Doanh nghiệp

Cuộc “đại phẫu” lịch sử của Vietnam Airlines

Trần Thúy 30/06/2024 - 11:41

Trước cú sốc đại dịch, để có thể tồn tại, Vietnam Airlines buộc phải tiến hành một cuộc “đại phẫu” bao gồm các nhóm giải pháp tự thân và các giải pháp, chính sách hỗ trợ của nhà nước…

vha_6468.jpg

Theo nhận định của Hiệp hội Hàng không Quốc tế (IATA), Việt Nam là một trong những thị trường hàng không có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, cao hơn tốc độ trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trước khi đại dịch COVID-19 xảy đến, thị trường hàng không Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 16%/năm giai đoạn 2016 - 2019, trong đó riêng giai đoạn 2016 - 2017 đạt trên 20%/năm.

Theo dự báo của Hội đồng Sân bay Quốc tế, Việt Nam sẽ là quốc gia tăng trưởng hành khách nhanh nhất trong giai đoạn 2018-2040, xếp trên Ấn Độ, Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á khác như Philippines, Indonesia và Malaysia.

Với lợi thế là hãng hàng không quốc gia, nguồn lực tài chính mạnh mẽ cùng mạng đường bay trải rộng khắp toàn quốc và toàn cầu, trong nhiều năm liên tiếp, Vietnam Airlines duy trì vị trí dẫn đầu thị phần trên các đường bay gồm cả chuyến bay nội địa và quốc tế.

Kết quả kinh doanh của Vietnam Airlines vì thế cũng khá khả quan với doanh thu, lợi nhuận liên tục tăng trưởng qua các năm. 2019 được coi là giai đoạn hoàng kim nhất của Tổng công ty khi doanh thu đạt mức kỷ lục hơn 98,2 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt gần 3,4 nghìn tỷ đồng.

Cùng lúc, sau nhiều nỗ lực tái cơ cấu cùng các biện pháp hỗ trợ về kỹ thuật và cải cách trong các khâu vận hành, Jetstar – công ty con của Vietnam Airlines đã đạt điểm hòa vốn và bắt đầu có lãi từ năm 2018.

sốc đại dịch

Trong khi thị trường vận tải hàng không đang cho thấy những tiềm năng vô cùng to lớn thì đại dịch COVID – 19 bất ngờ ập đến. Theo đánh giá của Hiệp hội Hàng không Quốc tế (IATA), đây chính là cú sốc lớn nhất mà ngành hàng không phải đối mặt kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Giãn cách xã hội, người dân ngừng di chuyển, các mạng bay gần như bị “đóng băng”. Không nằm ngoài tác động của làn sóng COVID-19, các hoạt động khai thác của Vietnam Airlines cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tại thị trường quốc tế, từ cuối tháng 3/2020, hoạt động chở khách thường lệ hoàn toàn bị ngưng trệ, các đường bay quốc tế gần như bị tê liệt, ngoại trừ số lượng ít các chuyến bay chở hàng hóa, đưa đồng bào hồi hương và chở khách chuyên gia đến làm việc tại Việt Nam.

screen-shot-2024-06-27-at-9.15.50-am.png
Nguồn: VNA

Trước đó, doanh thu vận tải hàng không quốc tế luôn chiếm trên 65% tổng doanh thu của hãng, do đó, việc dừng khai thác mạng bay này khiến nguồn thu và dòng tiền của VNA liên tục bị suy giảm. Trong khi, các chuyến bay nội địa cũng bị sụt giảm nghiêm trọng do quy định giãn cách xã hội cùng tâm lý e ngại di chuyển của người dân.

Điều này khiến kết quả kinh doanh của hãng đi xuống rõ rệt với doanh thu thuần trong cả năm giảm mạnh tới gần 59% so với mức đỉnh năm 2019, chỉ đạt 40.538 tỷ đồng. Lần đầu tiên trong lịch sử, hãng ghi nhận khoản lỗ trước thuế lên tới 10.960 tỷ đồng.

Nếu như năm 2020 là giai đoạn khó khăn chưa từng có trước đó, thì năm 2021 lại là một năm còn khó khăn hơn khi liên tiếp nhiều đợt dịch bùng phát khiến các đường bay quốc tế tiếp tục bị “đóng băng”, trong khi tại thị trường nội địa, đại dịch bùng phát vào cao điểm Tết và cao điểm Hè làm nhu cầu đi lại của hành khách sụt giảm mạnh.

Từ tháng 7-9/2021, Vietnam Airlines hầu như không còn khai thác các chuyến bay nội địa thường lệ, chỉ hoạt động cầm chừng với chuyến bay chở hàng và các chuyến bay hồi hương quốc tế. Từ tháng 10/2021, thị trường nội địa được khai thác trở lại nhưng cũng rất hạn chế.

Mặc dù hoạt động vận tải sụt giảm, thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi và năng lực khai thác chỉ ở mức rất thấp, nhưng do tính chất đặc thù của ngành hàng không, Vietnam Airlines vẫn phải trả chi phí cố định rất lớn như phí thuê tàu bay, phí bảo dưỡng, phí bãi đỗ và các chi phí duy trì hoạt động khác.

Điều này khiến hãng phải tiếp tục đối diện với nguy cơ suy kiệt về dòng tiền và gia tăng nợ phải trả quá hạn.

Cuộc “đại phẫu” mang tính lịch sử

Năm 2022 đánh dấu sự bắt đầu phục hồi của thị trường hàng không khi cách lệnh giãn cách dần được dỡ bỏ. Dù vậy, tốc độ phục hồi của thị trường quốc tế còn khá chậm dẫn đến tình trạng các hãng tiếp tục đổ tải cung ứng vào thị trường nội địa trong bối cảnh thị trường nội địa cũng gặp khó khăn do sức mua giảm.

Điều này tác động tiêu cực đến giá và doanh thu của các hãng hàng không, đặc biệt là khi những vấn đề tài chính tích tụ sau 2 năm gần như tê liệt vì đại dịch COVID-19 ngày càng tăng thêm.

screen-shot-2024-06-27-at-2.53.11-pm.png
Tổng hợp: Trần Thúy

Đến cuối năm 2023, sau 4 năm lỗ liên tiếp, Vietnam Airlines đã ghi nhận khoản lỗ lũy kế lên tới hơn 40 nghìn tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 17.026 tỷ đồng.

Trước thách thức mang tính lịch sử, để có thể tồn tại, hãng hàng không buộc phải tiến hành một cuộc “đại phẫu” bao gồm các nhóm giải pháp tự thân và các giải pháp, chính sách hỗ trợ của nhà nước.

Về các giải pháp tự thân, Vietnam Airlines tiến hành tái cơ cấu đội bay thông qua đàm phán giãn, hoãn các khoản thanh toán, giảm tiền thuê tàu bay, đẩy lùi lịch nhận các tàu bay mới.

Đồng thời, hãng tiến hành tái cơ cấu tài sản thông qua thanh lý các tàu bay cũ, bán và thuê lại tàu bay. Song song, Vietnam Airlines cũng tái cơ cấu danh mục đầu tư và các doanh nghiệp thành viên thông qua chuyển nhượng vốn, cổ phần hóa, bán một số danh mục đầu tư để tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính; tái cơ cấu danh mục đất và tài sản trên đất.

Với vai trò là chủ sở hữu, Chính phủ cũng đã có hàng loạt phương án hỗ trợ hãng hàng không quốc gia vượt qua khó khăn, bao gồm các biện pháp miễn, giảm thuế phí, đặc biệt là gói hỗ trợ thanh khoản trị giá 12.000 tỷ đồng trong năm 2021.

Giải pháp tháo gỡ khó khăn về thanh khoản này dành cho Vietnam Airlines bao gồm việc cho vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng và phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ 8.000 tỷ đồng.

“Những hỗ trợ kịp thời của Nhà nước đã góp phần duy trì hoạt động liên tục cho hãng trong thời điểm hệ lụy nặng nề của đại dịch COVID-19 và đảm bảo có dòng tiền phục vụ cho kế hoạch sản xuất kinh doanh, sớm phục hồi và từng bước cải thiện hiệu quả sản xuất kinh doanh cho Vietnam Airlines”, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT công ty cho biết.

Khó khăn nhất đã qua

Với việc chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp tự thân, bám sát diễn biến thị trường cùng sự hỗ trợ từ phía cơ quan chủ quản, Vietnam Airlines đã từng bước vượt qua khó khăn.

Theo đó, đến cuối năm 2023, hãng đã khôi phục mạng đường bay quốc tế tương đương 90% năm 2019, mở thêm các đường bay mới như Hà Nội/TP. Hồ Chí Minh - Mumbai, Hà Nội - Melbourne, TP. Hồ Chí Minh - Perth. Mạng đường bay nội địa tiếp tục khai thác với số lượng đường bay đã phục hồi tương đương năm 2019.

Bên cạnh đó, Vietnam Airlines tiếp tục nỗ lực cắt giảm chi phí nội bộ, giãn hoãn thanh toán, tăng cường đàm phán chủ nợ giảm tiền thuê máy bay…

“Các giải pháp đã giúp Vietnam Airlines cắt giảm chi phí lên tới 42.400 tỷ đồng trong gần 4 năm vừa qua, trong đó 18.000 tỷ đồng được cắt giảm là nhờ hỗ trợ của Nhà nước, ngoài ra Tổng công ty cũng nỗ lực cắt giảm nội bộ bằng cách tăng cường đàm phán với các chủ nợ quốc tế giảm thuê máy bay được hơn 16.000 tỷ đồng và 8.300 tỷ đồng được giãn hoãn để có thêm dòng tiền hoạt động”, ông Đặng Ngọc Hòa cho biết.

Về dòng tiền, Chủ tịch Vietnam Airlines cho biết, với sự cải thiện mạnh mẽ của dòng tiền thu bán trước đặc biệt về cuối năm, Tổng công ty có thể cân đối dòng tiền thanh toán một phần khoản nợ quá hạn theo cam kết với các chủ nợ để giảm dần nợ quá hạn phát sinh trong giai đoạn bị ảnh hưởng của COVID - 19.

screen-shot-2024-06-27-at-2.53.37-pm.png
Tổng hợp: Trần Thúy

Tại thời điểm cuối năm 2023, số dư tiền cuối kỳ khoảng 1.039 tỷ đồng (trong đó dư nợ vay ngắn hạn khoảng 4.655 tỷ đồng, vay tái cấp vốn khoảng 3.986 tỷ đồng và nợ quá hạn nhà cung cấp duy trì ở mức khoảng 8.859 tỷ đồng).

Kết quả kinh doanh khởi sắc tiếp tục được thể hiện khi kết thúc quý đầu tiên của năm 2024, Vietnam Airlines ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất đạt gần 28,3 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 25% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế ở mức kỷ lục, đạt 4.528 tỷ đồng, đánh dấu mức lãi lớn nhất lịch sử của doanh nghiệp này.

“Các giải pháp đã giúp Vietnam Airlines cắt giảm chi phí lên tới 42.400 tỷ đồng trong gần 4 năm vừa qua", ông Đặng Ngọc Hòa -Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines

Đến hết ngày 31/3, vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines âm hơn 12.500 tỷ đồng. Tổng công ty vẫn lỗ lũy kế trên 36.700 tỷ đồng - giảm khoảng 4.330 tỷ đồng so với cuối năm 2023.

Theo Chủ tịch Vietnam Airlines, mục tiêu lớn trước mắt là doanh nghiệp có thể giảm lỗ còn lại, tiến tới cân đối được thu chi trong năm 2024, kỳ vọng đến năm 2025 có thể xóa bỏ được tình trạng âm vốn chủ sở hữu, dần xóa lỗ lũy kế và đưa bức tranh tài chính lành mạnh như trước dịch COVID-19.

Hiện Vietnam Airlines đã hoàn thành Đề án tái cơ cấu tổng thể giai đoạn 2021-2025 và đã báo cáo cổ đông và cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt. Theo đề án, trong năm 2024-2025, Tổng công ty sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng cường thích nghi và kinh doanh có lãi; tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trong diễn biến mới nhất, nhằm hỗ trợ Vietnam Airlines đảm bảo khả năng thanh toán trong ngắn hạn và triển khai đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu theo lộ trình, Chính phủ vừa có đề xuất gia hạn thời gian trả nợ khoản vay tái cấp vốn trị giá 4.000 tỷ đồng thêm 3 lần (tối đa đến ngày 31/12/2027).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc “đại phẫu” lịch sử của Vietnam Airlines
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO