Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với chủ đề "Trà Vinh – khát vọng phát triển" vừa diễn ra tối ngày 14.10. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự hội nghị.
Với Quyết định số 1142/QĐ-TTg ngày 2/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Trà Vinh, Trà Vinh là tỉnh thứ 14 trong cả nước, thứ 3 ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được phê duyệt quy hoạch tỉnh.
Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Trà Vinh là tỉnh phát triển ở mức trung bình cao, nằm trong nhóm đầu của vùng ĐBSCL, có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối vùng ĐBSCL và cả nước; có kinh tế biển phát triển, thích ứng với biến đổi khí hậu; các giá trị văn hóa của các dân tộc được bảo tồn và phát huy; người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Tầm nhìn đến năm 2050, Trà Vinh là tỉnh phát triển cao của vùng, có trung tâm kinh tế biển hiện đại và trung tâm năng lượng sạch của vùng, thích ứng với biến đổi khí hậu; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, kết nối hiệu quả với vùng và cả nước. Xã hội văn minh, hiện đại; quốc phòng, an ninh được bảo đảm; người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Theo Quy hoạch, về công nghiệp, Trà Vinh sẽ phát triển nhanh, bền vững theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ mới, thân thiện với môi trường gắn với lợi thế kinh tế biển, với các ngành chủ yếu là năng lượng, chế biến nông, thủy sản.
Tỉnh phát triển nhanh, đa dạng các loại hình dịch vụ theo hướng hiện đại, chất lượng cao; tập trung phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, đẩy mạnh tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu ngành; nhất là thương mại, du lịch và dịch vụ cảng biển, logistics.
Trà Vinh phát triển ngành nông nghiệp gồm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi theo hướng hiện đại, bền vững, tuần hoàn, sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo chuỗi giá trị, hiệu quả và có sức cạnh tranh cao dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ và thích ứng với biển đổi khí hậu.
Tỉnh cũng sẽ phát triển Khu kinh tế Định An thành khu kinh tế động lực của tỉnh và của vùng ĐBSCL với tính chất tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá đây là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh, huy động các nguồn lực, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Trà Vinh thời gian tới; tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển vùng ĐBSCL nói chung và tỉnh Trà Vinh nói riêng, mới nhất là Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hội nghị cũng là cơ hội tốt để các nhà đầu tư, doanh nghiệp tìm hiểu, nắm bắt tư duy, tầm nhìn, không gian phát triển mới, những tiềm năng, thế mạnh, cơ hội cụ thể của Trà Vinh; đồng thời lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương có ý kiến, gợi mở về định hướng phát triển, các giải pháp thúc đẩy hợp tác, tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn.
Thủ tướng cho rằng, Trà Vinh có vị trí chiến lược về kinh tế, quốc phòng, an ninh, là tuyến đường ra biển quan trọng của vùng ĐBSCL, là tỉnh trọng điểm về kinh tế biển và hội tụ nhiều tiềm năng, thế mạnh về phát triển kinh tế-xã hội.
Cụ thể, Trà Vinh có đất đai màu mỡ (đất nông nghiệp chiếm 62% diện tích tự nhiên), đa dạng vùng sinh thái (nước ngọt, nước lợ, ngập mặn), có tiềm năng lớn về nông sản, thủy hải sản giá trị cao. Tỉnh cũng có đầy đủ cơ sở để trở thành một trung tâm năng lượng với tài nguyên rất lớn về năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời); có Trung tâm điện lực Duyên hải (4.900 MW).
Tỉnh có điều kiện tốt cho phát triển du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử dựa trên điều kiện tự nhiên đặc sắc, văn hóa đa dân tộc (Kinh, Khmer, Hoa), nhiều thắng cảnh và di tích lịch sử, lễ hội. Trà Vinh có nguồn lao động trẻ dồi dào (dân số gần 1,1 triệu người, thứ 43/63 cả nước); người Trà Vinh nhân văn, trượng nghĩa, can trường, chất phác, cởi mở.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Trà Vinh thể hiện quyết tâm cao, xác định rõ chiến lược phát triển và ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể. Tỉnh quan tâm hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, cải thiện đầu tư môi trường kinh doanh (năm 2022 Chỉ số năng lực cạnh trạnh cấp tỉnh xếp thứ 26/63).
Đặc biệt, Quy hoạch tỉnh Trà Vinh được công bố có tầm quan trọng đặc biệt, tạo không gian phát triển mới, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực phát triển bền vững, hiệu quả; giúp khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Điểm lại một số thành tựu phát triển của Trà Vinh, Thủ tướng nêu rõ, khi mới tái lập tỉnh năm 1992, Trà Vinh là tỉnh khó khăn nhất khu vực ĐBSCL, sau hơn 30 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, cùng với ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết, thống nhất, sáng tạo, thế hệ sau đã học tập và kế thừa kết quả, hướng đi của thế hệ trước, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, tỉnh đã đạt được thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.
Kinh tế tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Cơ sở hạ tầng được đầu tư cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển với luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu, Quốc lộ 53, cầu Cổ Chiên, Khu kinh tế Định An... Hạ tầng thiết yếu về y tế, giáo dục, xây dựng nông thôn mới chuyển biến tích cực. Các thành phần kinh tế phát triển, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã đạt nhiều kết quả. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, tir lệ hộ nghèo giảm mạnh...
Từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh Trà Vinh đã triển khai thực hiện hiệu quả chỉ đạo, điều hành của Trung ương về phát triển kinh tế-xã hội, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, tập trung toàn lực phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra (tăng trưởng GRDP 9 tháng đầu năm đạt 8,51%, các ngành, lĩnh vực phát triển mạnh…), góp phần tích cực cho sự phát triển chung của đất nước.
Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện các mục tiêu theo Quy hoạch tỉnh vừa được công bố, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Trà Vinh quán triệt, triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Quy hoạch tỉnh, nhất là các ngành, lĩnh vực là tiềm năng, lợi thế của tỉnh; kế thừa những thành quả đã đạt được, phát huy mạnh mẽ hơn nội lực (con người, thiên nhiên và truyền thống văn hóa-lịch sử) để tự lực, tự cường phát triển. Trong đó, Thủ tướng lưu ý 2 vấn đề lớn cần giải quyết của Trà Vinh là tổ chức không gian phát triển và phát triển hạ tầng giao thông.
Thủ tướng yêu cầu tỉnh ưu tiên bố trí nguồn lực để tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả không gian phát triển, hình thành các vùng và các trục động lực phát triển, các cửa ngõ kết nối, trong đó sớm hình thành 3 trục động lực phát triển gồm: trục phát triển theo tuyến đường bộ ven biển, trục phát triển theo tuyến Quốc lộ 60 và trục phát triển theo tuyến cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh.
Thủ tướng lưu ý, cần thực hiện điều phối, quản lý thống nhất, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, hiệu quả và thống nhất giữa quy hoạch tỉnh và các quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch cấp cao hơn để phát triển bền vững với tầm nhìn dài hạn, định hướng phát triển tổng thể, liên kết vùng, phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đối khí hậu.
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu Trà Vinh huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; đẩy mạnh hợp tác công-tư, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phát triển; phát triển hệ thống đô thị, đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng Khu kinh tế Định An, các khu công nghiệp Cổ Chiên và Cầu Quan.
Thủ tướng nhấn mạnh, phải tìm giải pháp đột phá, tập trung đầu tư hoàn thiện phát triển hạ tầng giao thông tỉnh Trà Vinh liên kết với vùng, trọng tâm là các tuyến cao tốc, đường hành lang ven biển, các tuyến quốc lộ qua địa bàn, nạo vét luồng hàng hải Định An, nâng cao hiệu quả các cảng biển, phát triển logistics...
Để huy động tối đa nguồn lực cho hạ tầng giao thông, Thủ tướng chỉ rõ 5 giải pháp: Tăng cường tiết kiệm chi, tăng thu; Trung ương sẽ hỗ trợ cao nhất có thể; đẩy mạnh hợp tác công tư; tạo môi trường thông thoáng kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước; huy động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay. Tinh thần là đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để xoay chuyển tình thế, chuyển trạng thái phát triển từ "bình bình" sang đột phá nhanh nhất có thể.
Thứ ba, tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, tăng năng suất cạnh tranh các ngành, lĩnh vực thế mạnh, trên nền tảng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn...
Thứ tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; tăng cường công khai, minh bạch, lắng nghe, đối thoại, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Thứ năm, tiếp tục tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả gắn với xây dựng đội ngũ công chức viên chức có chất lượng, được đào tạo bài bản; đổi mới tác phong lề lối làm việc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính. Đặc biệt quan tâm đến công tác dân tộc, tôn giáo, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Thứ sáu, ưu tiên đầu tư cho giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực số, nhất là cho các ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo, du lịch, dịch vụ logistics... Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của tỉnh, vườn ươm doanh nghiệp.
Đối với các bộ, ngành Trung ương, Thủ tướng yêu cầu triển khai hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi trên cả nước, trong đó có tỉnh Trà Vinh.
Cùng với đó, cần giải quyết kịp thời, hiệu quả những kiến nghị, đề xuất của tỉnh và người dân, doanh nghiệp; kịp thời hoàn thiện các quy định pháp luật, cơ chế chính sách liên quan. Phối hợp chặt chẽ với Trà Vinh đánh giá thực trạng, có các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi tiết giảm chi phí cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Các bộ, ngành cần hướng dẫn tỉnh Trà Vinh trong quá trình thực hiện Quy hoạch; nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách, giải pháp, huy động và bố trí nguồn lực thực hiện hiệu quả các mục tiêu, định hướng của Quy hoạch bảo đảm thống nhất, đồng bộ với thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 của đất nước, các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
* Chiều cùng ngày, tại tỉnh Vĩnh Long, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ hợp long cầu Mỹ Thuận 2 thuộc Dự án thành phần đầu tư xây dựng Cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long.
Đây là lần thứ 5, Thủ tướng Phạm Minh Chính tới trực tiếp khảo sát hiện trường, động viên các cơ quan liên quan, đội ngũ cán bộ, công nhân thi công dự án cầu Mỹ Thuận 2.
Dự án đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu là một trong 12 dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 do Ban Quản lý dự án 7 (Bộ Giao thông vận tải) làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công ngày 16/3/2020, sẽ đưa vào khai thác sử dụng vào cuối năm 2023.
Đây là dự án trọng điểm quốc gia, công trình giao thông đường bộ cấp đặc biệt, tổng mức đầu tư của dự án là hơn 5.003 tỷ đồng bằng nguồn vốn đầu tư ngân sách nhà nước.
Dự án Cầu Mỹ Thuận 2 nằm trên trục đường cao tốc từ TPHCM đi Cần Thơ, kết nối hai tuyến cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận và Mỹ Thuận-Cần Thơ, nối liền hai tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang, là trục đường huyết mạch, có lưu lượng giao thông lớn bậc nhất trong các trục quốc lộ chính trong khu vực.
Theo Bộ Giao thông vận tải, nhịp chính cầu Mỹ Thuận 2 với kết cấu dây văng khẩu độ 350 m, tĩnh không thông thuyền 37,5 m, bề rộng mặt cầu 28 m (gồm 6 làn xe), lần đầu tiên do đội ngũ các kỹ sư, công nhân Việt Nam thực hiện hoàn toàn từ khâu lập dự án, thiết kế cho đến thi công.
Tại lễ hợp long, Thủ tướng đánh giá cao công trình cầu Mỹ Thuận 2 - cây cầu mang thương hiệu Việt Nam, do đội ngũ các kỹ sư, công nhân Việt Nam thực hiện hoàn toàn từ khâu lập dự án, thiết kế cho đến thi công.
Thủ tướng biểu dương Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, cơ quan, địa phương liên quan, nhà thầu Tập đoàn Trung Nam, đơn vị tư vấn đã phát huy tinh thần trách nhiệm, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức về đại dịch, giá cả, thời tiết… trong xây dựng công trình này; nhờ đó có thể rút ngắn thời gian thi công ít nhất 3 tháng so với kế hoạch và ngắn hơn so với cầu Mỹ Thuận 1.
Sau khi hoàn thành, cầu Mỹ Thuận 2 sẽ nối thông tuyến cao tốc từ TPHCM về Cần Thơ, tạo nên sự gắn kết chặt chẽ thông thương giữa trung tâm kinh tế thương mại phía Nam và các tỉnh ĐBSCL, góp phần hoàn thiện hệ thống vận tải, logistics trong khu vực, đồng thời giảm áp lực giao thông ngày càng lớn cho cầu Mỹ Thuận hiện hữu và Quốc lộ 1A, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách ngày càng tăng cao, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa, xã hội khu vực Tây Nam Bộ./.