Ngân hàng Xanh và Phát triển bền vững

Chuyển đổi xanh: Thách thức lớn, cơ hội nhiều

M.N 23/11/2023 15:21

Phát triển xanh là thách thức rất lớn trong quá trình phát triển kinh tế. Tuy nhiên, song hành với đó sẽ là cơ hội để đưa Việt Nam trở thành nước dẫn đầu của khu vực.

Thách thức lớn

Khẳng định tầm nhìn xanh là sứ mệnh phải thực hiện, là sứ mệnh sống còn, đem lại lợi ích cao nhất tại Hội thảo "Tầm nhìn xanh Việt Nam và những câu chuyện điển hình" vừa diễn ra, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, đây sẽ là cuộc đua trên toàn cầu. Trong khi những nước lớn như Ấn Độ cam kết một cách dè dặt là đạt Net Zero vào năm 2070, Trung Quốc đến năm 2060, thì việc Việt Nam cam kết đạt Net Zero vào năm 2050 đã gây sửng sốt cho toàn nhân loại.

"Khó - nhưng đất nước mình càng khó thì năng lực bứt phá lại càng trỗi dậy", PGS.TS Trần Đình Thiên nói.

pgs-tran-dinh-thien.jpg
PGS.TS Trần Đình Thiên

Ông Tăng Thế Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, Net Zero là thách thức rất lớn trong quá trình phát triển kinh tế. Theo kịch bản thông thường, tổng phát thải của Việt Nam đến năm 2030 dự kiến là 932 triệu tấn, trong đó ngành năng lượng chiếm 680 triệu tấn. Do đó, để đạt được mục tiêu Net Zero là vô cùng thách thức.

Đồng tình với việc phát triển tầm nhìn xanh là xu thế tất yếu, ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc HDBank cũng chỉ ra 2 thách thức lớn mà Việt Nam phải đối mặt.

Thứ nhất, về nguồn vốn. Theo WorldBank, đến năm 2040, Việt Nam sẽ cần 368 tỷ USD để đạt NET ZERO. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), dư nợ tín dụng xanh của Việt Nam đến ngày 30/6/2023 còn khá khiêm tốn, đạt gần 528,3 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Do đó, việc tìm nguồn vốn cho phát triển xanh là thách thức.

ong-tran-hoai-nam.jpg
Ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc HDBank

"Khi làm việc với các định chế tài chính trên thế giới, chúng ta hay nói là lấy nguồn vốn tài chính quốc tế cho phát triển xanh sẽ rẻ hơn, nhưng thực tế hiện tại không còn rẻ nữa. Thậm chí, hiện nay nguồn vốn trong nước còn rẻ hơn quốc tế. Hiện nay lãi suất của FED, các nước châu Âu ở mức rất cao, cao hơn Việt Nam, chưa bao giờ có tình cảnh như hiện nay", ông Trần Hoài Nam nói.

Tuy nhiên, nguồn vốn từ định chế tài chính quốc tế vẫn quan trọng trong lâu dài để tiến đến trái phiếu xanh, tín dụng xanh.

Thứ hai, về năng lực đổi mới với phát triển xanh. Trong đó, bao gồm hạ tầng và các điều kiện sản xuất; đào tạo đội ngũ nhân lực và người lao động; Các chuẩn mực quản trị điều hành, chuẩn mực công bố thông tin. Điều này dẫn đến quá trình chuyển đổi không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng, đặc biệt là về nguồn vốn đầu tư và hoạt động vận hành.

Cơ hội nhiều

Song hành với thách thức chính là cơ hội. PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, chuyển đổi xanh sẽ là cơ hội để đưa Việt Nam trở thành nước đi đầu trong khu vực.

"Đó cũng là cơ hội để chúng ta tiếp nhận được các nguồn hỗ trợ, chính sách, công nghệ… để Việt Nam có thể đi sau về trước", PGS.TS Trần Đình Thiên cho biết thêm.

ong-tang-the-hung.jpg
Ông Tăng Thế Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương)

Còn theo ông Tăng Thế Hùng, quá trình chuyển đổi đồng nghĩa với chuyển dịch cơ cấu, tăng cường năng lượng tái tạo, sử dụng nguyên liệu sạch hơn, thay thế dần các nguyên liệu cho tầm nhìn 2025. Tầm nhìn năm 2030, tỷ lệ năng lượng tái tạo cao, điều này vừa là thách thức và cơ hội.

"Lĩnh vực điện gió, mặt trời có thể thu thu hút nhà đầu tư tiềm năng, tạo điều kiện ngân hàng tài trợ vốn khi xu hướng vốn xanh rất quan trọng trong ngành tài chính. Hiện tại, thế giới rất ưa chuộng nguồn vốn xanh, tài chính xanh và đây sẽ là tiêu chí cạnh tranh giữa các ngân hàng trong thời gian tới", ông Tăng Thế Hùng nói.

Đối với ngành Ngân hàng, ông Trần Hoài Nam cho biết, việc chuyển đổi xanh sẽ giúp Việt Nam có cơ hội tiếp cận những nguồn vốn ưu đãi. Nhiều định chế tài chính lớn trên thế giới cùng các ngân hàng thương mại Việt Nam đã cam kết, hỗ trợ và không ngừng nâng hạn mức nguồn tài trợ tín dụng xanh. Chuyển đổi xanh sẽ giúp giảm thiểu chi phí trong tương lai và thực thi các vấn đề về môi trường và phát triển bền vững.

Mặt khác, Phó Tổng Giám đốc HDBank cũng cho rằng chuyển đổi xanh còn giúp thăng hạng tín nhiệm, thu hút vốn đầu tư vào doanh nghiệp. Tái cơ cấu hoạt động sản xuất, nguồn nhân lực và năng suất lao động, các chuẩn mực quản trị điều hành. Từ đó, doanh nghiệp tăng cường năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường, đặc biết các thị trường yêu cầu có chứng chỉ xanh, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Để tận dụng tốt cơ hội đó, Việt Nam đã ban hành 2 chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Chính phủ cũng đã cụ thể hóa tầm nhìn chiến lược tăng trưởng xanh với kế hoạch hành động cụ thể, có 17 chủ đề, 57 nhóm nhiệm vụ và 143 nhiệm vụ cụ thể, đồng thời xây dựng tích hợp chỉ số tăng trưởng xanh tổng hợp.

PGS. TS Trần Đình Thiên nhận định, còn nhiều việc phải làm, nguồn lực cũng phải thay đổi rất nhiều với chi phí lớn, có thể cần từ 200-300 tỷ USD vào năm 2030.

Tuy nhiên, "vốn là một phần, quan trọng hơn là sự tham gia từ phía Chính phủ, các doanh nghiệp để phục vụ chuyển đổi xanh. Đặc biệt là xã hội của chúng ta, làm thế nào để tất cả đều tham gia vào và hướng tới mục tiêu xanh", ông Trần Đình Thiên nói.

Đối với ngành Ngân hàng, Phó Tổng Giám đốc HDBank cho biết, NHNN đã phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam. NHNN cũng đã ban hành Chương trình hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh phù hợp với từng giai đoạn.

Ông Trần Hoài Nam cũng thông tin, cơ quan quản lý yêu cầu các ngân hàng thương mại phải xây dựng quy định về quản lý rủi ro về môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, đẩy mạnh hoạt động cấp tín dụng xanh. NHNN định hướng mục tiêu đến cuối 2025, tỷ trọng tín dụng Xanh trong nền kinh tế đạt 10% từ khoảng 4,2% hiện nay.

ong-nguyen-cong-thinh.jpg
Ông Nguyễn Công Thịnh (Bộ Xây dựng)

Đối với ngành Xây dựng, ông Nguyễn Công Thịnh (Bộ Xây dựng) cho hay, xu hướng phát triển mạnh mẽ hiện nay là công trình xanh và thời gian tới là công trình tự cân bằng năng lượng, công trình phát thải ròng bằng không. Để bắt kịp xu hướng đó, ông Nguyễn Công Thịnh cho rằng, cần chú trọng việc nghiên cứu, lồng ghép, tích hợp các vấn đề về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của ngành để đáp ứng mục tiêu phát triển xanh, bền vững. Đồng thời, tập trung nghiên cứu để xây dựng khung pháp lý cho các loại hình công trình, đô thị như công trình tự cân bằng năng lượng, công trình phát thải ròng bằng không, đô thị xanh, đô thị phát thải thấp, đô thị trung hòa carbon...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi xanh: Thách thức lớn, cơ hội nhiều
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO