Cổ phiếu HCM của Công ty CP Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC) đã tăng đột biến khi cận kề tới ngày đấu giá quyền mua 105,77 triệu quyền mua của cổ đông HFIC trên HOSE. Liệu đây có phải là tín hiệu cho một phiên đấu giá thành công?
Phiên giao dịch ngày 26/2 đã ghi nhận mức thanh khoản cao nhất lịch sử của cổ phiếu HCM sau khi cổ phiếu tăng kịch trần 7% lên 28.300 đồng/cổ phiếu. Khớp lệnh của HCM lên tới gần 32 triệu đơn vị, gấp 3,6 lần mức bình quân 20 phiên.
Một số cổ phiếu cùng ngành khác như FTS (+6,9%), MBS (+6,9%) cũng bật tăng không kém phần ấn tượng nhưng nhà đầu tư sẽ phải dành nhiều sự chú ý hơn cho HCM khi công ty đang triển khai đợt phát hành tăng vốn theo tỷ lệ 2:1.
Vào ngày 28/2 tới đây, cổ đông sáng lập của HSC là Công ty Đầu tư tài chính TP.HCM - HFIC sẽ tổ chức đấu giá công khai 105,77 triệu quyền mua HSC tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HOSE).
Mức giá khởi điểm 7.523 đồng/quyền, đồng nghĩa sẽ cần phải chi ra hơn 25.000 đồng/cổ phiếu để mua mới cổ phiếu HCM.
Một số nhà đầu tư nhỏ lẻ trước đó đã thể hiện sự kém hào hứng với phiên đấu giá khi so sánh giá vốn phải bỏ ra và thị giá trên sàn.
Theo một chuyên gia chứng khoán, giá khởi điểm của quyền mua cổ phần mà HFIC đề xuất được tính toán đúng theo giá tại ngày giao dịch không hưởng quyền vừa qua (2/1).
Mức giá này đảm bảo quyền lợi của HFIC không bị thất thoát. Kể cả trong trường hợp không có nhà đầu tư nào tham gia đợt đấu giá, HFIC vẫn sẽ thực hiện quyền mua để đảm bảo quyền lợi cổ đông nhà nước. Còn trong trường hợp tích cực, HFIC cũng sẵn sàng chuyển nhượng lại quyền mua để sớm hiện thực hóa chủ trương thoái vốn.
Các đợt đấu giá tương tự cũng đã diễn ra trong năm 2019 và năm 2021. Theo đó, trong năm 2019, HFIC đã thực hiện quyền mua 37,5 triệu quyền mua sau khi không có bên mua. Còn trong năm 2021, sau khi chỉ bán được hơn 10% quyền mua, HFIC vẫn rót tiền thực hiện quyền mua cổ phần.
Với trạng thái mới của cổ phiếu HCM, có thể tạo thêm sự khích lệ và quan tâm hơn tới đợt đấu giá khi cổ phiếu đã tạo ra chênh lệch gần 13% so với giá vốn phải bỏ ra.
Hiện cuộc đua tăng vốn đang khá nóng sau khi dòng vốn từ các ngân hàng đổ mạnh vào các CTCK là công ty con. Sau đợt tăng vốn năm 2021, HSC cũng đã ngay lập tức có đề xuất tới các cổ đông về việc tăng vốn nhưng phải sang tới đầu năm 2024, công ty mới có thể triển khai kế hoạch. Nếu đợt tăng vốn này diễn ra thành công, quy mô vốn điều lệ của HSC sẽ vượt qua một số đối thủ như VPS, MAS, VIX.