Thứ Tư, 14/5/2025
Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Dù tốc độ và tỷ lệ cho vay tín dụng xanh cải thiện rõ, nhưng quá trình triển khai vẫn còn không ít rào cản ảnh hưởng đến việc thúc đẩy tín dụng xanh tại các tổ chức tín dụng (TCTD). Tuy nhiên để mở rộng, khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng xanh, giới chuyên môn cho rằng, cần sự phối hợp đồng bộ và quyết liệt từ nhiều phía: Nhà nước, doanh nghiệp, ngân hàng và cộng đồng.
Trong tiến trình xanh hóa nền kinh tế, nhu cầu về nguồn lực tài đang ngày càng trở nên cấp thiết. Đặc biệt, trong điều kiện thị trường trái phiếu xanh và thị trường các-bon đang hình thành, nguồn vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng đã và đang đóng góp vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các hoạt động mang lại lợi ích môi trường, phát triển các mô hình sản xuất bền vững, góp phần xanh hóa nền kinh tế.
Tín dụng xanh đã tăng trưởng cả về lượng và chất
Chia sẻ những đóng góp của ngành Ngân hàng trong quá trình xanh hóa nền kinh tế, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thời gian qua, NHNN đã triển khai kịp thời, đồng bộ để tạo điều kiện triển khai, thúc đẩy hoạt động tín dụng xanh. Một trong những định hướng quan trọng là điều hành chính sách tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, trong đó có hỗ trợ nền kinh tế chuyển sang mô hình tăng trưởng xanh.
Bên cạnh đó, NHNN định hướng mục tiêu, yêu cầu và xây dựng các giải pháp thúc đẩy phát triển “tín dụng xanh”, “ngân hàng xanh” để góp phần chuyển đổi nền kinh tế sang hướng tăng trưởng xanh, phát thải các bon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng tỷ trọng vốn tín dụng ngân hàng đầu tư vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, các ngành sản xuất và tiêu dùng ít các bon tại các Đề án, Chiến lược phát triển ngành ngân hàng. Đồng thời, đặt ra nhiệm vụ nghiên cứu, ban hành các chính sách ưu đãi, cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các TCTD thúc đẩy tín dụng xanh, ngân hàng xanh.
Để cụ thể hóa các chính sách này, bà Hà Thu Giang cho biết, NHNN đã sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp lý liên quan đến cấp tín dụng theo hướng đồng bộ, thống nhất và phù hợp với xu thế phát triển bền vững. Đồng thời, NHNN đẩy mạnh hướng dẫn các TCTD xác định, thống kê hoạt động cấp tín dụng cho 12 lĩnh vực xanh và chỉ đạo tập trung vốn cho các ngành sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tiêu dùng bền vững, nhà ở thích ứng biến đổi khí hậu….
Các giải pháp trên đã tạo ra chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động trong toàn hệ thống TCTD. Đáng chú ý, tín dụng xanh có phát triển cả về số lượng TCTD tham gia cho vay, quy mô và tốc độ tăng trưởng. Từ chỗ chỉ có 15 TCTD tham gia cho vay xanh vào năm 2017 với dư nợ tín dụng xanh chỉ đạt 180 nghìn tỷ đồng, thì đến nay đã có 58 TCTD phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt trên 704.244 tỷ đồng, tăng 3,57% so với cuối năm 2024, chiếm tỷ trọng 4,3% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng xanh bình quân đạt hơn 21,2%/năm trong giai đoạn 2017-2024, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế.
Chia sẻ việc triển khai tín dụng xanh tại ngân hàng, ông Lê Ngọc Lâm, Tổng Giám đốc BIDV cho biết, lộ trình ESG được BIDV kiên định thực hiện từ năm 2018, với việc xây dựng định hướng tín dụng xanh và tiên phong áp dụng Khung Quản lý Rủi ro Môi trường - Xã hội cho dự án sử dụng nguồn vốn quốc tế. Bên cạnh đó, BIDV cũng tiên phong triển khai các gói tín dụng xanh với quy mô lớn, cơ chế ưu đãi linh hoạt nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh, có thể kể đến như: gói tín dụng trung dài hạn ưu đãi quy mô 75.000 tỷ đồng, tập trung cho các lĩnh vực then chốt như năng lượng tái tạo, xây dựng và kinh doanh khu công nghiệp, khu chế xuất, và phát triển cơ sở hạ tầng logistics”; gói tín dụng công trình xanh với quy mô 10.000 tỷ đồng; gói tín dụng nước sạch, với dư nợ tối đa 5.000 tỷ đồng…
Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp vốn, ông Lê Ngọc Lâm chia sẻ thêm, BIDV còn đồng hành cùng doanh nghiệp thông qua các dịch vụ tư vấn chuyên sâu và cung cấp thông tin cập nhật về ESG, bao gồm hỗ trợ xây dựng chiến lược chuyển đổi xanh, lập kế hoạch cải thiện hiệu suất môi trường – xã hội, cập nhật chính sách, quy định và xu hướng thị trường tài chính xanh trong nước và quốc tế.
“Nhờ triển khai các giải pháp đồng bộ, tính đến ngày 31/12/2024, dư nợ tín dụng xanh của BIDV đạt tới 80.870 tỷ đồng – chiếm hơn 12% dư nợ tín dụng xanh toàn ngành Ngân hàng. BIDV đã tài trợ tín dụng xanh cho 1.600 khách hàng, với 1.982 dự án/phương án, trong đó dư nợ các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch đạt gần 60.000 tỷ đồng, chiếm 74%...”, ông Lê Ngọc Lâm thông tin.
Tháo gỡ những rào cản để mở rộng, khơi thông nguồn vốn tín dụng xanh
Dẫu tốc độ và tỷ lệ cho vay tín dụng xanh cải thiện rõ nhưng cơ quan quản lý và các ngân hàng đều cho rằng, quá trình triển khai vẫn còn không ít rào cản, có thể kể đến như: Danh mục phân loại xanh quốc gia vẫn chưa được ban hành, gây khó khăn trong việc xác định, thống kê, giám sát tín dụng xanh; các cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư cho tăng trưởng xanh và chuyển đổi xanh còn đang trong quá trình hoàn thiện; đầu tư cho các dự án xanh đòi hỏi nguồn vốn lớn, năng lực thẩm định các yếu tố kỹ thuật môi trường chuyên ngành, do vậy các TCTD sẽ phát sinh thêm chi phí đầu tư xây dựng hệ thống quản trị phù hợp mục tiêu tăng trưởng xanh…; nhận thức của doanh nghiệp và nhà đầu tư về lợi ích dài hạn, tầm quan trọng của thị trường tài chính xanh chưa đồng đều…
Để tháo gỡ những khó khăn trong hành trình thúc đẩy tín dụng xanh, ông Lê Ngọc Lâm đề xuất 2 nhóm giải pháp trọng tâm: Thứ nhất, đối với cơ quan quản lý cần hoàn thiện khung chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xanh. Đặc biệt, cần xây dựng các cơ chế ưu đãi mang tính đột phá về thuế, tín dụng và đầu tư đối với doanh nghiệp xanh, doanh nghiệp áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. BIDV cũng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành các gói tín dụng xanh lãi suất thấp dành cho các dự án bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, công nghệ sạch; đồng thời thành lập quỹ đầu tư xanh quốc gia với sự tham gia của cả khu vực công và tư nhân, có tiêu chí rõ ràng và quy trình minh bạch…; thứ hai, kiến tạo hệ sinh thái tài chính xanh đồng bộ, hiệu quả. Sự phối hợp chặt chẽ giữa ngân hàng – doanh nghiệp – cơ quan quản lý nhà nước là điều kiện tiên quyết. Trên cơ sở đó, cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý cho các công cụ tài chính xanh như trái phiếu xanh, tín dụng xanh, bảo hiểm xanh… với hệ thống tiêu chí thống nhất, dễ áp dụng và bám sát thông lệ quốc tế.
Đối với doanh nghiệp, ông Lê Ngọc Lâm khuyến nghị cần chủ động đổi mới công nghệ, số hóa quy trình sản xuất và quản lý để tối ưu hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm phát thải và đáp ứng các yêu cầu về môi trường. Việc hợp tác với các tổ chức tài chính, đối tác công nghệ và tổ chức hỗ trợ chuyển đổi xanh, cùng với đào tạo nâng cao nhận thức cho đội ngũ nhân sự, sẽ giúp doanh nghiệp tăng cường năng lực nội tại và tạo nền tảng vững chắc trong hành trình hướng tới phát triển xanh và bền vững.
Dưới góc nhìn của cơ quan quản lý, bà Hà Thu Giang cho biết, trên cơ sở bám sát các mục tiêu về phát triển kinh tế xã hội và các nhiệm vụ được giao về tăng trưởng xanh, thời gian tới, NHNN tiếp tục triển khai các nhóm nhiệm vụ, giải pháp tại Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030. Trọng tâm giải pháp của NHNN điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, kiểm soát lạm phát để khai thác các động lực tăng trưởng, trong đó có tăng trưởng xanh, hỗ trợ nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 8% trở lên.
Đồng thời, NHNN tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tín dụng xanh, trong đó đề xuất sửa đổi bổ sung cơ chế, chính sách tín dụng ưu đãi khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Cũng như hướng dẫn các TCTD cấp tín dụng cho các dự án có lợi ích về môi trường, bảo vệ môi trường sau khi Danh mục xanh quốc gia được ban hành; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trong ngành ngân hàng nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết cho cán bộ ngân hàng, khách hàng về tăng trưởng xanh, sản xuất và tiêu dùng bền vững…
Tuy nhiên, để mở rộng, khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng xanh của hệ thống ngân hàng, bà Hà Thu Giang cho rằng, rất cần sự phối, kết hợp từ các bộ, ngành. Trước hết là hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách về đầu tư nhằm tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi; xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ các ngành xanh (thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển…) của từng ngành/lĩnh vực một cách đồng bộ nhằm thu hút và phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng xanh.
Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh việc ban hành Danh mục phân loại xanh quốc gia, hoàn thiện khung khổ pháp lý cho các công cụ tài chính xanh như trái phiếu xanh, phát triển thị trường trao đổi quyền phát thải... Cũng như xây dựng và thực hiện các giải pháp hỗ trợ các TCTD tiếp cận, huy động các nguồn tài chính từ các định chế, tài chính, các quỹ và các nhà đầu tư tư nhân quốc tế, các quỹ tài chính để có điều kiện cung cấp các khoản tín dụng với thời hạn dài và lãi suất ưu đãi cho các ngành/lĩnh vực xanh.
“Chỉ khi có sự phối hợp đồng bộ và quyết liệt từ nhiều phía: Nhà nước, doanh nghiệp, ngân hàng và cộng đồng – thì tín dụng xanh mới thực sự trở thành động lực bền vững trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng”, bà Hà Thu Giang nhấn mạnh.