Chứng khoán

Cổ phiếu thép “nổi sóng” sau động thái mới của Bộ Công Thương liên quan đến các vụ kiện bán phá giá thép mạ và HRC

Hoàng Hà 17/06/2024 - 17:03

Phiên ngày 17/6, các cổ phiếu ngành thép đi ngược thị trường, thậm chí cổ phiếu HSG còn tăng kịch biên độ lên mức đỉnh hai năm sau thông tin Bộ Công Thương quyết định điều tra chống bán phá giá một số sản phẩm thép mạ có xuất xứ Trung Quốc và Hàn Quốc.

thep.jpg
Ảnh minh họa

Trong phiên giao dịch ngày 17/6, bất chấp thị trường chung tiếp tục giảm hơn 5 điểm, xuống 1.274 điểm nhưng các cổ phiếu ngành thép vẫn đi ngược thị trường, trở thành tâm điểm thu hút được dòng tiền lớn. Trong đó, hai mã HSG và SMC tăng kịch biên độ, cổ phiếu TIS cũng gần chạm trần (tăng 12%), trong khi GDA (tăng 5,4%), NKG (tăng 4,3%), HPG (tăng 1,2%)...

cp thep.PNG
Các mã cổ phiếu thép tăng mạnh trong phiên ngày 17/6

Cổ phiếu ngành thép đồng loạt “nổi sóng” ngay phiên đầu tuần sau khi cuối tuần qua (ngày 14/6), Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 1535/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.

Bộ Công Thương cho biết, quyết định tiến hành điều tra được ban hành căn cứ theo kết quả thẩm định theo quy định của pháp luật phòng vệ thương mại đối với hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá được nộp đầy đủ và hợp lệ ngày 3/5/2024 bởi các doanh nghiệp đại diện cho ngành sản xuất trong nước gồm 5 công ty: Công ty CP tập đoàn Hoa Sen; Công ty CP Thép Nam Kim; Công ty Tôn Phương Nam; Công ty CP Tôn Đông Á và Công ty CP China Steel & Nippon Steel Việt Nam.

Các doanh nghiệp này cáo buộc các sản phẩm thép mạ từ Trung Quốc và Hàn Quốc đã và đang bán phá giá vào thị trường Việt Nam, hành vi bán phá giá này đang gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.

Theo quy định pháp luật, sau khi khởi xướng điều tra, Bộ Công Thương sẽ gửi bản câu hỏi điều tra cho các bên liên quan để thu thập thông tin nhằm phân tích, đánh giá các nội dung cáo buộc gồm: hành vi bán phá giá của các doanh nghiệp xuất khẩu của các nước bị điều tra; thiệt hại của ngành sản xuất một số sản phẩm của Việt Nam; và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi bán phá giá và thiệt hại của ngành sản xuất một số sản phẩm trong nước.

Trong trường hợp cần thiết, căn cứ vào kết quả điều tra sơ bộ, Bộ Công Thương có thể áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời để ngăn chặn hành vi bán phá giá tiếp tục gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.

Bộ Công Thương sẽ thực hiện việc thẩm tra, xác minh lại các thông tin do các bên liên quan cung cấp trước khi hoàn thành kết luận điều tra chính thức về vụ việc. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng sẽ tổ chức tham vấn công khai để các bên liên quan trực tiếp trao đổi, cung cấp thông tin, bày tỏ quan điểm về vụ việc trước khi đưa ra kết luận cuối cùng về vụ việc.

Ngoài ra, trong ngày 14/6, Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương cũng thông báo đã tiếp nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng từ Ấn Độ và Trung Quốc. Trong thời hạn 45 ngày, tính từ ngày xác nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ; cơ quan điều tra sẽ thẩm định hồ sơ để trình Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét tiến hành điều tra hoặc không tiến hành điều tra vụ việc.

Trước đó, trong ngày 19/3/2024, Cục Phòng vệ thương mại đã tiếp nhận hồ sơ của các công ty là đại diện cho ngành sản xuất trong nước, bao gồm Tập đoàn Hòa Phát (HPG) và Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh, yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng từ Ấn Độ và Trung Quốc.

Trong báo cáo hồi đầu tháng 6, đánh giá về khả năng khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với thép mạ kẽm nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc, SSI Research cho rằng, việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá có thể giúp bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất thép mạ kẽm trong nước như Hoa Sen (HSG), Nam Kim (NKG), Tôn Đông Á (GDA), Hòa Phát (HPG) trước các sản phẩm nhập khẩu.

Tuy nhiên, SSI Research cho biết, trong trường hợp Bộ Công Thương đồng ý mở cuộc điều tra thì quá trình điều tra có thể kéo dài 12-18 tháng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Như vậy, việc áp thuế chống bán phá giá sẽ được áp dụng sớm nhất vào cuối năm 2025 nên tin tức này chưa có tác động đáng kể trong năm tới.

Theo dữ liệu từ Cục Hải quan, Việt Nam nhập khẩu thép mạ kẽm năm 2022 khoảng 960.000 tấn vào năm 2022 và khoảng 1.160.000 tấn vào năm 2023, lần lượt bằng 22% và 27% tổng sản lượng tiêu thụ tôn mạ toàn ngành.

Trước đó, trong giai đoạn năm 2017 - 2022, Bộ Công Thương đã từng áp dụng mức thuế chống bán phá giá 38,34% đối với một số sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Hàn Quốc và Trung Quốc. Mức thuế trên được chấm dứt vào năm 2022 khi Bộ Công Thương đánh giá nền sản xuất trong nước không còn chịu thiệt hại đáng kể và khó có khả năng tái diễn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cổ phiếu thép “nổi sóng” sau động thái mới của Bộ Công Thương liên quan đến các vụ kiện bán phá giá thép mạ và HRC
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO