Danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực ngân hàng

Mai Hiên| 19/02/2021 10:51
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 2182/QĐ-TTg về danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực ngân hàng, với các cấp độ: Tuyệt mật, Tối mật và Mật.

 Hình minh họa

Theo Quyết định 2182/QĐ-TTg, bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực ngân hàng ở cấp độ Tuyệt mật, gồm: Phương án, kế hoạch phát hành loại tiền mới chưa công khai; Đề án, kế hoạch đổi tiền và kết quả thu đổi tiền chưa công khai; Đề án, phương án và kế hoạch thiết kế, chế bản mẫu tiền chưa công khai.

Đối với mật nhà nước độ Tối mật trong lĩnh vực ngân hàng, Quyết định 2182/QĐ-TTg nêu rõ: Mẫu thiết kế tiền và giấy tờ có giá đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng chưa công khai; tập tin thiết kế của mẫu thiết kế tiền và giấy tờ có giá đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; bản in, bản khắc, phim, khuôn đúc, khuôn dập của tiền và giấy tờ có giá; tập tin chế tạo bản in, bản khắc, phim, khuôn đúc, khuôn dập của tiền và giấy tờ có giá; mẫu in thử, đúc thử, đập thử của tiền và giấy tờ có giá được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

Công thức mực in tiền; thông số kỹ thuật mực in tiền chưa công khai; thông số kỹ thuật trong quá trình chế tạo bản in, khuôn đúc, khuôn dập của tiền và giấy tờ có giá do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phát hành; Các quy định về chất lượng, thông số kỹ thuật trong quá trình in, đúc, dập tiền và giấy tờ có giá do NHNN phát hành;  Khóa an toàn, thông số kỹ thuật, yếu tố chống giả đặc biệt của tiền... cũng được quy định ở cấp độ Tối mật.

Đối với bí mật nhà nước độ Mật, Quyết định 2182/QĐ-TTg đưa ra 25 danh mục, cụ thể:

1 -Phương án điều hành công cụ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia của NHNN chưa đưa vào triển khai;

2- Số liệu tổng lượng tiền cung ứng của NHNN chưa công khai; 

3- Nơi lưu giữ vàng vật chất thuộc dự trữ ngoại hối Nhà nước ở trong nước; 

4- Báo cáo tự kiểm tra về hoạt động an toàn kho quỹ của các đơn vị thuộc NHNN: Báo cáo kiểm toán nội bộ, báo cáo kết quả giám sát của NHNN về hoạt động an toàn kho quỹ và quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước: Biên bản kiểm tra tình hình quản lý Dự trữ ngoại hối Nhà nước của NHNN.

5- Số liệu tuyệt đối về tổng thu, tổng chi, bội thu, bội chi tiền mặt của hệ thống NHNN; 

6- Số lượng tiền in, đúc và tiền phát hành; 

7- Văn bản quy định ký hiệu bằng chữ và số các loại tiền và các giấy tờ có giá; 

8- Kế hoạch điều chuyển, lệnh điều chuyển tiền, lịch trình vận chuyển, điện báo vận chuyển tiền, tài sản quý, giấy tờ có giá (ngày, giờ xuất phát, địa điểm đi, đến, tuyến đường, loại phương tiện, khối lượng, giá trị, loại tài sản) chưa thực hiện của NHNN;

9- Số liệu về xuất, nhập, tồn quỹ tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá của quỹ Dự trữ phát hành: số liệu về xuất kho, nhập kho tiền tiêu hủy, kế hoạch tiêu hủy tiền: báo cáo kết quả tiêu hủy tiền;

10- Kế hoạch mua sắm giấy in tiền, mực in tiền, khuôn đúc dập tiền, phôi đúc dập tiền; tài liệu về cấp vần seri để in tiền; 

11- Hồ sơ thiết kế, địa điểm, phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh, an toàn của: cơ sở in, đúc tiền: kho tiền trung ương, kho tiền khu vực, trung tâm xử lý tiền kiêm kho tiền của NHNN;

12- Số liệu tuyệt đối về số lượng tiền giả thu giữ qua hệ thống ngân hàng, Kho bạc Nhà nước; 

13- Báo cáo kiểm tra của NHNN có nội dung liên quan đến số liệu in, đúc tiền đối với các cơ sở in, đúc tiền; 

14- Báo cáo tài chính của Nhà máy in tiền Quốc gia;

15- Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ giám sát an toàn tài sản của NHNN tại các Kho tiền Trung ương; 

16- Báo cáo giám sát tài chính của NHNN đối với Nhà máy in tiền Quốc gia.

17- Kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính hàng năm và 5 năm của Nhà máy in tiền Quốc gia;

18- Bảng cân đối tài khoản kế toán, bảng cân đối kế toán của NHNN; 

19- Kết quả NHNN xếp hạng các tổ chức tín dụng hàng năm chưa công khai; 

20- Thông tin, tài liệu, số liệu về mất, nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc mất, nguy cơ mất khả năng thanh toán của ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân;

21- Thông tin, tài liệu về kiểm soát đặc biệt ngân hàng thương mại. ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, gồm:

a) Phương án cơ cấu lại ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt;

b) Văn bản của các đơn vị thuộc NHNN về việc xem xét, quyết định đặt ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân vào kiểm soát đặc biệt; quyết định đặt quỹ tín dụng nhân dân vào kiểm soát đặc biệt; kết quả giám sát về tình hình hoạt động của ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt;

c) Văn bản của Ban Kiểm soát đặc biệt về: văn bản chỉ đạo ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt; báo cáo NHNN về thực trạng tổ chức, hoạt động, thực trạng thực hiện phương án cơ cấu lại đã được phê duyệt của ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt và đề xuất chấm dứt kiểm soát đặc biệt để thực hiện sáp nhập, hợp nhất, giải thể, phá sản;

d) Văn bản của NHNN về việc:

- Quyết định đặt ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã vào kiểm soát đặc biệt;

- Báo cáo xin ý kiến của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu lại ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt: chấm dứt kiểm soát đặc biệt để thực hiện sáp nhập, hợp nhất, giải thể, phá sản.

22- Thông tin về cơ cấu lại, xử lý nợ xấu ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân được xếp hạng yếu kém theo quy định của pháp luật chưa công khai, gồm:

a) Thông tin, tài liệu về phương án, giải pháp cơ cấu lại, xử lý nợ xấu ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân được xếp hạng yếu kém;

b) Văn bản của các đơn vị thuộc NHNN về việc xem xét, phê duyệt phương án, giải pháp cơ cấu lại, xử lý nợ xấu;

c) Văn bản của NHNN về việc phê duyệt phương án, giải pháp cơ cấu lại, xử lý nợ xấu: tờ trình, văn bản báo cáo Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương, phê duyệt phương án, giải pháp cơ cấu lại, xử lý nợ xấu.

23- Đề án cơ cấu lại, xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng chưa công khai; văn bản của NHNN xin ý kiến các bộ, ngành và ý kiến của các bộ, ngành đối với nội dung Đề án cơ cấu lại, xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng: văn bản của NHNN trình, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cấp có thẩm quyền về nội dung Đề án cơ cấu lại, xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng.

24- Số tiền, thời hạn tổ chức tín dụng đề nghị vay đặc biệt, đề nghị gia hạn vay đặc biệt chưa công khai: số tiền, thời hạn tổ chức tín dụng vay đặc biệt, gia hạn vay đặc biệt chưa công khai.

25- Thông tin giao dịch đáng ngờ do NHNN chuyển cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về phòng, chống rửa tiền: phòng, chống tài trợ khủng bố về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Quyết định 2182/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành từ ngày 21/12/2020. Thống đốc NHNN chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành Quyết định; Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO