Thứ Ba, 22/4/2025
Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Trong bối cảnh xuất khẩu bị tác động khi Mỹ áp thuế đối ứng lên tới 46% với hàng hoá Việt Nam, ông Trần Văn Phước, Quyền Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 15 cho rằng, động lực tăng trưởng kinh tế năm 2025 sẽ đến từ nội địa và đầu tư công. Theo đó, định hướng tăng trưởng tín dụng hơn 16% năm nay của Ngân hàng Nhà nước vẫn có thể thực hiện được.
Thực tế, ngành Ngân hàng kỳ vọng hoàn toàn có thể đạt được, nhờ sự tích cực của nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn vay ngay từ đầu năm ở các lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng, xuất khẩu và đầu tư công.
Theo dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 15, tính đến ngày 20/3/2025, dư nợ tín dụng khu vực 15 tăng 1,1% so với cuối năm 2023. Dòng chảy tín dụng của ngân hàng tập trung đẩy mạnh cho vay mạnh hơn nữa những lĩnh vực khu vực 15 có thế mạnh, như sản xuất kinh doanh, kinh tế nông nghiệp, thủy hải sản, dịch vụ tiêu dùng và du lịch…
Đáng chú ý, bước sang vụ lúa thứ 2 thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tỉnh Kiên Giang thu hút nhiều hợp tác xã tham gia. Nhận thức của nông dân về sản xuất xanh, sản xuất sạch ngày càng được nâng lên. Quy trình canh tác giảm phát thải giúp nông dân tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất, góp phần tăng lợi nhuận. Ước chi phí sản xuất giảm khoảng 3,5 triệu đồng/ha, năng suất lúa bình quân 11,2 tấn/ha.
Tín hiệu tích cực từ vụ đầu tiên khi nhận được tiền từ bán tín chỉ carbon thu hút sự quan tâm của nông dân. Trồng lúa chất lượng cao, phát thải thấp, nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận và có thêm nguồn thu từ bán tín chỉ carbon.
Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp và Cà Mau tiếp tục tập trung vào các giải pháp tiết giảm chi phí, ứng dụng công nghệ, đơn giản hóa thủ tục để giảm lãi suất cho vay. Mục tiêu là hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn, qua đó thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng kinh tế.
Từ ngày 25/2, KienlongBank thực hiện 2 đợt điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Bà Lê Thụy Thủy Tiên, Giám đốc KienlongBank khu vực 1, Giám đốc KienlongBank chi nhánh Rạch Giá cho biết, đối với tiền gửi tiết kiệm tại quầy, ngân hàng điều chỉnh giảm với biên độ từ 0,2 - 0,3%/tùy theo kỳ hạn, áp dụng cho các khoản tiền gửi từ 13 - 60 tháng. Với các khoản tiền gửi tiết kiệm trực tuyến, lãi suất huy động cũng giảm từ 0,2 - 1%/tùy theo kỳ hạn, áp dụng cho các khoản tiền gửi từ 1 - 60 tháng
Tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Kiên Giang, mặt bằng lãi suất huy động cũng như cho vay luôn được duy trì ổn định ở nền thấp để hỗ trợ doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Đức, Phó Giám đốc BIDV chi nhánh Kiên Giang, cho biết, lãi suất huy động các kỳ hạn từ 1 - 24 tháng tại chi nhánh từ đầu năm 2025 đến nay dao động từ 1,7 - 4,8%/năm. BIDV chi nhánh Kiên Giang tiếp tục cam kết sẽ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh… với mức lãi suất cho vay từ 4,5 - 7%/năm, tùy kỳ hạn.
Ông Trần Văn Phước, Quyền Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 15 chia sẻ, mặt bằng lãi suất tiền gửi tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn duy trì ổn định. Đến cuối tháng 3/2025, lãi suất huy động VND kỳ hạn dưới 6 tháng tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn phổ biến từ 1,7 - 2,2%/năm, từ 6 tháng trở lên phổ biến từ 3,0 - 5,2%/năm.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân, các chi nhánh tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, nhất là các khoản dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới nên mặt bằng lãi suất cho vay năm 2025 tiếp tục có xu hướng giảm, nhất là các giao dịch phát sinh mới, mức giảm từ 0,8 - 1,5%/năm/tùy theo đối tượng khách hàng, với một số gói tín dụng cụ thể có mức lãi suất giảm cao hơn.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giảm lãi suất cho vay nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 8% trở lên, ngày 25/2/2025, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có Công văn số 1328/NHNN-CSTT yêu cầu các tổ chức tín dụng nghiêm túc triển khai các biện pháp nhằm ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi, phấn đấu giảm lãi suất cho vay, góp phần hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực 15 yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về việc triển khai các giải pháp ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi, giảm lãi suất cho vay; tiết giảm chi phí hoạt động, đơn giản hóa thủ tục để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu và các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo...