Trong bối cảnh tổng cầu thế giới giảm, tăng trưởng xuất khẩu không còn như còn như trước, động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những tháng cuối năm cần dựa vào các trụ cột bên trong như tiêu dùng nội địa, môi trường kinh doanh và giải ngân đầu tư công.
Sáng ngày 10/7 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cuối năm 2023”.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã tập trung trao đổi, đánh giá các yếu tố gây khó khăn, bất định cho phát triển kinh tế xã hội 6 tháng cuối năm và các kiến nghị, định hướng, giải pháp chính sách liên quan...
Tiến gần đến mục tiêu tăng trưởng GDP
Nêu ý kiến tại hội thảo, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho biết, trong quý 2/2023, kinh tế Việt Nam đã có nhiều tín hiệu tích cực như giải ngân vốn đầu tư công tăng khá, hoạt động bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng ấn tượng.
Tuy vậy, kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thể hiện rất rõ qua sự suy giảm thương mại, đặc biệt là xuất khẩu, là đầu ra. Trong khi đó, tiêu dùng - dù là lĩnh vực phần nào dẫn dắt được tăng trưởng và tiếp tục sẽ dẫn dắt tăng trưởng kinh tế Việt Nam, nhưng đã bắt đầu có dấu hiệu chững lại của tốc độ tăng tiêu dùng.
Trong bối cảnh đó, việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6,0% trong năm 2023 là rất khó khăn.
“Cho đến gần đây, các tổ chức trong nước và quốc tế đều dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đều xoay quanh mức 5%”, ông Thành nêu rõ.
Tuy vậy, trong Hội nghị Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023, Chính phủ vẫn quyết tâm phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 và không đặt vấn đề điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng của cả năm.
Do đó, theo ông Thành, để có thể duy trì đà khôi phục nhất định và tiến gần đến con số mục tiêu đề ra thì rất nhiều việc phải làm như cần tiếp tục kích cầu tiêu dùng, nỗ lực thu hút và giải ngân FDI và thúc đẩy giải ngân đầu tư công…
Về hỗ trợ doanh nghiệp, lãi suất điều hành đã liên tục giảm, nhưng từ giảm lãi suất điều hành đến giảm lãi suất trên thị trường, lãi suất huy động, lãi suất cho vay, nhất là giảm lãi suất huy động trên một năm thì sẽ có độ trễ thời gian. Trong khi đó, quan trọng hơn với doanh nghiệp lúc này là đơn hàng.
Vì vậy, các bộ ngành liên quan cần triển khai hoặc xây dựng, đề xuất các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất quốc tế; tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp khai thác hiệu quả các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống; đồng thời, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tìm kiếm, mở rộng thị trường mới.
Ông Thành cũng kỳ vọng vào chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% và chính sách mới về visa sẽ là cơ sở để kích cầu tiêu dùng và thu hút khách du lịch quốc tế … từ đó chặn đà giảm và thúc đẩy tiêu dùng, lĩnh vực đang đóng vai trò quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Cần có kịch bản dự phòng để duy trì tốc độ tăng trưởng
Còn theo TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, dù đối mặt với nhiều khó khăn, song số liệu kinh tế của quý 2 cao hơn so với quý 1 đã le lói những điểm kỳ vọng sự phục hồi trở lại trong 2 quý cuối năm. Cụ thể, một loạt các chỉ số kinh tế vĩ mô, đặc biệt là ổn định kinh tế vĩ mô vẫn tiếp tục được duy trì, đây là nền tảng quan trọng.
Bên cạnh đó, cầu trong nước vẫn tiếp tục được duy trì ở mức độ tăng trưởng khá, cho thấy tiêu thụ nội địa là một trụ vững rất quan trọng cho đảm bảo tổng cầu nền kinh tế.
Ngoài ra, đầu tư tư nhân của các hộ gia đình bắt đầu phục hồi trở lại thể hiện qua số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động đã được cải thiện; đầu tư và chi tiêu của Chính phủ được cải thiện mạnh mẽ thể hiện qua tỷ lệ đầu tư công được cải thiện.
“Đây là những trụ cột quan trọng để tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm được đẩy mạnh hơn những quý đầu năm và bù đắp cho sự suy giảm xuất khẩu”, ông Bình tin tưởng.
Tuy vậy, ông Bình cho rằng, trong bối cảnh thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, hầu hết các tổ chức quốc tế đều nhận định, kinh tế toàn cầu năm 2023 sẽ khó khăn hơn năm 2022, đặc biệt các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc ở mức tăng trưởng thấp.
Trong bối cảnh này, Việt Nam cần có kịch bản dự phòng để duy trì tốc độ tăng trưởng và đặt nền móng tăng trưởng trong trường hợp nền kinh tế toàn cầu chưa phục hồi.
Theo ông Bình, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao và hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới nên hoạt động xuất nhập khẩu trong nước phụ thuộc rất nhiều vào thị trường thế giới. Đây vừa là điểm mạnh, cũng vừa là điểm yếu của Việt Nam dễ bị tổn thương trước sự thay đổi của thị trường trường thế giới.
“Khi có thay đổi lớn về nhu cầu hàng hóa xuất sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam, điều này được thể hiện rõ nét trong 6 tháng đầu năm khi mà kim ngạch xuất khẩu liên tục giảm từ đầu năm đến nay.”, ông Bình quan ngại.
Vì vậy, các cơ quan chức năng cần phải tìm ra giải pháp để tiếp tục phát triển hoạt động ngoại thương, tiếp tục hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu, tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động đầu tư vào xuất khẩu để tận dụng các lợi thế do Hiệp định thương mại tự do FTA mang lại .
Tuy nhiên, cũng cần chú ý đến các trụ cột khác của quá trình tăng trưởng như tiêu dùng trong nước, tiêu dùng của người dân trong lĩnh vực nhà ở, hàng thiết yếu.
“Với thị trường 100 triệu dân – Việt Nam được đánh giá là thị trường hấp dẫn về góc độ tiêu dùng ở trong nước và nó sẽ trở thành trụ cột quan trọng của tăng trưởng của kinh tế. Điều này sẽ giúp Việt Nam xây dựng một nền kinh tế tự chủ, tự cường hơn và nâng cao năng lực chống chịu của nền kinh tế và tận dụng được lợi thế của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế nhưng đồng thời xây dựng năng lực nội tại của nền kinh tế”, ông Bình nêu rõ.
Động lực tăng trưởng cần dựa vào trụ cột bên trong
Đồng tình với quan điểm này, ông Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh rất khó đoán định của kinh tế thế giới, chỉ số Nhà Quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam giảm 4 tháng liên tục cho thấy tổng cầu thế giới vẫn tiếp tục suy giảm. Vì vậy, trụ cột tăng trưởng dựa vào xuất khẩu sẽ không còn như trước và khả năng tăng trưởng kinh tế chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.
Tuy vậy, nếu nhận diện được vấn đề xuất khẩu giảm, thì động lực tăng trưởng kinh tế của Việt nam cần xác định dựa vào trụ cột bên trong như tiêu dùng nội địa, cải thiện môi trường để tăng đầu tư tư nhân, cải thiện được cơ chế chính sách cho người đảm bảo dám nghĩ dám làm thì tỷ lệ giải ngân đầu tư công có những cải thiện.
“Trong bối cảnh thế giới khó khăn thì Việt Nam cần dựa vào hơn những động lực tăng trưởng trong kinh tế nội địa, Có như vậy, tăng trưởng mới ổn định và đạt được mục tiêu đề ra.”, ông Tuấn nhìn nhận.
Về giải pháp, theo ông Tuấn, trong 6 tháng đầu năm, tiêu dùng nội địa vẫn tương đương như năm ngoái nhưng tiềm năng vẫn còn lớn. Trong khi sức mua của người dân phụ thuộc vào niềm tin của người dân vào triển vọng của kinh tế sắp tới, nếu người ta cho rằng ảm đảm thì sẽ giảm chi tiêu.
“Vì vậy, làm thế nào để người dân tin tưởng niềm tin kinh tế sẽ phục hồi thời gian tới và cần có các công cụ để họ tiếp cận được nguồn tài chính để tiêu dùng”, ông Tuấn nêu rõ.
Về thúc đẩy đầu tư, Nhà nước cần tục rà soát lại tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh để doanh nghiệp trong nước tham gia nhiều hơn vào thị trường và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu và đặc biệt mạnh dạn đầu tư tăng năng suất cải thiện sản phẩm, từ đó mở rộng thị trường…