Công ty Cổ phần (CTCP) Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa công bố Top 10 Công ty xây dựng năm 2024.
Theo đó, Top 10 Nhà thầu Xây dựng năm 2024 gồm: CTCP Xây dựng Coteccons; Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam; CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons; CTCP Đầu tư Xây dựng Newtecons; Công ty TNHH Tập đoàn Xây Dựng Delta; CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình; Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Unicons; CTCP Fecon; Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Hạ Tầng Đô Thị Udic; CTCP Ecoba Việt Nam.
Top 10 Nhà thầu Xây dựng Hạ tầng – Công nghiệp năm 2024 gồm: Tổng Công ty CP Công trình Viettel; Tổng Công ty Xây dựng số 1 - CTCP; CTCP Tập đoàn Đạt Phương; CTCP Đầu tư Xây dựng SOL E&C; CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả; CTCP Tập đoàn Cienco4;CTCP Xây dựng Central; CTCP Đầu tư Xây dựng Rox Cons Việt Nam; CTCP Xây lắp Hải Long; CTCP kỹ thuật Xây dựng Dinco.
Top 10 Nhà thầu Cơ điện năm 2024 gồm: CTCP Dịch vụ & Kỹ thuật Cơ điện lạnh R.E.E; CTCP Hawee Cơ điện; CTCP Searefico; CTCP Kỹ thuật Sigma; CTCP Cơ điện Đoàn Nhất; CTCP Alphanam E&C; CTCP Cơ điện lạnh Nam Thịnh; CTCP Tập đoàn đầu tư - Thương mại và Xây dựng Vân Khánh; CTCP Đầu tư và Công nghệ HVC; CTCP Chế tạo điện cơ Hà Nội.
Theo Vietnam Report, các doanh nghiệp xây dựng bước vào năm 2023 khi những tín hiệu kém tích cực phủ sóng trên khắp thị trường. Tăng trưởng kinh tế không như kỳ vọng, niềm tin thị trường suy yếu, bất động sản “bất động” khiến nguồn cung công việc giảm, vấn đề nợ đọng, thiếu vốn thêm nhức nhối, cơn khát tiền diễn ra trầm trọng.
Áp lực trích lập dự phòng phải thu gia tăng, lợi nhuận sụt giảm trên mức nền so sánh thấp cùng kỳ năm trước, nợ vay và chi phí lãi vay cao… là câu chuyện chung của không ít doanh nghiệp trong ngành. Theo kết quả thống kê của Vietnam Report, hơn một nửa số doanh nghiệp niêm yết ngành xây dựng có doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm 2023 đi xuống so với năm trước. Tỷ lệ doanh nghiệp giảm sút về doanh thu và lợi nhuận trước thuế đều tăng so với kết quả thống kê cách đây một năm.
Tuy nhiên, kết quả khảo sát lãnh đạo doanh nghiệp vào tháng 1/2024 của Vietnam Report cho thấy, nhóm doanh nghiệp ngành xây dựng đã lạc quan hơn về triển vọng chung của ngành.
Phần đông số doanh nghiệp (52,6%) kỳ vọng năm 2024 sẽ đánh dấu những chuyển biến tích cực hơn. Trong khi đó, 36,9% số doanh nghiệp dự báo ngành xây dựng sẽ chưa có nhiều sự cải thiện, gần như giữ nguyên trạng thái trong năm qua và 10,5% số doanh nghiệp cho rằng tình hình thị trường có thể ảm đạm hơn.
Nhìn chung, việc trở lại quỹ đạo tăng trưởng chưa thể diễn ra chóng vánh và chưa thể khẳng định thị trường xây dựng sẽ đạt được các kết quả rực rỡ, tuy nhiên, các doanh nghiệp xây dựng kỳ vọng năm 2024 có thể là “viên gạch đầu tiên” xây nền móng cho sự phục hồi và ươm mầm một chu kỳ phát triển mới
Ở tất cả các phân khúc xây dựng, tỉ lệ doanh nghiệp bày tỏ lạc quan về triển vọng đều cao hơn so với kết quả khảo sát cách đây một năm.
Sự phân hóa về tâm lý lạc quan đối với các phân khúc tiếp tục được duy trì trong năm nay với thứ tự lần lượt là: Xây dựng hạ tầng; Xây dựng công nghiệp; Xây dựng năng và tiện ích; Xây dựng nhà ở; và Xây dựng thương mại.
Việc đẩy mạnh đầu tư công và sự gia tăng nguồn vốn FDI là cơ sở củng cố niềm tin đối với mảng xây dựng hạ tầng và xây dựng công nghiệp. Trong khi đó, mảng xây dựng năng lượng và tiện ích ghi nhận sự gia tăng đáng kể tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá triển vọng tích cực hơn so với kết quả khảo sát năm 2023 (+43,6%) nhờ nhu cầu cấp bách trong xây lắp các dự án truyền tải Nam – Bắc với dự án trọng điểm đường dây 500kV mạch 3 và nhu cầu phát triển hạ tầng điện nhằm đáp ứng hệ thống năng lượng tái tạo sau khi có những tín hiệu mới từ chính sách.
Ở chiều ngược lại, dù ghi nhận mức độ lạc quan của doanh nghiệp gia tăng so với khảo sát năm 2023 song xây dựng nhà ở và xây dựng thương mại vẫn được đánh giá cải thiện chậm hơn so với các phân khúc khác với lần lượt 47,4% số doanh nghiệp và 66,7% số doanh nghiệp nhận định rằng trong năm 2024, hai phân khúc này chưa có nhiều chuyển biến rõ rệt và chưa thể thoát khỏi bức tranh u ám trong năm qua.