Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa phối hợp với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tổ chức buổi tọa đàm tư vấn nghiệp vụ với chủ đề “Giới thiệu về Kiểm toán nội bộ trên cơ sở rủi ro và Mô hình 3 tuyến bảo vệ của Viện Kiểm toán nội bộ quốc tế (IIA) tại NHNN”.
Tọa đàm là hoạt động nằm trong chuỗi hoạt động hỗ trợ kỹ thuật (HTKT) thứ 2 của IMF nhằm nâng cao năng lực của Kiểm toán nội bộ NHNN trong năm 2023.
Tại buổi toạ đàm, ông Ara Chalabyan, Chuyên gia tư vấn, IMF đã trình bày kết quả 2 đợt HTKT và một số khuyến nghị chính cho công tác kiểm toán nội bộ trong thời gian tới, bao gồm: Nghiên cứu, thành lập thiết chế giám sát kiểm toán nội bộ; Tái cấu trúc mô hình Vụ Kiểm toán nội bộ đảm bảo chuyển các công việc thuộc tuyến bảo vệ thứ nhất và thứ hai sang các đơn vị Vụ, Cục chức năng, xây dựng Sổ tay kiểm toán nội bộ và thiết kế khung đào tạo, bồi dưỡng cho nhân sự làm công tác kiểm toán.
Các chuyên gia IMF cũng chia sẻ và giải đáp câu hỏi của đại diện các Vụ, Cục, đơn vị thuộc NHNN về mô hình, cách thức hoạt động của 3 tuyến phòng thủ; Vai trò, ý nghĩa của việc thiết lập 3 tuyến phòng thủ trong quản lý rủi ro và mối quan hệ; Trách nhiệm của các đơn vị với Vụ KTNB trong quản lý rủi ro.
Thông qua phần giải đáp của các chuyên gia IMF, các đơn vị chức năng hiểu hơn về vai trò của đơn vị mình trong nhận diện, đánh giá và quản lý rủi ro, cũng như vai trò của tuyến bảo vệ thứ ba độc lập trong quản lý rủi ro và kiểm toán nội bộ trên cơ sở rủi ro.
Phát biểu tại buổi toạ đàm, thay mặt Ban Lãnh đạo NHNN, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cảm ơn sự hỗ trợ tích cực, hiệu quả của IMF đối với các lĩnh vực hoạt động của NHNN nói chung và lĩnh vực quản trị rủi ro, kiểm toán nội bộ của NHNN nói riêng.
Phó Thống đốc đánh giá cao sự cần thiết của việc trao đổi tư vấn liên quan đến kiểm toán nội bộ và vai trò của 3 vòng kiểm soát trong quản trị rủi ro của NHNN trong bối cảnh hiện nay nhằm nâng cao nhận thức vai trò, trách nhiệm của các đơn vị trong việc đánh giá, quản lý rủi ro tại đơn vị mình cũng như tiếp cận cách thức quản lý rủi ro ở NHTW các nước theo chuẩn mực quốc tế.
Mặt khác, đảm bảo công tác quản lý rủi ro tại NHNN được triển khai đồng bộ, phát huy hiệu quả trong phòng ngừa và ngăn chặn rủi ro cũng như hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi công tác kiểm toán nội bộ trên cơ sở rủi ro của NHNN.
Phó Thống đốc đánh giá, nội dung làm việc phù hợp với định hướng và chiến lược phát triển của ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 8 tháng 8 năm 2018 của Thủ Tướng Chính phủ mà NHNN đang triển khai nhằm hiện đại hóa NHNN theo hướng có mô hình tổ chức hợp lý và cơ chế vận hành đồng bộ, hiệu lực và hiệu quả; tăng dần tính độc lập, chủ động và trách nhiệm giải trình của NHNN về mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ; xây dựng ngân hàng trung ương hiện đại trong bối cảnh số hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
“Việc xây dựng và triển khai hiệu quả mô hình quản trị rủi ro và nâng cao chất lượng công tác kiểm toán nội bộ là điều kiện cần thiết nhằm tăng cường năng lực thể chế, nâng cao vị thế, tính tự chủ và trách nhiệm giải trình của NHNN; tiệm cận đến cách thức quản trị rủi ro của ngân hàng trung ương các nước trên thế giới”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà yêu cầu các đơn vị trực thuộc NHNN tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tính khả thi các tư vấn, khuyến nghị của chuyên gia để tham mưu Ban Lãnh đạo NHNN trong triển khai các giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý rủi ro và kiểm toán nội bộ trên cơ sở rủi ro theo chuẩn mực IIA tại NHNN trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, tiếp tục nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của NHNN trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Phó Thống đốc cũng bày tỏ mong muốn, các chuyên gia của IMF sẽ tiếp tục nghiên cứu đặc thù của NHNN để có được các tư vấn, khuyến nghị phù hợp với mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển của NHNN trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thống đốc tại buổi toạ đàm, đại diện Vụ Kiểm toán nội bộ đề nghị các đơn vị trực thuộc NHNN cùng với Vụ Kiểm toán nội bộ tăng cường công tác phối hợp, nghiên cứu để có những nhận thức, hành động thiết thực nâng cao nhận thức chung về công tác quản trị rủi ro và kiểm toán nội bộ trên cơ sở rủi ro nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi từ phương thức kiểm toán tuân thủ sang kiểm toán trên cơ sở rủi ro của kiểm toán nội bộ NHNN.