(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngành tài chính - ngân hàng đang chuyển đổi số rất nhanh, vượt trội so với các ngành khác, đang thúc đẩy chuyển đổi số của các ngành khác, góp phần quan trọng trong việc xây dựng kinh tế số. Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo Chuyển đổi số ngành tài chính, ngân hàng - Phát triển kinh tế số diễn ra chiều ngày 25/5/2020 trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam – châu Á 2022.
Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch CLB Công nghệ tài chính Việt Nam (Vina Fintech), phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Bảo Đăng |
Tham dự Hội thảo có ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, ông Phạm Quang Toàn, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Tổng cục Thuế, ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch CLB Đầu tư Công nghệ số (VDI), Chủ tịch CLB Công nghệ tài chính Việt Nam (Vina Fintech), ông Trần Công Quỳnh Lân, Chủ nhiệm Ủy ban công nghệ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và gần 200 đại diện từ các cơ quan, doanh nghiệp…
Chuyển đổi số cần sự thay đổi về tư duy và văn hóa làm việc
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch CLB Vina Fintech nhấn mạnh chuyển đổi số trong ngành tài chính - ngân hàng là trọng tâm trong chuyển đổi số nền kinh tế, có sự liên quan rộng lớn đến nhiều ngành nghề khác. Ngân hàng là lĩnh vực tiên phong trong chuyển đổi số, dẫn dắt phát triển nền kinh tế số kéo theo đó là các lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, hệ thống sinh thái các doanh nghiệp khác. Hội thảo mong muốn được lắng nghe những đề xuất nhằm hoàn thiện pháp lý để giúp chuyển đổi số nhanh hơn, tác động tốt hơn đến hệ sinh thái kinh tế theo hướng chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số.
Ông Trần Công Quỳnh Lân, Chủ nhiệm Ủy ban công nghệ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam. Ảnh: Bảo Đăng |
Chia sẻ về chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng, ông Trần Công Quỳnh Lân, Chủ nhiệm Ủy ban công nghệ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng nhằm nâng cao giá trị, phục vụ khách hàng tốt hơn, có thể sử dụng dịch vụ ngân hàng thuận tiện mọi lúc mọi nơi. Khách hàng có thể mở tài khoản, chuyển tiền, cho vay, mở thẻ, đóng thẻ trên ứng dụng của ngân hàng.
Thời gian qua, chúng ta ứng dụng eKYC (định danh khách hàng điện tử) , AI (trí tuệ nhân tạo), dữ liệu lớn (Big Data) cho phép khách hàng mở tài khoản từ xa, không còn rào cản địa lý phải đến chi nhánh, phòng giao dịch….
Để tăng cường nâng cao trải nghiệm cho khách hàng, ngân hàng phát triển hệ sinh thái ngân hàng mở, cung cấp kèm theo nhiều dịch vụ khác từ mua sắm, đi lại, du lịch, học tập, sức khỏe… Ứng dụng ngân hàng trở thành ứng dụng đa chức năng. Ngân hàng tích hợp ứng dụng của đối tác và đưa dịch vụ ngân hàng lên ứng dụng của đối tác nhằm phục vụ khách hàng mọi lúc, mọi nơi.
Chuyển đổi số để tăng năng suất lao động, để làm việc nhanh hơn, hiệu quả hơn và thực tế cho thấy các ngân hàng đã tích cực ứng dụng công nghệ mới. Đó là công nghệ Biometric nhằm nhận diện sinh trắc học trong xác thực và định danh khách hàng, Robotics - ứng dụng RPA trong tự động hóa quy trình tăng năng suất lao động, giảm rủi ro tác nghiệp, Cloud computer - tối ưu hạ tầng qua công nghệ cloud giúp tiết kiệm chi phí, tăng hiệu năng sử dụng. Đặc biệt, Big Data và AI được khai thác và ứng dụng mạnh mẽ trong chuyển đổi số ngành Ngân hàng nhằm giúp ngân hàng hiểu được khách hàng, tạo ra các sản phẩm dịch vụ cá thể hóa tới từng khách hàng, đáp ứng nhu cầu khách hàng.
“Chuyển đổi số không chỉ là ứng dụng công nghệ vào hoạt động của ngân hàng mà còn là việc thay đổi về tư duy và văn hóa làm việc” ông Trần Công Quỳnh Lân nhấn mạnh. Đối với ngành Ngân hàng, với áp lực cạnh tranh từ chính ngân hàng khác, từ các công ty fintech, các công ty viễn thông, ví điện tử… buộc các ngân hàng phải đẩy nhanh chuyển đổi số từ tư duy đến cách làm theo phương thức mới giúp nhân sự sáng tạo hơn, năng động hơn.
Trong ngành thuế, ông Phạm Quang Toàn, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Tổng cục Thuế cho biết ngành thuế đang phục vụ toàn bộ người dân và doanh nghiệp trong xã hội. Ngành thuế xác định trong bối cảnh cách mạng công nghệ thông tin, việc chuyển đổi lên môi trường số, đổi mới mô hình hoạt động, thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ dựa trên công nghệ số và dữ liệu số nhằm đem lại dịch vụ tốt nhất cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời phục vụ công tác quản lý theo quy định pháp luật. Hiện nay, ngành thuế đã ứng dụng công nghệ vào các nghiệp vụ thuế, thu thập thông tin dữ liệu để phục vụ công tác quản lý và cung cấp các dịch vụ điện tử cho người nộp thuế.
Gần đây nhất, ngành thuế triển khai hóa đơn điện tử theo 2 lộ trình 2 giai đoạn với mục tiêu đến hết ngày 30/6/2022, 100% người nộp thuế chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử tạo thuận lợi nộp thuế, xuất hóa đơn, ngăn chặn gian lận, giảm chi phí xã hội… Hóa đơn là một khâu trong chuỗi mắt xích để triển khai kinh tế số. Đến nay, có 747 nghìn doanh nghiệp, chiếm 90,7% đã sử dụng hóa đơn điện tử trên khắp cả nước. Thời gian tới, ngành thuế tiếp tục nâng cao trải nghiệp của người nộp thuế khi sử dụng dịch vụ nhằm cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng AI, chatbox trong quá trình cung cấp dịch vụ cho người nộp thuế…
Những xu hướng quan trọng trong chuyển đổi số ngành tài chính - ngân hàng
Các diễn giả tại buổi hội thảo. Ảnh: Bảo Đăng |
Theo ông Võ Tấn Long, Phó Tổng Giám đốc PwC Việt Nam, dự tính đến năm 2025 số lượng tài khoản sử dụng trong thanh toán điện tử là hơn 105 triệu, giá trị giao dịch có thể lên tới hàng chục tỷ USD trong một vài năm tới. Trong ngành Ngân hàng và các lĩnh vực liên quan tài chính có sự phát triển nhanh chóng nhưng vẫn còn nhiều dư địa để chuyển đổi số, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.
Ông Võ Tấn Long cũng nhấn mạnh một số xu hướng quan trọng trong chuyển đổi số ngành tài chính - ngân hàng. Theo đó, lĩnh vực khai thác dữ liệu còn nhiều tiềm năng tại Việt Nam. Hiện còn thiếu khung pháp lý để bảo vệ riêng tư dữ liệu cá nhân. Tuy nhiên, chúng ta không thể đứng ngoài xu hướng này. Xu hướng sử dụng trí tuệ nhân tạo ngày càng mở rộng hơn, không chỉ ứng dụng trong hoạt động giao tiếp với khách hàng để giảm tải cho các trung tâm call center, tăng thời gian tiếp xúc với khách hàng mà còn được sử dụng rộng rãi để hiểu khách hàng hơn, giảm rủi ro trong quá trình giao dịch.
Xu hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây vừa giúp doanh nghiệp mở rộng hạ tầng cơ sở vừa hình thành mô hình mới có thể sử dụng tri thức, kinh nghiệm của đơn vị khác thông qua các dịch vụ được cung cấp trên điện toán đám mây, rút ngắn thời gian tìm kiếm và xây dựng giải pháp trong nội bộ doanh nghiệp.
“Đặc biệt, là xu hướng ngân hàng mở, các ngân hàng tiến đến xây dựng hệ sinh thái xung quanh dịch vụ ngân hàng để lôi cuốn được khách hàng. Xu hướng sử dụng công nghệ dữ liệu và AI giúp tạo nên sự khác biệt trong cuộc chạy đua chuyển đổi số đối với ngành tài chính - ngân hàng. Nghiên cứu của PwC cho thấy tỷ lệ người làm việc bán thời gian, free lancer đang ngày càng nhiều lên. Do đó, giữ nguồn nhân lực và đào tạo để chuyển đổi số là một thách thức của ngân hàng” – ông Võ Tấn Long nói.
Trong quá trình chuyển đổi số, việc ứng dụng các công nghệ mới như blockchain, Big data… cũng phát sinh những vấn đề về bảo mật. Ông Vũ Đức Chinh, Phụ trách Kinh doanh Giải pháp Ngân hàng, Tập đoàn MK cho biết cơ bản Tập đoàn MK có 6 giải pháp bảo mật dữ liệu được chia làm 3 nhóm bao gồm bảo mật dữ liệu lưu trữ trên máy người dùng và chia sẻ; bảo mật dữ liệu trao đổi; mã hóa chống trộm cho laptop. Các giải pháp bảo mật này không gây cản trở cho người dùng, có thể tích hợp vào hệ thống và giúp ngân hàng bảo vệ dữ liệu toàn diện chống gian lận và truy cập trái phép.
Bà Vũ Hải Yến, Giám đốc Trung tâm Sản phẩm Conversation - Khối Sản phẩm AI – FPT Smart Cloud cho biết một nghiên cứu của Microsoft cho thấy khách hàng trong thời đại mới có xu hướng thích các hình thức tự phục vụ và thích được trải nghiệm đa kênh. Nắm bắt nhu cầu của khách hàng, FPT. AI xây dựng hệ sinh thái giải pháp cho ngành tài chính - ngân hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng 2 nhu cầu nói trên của khách hàng, từ khâu đầu tiên tiếp nhận khách hàng cho tới khâu nội bộ phía sau. Trong đó, ứng dụng AI có thuể triển khai sớm và đem lại kết quả đột phá.
“Tỷ lệ tăng trưởng kinh doanh sẽ tăng hơn 50% nếu ứng dụng AI và công nghệ số kịp thời và hiệu quả” bà Vũ Hải Yến nói.
Việc ứng dụng AI cho phép các doanh nghiệp tài chính – ngân hàng tự động hóa các nghiệp vụ, thực hiện trên 5 triệu cuộc gọi mỗi tháng và có thể mở rộng lên đến hơn 12 triệu cuộc gọi trong thời gian cao điểm, tiết kiệm 50% chi phí, tăng 40% năng suất. Ứng dụng AI còn hỗ trợ doanh nghiệp trong chuyển đổi vận hành, kết hợp giữa người và máy, số hóa chứng từ tài chính – ngân hàng bao gồm hóa đơn, chứng từ L/C, thanh toán nội địa, mở tài khoản doanh nghiệp.
Nhìn chung các ý kiến tại hội thảo đều thống nhất quan điểm chuyển đổi số giúp doanh nghiệp tiết kiệm nguồn lực, nâng cao năng suất, đem lại sự tiện ích, trải nghiệm tuyệt vời dành cho khách hàng và đặc biệt góp phần quan trọng vào tiến trình chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế số.