(thitruongtaichinhtiente.vn) - Hoạt động kiểm tra là một trong những nội dung quan trọng của tổ chức bảo hiểm tiền gửi (BHTG). Tuy nhiên, phương thức, nội dung triển khai có thể không giống nhau tùy thuộc vào tình hình thực tế, mục tiêu chính sách BHTG ở mỗi quốc gia.
Ngày nhận bài: 14/12/2018 - Ngày biên tập: 15/12/2018 - Ngày duyệt đăng: 15/3/2019 (Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 6/2019)
Tóm tắt: Ở Việt Nam, hoạt động kiểm tra của tổ chức BHTG được triển khai ngay từ thời gian đầu thành lập và đi vào hoạt động, được ghi nhận có đổi mới, tăng cường về số lượng và chất lượng, đóng góp đáng kể vào sự phát triển an toàn lành mạnh của các tổ chức tín dụng và hệ thống tài chính. Tuy nhiên, nội dung kiểm tra của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam còn có giới hạn, cùng với sự phát triển đa dạng của các tổ chức tín dụng, môi trường cạnh tranh ngày càng ngay gắt, rủi ro ngày càng cao đối cới các tổ chức tín dụng, vì vậy nội dung kiểm tra cần mở rộng hơn để phù hợp với thực tế hiện nay. Tổ chức BHTG Mỹ, Nhật Bản là một mô hình tổ chức BHTG có hoạt động kiểm tra tiên tiến đáng được các nước tham khảo và vận dụng. Bài viết cũng đề cập đến những nỗ lực, thành công cần nhân rộng và định hướng đối với công tác kiểm tra của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.
Từ khóa: Bảo hiểm tiền gửi, hoạt động kiểm tra, ngân hàng, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Bảo hiểm tiền gửi Mỹ, Bảo hiểm tiền gửi Nhật Bản
Deposit insurance on site examination: Silent efforts and great ontributions
Abstract: Examination activity is one of the most important contents of deposit insurance instrument. However, the system and implementation content may not be the same depending on the actual situation, goals and the deposit insurance policy in each country. In Vietnam, on site examination activities of deposit insurance institutions are implemented right after its birth and have been recognized as an innovating activity with its quantity and quality constantly increasing, contributing significantly to the safe and sound development of credit institutions and financial system. However, the examination of Deposit Insurance of Vietnam (DIV) is still limited. Along with the diversified development of credit institutions, the increasingly competitive environment and risks which credit institutions have to face, the examination content should be expanded to fit the current reality. The examination activities of deposit insurance in America and Japan are advanced models which countries around the world should refer to and learn from. The efforts, success of DIV needed to be replicated and the orientation for the examination of DIV is also discussed in this article.
Key words: Deposit insurance, examination, banking, Deposit Insurance of Vietnam, Federal Deposit Insurance Corporation, Deposit Insurance Corporation of Japan
Hoạt động kiểm tra là một trong nghiệp vụ quan trọng của tổ chức Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) góp phần bảo vệ tốt nhất người gửi tiền, nâng cao niềm tin công chúng và góp phần đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
Công cụ bảo hiểm tiền gửi chính thức được triển khai đầu tiên ở Mỹ (1934), nay đã được triển khai ở hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ, với mục tiêu giảm thiểu và góp phần kiểm soát rủi ro ngân hàng, ngăn ngừa đổ vỡ ngân hàng và bảo vệ tối đa quyền lợi người gửi tiền. Để thực hiện có hiệu quả chính sách BHTG, tổ chức BHTG được thiết kế trao nhiệm vụ triển khai đồng bộ một số hoạt động nghiệp vụ cụ thể, trong đó hoạt động kiểm tra được quan tâm đặc biệt.
Chức năng cơ bản của BHTG là góp phần đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng và hoàn trả kịp thời tiền bảo hiểm cho tiền gửi. Hoạt động BHTG trên thế giới tới nay được tổ chức triển khai theo ba mô hình BHTG: mô hình giảm thiểu rủi ro, mô hình chi trả với quyền hạn mở rộng và mô hình chi trả. Tùy vào mục đích và mô hình tổ chức BHTG của từng quốc gia mà nội dung chính sách BHTG được tổ chức BHTG thực hiện thông qua những nghiệp vụ cụ thể khác nhau. Nhìn chung các tổ chức BHTG trên thế giới đều thực hiện các nhóm nghiệp vụ cơ bản là: bảo hiểm tiền gửi cho người gửi tiền, giám sát, kiểm tra hoạt động của các tổ chức tham gia BHTG, hỗ trợ tổ chức tham gia BHTG. Kinh nghiệm tổ chức triển khai công tác kiểm tra của tổ chức BHTG Mỹ và Nhật Bản là hình mẫu cần được tham khảo và vận dụng.
Hoạt động kiểm tra của tổ chức BHTG Mỹ
Mỹ là quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai hoạt động bảo hiểm tiền gửi. Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Mỹ là Tổng công ty bảo hiểm tiền gửi Liên bang, viết tắt là FDIC. FDIC được thành lập năm 1934. Sau khi Luật bảo hiểm tiền gửi được Quốc hội thông qua một năm (1933). Ngay từ khi mới thành lập, FDIC đã có 13.021 ngân hàng và 214 tổ chức tiết kiệm tham gia [*]. Từ đó đến nay FDIC luôn phát huy vai trò của mình trong việc phát triển và bảo vệ hệ thống ngân hàng, ổn định thị trường tài chính, giúp kinh tế Mỹ tăng trưởng. Một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm nên thành công của FDIC là giám sát hiệu quả khách hàng, thông qua phương thức giám sát từ xa và kiểm tra trực tiếp, đánh giá các khía cạnh khác nhau của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi nhằm mục tiêu bảo vệ người gửi tiền và hoạt động an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Nội dung kiểm tra của FDIC hết sức đa dạng, như: Kiểm tra tính an toàn và lành mạnh; đánh giá sự tuân thủ các quy định đảm bảo quyền lợi người gửi tiền của các ngân hàng đánh giá khả năng tiếp cận tín dụng của công chúng; kiểm tra hoạt động ủy thác các ngân hàng; kiểm tra hệ thống công nghệ thông tin của các ngân hàng. Tuy nhiên, kiểm tra an toàn và lành mạnh là hoạt động chủ yếu, được chuyên môn và quy trình hóa cao độ, dựa trên “Hệ thống phân loại chung các tổ chức tài chính” (UIRS), bao gồm các chỉ tiêu giám sát CAMELS (vốn; chất lượng tài sản; khả năng quản lý, khả năng sinh lời; tính thanh khoản; độ nhạy cảm với rủi ro). Hệ thống này được thống nhất giữa các cơ quan có chức năng kiểm tra ngân hàng Mỹ nên công tác kiểm tra ngân hàng của FDIC nói riêng và các cơ quan này nói chung được thuận tiện khi sử dụng kết quả của nhau trong quá trình kiểm tra, giám sát. FDIC đã phối hợp kiểm tra với các cơ quan quản lý ngân hàng cấp liên bang và cấp bang theo cách này để giảm thiểu chi phí kiểm tra.
Hoạt động của FDIC cho thấy vai trò và tầm quan trọng đối với hệ thống tài chính Mỹ. FDIC được trao quyền lực rộng rãi trong việc bảo vệ người gửi tiền, kiểm tra và giám sát hoạt động của các tổ chức tài chính. Có thể nói, với chức năng và quyền lực được trao, FDIC thực sự là một mắt xích quan trọng trong hệ thống an toàn tài chính Mỹ, là thành phần không thể thiếu trong việc quản lý và ngăn ngừa khủng hoảng.
Hoạt động kiểm tra của tổ chức BHTG Nhật Bản
Tổng công ty BHTG Nhật Bản, được thành lập ngày 1/7/1971 (viết tắt là DICJ). Luật BHTG Nhật Bản được ban hành ngày 1/4/1971 trước khi DICJ thành lập 3 tháng và quy định chức năng, vai trò, nhiệm vụ của DICJ. Khi thành lập, DICJ hoạt động theo mô hình Chi trả với chức năng hạn chế, bao gồm các nghiệp vụ đơn giản nhất, chi trả cho khách hàng gửi tiền khi có ngân hàng đổ bể. DICJ hoạt động độc lập với Ngân hàng Trung ương Nhật Bản.
Xác định được vai trò của BHTG đối với hoạt động tài chính ngân hàng, Chính phủ Nhật Bản luôn quan tâm xây dựng và điều chỉnh Luật BHTG phù hợp với thực tế phát triển của hoạt động ngân hàng. Năm 1996, Luật BHTG Nhật Bản được sửa đổi theo mô hình giảm thiểu rủi ro. Theo Luật, ngoài những nghiệp vụ cơ bản của mô hình chi trả trước đây, DICJ còn có thêm nghiệp vụ xử lý đổ vỡ: mua nợ xấu, hỗ trợ vốn cho việc sáp nhập tổ chức tài chính có vấn đề; điều hành các ngân hàng đổ bể được tiếp nhận; lựa chọn các tổ chức tài chính tiếp nhận và các công việc liên quan khác, đấu giá tài sản và công nợ; bán tài sản và thu hồi vốn. DICJ yêu cầu các tổ chức tham gia BHTG quản lý thông tin người gửi tiền theo phương pháp của DICJ và lưu trữ thông tin trên hệ thống máy tính.
DICJ thực hiện kiểm tra, giám sát các tổ chức tài chính, ngân hàng theo phê chuẩn của Thủ tướng, nội dung kiểm tra trực tiếp gồm: tình hình tính và nộp phí BHTG; kiểm tra việc tổng hợp số liệu và dữ liệu điện tử về người gửi tiền, đặc biệt là số liệu về người gửi tiền có nhiều tài khoản thuộc đối tượng được bảo hiểm để đảm bảo chi trả đúng giới hạn trong trường hợp có đổ bể ngân hàng; dự tính số tiền phải chi trả trường hợp tổ chức tài chính bị đổ bể [**].
Thực tế, từ năm 2001 đến cuối năm 2017, DICJ đã tiến hành 1.185 cuộc kiểm tra các tổ chức tham gia BHTG. Các hoạt động kiểm tra, giám sát của DICJ rất hiệu quả, đặc biệt là hoạt động xử lý đổ vỡ ngân hàng. Qua đó, DICJ được đánh giá là tổ chức BHTG có sự chuyển hướng về mô hình hoạt động phù hợp với từng giai đoạn phát triển, nhờ đó ngày càng hoàn thành tốt hơn mục tiêu bảo vệ người gửi tiền, bình ổn hoạt động ngân hàng, nâng cao niềm tin công chúng.
Hoạt động kiểm tra của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) chính thức khai trương và đi vào hoạt động từ ngày 7/7/2000, là tổ chức tài chính nhà nước, được Nhà nước cấp vốn điều lệ, có tư cách pháp nhân, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, tự bù đắp chi phí và được miễn trừ các loại thuế. BHTGVN là tổ chức duy nhất tại Việt Nam triển khai chính sách BHTG, hoạt động theo mô hình chi trả với quyền hạn mở rộng, cơ cấu tổ chức gồm Trụ sở chính tại Hà Nội và 8 chi nhánh BHTG khu vực đặt tại các vùng kinh tế trọng điểm của đất nước. Tính đến ngày 31/12/2017, BHTGVN đang triển khai nghiệp vụ tới 1.275 tổ chức tham gia BHTG, bao gồm: 93 ngân hàng và Chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1 ngân hàng hợp tác xã và 1.770 quỹ tín dụng nhân dân, 4 tổ chức tài chính vi mô.
BHTGVN hoạt động trên cơ sở pháp lý Luật BHTG. Trong đó, Luật BHTG quy định BHTGVN có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về BHTG, kiến nghị Ngân hàng nhà nước Việt Nam xử lý hành vi vi phạm quy định của pháp luật về BHTG. Hoạt động kiểm tra đối với các tổ chức tham gia BHTG là một trong những hoạt động nghiệp vụ chủ yếu của BHTGVN. Nội dung kiểm tra bao gồm: kiểm tra hiện trạng hồ sơ pháp lý về BHTG; kiểm tra việc niêm yết chứng nhận tham gia BHTG; kiểm tra việc chấp hành chế độ thông tin báo cáo; kiểm tra việc tính và nộp phí. Bên cạnh đó, thực hiện kiểm tra chuyên sâu về tiền gửi được bảo hiểm đối với các quỹ tín dụng nhân dân xếp nhóm 4, nhóm 5 theo kết quả phân loại hoạt động giám sát. Qua công tác kiểm tra, đã phát hiện và kiến nghị khắc phục các tồn tại, sai phạm về niêm yết chứng nhận tham gia BHTG, về tính sai, tính thiếu phí BHTG, hồ sơ sổ sách, hạch toán về tiền gửi được bảo hiểm, chấp hành quy định thông tin báo cáo đối với BHTGVN.
Với kết quả đã đạt được, hoạt động kiểm tra của BHTGVN đã góp phần đáng kể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần đảm bảo an toàn, lành mạnh hoạt động ngân hàng.
Định hướng đối với công tác kiểm tra của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam
Về mô hình hoạt động của tổ chức BHTG
Tổ chức BHTG cần có điều kiện phù hợp để triển khai có hiệu quả các hoạt động nghiệp vụ, trên cơ sở mô hình hoạt động phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Kinh nghiệm của BHTG Mỹ và Nhật Bản cho thấy thành công trong hoạt động là nhờ sự chuyển hướng mô hình hoạt động kịp thời, mô hình giảm thiểu rủi ro, cùng các nghiệp vụ được bổ sung là kiểm soát rủi ro và xử lý các ngân hàng có vấn đề thông qua các nghiệp vụ cho vay hỗ trợ, bảo lãnh, mua lại nợ, ngân hàng bắc cầu, sáp nhập. Ở Việt Nam, mô hình tổ chức BHTG hiện nay được xác định là mô hình chi trả với quyền hạn mở rộng với các nghiệp vụ có giới hạn nhất định. Do vậy, hoạt động kiểm tra của BHTGVN tập trung kiểm tra việc chấp hành các quy định về BHTG. Trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, cùng với sự phát triển ngày càng lớn mạnh của BHTGVN, Việt Nam nên hướng tới vận dụng mô hình giảm thiểu rủi ro và mở rộng chức năng, nhiệm vụ, trong đó nội dung kiểm tra an toàn tổ chức tham gia BHTG có thể được xem xét trong giai đoạn phát triển thích hợp của BHTGVN. Trước mắt, nội dung kiểm tra an toàn đối với hệ thống quỹ tín dụng nhân dân có thể được triển khai trong giai đoạn thí điểm giao nhiệm vụ kiểm tra an toàn cho tổ chức BHTGVN.
Vấn đề về nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng thông tin
Kinh nghiệm của FDIC cho thấy, FDIC đặc biệt chú trọng đến nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng thông tin, bình quân trong một năm (trong khoảng từ 2015-2017) đã thực hiện hơn 1.700 cuộc kiểm tra an toàn hoạt động ngân hàng; 1.200 cuộc kiểm tra tuân thủ và 3.800 cuộc kiểm tra đặc biệt [*]. Vì vậy, để thực hiện tốt nghiệp vụ kiểm tra vấn đề về nguồn nhân lực, phương tiện làm việc cũng như khung pháp lý cho BHTG cũng cần được quan tâm thỏa đáng. Đồng thời hoạt động BHTG cần tạo ra cơ chế khuyến khích các tổ chức tham gia BHTG chấp hành nghiêm các quy định về an toàn trong hoạt động và giám sát lẫn nhau để thúc đẩy tính tự giác chấp hành quy định bảo đảm an toàn trong hoạt động của hệ thống. Đầu tư nhiều hơn cho công tác kiểm tra tổ chức tham gia BHTG sẽ khẳng định rõ nét sức mạnh của công cụ BHTG.
Tài liệu tham khảo:
- [*] www.fdic.gov - [**] www.dic.go.jp
- Báo cáo 2017 của BHTGVN, FDIC và DICJ