Cuộc chiến giá rẻ trong ngắn hạn có thể giúp các "ông lớn" bán lẻ giành giật được thị phần nhưng sẽ phải đánh đổi bằng lợi nhuận và việc sa thải nhân viên hàng loạt. Về lâu dài, dưới sức ép độc quyền thị phần, khách hàng sẽ có thể đối mặt với tình trạng mua hàng giá cao.
Tháng 5/2023, MWG dự báo doanh thu tăng 20%, thực tế chỉ tăng 4%
Tại cuộc họp nhà đầu tư hồi tháng 5/2023, khi công bố kết quả kinh doanh sơ bộ tháng 4/2023, lãnh đạo Thế Giới Di Động (mã MWG) cho biết, trong tháng 4/2023, nhờ chiến lược giá bán thấp, hai mảng ICT và CE (công nghệ thông tin và điện tử gia dụng) của “ông lớn” bán lẻ này đã tăng 30% so với tháng 3/2023 trước đó.
Lãnh đạo Thế Giới Di Động dự đoán tháng 5/2023, doanh thu của hai chuỗi bán lẻ Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh sẽ tăng ít nhất 20% so với tháng 4, trong bối cảnh "thị trường chung không tăng, thậm chí lùng bùng".
Nguồn: MWG |
Nhưng thực tế, theo kết quả kinh doanh tháng 5/2023 vừa công bố, doanh thu của hai chuỗi này chỉ đạt 7.600 tỷ đồng, tăng 4% so với tháng 4 và giảm 14% so với cùng kỳ dù tháng 5 là tháng diễn ra cao điểm chương trình "Giá rẻ quá" mà Thế Giới Di Động khởi xướng (từ ngày 28/4). Tính chung 5 tháng tổng doanh thu của hai chuỗi đạt 35.000 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ.
Báo cáo của Thế Giới Di Động cho biết, để cải thiện doanh số các sản phẩm chính (điện thoại, điện tử, điện lạnh, gia dụng) công ty đã triển khai nhiều giải pháp kích cầu mua sắm nhưng doanh số chưa cải thiện nhiều do sức mua yếu và thị trường chung chưa có tín hiệu hồi phục.
Duy chỉ có sản phẩm máy lạnh do thời tiết nắng nóng nên doanh thu tăng trưởng 100% trong tháng 5/2023 và là ngành hàng duy nhất tăng trưởng doanh số lũy kế dương sau 5 tháng.
Đáng chú ý, dù công bố doanh thu nhưng "ông lớn" bán lẻ này tiếp tục "giấu" chỉ tiêu lợi nhuận tháng 5/2023. Kể từ đầu năm 2023, Thế Giới Di Động đã không còn công bố chỉ tiêu lợi nhuận theo tháng, trong khi các năm trước đó đều công bố kèm doanh thu.
Theo chuyên gia trong ngành, việc Thế Giới Di Động đang giảm giá hàng loạt sản phẩm, thậm chí có sản phẩm giảm nhiều hơn mức giảm của các đơn vị khác thì lợi nhuận rất khó tăng trưởng. Thực tế, kết quả kinh doanh quý I/2023 cho thấy, dù đã có những động thái giảm giá để kích cầu nhưng lợi nhuận sau thuế của Thế Giới Di Động vẫn giảm tới 98,5% so với cùng kỳ, chỉ đạt hơn 21 tỷ đồng, mức thấp nhất kể từ khi niêm yết (năm 2014) dù doanh thu chỉ giảm gần 26%, đạt 27.106 tỷ đồng.
Tất nhiên, diễn biến này có thể nằm trong tính toán của ban lãnh đạo của Thế Giới Di Động khi xác định mục tiêu chính năm 2023 là "tăng thị phần, nới rộng khoảng cách với các nhà bán lẻ khác trên thị trường, từ đó, tạo ra cơ hội để tiếp tục tăng trưởng doanh thu bất chấp việc tổng quy mô thị trường có thể không tăng hoặc bị thu hẹp".
Dù vậy, mục tiêu tăng trưởng doanh thu của Thế Giới Di Động có vẻ như vẫn chưa được như kỳ vọng khi 5 tháng đầu năm tổng doanh thu thuần mới đạt 47.144 tỷ đồng, hoàn thành 35% trong mục tiêu đạt 135.000 tỷ đồng doanh thu cả năm. Đó là chưa kể, nếu cứ tiếp tục “hy sinh lợi nhuận” để đánh chiếm thị phần thì Thế Giới Di Động dù có thể hoàn thành được mục tiêu doanh thu cả năm cũng sẽ khó để đạt chỉ tiêu lãi sau thuế 4.200 tỷ đồng.
Với FPT Retail, tình hình cũng không khá khẩm hơn khi quý I/2023, lợi nhuận của doanh nghiệp này cũng giảm tới 98,8% so với cùng kỳ, đạt vỏn vẹn 2,07 tỷ đồng, dù doanh thu chỉ giảm 0,4% về 7.753 tỷ đồng.
Tương tự, với các chuỗi bán lẻ nhỏ hơn khi bị "cuốn" vào cuộc chiến giá rẻ cũng không còn duy trì được doanh thu và lợi nhuận như trước đây.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Lạc Huy, Giám đốc truyền thông CellphoneS cho biết, doanh thu sau nửa đầu năm 2023 của chuỗi bán lẻ này dự kiến chỉ duy trì được mức tăng trưởng 8% so với 2022, đây là mức thấp nhất trong nhiều năm của CellphoneS. Đồng thời, các chỉ tiêu về lợi nhuận bị giảm sút do cạnh tranh giá, nhiều nhóm ngành hàng bán dưới giá vốn.
Thêm vào đó, trong 6 tháng đầu năm CellphoneS đã phải đóng 3 cửa hàng ở các vùng có nhiều công nhân bị mất việc như Bình Dương, Đồng Nai và chỉ mở mới 3 cửa hàng nên số lượng cửa hàng đang dừng lại ở 115.
Như vậy, có thể thấy cuộc chiến giảm giá hiện tại vẫn chưa mang lại hiệu quả kinh doanh cho các doanh nghiệp bán lẻ, có chăng đây chỉ là “chiêu” để các “ông lớn” có tiềm lực giành giật thị phần với các chuỗi bé hơn.
Lo ngại giá đẩy cao nếu tình trạng độc quyền xảy ra
Bàn thêm về "được" và "mất" trong cuộc chiến giá rẻ, ông Nguyễn Lạc Huy cho rằng, trong ngắn hạn, cuộc chiến giá rẻ đang làm thay đổi kế hoạch kinh doanh của hầu hết các chuỗi bán lẻ trong ngành, dễ thấy nhất là việc đóng cửa các cửa hàng kém hiệu quả hay tạm dừng hoạt động mở mới của các chuỗi bán lẻ.
Với một số các chuỗi lớn, việc "chiến giá" giành giật doanh số bán hàng đang phải đánh đổi bằng việc sa thải nhân viên hàng loạt, cắt bỏ các chỉ số chất lượng dịch vụ ưu tiên doanh số hay những méo mó trong quan hệ hợp tác với các đối tác, các hãng, các nhà phân phối.
"Điều này về lâu dài sẽ tạo thêm động lực cho các hãng, các nhà phân phối vốn đang bị o ép chịu thiệt hại tìm cách thoát ra khỏi những chuỗi bán hàng có chi phí bán hàng cao để hỗ trợ, phát triển các chuỗi bán hàng nhỏ hơn nhằm cân đối lại thị phần cũng như cán cân về quyền lực của các chuỗi", ông Huy nhìn nhận và cho biết thêm, đây có thể sẽ là cơ hội trong thời gian tới cho các chuỗi bán hàng nhỏ hơn nếu có thể vượt qua được giai đoạn này.
Bên cạnh đó, cuộc chiến này còn đang khiến thị trường ICT và CE xuất hiện một xu hướng mới, khi các chuỗi bán lẻ đang phải thay đổi cơ cấu các mặt hàng kinh doanh, đưa thêm các mặt hàng có doanh số tốt hơn và có mức lãi biên tốt hơn…
Chẳng hạn, CellphoneS vốn trước đây chỉ tập trung bán điện thoại, máy tính, thiết bị âm thanh, nhà thông minh thì giờ đây sẽ mở rộng thêm một số ngành hàng, trong đó có nhóm ngành hàng khá lớn là gia dụng.
Hay FPT Shop từ đầu năm 2023 cũng đã đẩy mạnh mảng gia dụng, đồng thời, bắt đầu bán bổ sung hàng loạt ngành mới vào như bán mô tô, xe máy; bảo dưỡng và sửa chữa mô tô, xe máy; bán phụ tùng và các bộ phận phụ trợ của mô tô, xe máy,...
Với người lao động, theo ông Huy, cuộc chiến giá rẻ trả giá bằng việc sa thải, cắt giảm chính sách phúc lợi cho nhân viên sẽ tạo ra những hình ảnh doanh nghiệp ngày càng xấu đi trên thị trường lao động trong tương lai.
Thậm chí, nếu cuộc chiến giá kéo dài trong tình cảnh sức mua của thị trường không có dấu hiệu tăng sẽ là gọng kìm khiến các chuỗi bán lẻ sớm phải đóng cửa các cửa hàng hoạt động không hiệu quả, doanh số thấp liên tục trong nhiều tháng.
Còn với khách hàng, trong ngắn hạn cuộc chiến giá trong tình hình kinh tế khó khăn có thể giúp khách hàng tiết kiệm được tiền khi cần mua các thiết bị công nghệ. Nhưng mặt trái sẽ là rủi ro bị cắt giảm về chất lượng phục vụ hay chính sách bảo hành, cũng như trải nghiệm mua hàng do nhiều chuỗi bán lẻ đang ưu tiên doanh số hơn là đầu tư vào nhân viên hay các hoạt động phục vụ khách hàng tốt hơn.
Thêm nữa, cuộc chiến giá dẫn tới hầu hết các nhà bán lẻ, hãng sản xuất, nhà phân phối không còn lợi nhuận để đầu tư cho các hoạt động cải tiến dịch vụ, sản phẩm.
"Trong tương lai khi chuỗi lớn đã giành được thị phần lớn hơn nữa, dưới sức ép độc quyền thị phần lớn, khách hàng sẽ sớm phải đối mặt với tình trạng mua hàng với giá bán cao từ các nhà bán lẻ này. Vì suy cho cùng các doanh nghiệp này đều đặt mục tiêu một bản báo cáo kinh doanh với lợi nhuận cao và giá bán cũng như chính sách bán hàng của thị trường nằm trong tay của chuỗi bán lẻ có thị phần lớn tới ngưỡng cao hơn mức được coi là độc quyền", ông Huy nhìn nhận.