Công ty đại chúng không thể “gia đình trị”

Bùi Trang| 05/01/2023 09:55
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Liên quan đến vai trò của Hội đồng sáng lập doanh nghiệp trong cơ cấu quản trị cũng như những vấn đề minh bạch đối với các công ty đại chúng, phóng viên thitruongtaichinhtiente.vn đã có cuộc trao đổi với Luật sư Hồ Hữu Hoành, Giám đốc Công ty Luật TNHH Saigonmind.

Luật sư Hồ Hữu Hoành, Giám đốc Công ty Luật TNHH Saigonmind

Phóng viên: Thưa luật sư, vì sao Luật Doanh nghiệp quy định những người quản lý điều hành doanh nghiệp không được có quan hệ gia đình?

Luật sư Hồ Hữu Hoành: Điểm b Khoản 5 Điều 162 Luật Doanh nghiệp quy định: “Đối với công ty đại chúng, doanh nghiệp nhà nước… và công ty con của doanh nghiệp nhà nước… thì Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện sau đây: Không được là người có quan hệ gia đình của người quản lý doanh nghiệp, Kiểm soát viên của công ty và công ty mẹ; người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ”.

Phải hiểu rằng, công ty cổ phần đại chúng không còn là doanh nghiệp thuộc sở hữu của một cá nhân, tổ chức. Luật quy định khá chặt chẽ về tính minh bạch, công khai thông tin và cách thức vận hành, tạo lập cơ chế nhân sự nhằm đảm bảo tính đại chúng của doanh nghiệp đó. Từ đó, hạn chế, loại bỏ các hành vi thể hiện chế độ “gia đình trị”, cơ chế “tư hữu”, đảm bảo tính dân chủ, quyền lợi hợp pháp của đa số cổ đông được thực thi theo đúng quy định pháp luật, điều lệ trong các công ty cổ phần đại chúng.

Chính vì vậy, tại Điểm b Khoản 5 Điều 162 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định rõ việc giữa các thành viên là người quản lý, điều hành doanh nghiệp, Kiểm soát viên không được có quan hệ gia đình, huyết thống. Việc quy định này nhằm đảm bảo việc thực thi các chức danh quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp độc lập, chỉ tuân thủ thẩm quyền, trách nhiệm quy định tại Điều lệ công ty, pháp luật có liên quan, không bị chi phối bởi các mối quan hệ gia đình, huyết thống.

Ngoài ra, quy định này còn hạn chế các giao dịch nội bộ, giao dịch liên kết giữa các thành viên là người quản lý công ty nhưng có quan hệ huyết thống, gia đình, nhằm đảm bảo lợi ích của cổ đông không bị ảnh hưởng hoặc bị xâm hại.

Phóng viên: Vậy Hội đồng sáng lập của công ty cổ phần đại chúng có vai trò như thế nào trong hoạt động điều hành, quản trị?

Luật sư Hồ Hữu Hoành: Luật Doanh nghiệp 2020 (sửa đổi 2022), Luật Chứng khoán 2019 đều quy định rất rõ ràng về việc tổ chức bộ máy, việc tổ chức họp, biểu quyết của HĐQT, ĐHCĐ của công ty cổ phần, công ty cổ phần đại chúng, và các quy định này được cụ thể hóa trong Điều lệ của công ty cổ phần đó. Do đó, bất kỳ hành động, hành vi pháp lý nào nhân danh người quản lý, điều hành doanh nghiệp phải tuân thủ quy định pháp luật, điều lệ công ty.

Tuy nhiên, pháp luật không có bất kỳ quy định về Hội đồng sáng lập và Hội đồng sáng lập không phải là cơ cấu, tổ chức quản lý, điều hành, lãnh đạo doanh nghiệp bên cạnh Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát.

Trong trường hợp Hội đồng sáng lập mang tính biểu tượng, hoặc là bộ phận thực hiện vai trò cố vấn, tham vấn cho Hội đồng quản trị thì nó không trái quy định pháp luật, điều lệ công ty và không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của cổ đông. Tuy nhiên, nếu Hội đồng sáng lập được quy định, cho phép có quyền tác động đến quyết định, nghị quyết, biểu quyết của Hội đồng quản trị, Đại hội đồng cổ đông thì đây là sẽ là vấn đề pháp lý, cụ thể là xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông và vi phạm quy định pháp luật về tổ chức bộ máy của công ty cổ phần đại chúng.

Phóng viên: Luật sư có nhận xét như thế nào trường hợp công ty đại chúng xây dựng mô hình quản trị, cơ chế điều hành cho phép những thành viên gia đình vẫn tiếp tục điều hành doanh nghiệp?

Luật sư Hồ Hữu Hoành: Cần hiểu rằng, bất kỳ cổ đông nắm quyền chi phối trong các công ty đại chúng đều phải nhận thức đúng về quy định pháp luật và không được hành xử tùy tiện. Mọi ý chí của cổ đông tại công ty đại chúng cần phải thực hiện theo quy trình, cơ chế thẩm quyền đã được luật hóa, cụ thể hóa trong điều lệ công ty. Vì vậy, đây không phải là vấn đề quản trị doanh nghiệp, mà nó là vấn đề pháp quy, nhằm hạn chế tối thiểu xung đột lợi ích cũng như việc lạm quyền của cổ đông chi phối đối với các cổ đông còn lại trong công ty cổ phần đại chúng.

Phóng viên: Xin cảm ơn luật sư!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công ty đại chúng không thể “gia đình trị”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO