Chủ Nhật, 4/5/2025
Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Khơi thông nguồn lực tài chính xanh cũng chính là cơ hội để nâng cấp nền kinh tế, nâng tầm doanh nghiệp Việt Nam và đưa đất nước vươn mình mạnh mẽ.
Rào cản tiếp cận dòng vốn xanh
Trong những năm gần đây, các tập đoàn kinh tế và doanh nghiệp lớn đã tham gia đẩy mạnh chuyển đổi xanh phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế carbon thấp, hướng tới mục tiêu Net-Zero. Tuy nhiên, sự thay đổi này diễn ra chủ yếu ở khối doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi đó số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) chiếm phần lớn tổng số doanh nghiệp lại chưa có sự đầu tư thích đáng và chưa có chuyển biến rõ nét về vấn đề này.
Phát biểu tại Diễn đàn "Khơi thông nguồn lực cùng doanh nghiệp chuyển đổi xanh" diễn ra sáng này 22/4, ông Lê Thanh Kim, Phó Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân cho biết, thực tế cho thấy, phần lớn doanh nghiệp - đặc biệt là khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm hơn 97% tổng số doanh nghiệp cả nước - vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn trong hành trình chuyển đổi xanh.
Theo ông Kim, những rào cản lớn nhất bao gồm: thiếu vốn đầu tư ban đầu, thiếu công nghệ phù hợp, thiếu nhân lực chất lượng cao, thiếu thông tin cập nhật và đặc biệt là thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ đồng bộ. Việc chưa có các quy định rõ ràng về tiêu chí, phân loại hoạt động xanh, hay khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh về thị trường carbon, chứng chỉ xanh... cũng khiến doanh nghiệp gặp khó trong việc lập kế hoạch và tiếp cận các dòng vốn bền vững.
Còn theo TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược, dù Việt Nam hiện đã có một số chương trình tài chính xanh như Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, các khoản vay từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB) hoặc hợp phần tín dụng xanh trong một số ngân hàng thương mại, tuy nhiên, trên thực tế còn ít doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn tài chính này, đặc biệt là doanh nghiệp SMEs.
Cũng theo bà Minh, khác với đầu tư thông thường vào thiết bị hoặc mở rộng sản xuất có thể mang lại lợi nhuận nhanh chóng, các dự án chuyển đổi xanh như xử lý khí thải, tái chế nước, sử dụng năng lượng tái tạo, hoặc số hóa vận hành để giảm phát thải… thường có chu kỳ hoàn vốn kéo dài từ 5–10 năm.
"Trong bối cảnh phần lớn doanh nghiệp với dòng tiền eo hẹp, thì việc phân bổ một phần ngân sách lớn vào các dự án “lợi ích lâu dài” là điều không dễ dàng. Bên cạnh đó, các giải pháp xanh thường đi kèm với chi phí vận hành và bảo trì phức tạp hơn, yêu cầu kỹ năng kỹ thuật cao hơn, từ đó càng gia tăng rủi ro tài chính trong quá trình thực hiện", TS. Trần Thị Hồng Minh cho biết.
Khơi nguồn lực tiếp dòng vốn xanh
Tài chính xanh đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển bền vững bằng cách huy động nguồn tài chính cho các dự án bền vững về mặt môi trường ở mỗi quốc gia. Khơi thông nguồn lực tài chính xanh cũng chính là cơ hội để nâng cấp nền kinh tế, nâng tầm doanh nghiệp Việt và đưa đất nước vươn lên mạnh mẽ.
Trao đổi tại diễn đàn, ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm đào tạo, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam khẳng định, ngành Ngân hàng là kênh dẫn vốn quan trọng, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế, vì vậy, NHNN đã triển khai chương trình hành động của ngành hướng dòng vốn tín dụng xanh cho các hoạt động kinh tế xanh, tạo động lực để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn phù hợp nhằm thực hiện các dự án thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, các ngân hàng triển khai nhiều chương trình tín dụng mang lại lợi ích về môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu/giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu như: Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao; Chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao phát thải thấp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long theo Quyết định 1490/QĐ-TTg...
Ông Sơn cho rằng, để tăng cường hơn nữa khả năng tiếp cận tín dụng, góp phần giúp các doanh nghiệp chuyển đổi xanh và phát triển bền vững, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng chiến lược trong việc xanh hóa hoạt động kinh doanh, đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ xanh và tăng cường trách nhiệm xã hội. Điều này vừa tạo ra thế mạnh trong cạnh tranh của doanh nghiệp, vừa hướng tới mục tiêu chung của xã hội là phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.
Từ góc nhìn kinh nghiệm quốc tế, ông Jørgen Hvid - Cố vấn dài hạn, Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam - Đan Mạch giai đoạn 2020-2025 cho biết, nhiều ngân hàng rất quan tâm đến việc tài trợ cho các dự án năng lượng xanh. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam thiếu các dự án được lên kế hoạch và phân tích một cách rõ ràng.
"Để một ngân hàng muốn đầu tư vào một dự án năng lượng xanh, hồ sơ vay vốn phải thể hiện rõ ràng các rủi ro của dự án và cách thức xử lý những rủi ro đó. Các ngân hàng thường không có chuyên môn quá sâu về các khoản đầu tư hạ tầng kỹ thuật như năng lượng tái tạo, do đó họ sẽ phải dựa vào hồ sơ vay vốn được chuẩn bị kỹ lưỡng với đầy đủ các thông tin cần thiết. Kinh nghiệm từ một dự án trước đây cho thấy, các ngân hàng sẵn sàng đầu tư nếu tính khả thi về mặt kỹ thuật và tài chính được trình bày rõ ràng", ông Jørgen Hvid nhấn mạnh.