Ở góc độ vĩ mô, hoạt động đầu tư công có tác động tích cực đến tín dụng và tăng trưởng tín dụng của các Ngân hàng thương mại.
Đầu tư công là hoạt động đầu tư của Nhà nước vào các chương trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và đầu tư vào các chương trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Ở góc độ vĩ mô, hoạt động này có tác động tích cực đến tín dụng và tăng trưởng tín dụng của các Ngân hàng thương mại trên 2 phương diện chính sau:
Thứ nhất, tín dụng ngân hàng đáp ứng nhu cầu vốn cho việc triển khai thực hiện các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các chương trình phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời trong quá trình này, khi các dự án đầu tư công được thực hiện, sẽ kéo theo nhiều ngành lĩnh vực, sản xuất, thương mại và dịch vụ có liên quan phát triển, yếu tố này cũng làm gia tăng nhu cầu vốn và kích thích tăng trưởng tín dụng. Đây là tác động tích cực nhất đối với tăng trưởng tín dụng nhìn ở góc độ môi trường kinh tế xã hội, đặt trong mối liên hệ hệ quả: Ngân hàng – khách hàng và nền kinh tế. Thực tế các dự án, công trình lớn như hạ tầng giao thông, đường sá và xây dựng sân bay; các dự án năng lượng và quốc kế dân sinh; điện, đường, trường, trạm.. đều là các dự án có sự tham gia của vốn tín dụng ngân hàng đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tác động tích cực ngược trở lại đối với tăng trưởng tín dụng.
Thứ hai, tạo sự tuần hoàn và lưu chuyển vốn trong nền kinh tế thuận lợi. Đây không chỉ là yếu tố quan trọng tháo gỡ điểm nghẽn trong đầu tư công mà còn kích thích và tăng khả năng hấp thụ vốn trong nền kinh tế. Ý nghĩa này xuất phát từ chính hiệu ứng “lan tỏa” của đầu tư công, của việc thực hiện các dự án phát triển hạ tầng, kéo theo nhiều ngành lĩnh vực có liên quan phát triển. Từ đó dòng tiền được tạo lập, chu chuyển vốn thuận lợi, là yếu tố rất quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, nhờ khả năng hấp thụ vốn từ nền kinh tế tăng, sản xuất kinh doanh phát triển, dòng vốn tín dụng “chảy đều”.
Ở góc độ vĩ mô, đây là 2 tác động tích cực đối với tăng trưởng tín dụng, đồng thời cũng phản ánh vai trò của tín dụng ngân hàng trong phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện các dự án đầu tư công. Theo đó, để phát huy vai trò này, các tổ chức tín dụng cần tiếp tục tập trung thực hiện tốt các giải pháp tín dụng và hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, với tinh thần “tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong tiếp cận vốn; doanh nghiệp đã tốt rồi, hỗ trợ để doanh nghiệp tốt hơn”. Từ đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh mở rộng và phát triển. Đặc biệt là duy trì được “dòng tiền”, duy trì được xu hướng phát triển để tăng khả năng hấp thụ vốn từ nền kinh tế, đảm bảo tăng trưởng và phát triển bền vững, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn thách thức.