(thitruongtaichinhtiente.vn) - Thời gian đại dịch Covid-19 lây lan là giai đoạn khó khăn cho cả nền kinh tế nói chung và lĩnh vực tài chính ngân hàng nói riêng nhưng nó cũng tạo ra cơ hội thúc đẩy sự tăng trưởng của các hình thức thanh toán điện tử. Tổ chức tài chính ngân hàng và các công ty Fintech nào biết tận dụng giai đoạn khó khăn này để biến thành cơ hội sáng tạo, đáp ứng nhu cầu của xã hội sẽ có thể đạt được những thành tựu đáng kể, gia tăng thị phần và khả năng cạnh tranh.
Covid-19 có thể thay đổi cách người tiêu dùng lựa chọn phương thức thanh toán
Một số chuyên gia nói rằng virus corona có thể bám vào tiền giấy giống như cách nó có thể tồn tại trên các bề mặt khác, chẳng hạn như tay nắm cửa và tay vịn. Để phòng ngừa, Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã tăng thời gian lưu giữ tối thiểu đối với những đồng đô la đến từ châu Á và châu Âu đến Hoa Kỳ lên 10 ngày (mức tối thiểu trước đó là 5 ngày). Các ngân hàng ở Trung Quốc, nơi dịch bệnh khởi phát, đã được lệnh khử trùng tiền mặt trước khi đưa ra công chúng trong nỗ lực làm chậm sự lây lan của virus. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo người tiêu dùng tránh sử dụng tiền mặt và thay vào đó chuyển sang thanh toán không tiếp xúc để ngăn chặn sự lây lan của virus Corona. Khuyến nghị này của WHO được đưa ra sau khi Trung Quốc và Hàn Quốc bắt đầu cách ly và khử trùng các tờ tiền giấy đã sử dụng, vốn được biết là trung gian mang virus và vi khuẩn.
Các nhà phân tích nói rằng yếu tố tâm lý học của những người nghĩ rằng tiền mặt không sạch có thể thúc đẩy việc áp dụng các phương thức thanh toán điện tử. Nỗi sợ virus mới có thể đủ để khiến những khách hàng bảo thủ thấy được sự hấp dẫn của thanh toán di động. Mặt khác, các tùy chọn trực tuyến từ các ngân hàng truyền thống có thể được sử dụng nhiều hơn. Khi mọi người tự cách ly, họ cũng có thể tránh phải đến các chi nhánh ngân hàng. Trong khi tác động của virus Corona vẫn chưa rõ ràng, trường hợp của Ấn Độ có thể cung cấp một gợi ý về những gì mà một sự kiện kinh tế vĩ mô bất ngờ có thể làm cho mọi người thay đổi hành vi thanh toán. Thanh toán điện tử ở Ấn Độ tăng vọt sau cuộc khủng hoảng tiền mặt năm 2016. Nicolas Crouzet, Phó giáo sư tài chính tại Trường Quản lý Kellogg của Đại học Tây Bắc, và Filippo Mezzanotti, trợ lý giáo sư tài chính của Kellogg, cho biết cuộc khủng hoảng cho thấy người tiêu dùng có thể thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ hành vi của họ như thế nào. Số lượng giao dịch thanh toán điện tử trên toàn quốc đã tăng 150%, sau đó tăng gấp đôi mỗi tuần trong vòng ba tuần liên tiếp. Việc áp dụng các phương thức thanh toán không tiếp xúc như ví điện tử cũng có thể góp phần hỗ trợ chính phủ trong việc theo vết các tiếp xúc giữa những người có nguy cơ nhiễm virus Corona với cộng đồng nhưng điều này chưa thể hiện trên thực tế. Một số nhà nghiên cứu cho rằng khả năng này có thể khiến người dùng lo ngại về quyền riêng tư và đề xuất việc tạo ra các loại tiền mã hóa do chính phủ phát hành.
Ngân hàng tăng cường cung cấp sản phẩm, dịch vụ số hóa, trực tuyến
Trước khi nói tới việc thúc đẩy sự phát triển của các phương thức thanh toán mới, các ngân hàng cần chủ động truyền thông tới khách hàng về các biện pháp duy trì hoạt động giao dịch trong khi vẫn ngăn chặn sự lây lan của dịch. Nhiều ngân hàng đã thực hiện điều đó bằng cách gửi thư điện tử hay công bố trên fanpage trong mạng xã hội, hướng dẫn khách hàng cách sử dụng các kênh giao dịch hiện có một cách an toàn. Các công ty công nghệ thanh toán cũng không phải là ngoại lệ. PAR, một công ty con của Par Tech Technology Corporation, đã khuyên các nhà điều hành nhà hàng làm sạch các thiết bị đầu cuối POS để bảo vệ khách hàng và nhân viên khỏi sự bùng phát của virus corona. Họ hướng dẫn rất chi tiết từ việc đeo găng tay, rút điện cho đến cách sử dụng các dung dịch phù hợp để lau thiết bị đầu cuối.
Bên cạnh các biện pháp duy trì kênh giao dịch truyền thống, hầu hết các ngân hàng cũng không quên giới thiệu khách hàng đến với kênh giao dịch điện tử như internet banking, mobile banking và hướng dẫn khách hàng cách giao dịch an toàn, phát hiện và báo cáo các thủ đoạn lừa đảo. Nhưng điều quan trọng nhất có lẽ là hướng tới tương lai, phát triển dịch vụ, giới thiệu các sản phẩm dịch vụ mới để thu hút khách hàng cũng như thể hiện sự quan tâm, khả năng cạnh tranh vượt trội.
Ở Singapore, Ngân hàng DBS đã số hóa 11 quy trình tài trợ thương mại phổ biến để giảm sự phụ thuộc vào các sàn giao dịch trực tiếp và cung cấp cho khách hàng 50 giao dịch FAST miễn phí mỗi tháng để cắt giảm nhu cầu xử lý séc trực tiếp. Cùng với những động thái đó, để giúp đào tạo người dùng về cách sử dụng các công cụ kỹ thuật số, ngân hàng đang triển khai các hội thảo trên web và tùy chỉnh các hướng dẫn kỹ thuật cũng như số hóa các khóa đào tạo của DBS SME Academy.
Ngày 17/3, Ngân hàng ICICI của Ấn Độ vừa công bố khai trương ‘ICICIStack’ – một tập hợp toàn diện các dịch vụ ngân hàng số và các API (giao diện lập trình ứng dụng) để đảm bảo trải nghiệm dịch vụ ngân hàng không gián đoạn khi khách hàng được khuyến cáo ở yên trong nhà để tránh bị lây nhiễm. ICICIStack cung cấp gần 500 dịch vụ đáp ứng hầu hết tất cả các yêu cầu về dịch vụ ngân hàng của khách hàng. Danh sách này bao gồm mở tài khoản kỹ thuật số (tiết kiệm tức thời và mở tài khoản vãng lai), giải pháp cho vay (vay cá nhân tức thời, thẻ tín dụng tức thời, vay mua nhà tức thời, vay mua xe tức thời, vay kinh doanh tức thời), giải pháp thanh toán kỹ thuật số (thanh toán qua UPI - giao diện thanh toán hợp nhất của Ấn Độ, thanh toán hóa đơn bằng Hệ thống thanh toán hóa đơn Bharat), các khoản đầu tư (tiết kiệm có thời hạn, gửi Quỹ tiết kiệm công PPF, hệ thống Hưu trí quốc gia NPS và tư vấn bởi trí tuệ nhân tạo cho các khoản đầu tư khác), bảo hiểm (bảo hiểm tử kỳ và bảo hiểm sức khỏe kỹ thuật số) và các giải pháp chăm sóc (bảo vệ tính mạng, sức khỏe, xe hơi và nhà).
Anup Bagchi, Giám đốc điều hành của Ngân hàng ICICI, nói rằng họ đã phát triển ICICIStack để cung cấp cho khách hàng tất cả các dịch vụ ngân hàng số từ một nền tảng duy nhất trong vài năm qua. ICICIStack là kết quả của lộ trình phát triển và tiên phong để xây dựng các giải pháp kỹ thuật số và năng lực lớn để thực hiện tầm nhìn của chương trình Digital India. Trước sự bùng phát của virus Corona, Ngân hàng ICICI đã thêm một số tính năng và dịch vụ mới để tạo nên một gói giải pháp giúp khách hàng có thể trải nghiệm các dịch vụ ngân hàng không bị gián đoạn.
Anup Bagchi nói thêm: “Tôi tin rằng ở dạng hiện tại, ‘ICICIStack’ là cơ sở hạ tầng kỹ thuật số toàn diện nhất hiện có của ngân hàng vì nó tạo điều kiện cho các khách hàng bán lẻ cũng như thương nhân, nhà bán lẻ, chuyên gia, Fintech, người khởi nghiệp, công ty thương mại điện tử và các doanh nghiệp, trên toàn quốc có thể tiếp tục tất cả giao dịch ngân hàng của họ với kỹ thuật số và từ một địa điểm xa, mà không cần đến chi nhánh hoặc phòng giao dịch ngân hàng. Trong các liên kết gần đây với Fintech thanh toán cũng vậy, đó là một loạt các dịch vụ, API và khả năng xử lý khối lượng lớn có sẵn trong ‘ICICI Stack’, cho phép tích hợp nhanh chóng chỉ sau một đêm”.
Hơn nữa, ICICIStack cung cấp dịch vụ kỹ thuật số đầu tiên cho phép mở tài khoản tiết kiệm ngay lập tức với tiết kiệm có kỳ hạn hoặc gửi Quỹ tiết kiệm công PPF tức thời.
Một khách hàng bán lẻ mới của ngân hàng ICICI có thể nhận được các lợi ích của ICICIStack bằng cách mở tài khoản tiết kiệm tức thời mà không cần phải đến chi nhánh. Một thực thể kinh doanh chưa phải là khách hàng của ICICI, có thể tải xuống ‘InstaBIZ’ - ứng dụng di động của ngân hàng dành cho các doanh nghiệp và tận hưởng sự tiện lợi bằng cách sử dụng ICICIStack. Ứng dụng này có thể đăng ký mở một tài khoản thanh toán ngay lập tức và tự lựa chọn số tài khoản – con số này được hiển thị ngay lập tức. Ngoài ra, các thực thể kinh doanh có thể truy cập vào dịch vụ thu nợ và thanh toán theo lô một cách dễ dàng thông qua các chế độ kỹ thuật số khác nhau, đối chiếu ngân hàng tự động và có thể thực hiện phần lớn tất cả các giao dịch xuất nhập khẩu như chuyển tiền trong và ngoài nước.
Các công ty Fintech cũng đang nỗ lực để mở rộng thị trường
Mặt khác, chúng ta đều đã biết rằng ngày nay thanh toán không còn là dịch vụ độc quyền của các ngân hàng. Vì thế các công ty Fintech cũng đang rất nỗ lực để mở rộng thị trường. Trong khi dịch Covid-19 bùng phát, Alipay đã giới thiệu một hệ thống khuyến khích các nhà phát triển tạo ra các chương trình nhỏ có thể giúp người dùng đối phó với tác động, bao gồm bằng cách đáp ứng các nhu cầu khác nhau của những người đang sống và làm việc tại nhà, đồng thời giảm thiểu nhu cầu tiếp xúc vật lý với các nhà cung cấp dịch vụ. Trong vòng một tuần, hơn 1200 nhà phát triển đã phản hồi, tạo ra 181 chương trình nhỏ trên ứng dụng Alipay cho phép các dịch vụ liên lạc trực tuyến trên khắp Trung Quốc, bao gồm giao hàng tạp hóa, tư vấn pháp lý và y tế, hậu cần và dịch vụ công cộng. Ví dụ như chương trình nhỏ cung cấp tư vấn y tế miễn phí được cung cấp bởi AliHealth nhận trung bình 700.000 lượt truy cập hàng ngày. Một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Bắc Kinh có tên Meicai, giúp kết nối nông dân với nhà hàng và trực tiếp với người tiêu dùng, đã đưa ra một chương trình nhỏ thu hút 800.000 người dùng mới. Theo kế hoạch ba năm, Alipay sẽ hợp tác với 50.000 nhà cung cấp phần mềm độc lập để giúp 40 triệu nhà cung cấp dịch vụ số hóa các hoạt động của họ. Các công ty sẽ nhận được sự giúp đỡ về các mảng thanh toán, chống gian lận, quản lý quỹ, tiếp thị, KYC, mua lại, duy trì và thu hút khách hàng.
Ở Anh, Zeux – một tổ chức tài chính được cấp phép, đã ra mắt giải pháp thanh toán di động Easy Access Money Pot hồi tháng 1/2020. Đây là giải pháp thay thế cho tài khoản tiết kiệm được đảm bảo bởi hai tổ chức tài chính là Zeux Ltd và Wecash, với lãi suất lên tới 5%/năm. Cách Zeux thiết lập tài khoản tiết kiệm đang lan rộng và khá phổ biến ở các nước châu Á, hoạt động tương tự như “Yu’e Bao” của Alipay. Nền tảng ứng dụng di động đơn của Zeux có rất nhiều tính năng, cho phép khách hàng thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại di động, quản lý toàn bộ các giao dịch thanh toán của họ, phân theo từng nhóm để dễ theo dõi, đem lại lãi suất tiết kiệm cao, các tùy chọn đầu tư và khả năng chi trả ở mọi nơi bằng ví tiền mã hóa, chuyển tiền trong nước và quốc tế miễn phí – những điều này đem tới khả năng cạnh tranh và thu hút khách hàng cao.
Tuy chưa thể biết những dịch vụ mới nào sẽ có thể tồn tại và phát triển trong thời gian tới nhưng có một điều mà chúng ta có thể tin chắc là thanh toán điện tử sẽ tăng trưởng mạnh mẽ và thay thế các phương thức thanh toán truyền thống. Thời gian dịch Covid-19 lây lan là giai đoạn khó khăn cho cả nền kinh tế nói chung và lĩnh vực tài chính ngân hàng nói riêng nhưng nó cũng tạo ra cơ hội thúc đẩy sự tăng trưởng của các hình thức thanh toán điện tử. Tổ chức tài chính ngân hàng và các công ty Fintech nào biết tận dụng giai đoạn khó khăn này để biến thành cơ hội sáng tạo, đáp ứng nhu cầu của xã hội sẽ có thể đạt được những thành tựu đáng kể, gia tăng thị phần và khả năng cạnh tranh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- https://www.cnbc.com/2020/03/16/electronic-payments-look-more-appealing-as-coronavirus-spreads.html
-https://www.mobilepaymentstoday.com/news/par-offers-foodservice-operators-tips-on-cleaning-pos-terminals/
-https://www.mobilepaymentstoday.com/news/alipay-launches-digital-transformation-plan-amid-coronavirus-response/
-https://www.mobilepaymentstoday.com/news/alipay-launches-digital-transformation-plan-amid-coronavirus-response/
- https://ibsintelligence.com/ibs-journal /ibs-news/icici-bank-launches-its-digital-banking-platform-in-the-wake-of-covid-19/
- https://www.icicibank.com/aboutus/ article.page?identifier=news-icici-bank-launches-icicistack-indias-most-comprehensive-digital-banking-platform-20201703152015920
- https://www.cnbc.com/2020/03/18/ germ-ridden-cash-may-boost-use-of-contactless-payments.html
-https://www.finextra.com/newsarticle/35433/alipay-cites-coronavirus-as-it-looks-beyond-payments-to-era-of-digital-lifestyle
- https://www.finextra.com/newsarticle /35384/who-urges-switch-to-contactless-to-slow-virus-transmission
-https://www.finextra.com/pressarticle /81169/uk-fintech-app-zeux-launches-savings-account-paying-5-interest