(thitruongtaichinhtiente.vn) - Sau 2 năm thực thi EVFTA, xuất khẩu từ Việt Nam sang châu Âu tăng mạnh, tuy nhiên đầu tư từ châu Âu vào Việt Nam vẫn chưa có cải thiện đáng kể.
|
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Đây là một trong những Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới được Việt Nam ký kết, thực hiện với phạm vi cam kết rộng và tiến độ thực hiện nhanh, tỷ lệ tự do hoá thuế quan về cơ bản đạt trên 90%, thực hiện trong vòng 7 năm.
Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, sau 2 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng.
Tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU hai năm đầu thực thi (8/2020-7/2022) đạt 83,4 tỷ USD, trung bình 41,7 tỷ USD/năm, cao hơn tới 24% so với kim ngạch xuất khẩu trung bình năm giai đoạn 2016-2019 trước đó.
Tỷ lệ hàng xuất khẩu tận dụng ưu đãi thuế quan EVFTA năm 2020 đạt 14,8%, tăng lên 20,2% năm 2021 và 24,5% trong 6 tháng đầu năm 2022.
Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng sang thị trường EU (như sắt thép tăng 739%; máy ảnh, máy quay phim, linh kiện tăng 260%; máy móc và thiết bị tăng 82,3%...).
Một số mặt hàng mới cũng có tăng trưởng cao như nhóm gạo, sản phẩm mây tre, cói thảm (tăng trên 50%); các sản phẩm gốm, sứ (tăng trên 25%); nhóm rau quả, dây diện và dây cáp điện (tăng trên 15%)...
Một điểm sáng là, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU hiện nay không chỉ tăng đơn thuần về mặt số lượng mà đã có chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu nông sản sang một số nhóm mà có giá trị gia tăng cao hơn. Đơn cử, mặt hàng gạo xuất khẩu sang thị trường EU có giá trung bình cao hơn khoảng gấp đôi so với giá xuất khẩu sang các thị trường khác.
Ngoài ra, những mặt hàng chế biến, chế tạo cũng có những bước tăng trưởng tương đối khá, trong đó nhóm hàng máy móc, thiết bị tăng trưởng trên 20%; một số ngành cũng đã tận dụng tốt cơ hội, trong đó một số mặt hàng chủ lực có tỷ lệ sử dụng chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O cao như dệt may tăng 15,7%...
Theo Bộ Công Thương, mặc dù đã tăng tích cực, xuất khẩu từ Việt Nam sang EU vẫn còn dư địa, khi thị phần hàng Việt Nam mới chiếm 1% nhập khẩu của EU. Ngoài ra, Việt Nam có nhiều sản phẩm quả nhiệt đới thế mạnh, như ổi, xoài, măng cụt, sầu riêng, chuối, dưa hấu, dừa; mặt hàng chủ lực tôm sú, tôm chân trắng đông lạnh, cá ngừ; các mặt hàng có lợi thế thuế ưu đãi, như mực, bạch tuộc, hàu, sò điệp, bào ngư…
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho thấy, vẫn còn các trường hợp chưa hưởng ưu đãi thuế, lý do phổ biến là không đáp ứng quy tắc xuất xứ yêu cầu (20-33% doanh nghiệp) hoặc do đã hưởng ưu đãi thuế khác như GSP hay thuế MFN thấp (18-31%). Vì vậy, doanh nghiệp được khuyến nghị cần chủ động đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ, tạo ra những sản phẩm hàng hoá có chất lượng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường EU.
Về phía EU, Báo cáo Chỉ số môi trường kinh doanh BCI do Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) vừa công bố cho thấy, niềm tin của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đã tăng trở lại ở mức cao nhất kể từ khi đợt dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát vào tháng 4 năm ngoái.
Cụ thể, 72% các nhà lãnh đạo xuất khẩu châu Âu tại Việt Nam được hỏi cho biết, có hiểu biết cụ thể về cam kết cũng như tác động của Hiệp định EVFTA; gần một nửa tin rằng Hiệp định có liên quan đến hoạt động kinh doanh của xuất khẩu của họ; hơn 2/3 xuất khẩu bày tỏ tin tưởng vào khả năng quan hệ kinh tế phát triển mạnh trong thời gian tới nhờ Hiệp định EVFTA.
Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), VCCI cho biết, FDI của EU vào Việt Nam năm 2020 đạt gần 1.376 triệu USD vốn đăng ký, giảm 8,6% so với 2019, đứng thứ 8 và chiếm 4,8% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Năm 2021, tình hình có cải thiện hơn, với tổng vốn hơn 1.405 triệu USD, tăng 2,2%, giúp EU vươn lên đứng thứ 5 nhưng tỷ trọng trong tổng FDI giảm nhẹ, chiếm 4,5%.
Đặc biệt, tổng vốn đầu tư bình quân năm 2 giai đoạn 2017-2021 (giai đoạn sau khi EVFTA hoàn tất đàm phán) tăng 86% so với thời gian 2015-2016 liền trước đó. Năm 2021, một số quốc gia thuộc EU đã gia tăng mạnh mẽ đầu tư vào Việt Nam như: Hà Lan (tăng gần 26%), Đan Mạch (240%), Thụy Điển (63%), Cộng hòa Ai-len (235%) và Bỉ (284%).
EU đã đầu tư vào hầu hết các ngành tại Việt Nam (18/21 ngành), trong đó tập trung ở công nghiệp chế biến, chế tạo (chủ yếu ở các ngành như lọc hóa dầu, dệt may, điện tử, chế biến thực phẩm và phương tiện vận tải); sản xuất, phân phối điện, khí; bất động sản; thông tin và truyển thông.
Mặc dù đã tăng tích cực nhưng có thể thấy, đầu tư EU vào Việt Nam mới chiếm một tỷ trọng rất khiêm tốn trong tổng đầu tư ra nước ngoài của EU (0,35% năm 2021), Việt Nam cần thực thi nhiều chính sách cụ thể hơn để thu hút đầu tư của khu vực này.