Đại dịch Covid-19 đang xói mòn kết quả cải cách hệ thống ngân hàng toàn cầu

ThS. Vũ Xuân Thanh| 19/04/2020 11:50
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Mặc dù đã cải thiện mạnh sau thời kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng hệ thống ngân hàng trên thế giới vẫn đối mặt trước nhiều thách thức ở phía trước, đặc biệt là nguy cơ xói mòn các nỗ lực cải cách do đại dịch Covid-19 gây ra. Do đó, gánh nặng sẽ dồn lên “vai” hệ thống ngân hàng toàn cầu, trong khi vừa mới phục hồi sau khủng hoảng và còn mong manh trước các cú sốc kinh tế- tài chính.

Virus corona chủng mới xuất hiện và bùng phát tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) trong những ngày đầu năm 2020, sau đó tiếp tục lây lan với tốc độ nhanh sang nhiều nước khác, tạo nên cơn đại dịch Covid-19 toàn cầu, trầm trọng nhất là những quốc gia và vùng lãnh thổ nằm trong hành lang Đông Tây thuộc vĩ tuyến 30-50 bán cầu Bắc. Trên toàn cầu, giá cả các mặt hàng lao dốc, làn sóng bán tháo bao trùm hầu hết các thị trường chứng khoán, khi các nhà đầu tư tìm cách chuyển cổ phiếu sang tiền mặt và những kênh trú ẩn an toàn như vàng, trái phiếu chính phủ, dẫn đến nguy cơ khan hiếm tiền mặt trong hệ thống ngân hàng và nền kinh tế. Diễn biến tiêu cực này đã khiến hàng loạt ngân hàng trung ương (NHTW) trên thế giới phải vào cuộc quyết liệt, nhất là sau các động thái nới lỏng tiền tệ tại Trung Quốc và Mỹ.

NHTW Trung Quốc bơm tiền vào nền kinh tế

Ngày 2/2/2020, NHTW Trung Quốc (PBoC) quyết định bơm 1.200 tỷ nhân dân tệ - CNY (tương đương 173 tỷ USD) vào nền kinh tế thông qua nghiệp vụ thị trường mở. Sau đó 2 tuần lễ, vào ngày 16/2/2020, Bộ Tài chính Trung Quốc thông báo kế hoạch cắt giảm thuế và tăng chi tiêu công nhằm hỗ trợ các nỗ lực kiểm soát dịch bệnh và bảo vệ nền kinh tế. Cùng ngày 16/2, PBoC công bố giảm lãi suất đối với khoản vay trung hạn trị giá 200 tỷ CNY (28,65 tỷ USD) từ mức 3,25% xuống mức 3,15%. Tiếp đó vào ngày 18/2, PBoC tiếp tục hạ lãi suất các khoản vay kỳ hạn một năm từ 4,15% xuống còn 4,05% và lãi suất các khoản vay kỳ hạn 5 năm từ 4,8% xuống còn 4,75%. Chưa dừng lại ở đó, ngày 13/3/2020, PBoC quyết định giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại các ngân hàng thương mại, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 16/3. Động thái này sẽ góp phần đưa thêm 550 tỷ CNY (79 tỷ USD) vào nền kinh tế, qua đó sẽ khuyến khích vay vốn với chi phí thấp hơn, được coi là công cụ ưa chuộng của PBoC để chặn đà giảm tốc kinh tế trong những năm gần đây. Ngày 19/3, PBoC quyết định bơm 800 tỷ CNY (118 tỷ USD) cho các doanh nghiệp vay vốn ưu đãi qua hệ thống ngân hàng để khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất

Chiều ngày 3/3/2020, Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định giảm 0,5% các mức lãi suất điều hành xuống 1,0-1,25% nhằm đối phó với nguy cơ lan truyền đại dịch Covid-19. Đây là đợt cắt giảm bất ngờ đầu tiên kể từ năm 2008, khi khủng hoảng tài chính bùng phát và gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế Mỹ. Trái với thông lệ là, Fed thường đưa ra các quyết định chính sách tại các cuộc họp định kỳ, ngày 12/3/2020, Fed tung ra chương trình mua trái phiếu kho bạc trị giá 37 tỷ USD. Ngoài ra, Tổng thống Donald Trump đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia với gói hỗ trợ tài chính trị giá 50 tỷ USD để chống đại dịch Covid-19, triển khai các biện pháp về an ninh dịch tễ và một số giải pháp cần thiết khác để hỗ trợ nền kinh tế Mỹ như hoãn thuế đối với những cá nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch, cung cấp thêm các khoản vay cho nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, đề xuất giảm thuế thu nhập. Chiều Chủ nhật ngày 15/3/2020, Fed bất ngờ giảm mạnh các mức lãi suất chính sách xuống 0 - 0,25% - lặp lại mức lãi suất thấp nhất trong lịch sử, vốn đã được áp dụng để chống đỡ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, đồng thời triển khai chương trình nới lỏng định lượng trị giá tối thiểu 700 tỷ USD để mua trái phiếu chính phủ và chứng khoán cầm cố, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại các ngân hàng thương mại xuống 0%, cùng nhiều biện pháp khẩn cấp khác.

Sau quyết định giảm lãi suất, làn sóng bán tháo bao trùm thị trường tài chính Phố Wall và hầu hết các thị trường chứng khoán thế giới, sau những bình luận trái chiều về phản ứng của các quan chức Fed và tình hình thế giới trong thời gian tới. Một số ý kiến cho rằng, Fed đang lúng túng trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, và các động thái cấp tập của Fed có thể khiến các nhà đầu tư thêm lo lắng, báo hiệu một cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ sắp xảy ra. Quan điểm lạc quan cho rằng, giải pháp này sẽ góp phần ổn định thị trường tài chính đang chìm sâu trong hỗn loạn, song những biện pháp này chưa đủ để trấn an thị trường. Điều này đòi hỏi Fed và các nhà hoạch định chính sách trên toàn cầu phải triển khai thêm nhiều giải pháp kích thích tài khóa và tiền tệ để đối phó với những tác động tiêu cực do đại dịch Covid-19 gây ra.

Rối loạn diễn ra trên phạm vi toàn cầu, sau khi Tổng thống Donald Trump ban hành chỉ thị mới về các giải pháp đối phó virus. Tổng thống cho biết, đại dịch này có thể kéo dài tới tháng 7, khi thời tiết ấm lên và virus khó lây lan hơn, tạo ra kỳ vọng chấm dứt mối hiểm họa này. Tổng thống cũng yêu cầu người dân Mỹ tạm dừng các hoạt động xã hội trong 15 ngày, tránh tụ tập quá 10 người...

NHTW châu Âu (ECB) mở rộng quy mô chương trình mua thêm trái phiếu

Tại cuộc họp vào ngày 12/3/2020, NHTW châu Âu (ECB) quyết định tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất, nhưng mở rộng quy mô chương trình mua trái phiếu thêm 120 tỷ euro cho đến hết năm nay. Lượng vốn này sẽ tiếp sức cho chương trình mua trái phiếu hiện hành, qua đó sẽ góp phần hỗ trợ nền kinh tế trong tình trạng khẩn cấp hiện nay. Tháng 9/2019, ECB tái khới động chương trình mua trái phiếu với quy mô 20 tỷ euro, bắt đầu thực hiện từ ngày 01/11/2019. Đồng thời, thông báo sẽ đưa ra gói hỗ trợ tài chính mới cho các ngân hàng dưới tên gọi “nghiệp vụ tái cấp vốn dài hạn - LTRO”, bắt đầu từ tháng 6/2020 đến tháng 6/2021. Đây là lần thứ ba, sau hai đợt vào năm 2014 và 2016, ECB áp dụng chương trình tái cấp vốn LTRO này.

Ngày 17/3/2020, EU bắt đầu nới lỏng các quy định tài chính, cho phép các doanh nghiệp tiếp nhận trợ cấp tới 500.000 euro (551.000 USD) từ các chính phủ hoặc bảo lãnh ngân hàng để đảm bảo thanh khoản. Cuối ngày 18/3, Hội đồng châu Âu công bố gói trợ cấp tài chính khẩn cấp trị giá 750 tỷ euro (818,7 tỷ USD) trong năm 2020, chủ yếu để mua trái phiếu chính phủ, bổ sung cho chương trình mua trái phiếu trị giá 120 tỷ euro do ECB đưa ra vào ngày 12/3, đưa tổng giá trị của chương trình mua trái phiếu lên 7,3% GDP của khu vực đồng euro, đồng thời giảm lãi suất xuống - 0,75% - mức thấp nhất trong lịch sử. Hàng loạt quốc gia thành viên EU cũng triển khai các biện pháp khẩn cấp với gói trợ cấp khổng lồ: Chính phủ Pháp chi 45 tỷ euro để giúp các doanh nghiệp và người lao động, GDP năm có thể giảm tới 1,0%. Tây Ban Nha chi 200 tỷ euro...

NHTW Nhật Bản (BoJ) thông báo kế hoạch tăng cường mua chứng chỉ quỹ ETF

Trong tháng 2/2020, Chính phủ Nhật Bản đã công bố gói hỗ trợ tài chính khẩn cấp trị giá 500 tỷ yên nhằm cung cấp các khoản vay lãi suất thấp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Ngày 10/3/2020, Chính phủ Nhật Bản tuyên bố sẽ đưa ra gói cứu trợ tài chính thứ hai với tổng giá trị lên tới 1.000 tỷ yên. Cũng trong ngày 10/3, đại diện NHTW Nhật Bản (BoJ) thông báo kế hoạch tăng cường mua chứng chỉ quỹ ETF và gỡ bỏ mục tiêu chỉ mua 57 tỷ USD chứng chỉ quỹ ETF hàng năm, nhằm hỗ trợ thị trường chứng khoán Nhật Bản. Tại cuộc họp diễn ra vào ngày 18-19/3, Chính phủ thông qua kế hoạch trị giá 30 nghìn tỷ yên (280 tỷ USD) để cắt giảm thuế và hỗ trợ chi tiêu. Giới phân tích nhận định, nhiều khả năng BoJ sẽ tiếp tục hạ lãi suất sâu hơn vào vùng lãi suất âm (-0,1%) hiện nay và sẽ tiếp tục nới lỏng tiền tệ. Trước đó, BoJ cam kết mua 200 tỷ yên (1,9 tỷ USD) trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5-10 năm và bơm 1,5 nghìn tỷ yên qua chương trình hỗ trợ tín dụng kỳ hạn 2 tuần lễ.

Nhiều quốc gia công bố những gói hỗ trợ tài chính khẩn cấp

Ngày 10/3/2020, NHTW Vương quốc Anh (BoE) quyết định hạ lãi suất chính sách từ 0,75% xuống 0,25%, đồng thời tung ra gói tài chính để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ủy ban Chính sách tài chính (Financial Policy Commitee) cũng giảm tỷ suất nguồn vốn đệm chống chu kỳ (countercyclical capital buffer rate) từ 1,0% xuống còn 0% và sẽ duy trì tỷ suất này trong ít nhất 12 tháng. Ngày 17/3, Chính phủ Anh đưa ra gói trợ cấp trị giá 330 tỷ bảng (400 tỷ USD).

Sau các động thái của các nền kinh tế chủ chốt, các nước phát triển như Canada, Australia, Thụy Sỹ, Hàn Quốc cũng công bố những gói hỗ trợ tài chính khẩn cấp để giúp người dân và doanh nghiệp ứng phó với tác động tiêu cực do đại dịch Covid-19 gây ra.

Trước xu hướng lây lan rộng khắp với cấp số nhân của đại dịch Covid-19 tại các nước phát triển hàng đầu, tình hình kinh tế thế giới có vẻ đang diễn biến theo chiều hướng xấu đi, bộc lộ những hạn chế trong cơ cấu kinh tế và chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu. Cụ thể là, Trung Quốc đóng vai trò rất lớn trong chuỗi giá trị toàn cầu và cung cấp nhiều sản phẩm thiết yếu cho toàn thế giới. Trong khi đó, cũng như dịch Sars và dịch tả lợn châu Phi trước đây, đại dịch Covid-19 khởi phát từ Trung Quốc. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc không khỏi lo lắng và tìm cách rút khỏi thị trường này, từng bước bố trí lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại những quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Xu hướng chuyển dịch này đòi hỏi nhiều nguồn vốn vay từ ngân hàng, trong khi nhu cầu có vẻ sẽ thu hẹp lại khi người dân trên toàn thế giới đều dè dặt chi tiêu và giá cả hàng hóa giảm thấp. Để đối phó, các NHTW phải in thêm tiền nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn vốn trước những thay đổi này, qua đó có thể chặn đà suy giảm tăng trưởng kinh tế. Trong số này, PBoC sẽ tiếp tục nới lỏng tiền tệ quy mô lớn, một mặt để chống Covid-19, mặt khác là để giữ chân các doanh nghiệp, tránh nguy cơ sụp đổ kinh tế và rối loạn xã hội. Ngoài ra, tranh cãi về nguồn gốc gây ra đại dịch Covid-19 cũng sẽ dẫn đến một số bất đồng giữa các cường quốc trên thế giới, tạo ra xu hướng phân kỳ chính sách, có thể đẩy thế giới vào tình trạng hỗn độn và khó kiểm soát.

Trước sự tàn phá khủng khiếp của đại dịch Covid-19, Italia và Bồ Đào Nha bày tỏ thái độ giận dữ khi những nước hàng đầu trong khu vực đồng tiền chung euro như CHLB Đức và CH Pháp từ chối giúp đỡ để chống lại đại dịch. Động thái này đã gây sốc cho Liên minh châu Âu (EU), có thể đẩy khu vực euro vào tình trạng hỗn loạn. Trong tình thế hiện nay, đoàn kết và phối hợp hành động là cần thiết, nhưng phản ứng của lãnh đạo EU bị chỉ trích là quá chậm chạp. Căn nguyên của sự chậm trễ này là do những ràng buộc về quy định quản trị của khu vực, đặc biệt là các quy định về nợ quốc và gia thâm hụt tài khóa đối với các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, thiếu các nguồn lực tài chính vẫn là nguyên nhân cốt lõi tại châu Âu.

Thị trường tài chính thế giới sẽ bước vào giai đoạn mới đầy khó khăn

Trong bối cảnh như trên đây, thị trường tài chính thế giới sẽ bước vào giai đoạn mới đầy khó khăn. Đó là, hệ thống ngân hàng dư thừa thanh khoản, nhưng sản xuất - kinh doanh vẫn trầm lắng, gánh nặng nợ nần có nguy cơ tiếp tục tăng cao trên phạm vi toàn cầu. Trong khi dư địa công cụ, chính sách ở nhiều nền kinh tế đã bị thu hẹp hơn khi nợ công tăng cao và lãi suất đang ở mức rất thấp.

Khác với khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, đại dịch Covid-19 được cho là sẽ gây tổn thương dài hạn đến sức khỏe cộng đồng, trầm trọng thêm khả năng cung ứng lao động vốn đang suy kiệt dần tại các nước phát triển và nhiều nước mới nổi, đẩy kinh tế toàn cầu vào thời kỳ khó khăn mới. Gánh nặng sẽ dồn về hệ thống ngân hàng toàn cầu, trong khi vừa mới hồi phục một phần sau khủng hoảng và còn quá mong manh trước những cú sốc kinh tế - tài chính trong tương lai. 

Hệ thống ngân hàng Mỹ an toàn hơn so với trước khủng hoảng 2008

Bình luận về tình hình tài chính thế giới sau 10 năm xảy ra suy thoái, Trường Đại học Quản trị kinh doanh Wharton thuộc Đại học Tổng hợp Pennsylvania đã đăng tải những nhận định về tình hình của hệ thống ngân hàng toàn cầu sau 10 năm xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu, chủ yếu là bình luận của Giáo sư Richard Herring, kiêm Chủ tịch Hội đồng Điều chỉnh tài chính ngầm.

Giáo sư Herring cho rằng, nỗi đau suy thoái trong thập kỷ qua dường như đã phai nhạt dần và rời khỏi ký ức cộng đồng, cảm giác bình thường đang thấm sâu vào cuộc sống của hầu hết các công dân Mỹ. Tuy nhiên, môi trường kinh tế hiện tại có vẻ không thể lạc quan hơn: Thị trường chứng khoán Mỹ liên tiếp lập những kỷ lục mới, thất nghiệp giảm xuống mức thấp trong lịch sử, giá nhà ở phục hồi lên mức cao như thời kỳ trước khủng hoảng.

Liên quan đến kết quả phục hồi của hệ thống tài chính toàn cầu, hàng loạt cải cách điều chỉnh sau khủng hoảng đã được tiến hành, góp phần nâng cao tính bền vững của hệ thống tài chính. Mục tiêu chủ yếu của các giải pháp cải cách là giảm mức độ tổn thương của các ngân hàng trước nguy cơ khủng hoảng tiếp theo, giúp các cơ quan quản lý xử lý được tình trạng mất khả năng thanh toán của các ngân hàng mà không gây nguy hiểm cho hệ thống tài chính.

Giáo sư Herring cho rằng, các nỗ lực ngăn ngừa khủng hoảng tập trung chủ yếu vào việc yêu cầu các ngân hàng tăng nguồn vốn chất lượng cao, nâng tỷ trọng vốn trên rủi ro cũng như bổ sung nguồn vốn tại những ngân hàng chiến lược toàn cầu. Cải cách cũng đưa ra yêu cầu nâng khả năng hấp thụ lỗ và tỷ lệ thanh khoản an toàn, giảm tỷ lệ đòn bẩy, tăng cường giám sát thận trọng và thực hiện các đợt kiểm tra sát hạch ngân hàng. Những biện pháp này đã có tác dụng củng cố nguồn vốn của nhiều ngân hàng và giảm mức độ tổn thương trước khủng hoảng thanh khoản. Nỗ lực cải cách đã xử lý được tình trạng đổ vỡ của những ngân hàng lớn mà không gây thiệt hại sang phần còn lại trong hệ thống tài chính hay trút gánh nặng sang người nộp thuế.

Nhờ Đạo luật Dodd-Frank về cải cách tài chính Phố Wall và Bảo vệ người tiêu dùng tại Mỹ và quy định Basel III, hệ thống ngân hàng an toàn hơn so với trước khủng hoảng, tỷ lệ đòn bẩy và rủi ro giảm mạnh, các ngân hàng đều nâng cao các nguồn vốn đệm để hỗ trợ thanh khoản, qua đó có thể chịu đựng được trước những cú sốc.  

Đầu năm 2009, cơ quan quản lý Mỹ đã thể chế hóa Chương trình đánh giá và giám sát nguồn vốn (SCAP), yêu cầu 19 ngân hàng lớn nhất phải ước tính lượng vốn cần thiết trước khả năng đảo chiều của các cú sốc kinh tế vĩ mô. Nếu không có đủ vốn so với yêu cầu, những ngân hàng này phải nhờ cậy vào sự hỗ trợ tài chính từ Chương trình Cắt giảm tài sản có vấn đề (TARP) để tăng lượng vốn cần nắm giữ, qua đó đảm bảo các yêu cầu về an toàn và lành mạnh, kể cả trong tình hình kinh tế xấu nhất. Mặc dù 11 ngân hàng không vượt qua kỳ thi sát hạch này, nhưng SCAP đã góp phần phục hồi niềm tin của thị trường và hệ thống ngân hàng Mỹ.

Châu Âu có những khó khăn riêng phải đối mặt

Trong khi hệ thống ngân hàng Mỹ đã cải thiện đáng kể, tình hình tại các ngân hàng châu Âu không lạc quan. Nhìn chung, hệ thống ngân hàng châu Âu rất chậm trễ trong việc thừa nhận tác dụng của các nỗ lực cải cách tại Mỹ, nhiều ngân hàng vẫn yếu kém và không vượt qua được kỳ thi sát hạch cuối cùng. Kết quả sát hạch rất thấp, các ngân hàng tại Ireland chỉ tồn tại được vài tuần lễ trước khi sụp đổ hoàn toàn.

Giáo sư Herring bổ sung, vấn đề cơ bản của các ngân hàng châu Âu là thiếu công cụ hỗ trợ quan trọng như TARP tại Mỹ. Cụ thể là, châu Âu thiếu các nguồn tài chính để tái cấp vốn cho các ngân hàng, các nguồn vốn chỉ có tác dụng bù đắp thiệt hại chứ không xử lý được vấn đề. Mặc dù hầu hết các ngân hàng châu Âu đã phục hồi, nhưng chậm chạp và cản trở tiến trình phục hồi kinh tế, các ngân hàng không thể đóng vai trò nền tảng về đầu tư tài chính.

Đồng tình với nhận định của Giáo sư Herring, Giáo sư Krista Schwarz nhận định, các biện pháp thắt chặt kiểm soát tại châu Âu diễn ra khá chậm chạp, các cơ quan điều chỉnh thiếu kiên quyết trong việc bắt buộc các ngân hàng phải tham gia các đợt kiểm tra sát hạch.

Liên quan đến những hạn chế trong hệ thống ngân hàng châu Âu, Giáo sư Itay Goldstein cho rằng, châu Âu có những khó khăn riêng và đang phải đối mặt, phần lớn là khả năng phối hợp giữa các nước khác nhau trong nội bộ EU. Đây là vấn đề phức tạp, do mỗi nước thành viên EU đều có NHTW riêng, và thường chỉ phối hợp hành động với NHTW châu Âu (ECB). Yếu tố phức tạp khác bắt nguồn từ sự kiện Brexit, trong khi Anh là một phần quan trọng trong các nỗ lực điều chỉnh ngân hàng tại châu Âu, và hiện tại quốc gia này đang rời EU. Sự kiện Brexit đã dẫn đến làn sóng ly khai tại một số quốc gia và vùng lãnh thổ khác, cụ thể là tại Tây Ban Nha. Đây là những vấn đề làm gia tăng bất ổn trong liên minh ngân hàng và khả năng phối hợp để điều chỉnh, cải thiện hệ thống ngân hàng.

Thách thức khác là, EU đang cố gắng điều hành chính sách tiền tệ và liên minh ngân hàng mà không phối hợp với chính sách tài khóa. Nguyên nhân là do các quy định điều chỉnh ngân hàng tại châu Âu không xử lý những khác biệt về rủi ro quốc gia giữa các nước thành viên. Vì thế, các ngân hàng châu Âu dễ bị tổn thương khi các nước thành viên gặp khó khăn về nợ nần. Như vậy, bên cạnh tác động của khủng hoảng tài chính, châu Âu đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề liên quan đến khủng hoảng nợ quốc gia. Cho đến nay, Bồ Đào Nha, Italia, Ireland, Hy Lạp và Tây Ban Nha chưa thể thanh toán hay tái cấp vốn cho các khoản nợ quốc gia, không đủ năng lực để cứu vớt những ngân hàng yếu kém, nếu không có sự hỗ trợ từ ECB, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và những nước ổn định hơn tại EU.  

Nguyên Tổng Giám đốc IMF - Christine Lagarde cũng thừa nhận, châu Âu cần phải làm nhiều việc, nhiều ngân hàng vẫn yếu kém. Trong đó, vấn đề “quá lớn không thể đổ vỡ” vẫn tồn tại, khi hệ thống ngân hàng vẫn mở rộng quy mô và ngày càng phức tạp. Tiến trình xử lý những ngân hàng yếu kém diễn ra khá chậm chạp, nhất là nhóm ngân hàng xuyên quốc gia, còn nhiều hoạt động mờ ám trong khu vực ngân hàng ngầm. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất bắt nguồn từ xu thế đổi mới không ngừng trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là phương thức giao dịch và fintech -  xu thế này đặt ra những thách thức về ổn định tài chính. Ngoài ra phải kể đến một thực tế đáng lo ngại là, các nhà tạo lập chính sách đang đối mặt với áp lực lớn trong việc tăng cường quản lý và điều chỉnh hệ thống ngân hàng sau khủng hoảng. Khủng hoảng tài chính đã để lại khó khăn lâu dài trên toàn cầu, hoạt động kinh tế vẫn trầm lắng, nợ nần ngày càng chồng chất. Tại các nước phát triển, nợ công đã tăng thêm 30% GDP, thậm chí cao hơn, cản trở các hoạt động kinh tế cũng như các nỗ lực kích thích tăng trưởng và hỗ trợ những ngân hàng yếu kém. 

Theo đánh giá của Ủy ban Hệ thống tài chính toàn cầu (GFGS), tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm (về tài sản so GDP) của hệ thống ngân hàng sau năm 2008 chỉ đạt 4%, thấp xa kết quả tăng trung bình hàng năm 12% trong giai đoạn 2003-2007. Tại châu Âu, tỷ trọng này không đồng đều, giảm tại một số ngân hàng và tăng tại những ngân hàng khác.

Về tổng thể, hệ thống ngân hàng sau khủng hoảng đã thu hẹp quy mô và số lượng chi nhánh tại Mỹ và châu Âu, nhưng tiếp tục mở rộng tại các nước mới nổi. Tại những nước không vấp phải khủng hoảng trong nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu, tài sản của hệ thống ngân hàng tăng rất nhanh. Đáng chú ý, tài sản của hệ thống ngân hàng Trung Quốc tăng tốc từ tỷ lệ 230% GDP vào năm 2010 lên 310% vào năm 2016, trở thành hệ thống ngân hàng lớn nhất trên thế giới với khối lượng tài sản khổng lồ, nhưng kèm theo hàng loạt vấn đề về nợ nần. Cụ thể là, tín dụng và tài sản ngân hàng tăng cao, những chỉ số này sẽ giảm trong tương lai và có nhiều khả năng sẽ dẫn đến khủng hoảng.

Giáo sư Herring nhận định, các nước mới nổi đã chiếm tỷ trọng khá cao trong cơ cấu GDP toàn cầu, và thế giới ngày càng phụ thuộc vào tình hình kinh tế, tài chính tại nhóm các nền kinh tế mới nổi này. Một khi hệ thống ngân hàng tại một nước lớn như Trung Quốc bị sụp đổ, có thể dẫn đến suy thoái kinh tế trong nước, đe dọa khả năng ổn định kinh tế trên phạm vi toàn cầu. Chưa hết, hệ thống tài chính thế giới cũng đang chứng kiến xu thế đổi mới không ngừng. Trong số này, tài chính điện tử có tiềm năng dẫn đến những thay đổi rất lớn về vai trò, chức năng của hệ thống tài chính toàn cầu, mang lại nhiều lợi ích, có tiềm năng tạo ra những sản phẩm mới trên các thị trường tài chính với hiệu quả cao hơn, nhưng cũng dẫn đến sự hình thành những rủi ro mới, do cơ chế quản lý không theo kịp xu hướng đổi mới, khi rủi ro xảy ra mới bắt đầu loay hoay tìm giải pháp đối phó.

Nguồn:

- NHTW một số nước;

- Wharton, University of Pennsylvania, ngày 11/9/2018: Mười năm sau cuộc đại suy thoái, hệ thống tài chính toàn cầu có an toàn?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại dịch Covid-19 đang xói mòn kết quả cải cách hệ thống ngân hàng toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO