Đầu tư công là động lực tăng trưởng trong quý IV/2021

Bùi Trang| 31/10/2021 07:29
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Báo cáo Triển vọng kinh tế vĩ mô quý IV/2021 của Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KVBS) nhận định đầu tư công là động lực tăng trưởng chính của quý IV/2021 cùng với sự hỗ trợ từ xuất khẩu, vốn FDI.

 

Đợt giãn cách xã hội do làn sóng COVID-19 lần thứ 4 đã gây ra những tác động sâu, rộng, và toàn diện đến hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, tăng trưởng GDP quý III ghi nhận sự sụt giảm nghiêm trọng, kéo theo tăng trưởng 9 tháng ở mức thấp nhất lịch sử thống kê. Tính riêng cho quý III, GDP sụt giảm -6,17% so với cùng kỳ, phản ánh mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch lần thứ 4 đến hàng loạt các lĩnh vực như nông nghiệp, tiêu dùng nội địa và hoạt động xuất nhập khẩu.

Trong 9 tháng, tiêu dùng tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiếp tục diễn biến xấu đi trong quý III đạt 915,7 nghìn tỷ đồng, giảm 22,24% so với quý trước và giảm 28,3% so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng bởi các biện pháp giãn cách xã hội có thời gian áp dụng dài hơn và với mức độ nghiêm ngặt hơn.

Đầu tư toàn xã hội suy giảm đáng kể. Vốn đầu tư toàn xã hội 9 tháng đầu năm đạt 1.868 tỷ đồng, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước, với sự đóng góp chủ yếu đến từ khối tư nhân, trong khi khu vực nhà nước và FID đều suy giảm đáng kể.

Dù vậy, với việc tốc độ tiêm chủng vắc xin được đẩy nhanh tại các thành phố lớn, dịch bệnh dần được kiểm soát vào thời điểm cuối quý III, các quy định giãn cách xã hội được nới lỏng, triển vọng kinh tế phục hồi trong quý IV được đánh giá cao.

Dự báo về kinh tế vĩ mô, KBSV cho rằng trong cả năm 2021, tăng trưởng GDP của Việt Nam được điều chỉnh giảm xuống 2,5% trong kịch bản cơ sở dịch bệnh không bùng phát trở lại, các quy định giãn cách xã hội không bị thắt chặt trong bối cảnh tốc độ triển khai tiêm vắc xin tại các thành phố lớn được đẩy nhanh, so với mức dự báo 5,8% trước đó.

CPI bình quân giảm về mức 3% cho cả năm 2021, nằm trong mục tiêu lạm phát 4% mà Chính phủ đề ra, phản ánh nhu cầu tiêu thụ trong nước suy yếu do tác động của đợt dịch kéo dài, kết hợp với việc đà tăng của giá hàng hoá chững lại và có sự phân hóa sau giai đoạn tăng mạnh từ đầu năm đến giữa quý II, trong khi giá thịt lợn hơi tiếp tục giảm sâu.

Chính sách tiền tệ nới lỏng thận trọng của Ngân hàng Nhà nước xuyên suốt từ thời điểm dịch mới bùng phát cho đến nay nhiều khả năng sẽ tiếp tục được duy trì trong quý IV, trong bối cảnh áp lực lạm phát trong năm 2022 là hiện hữu. Mặt bằng lãi suất cho vay đi ngang hoặc giảm nhẹ, trong khi lãi suất huy động sẽ đi ngang. Tỷ giá USD/VND dự báo tăng nhẹ với nguồn cung USD ổn định.

Với những yếu tố vĩ mô như vậy, động lực tăng trưởng chính trong quý IV sẽ đến từ việc Chính phủ đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, bên cạnh sự phục hồi của hoạt động xuất khẩu, thu hút vốn FDI, tiêu dùng nội địa và sản xuất dù chưa thể khôi phục lại hoàn toàn như mức trước đại dịch do tác động kéo dài của các đợt giãn cách xã hội trong quý III.

Sự ổn định vĩ mô vẫn tiếp tục được chú trọng và duy trì trong giai đoạn tới. KBSV nhận định lạm phát 2021 sẽ đạt mục tiêu của Chính phủ, dù áp lực cho năm 2022 sẽ dần xuất hiện, trong khi tỷ giá có thể tăng nhẹ trong biên độ cho phép trước diễn biến mạnh lên của đồng USD.

Bên cạnh đó là sự hỗ trợ của xuất khẩu và khu vực FDI. Trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 240,5 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước. Điểm sáng của bức tranh xuất nhập khẩu là từ cuối tháng 8 cán cân thương mại của Việt Nam đã thặng dư trở lại sau nhiều tháng thâm hụt. Số liệu từ Tổng Cục Hải quan cũng cho thấy hầu hết các mặt hàng xuất khẩu truyền thống đến các đối tác thương mại lớn đều ghi nhận tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2020.

Động lực thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong quý IV đến từ  việc các nền kinh tế lớn mở cửa trở lại kéo theo đó là sự gia tăng nhu cầu nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ. Doanh nghiệp xuất khẩu trong nước đang dần nắm bắt được các lợi thế cạnh tranh khi được hưởng lợi từ các mức thuế quan ưu đãi từ các hiệp định thương mại. Giá hàng hoá xuất khẩu, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như sắt thép, nông lâm thuỷ sản, gạo… đang có xu hướng tăng. Các lĩnh vực sản xuất phục hồi khi các quy định giãn cách xã hội được nới lỏng khi dịch bệnh dần được kiểm soát.

Về FDI, trong quý III, giải ngân vốn FDI đạt hơn 4 triệu USD, giảm 21,4% so với quý trước, giảm 20,9% so với cùng kỳ năm trước phản ánh niềm tin của nhà đầu tư suy giảm nghiêm trọng. Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho biết 20% doanh nghiệp FDI châu Âu đã chuyển dịch tạm thời một phần nhu cầu sản xuất/đơn hàng sang cho các nước khác, tuy nhiên chưa doanh nghiệp nào rời khỏi Việt Nam. Dù vậy, xét trong 9 tháng, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn FDI đăng kí mới vẫn duy trì tăng trưởng 20,6% so với cùng kỳ năm trước.

Với kịch bản dịch bệnh được kiểm soát tốt, niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài sẽ dần được khôi phục khi Việt Nam vẫn đang là điểm đến lý tưởng nhờ các yếu tố thuận lợi nhờ số lượng lớn các hiệp định FDA đã ký kết, vị trí địa lý lý tưởng, cơ cấu dân số trẻ, cùng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đầu tư công là động lực tăng trưởng trong quý IV/2021
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO