Hoạt động ngân hàng

Ngành Ngân hàng Trà Vinh: Hướng dòng tín dụng vào các ngành kinh tế chủ lực

ThS. Trần Trọng Triết 02/02/2024 - 08:58

Để góp phần thắng lợi nhiệm vụ mục tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội của tỉnh và của ngành Ngân hàng đề ra năm 2024, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Trà Vinh xác định sẽ thực hiện có hiệu quả các giải pháp, chính sách và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước; đồng thời tăng cường hướng dòng vốn tín dụng vào những lĩnh vực ưu tiên và các ngành kinh tế chủ lực.

Năm 2023 vừa qua, tỉnh Trà Vinh tập trung đẩy mạnh thực hiện hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 8,25% (vượt chỉ tiêu Nghị quyết 7,5%, xếp thứ 2 so với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, đứng thứ 12 cả nước). Thu ngân sách vượt kế hoạch dự toán (tổng thu ngân sách đạt 17.175 tỉ đồng, đạt 133% dự toán, tăng 8,89% so với cùng kỳ. Các chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới (NTM) đều đạt và vượt (toàn tỉnh có 85/85 xã đạt xã NTM, 48 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, 11 xã đạt xã NTM kiểu mẫu; 9/9 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM).

Có thể nói, kết quả tăng trưởng kinh tế xã hội của tỉnh Trà Vinh trong năm qua có những đóng góp không nhỏ của ngành Ngân hàng trên địa tỉnh.

khach-hang-giao-dich-tai-bidv-chi-nhanh-tra-vinh.jpg
Ngành Ngân hàng Trà Vinh: Hướng dòng tín dụng vào các ngành kinh tế chủ lực

Hướng tín dụng vào ngành kinh tế chủ lực

Theo ông Lê Văn Hai, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh Trà Vinh, năm qua ngành Ngân hàng tỉnh tập trung triển khai nhiệm vụ ngân hàng theo Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 17/1/2023 của Thống đốc NHNN, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của UBND tỉnh, ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao; kết quả thực hiện các chỉ tiêu định hướng đều đạt kế hoạch đề ra; tổ chức thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ tín dụng, lãi suất cho người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ tích cực cho quá trình phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh của tỉnh; các mặt hoạt động khác của ngành Ngân hàng như Đề án thanh toán không dùng tiền mặt, Đề án tái cơ cấu tổ chức tín dụng, công tác an toàn kho quỹ, thông tin truyền thông… được triển khai, thực hiện tốt.

Đáng chú ý, kết quả hoạt động huy động vốn tăng 10,01% so với năm 2022, đạt 32.457 tỉ đồng; tổng dư nợ cho vay tăng 14,5% so với năm 2022, đạt 44.083 tỉ đồng, chất lượng tín dụng được kiểm soát, tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,24%/tổng dư nợ nằm trong mức cho phép.

Bên cạnh đó, hoạt động tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đã nỗ lực, triển khai thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu được giao. Đặc biệt, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Kết quả năm 2023, tổng nguồn vốn tín dụng đạt hơn 4.413 tỉ đồng, tăng 763,734 tỉ đồng so với năm 2022 (tăng 20,93%).

Về hoạt động tín dụng, tổng doanh số cho vay đạt 1.355 tỉ đồng, tăng 157 tỉ đồng so với năm 2022, với 37.455 lượt hộ hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 4.408,747 tỉ đồng, tăng 766,789 tỉ đồng (tăng 21,05%) so với năm 2022, đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch năm.

Chất lượng tín dụng tiếp tục nâng lên, toàn tỉnh có 20 xã không có nợ quá hạn; 105 xã xếp loại tốt, 1 xã xếp loại trung bình; tổng dư nợ ủy thác qua 4 Hội đoàn thể đạt 4.296 tỉ đồng, tăng 717 tỉ đồng so với năm 2022, chiếm 97,44%/tổng dư nợ. Trong đó, Hội Liên hiệp phụ nữ chiếm 44,95%; Hội Nông dân chiếm 31,03%; Hội Cựu chiến binh chiếm 12,43%; Đoàn Thanh niên chiếm 11,59%.

Nhờ đó hướng tín dụng tập trung vào phát triển ngành hàng chủ lực mà tình hình kinh tế - xã hội tỉnh ổn định và tăng trưởng, thu ngân sách, phát triển doanh nghiệp, sản xuất công nghiệp tăng khá; các hoạt động khuyến công, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch được thực hiện bảo đảm theo tiến độ, kế hoạch; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng mạnh. Tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng NTM.

Tiếp tục đẩy mạnh tín dụng cho kinh tế địa phương

Những kết quả đạt được trong năm 2023, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội, góp phần tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.

Năm 2024, UBND tỉnh Trà Vinh đề ra 23 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu. Trong đó có một số chỉ tiêu quan trọng như: tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8,5%; GRDP bình quân đầu người đạt 88,89 triệu đồng/người/năm; tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, thuế sản phẩm trong GRDP đạt 73,7%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 34.000 tỷ đồng; phát triển mới 520 doanh nghiệp; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 69,67%; tạo việc làm tăng thêm cho 23.000 lao động; tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,3%; hoàn thành nhiệm vụ xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM…

Dự toán thu ngân sách năm 2024 trên 10.764 tỉ đồng, trong đó: thu nội địa ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp khoảng 5.184 tỉ đồng, thu bổ sung từ ngân sách Trung ương khoảng 5.414 tỉ đồng.

Dự toán chi ngân sách năm 2024 trên 10.815 tỉ đồng, trong đó: chi thuộc nhiệm vụ của ngân sách cấp tỉnh khoảng 6.520 tỉ đồng, cấp huyện khoảng 4.294 tỉ đồng.

Để góp phần thắng lợi nhiệm vụ mục tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội của tỉnh và của ngành Ngân hàng đề ra năm 2024, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh tập trung thực hiện quyết liệt với nỗ lực lớn và quyết tâm cao với các giải pháp NHNN chi nhánh tỉnh tập trung chỉ đạo các TCTD trên địa bàn thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm của ngành năm 2024 theo Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 15/01/2024 của Thống đốc NHNN.

Đồng thời, tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách tín dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp như: gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân…; 15.000 tỷ đồng cho vay lâm sản, thủy sản; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ; đẩy mạnh cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng,…;

Ngành Ngân hàng tỉnh cũng sẽ tích cực tham gia Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, chương trình cho vay bình ổn thị trường, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn ngân hàng; đẩy mạnh Đề án thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; tăng cường công tác truyền thông các chương trình, chính sách tín dụng,…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành Ngân hàng Trà Vinh: Hướng dòng tín dụng vào các ngành kinh tế chủ lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO