng chia sẻ thông tin, chia sẻ khách hàng một cách phù hợp, từ đó cùng nhau tạo ra giá trị và tối đa hóa lợi nhuận. Trong mỗi thời điểm khác nhau, với các ngành công nghiệp khác nhau, trình độ phát triển công nghệ thông tin của mỗi công ty sẽ có sự khác biệt. Để xây dựng một hệ sinh thái mà từ đó đóng góp vào sự phát triển của cả ngành công nghiệp sẽ đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa nhiều đơn vị.
Về phía Gojek Việt Nam, ông Phùng Tuấn Đức, Tổng giám đốc Gojek Việt Nam cho rằng, có hai thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp, cụ thể: Thứ nhất, việc sử dụng kho dữ liệu sẵn có để chuyển hóa thành hiểu biết sâu sắc và đa chiều về nhu cầu của khách hàng; Thứ hai, trong giai đoạn công nghệ số đang bùng nổ như hiện nay, tương ứng với đó là bài toán năng lực đi kèm của đội ngũ.
Để tháo gỡ vấn đề này, quan điểm của Gojek trong giai đoạn xây dựng công ty là cần đưa năng lực giải quyết vấn đề thông qua dữ liệu lớn trở thành văn hóa của công ty, làm sao để đa phần nhân viên phải có năng lực nhất định liên quan đến khai thác và sử dụng dữ liệu trên hệ thống.
Tại hội thảo, ông Võ Tấn Long đưa ra 6 yếu tố thành công giúp doanh nghiệp bắt tay vào xây dựng hệ sinh thái, bao gồm: Đánh giá hệ sinh thái nội bộ và khám phá những khả năng mới; Xác định tầm nhìn chiến lược và tuyên bố giá trị (value proposition) cho hệ sinh thái; Phát triển hệ sinh thái theo hướng tích hợp và mô hình hợp tác chiến lược; Thành lập hội đồng phụ trách quản trị hệ sinh thái, đầu tư, và ra quyết định; Xây dựng năng lực hệ sinh thái thông qua thiết kế và triển khai theo vòng lặp; Thu về tối đa giá trị mang lại nhờ tích hợp hệ sinh thái và tái đầu tư để tiếp tục mở rộng.