Doanh nghiệp

Cổ đông chất vấn việc ba năm liên tiếp bị kiểm toán đưa ý kiến ngoại trừ, lãnh đạo VEAM nói gì?

Bảo Vy 29/06/2023 - 11:35

Kiểm toán độc lập hơn 3 năm qua đều đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ, các nội dung này đều là các vấn đề liên quan đến các tồn tại phát sinh từ nhiều năm trước, ông Nguyễn Khắc Hải, Chủ tịch HĐQT VEAM cho biết.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 (ĐHĐCĐ) của Tổng Công ty Máy động lực và Nông nghiệp Việt Nam (VEAM, UPCoM: VEA), cổ đông đã chất vấn lãnh đạo công ty về việc cổ phiếu VEAM trong diện cảnh báo của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vì ý kiến ngoại trừ của kiểm toán liên tiếp trong 3 năm vừa qua.

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Khắc Hải, Chủ tịch HĐQT VEAM cho biết, theo quyết định ban hành ngày 5/4/2023 của HNX, từ ngày 11/4/2023 cổ phiếu VEA bị đưa vào diện cảnh báo do Báo cáo tài chính của VEAM bị tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ 3 năm liên tiếp. VEAM sau đó đã có công văn gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và HNX giải trình nguyên nhân và phương án khắc phục.

Ông Hải cho rằng, các nội dung này đều là các vấn đề liên quan đến các tồn tại phát sinh từ nhiều năm trước, các tồn tại này cần có thời gian để xử lý, giải quyết, đảm bảo chặt chẽ, đúng quy trình.

“Ban lãnh đạo VEAM xác định việc niêm yết cổ phiếu tại các sàn chứng khoán HOSE hay HNX là mục tiêu quan trọng. Trong năm 2023 cũng sẽ tập trung từng bước xử lý, giải quyết các ý kiến ngoại trừ, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản trị, điều hành, kiểm soát để không phát sinh các ý kiến ngoại trừ mới”, ông Hải cho biết tại đại hội.

Cũng theo lãnh đạo VEAM, VEAM sẽ có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và HNX đề nghị đưa cổ phiếu VEA ra khỏi diện cảnh báo ngay, cũng như thực hiện thủ tục niêm yết cổ phiếu VEA trên HOSE hay HNX sau khi đủ điều kiện theo quy định.

Tại BCTC kiểm toán năm 2022, đơn vị kiểm toán cho biết công ty chưa đánh giá khả năng thu hồi đối với các khoản phải thu đã quá hạn thanh toán với giá trị hơn 166 tỷ đồng. Đơn vị kiểm toán không thể thu thập được đầy đủ các bằng chứng kiểm toán thích hợp về việc đánh giá của Ban Tổng Giám đốc liên quan đến khả năng thu hồi các khoản trên cũng như xác định được liệu có cần thiết phải trích lập dự phòng khoản phải thu này trên báo cáo tài chính hợp nhất.

Ngoài ra, đơn vị kiểm toán cũng không thể thu thập bằng chứng kiểm toán để đánh giá giá trị thuần của hàng tồn kho chậm luận chuyển; một số khoản chi phí treo lại chờ xử lý.

Thông tin thêm về việc giải quyết, xử lý các vấn đề tồn tại của VEAM thời gian qua, ông Nguyễn Tiến Vỵ, Thành viên độc lập HĐQT VEAM cho biết, các sai phạm liên quan đến hoạt động cho vay tại Vetranco, dự án sản xuất máy kéo hạng trung và việc thực hiện Thỏa thuận VEAM – ZIBO đã được tòa án xét xử sơ thẩm, phúc thẩm và tuyên án. Sai phạm trong hoạt động bán hàng và mua sắm vật tư sản xuất tại Nhà máy ô tô VEAM cũng đã được đưa ra xét xử sơ thẩm. Trên cơ sở bản án có hiệu lực của tòa án có thẩm quyền, VEAM đang triển khai các trình tự, thủ tục thu hồi những tài sản bị thất thoát và giải quyết một cách hiệu quả những hậu quả pháp lý có liên quan.

“Kết luận của cơ quan chức năng sau quá trình điều tra, truy tố và xét xử đối với những vi phạm này cũng là cơ sở để VEAM có định hướng trong việc giải quyết hậu quả của những vi phạm nói trên cũng như là bài học, kinh nghiệm cho công tác quản lý, quản trị doanh nghiệp”, ông Vỵ nói.

Trước câu hỏi, các vấn đề pháp lý dưới thời ban lãnh đạo trước đây đã xử lý hết chưa và còn rủi ro không, ông Vỵ cho biết thêm, VEAM chủ trương phối hợp với các cơ quan chức năng nhằm nhanh chóng kết thúc các vụ việc tại VEAM. Ngoài ra, VEAM cũng xem xét để chủ động khắc phục sớm các hệ quả xảy ra từ những vụ việc mà cơ quan chức năng vẫn đang tiến hành xác minh, làm rõ và chưa có kết luận bao gồm việc chủ động khởi kiện vụ việc đến Tòa án có thẩm quyền để bảo vệ quyền và lợi ích của VEAM cũng như có cơ sở pháp lý chặt chẽ để giải quyết, xử lý các tồn tại, sai phạm.

Kế hoạch doanh thu tăng mạnh, lợi nhuận tăng trưởng lẹt đẹt

Năm 2023, VEAM đặt mục tiêu doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ công ty mẹ đạt 1.187,3 tỷ đồng, tăng 122,7% so với năm 2022. Trong đó doanh thu sản xuất 1.105,4 tỷ đồng và doanh thu thương mại dịch vụ 81,9 tỷ đồng. Doanh thu tài chính 6.579,5 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 5.694 tỷ đồng, tăng 1,2% so với năm 2022.

Cổ đông chất vấn việc ba năm liên tiếp bị kiểm toán đưa ý kiến ngoại trừ, lãnh đạo VEAM nói gì? ảnh 1
Kế hoạch kinh doanh năm 2023 Công ty mẹ VEAM

VEAM đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh về doanh thu bán hàng từ các sản phẩm công nghiệp gắn liền với kết quả triển khai 2 nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể: Tập trung tiêu thụ xe tồn kho lâu năm tại VM và tích cực triển khai tìm kiếm đối tác chiến lược và nghiên cứu thị trường để sản xuất các dòng xe tải mới tiêu chuẩn khí thải Euro5 và khai thác công nghiệp phụ trợ để tận dụng trang thiết bị nhà xưởng…. Doanh thu thương mại, dịch vụ cũng được xây dựng mục tiêu tăng 61% nhưng vẫn còn chiếm tỷ trọng rất thấp trong cơ cấu doanh thu bán hàng.

Các hoạt động tài chính dự kiến tiếp tục đạt hiệu quả cao. Doanh thu tài chính ước tăng 11,2% so với thực hiện năm 2022 song VEAM xây dựng kế hoạch lợi nhuận chỉ tăng trưởng vỏn vẹn 1,2% do dự kiến trích lập một số khoản dự phòng trong năm 2023 chưa được thực hiện trong năm 2022 và các năm trước đây.

Theo đánh giá của Ban lãnh đạo VEAM, khó khăn năm 2023 là tình hình chính trị thế giới tiếp tục biến động phức tạp khó lường, nhất là căng thẳng chính trị giữa các nước lớn, xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine. Bên cạnh đó, một số yếu tố rủi ro tác động tới triển vọng kinh tế thế giới được IMF (Quỹ Tiền tệ quốc tế) chỉ ra như quá trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc có thể bị đình trệ, những khó khăn về nợ, đặc biệt đối với những nền kinh tế có nhu cầu trả nợ bằng USD trong ngắn hạn; lạm phát kéo dài; sự phân mảnh địa chính trị dẫn đến việc lưu chuyển nguồn vốn, di chuyển của người lao động và thanh toán quốc tế giữa các quốc gia gặp nhiều khó khăn, có thể cản trở chuỗi lưu thông hàng hóa toàn cầu.

Đối với VEAM, một số tồn tại, vướng mắc của giai đoạn trước đây vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Lĩnh vực động cơ máy nông nghiệp liên tục sụt giảm trong thời gian gần đây, kinh doanh ô tô chưa có dấu hiệu khả quan.

Cổ đông chất vấn việc ba năm liên tiếp bị kiểm toán đưa ý kiến ngoại trừ, lãnh đạo VEAM nói gì? ảnh 2

Báo cáo đại hội cũng cho biết mục tiêu kế hoạch các công ty con, công ty liên kết có vốn góp VEAM (không bao gồm các công ty liên doanh) tổng doanh thu bán hàng 4.518 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 241,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, các chỉ tiêu kế hoạch 2023 chỉ nhằm đánh giá cũng như định hướng hoạt động của VEAM không phải là các chỉ tiêu đề nghị thông qua tại cuộc họp ĐHĐCĐ năm 2023.

Trước đó, năm 2022, công ty mẹ VEAM đạt doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ 533,1 tỷ đồng, sụt giảm 10,5% so với năm 2021. Các chỉ tiêu tài chính khác như doanh thu tài chính, lợi nhuận sau thuế đều sụt giảm. Doanh thu hợp nhất đạt 4.747,1 tỷ đồng, tăng 18,1% so với năm 2021, lãi trong các công ty liên doanh, liên kết tăng trưởng 34,9% lên mức 6.985 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ở mức 7.665,4 tỷ đồng, tăng 32,3%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cổ đông chất vấn việc ba năm liên tiếp bị kiểm toán đưa ý kiến ngoại trừ, lãnh đạo VEAM nói gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO