(thitruongtaichinhtiente.vn) - Tổng cục Du lịch phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch và các đơn vị liên quan tổ chức nhiều chương trình xúc tiến quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam tại Hội chợ du lịch thế giới (WTM) 2022 London (Anh).
Tạo điều kiện cho khách quốc tế đến Việt Nam
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết: “Những năm trước đại dịch COVID-19, du lịch Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về lượng khách quốc tế đến và tổng thu từ du lịch. Theo đánh giá của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), Việt Nam là một trong những nước có du lịch phát triển nhanh nhất thế giới với tỉ lệ tăng trưởng bình quân về lượng khách quốc tế giai đoạn 2015 - 2019 đạt gần 23%. Trong đó châu Âu là một trong những thị trường trọng điểm quan trọng nhất của du lịch Việt Nam. Năm 2019, trước khi dịch COVID-19 xuất hiện, đã có trên 2 triệu lượt khách từ châu Âu, chiếm 12% trong tổng số 18 triệu khách quốc tế đi du lịch Việt Nam”.
Trao đổi, hợp tác tại Hội chợ du lịch thế giới (WTM) 2022 London (Anh). |
Bên cạnh những điểm đến hấp dẫn quen thuộc của Việt Nam như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hạ Long, Hội An..., nhiều điểm đến và sản phẩm thú vị khác đang đón chờ khách du lịch quốc tế đến khám phá. Nổi bật trong đó là hang Sơn Đoòng (Quảng Bình) - một trong những hang động thiên nhiên lớn nhất thế giới; những bãi biển đẹp ở Phú Quốc; các làng nghề truyền thống; những món ăn đặc sắc của Việt Nam như: bún chả, phở, nem rán...
Đặc biệt, theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), chỉ số năng lực phát triển du lịch năm 2021 của Việt Nam đã tăng 8 bậc so với năm 2019, xếp thứ 52, nằm trong số 3 quốc gia có mức độ cải thiện cao nhất thế giới.
Những năm qua, Việt Nam đã được Tổ chức Giải thưởng thế giới (World Travel Awards) vinh danh là điểm đến hàng đầu khu vực và thế giới về thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực, di sản, điểm đến golf, cũng như về phát triển bền vững.
Trong hơn 10 tháng đầu năm 2022, tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt trên 2,4 triệu lượt. Các thị trường khách quốc tế lớn nhất gồm: Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore.
Nhu cầu tìm kiếm về du lịch Việt Nam tiếp tục tăng cao. Lượng tìm kiếm trong tháng 10/2022 cao hơn 20% so với tháng 9/2022 và cao hơn gấp 11 lần so với tháng 3/2022. Các điểm đến được du khách tìm kiếm nhiều nhất là: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Lạt, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc, Phan Thiết, Huế... Top 10 quốc gia tìm kiếm nhiều nhất về du lịch Việt Nam gồm: Mỹ, Úc, Singapore, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Malaysia, Thái Lan, Đức.
Sau khi mở cửa trở lại, Chính phủ Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch, trong đó miễn visa cho 24 quốc gia và vùng lãnh thổ; khôi phục lại quy trình và thủ tục xuất nhập cảnh như trước dịch COVID-19; áp dụng visa điện tử cho 80 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Việt Nam là một trong những quốc gia Đông Nam Á đầu tiên mở cửa du lịch sớm nhất và không có rào cản hạn chế du khách. Những điều này cho thấy du lịch Việt Nam đã có những bước chuẩn bị tốt và đảm bảo các dịch vụ du lịch phục vụ du khách, đặc biệt khi nhu cầu của du khách có những sự thay đổi sau dịch.
Việt Nam là điểm đến an toàn
Về việc truyền cảm hứng, tạo động lực cho khách khi du lịch đã mở cửa trở lại, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết, điều quan trọng nhất là Du lịch Việt Nam luôn đặt mục tiêu đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh, luôn sẵn sàng và có các phương án đảm bảo khách đi du lịch được an toàn trước dịch bệnh.
Các điểm đến của Việt Nam đã chuẩn bị để mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách, bao gồm làm mới sản phẩm, tạo sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu đã thay đổi do tác động của dịch bệnh; chuẩn bị nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng dịch vụ; tạo điều kiện thuận lợi đi lại cho khách; tạo thuận lợi trong kết nối hàng không và cuối cùng là gửi thông điệp về sự sẵn sàng của điểm đến.
Trao giải thưởng cho du khách khi tham gia chương trình quảng bá du lịch Việt Nam tại Anh. |
Việc Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch Việt Nam tham dự WTM London 2022 đã khẳng định, du lịch Việt Nam sẵn sàng đón tiếp khách du lịch khắp nơi trên thế giới và muốn truyền tải thông điệp mời gọi du khách quốc tế hãy đến và có trải nghiệm trọn vẹn ở Việt Nam.
Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, sự cạnh tranh chính là thách thức lớn nhất giữa các điểm đến trong tương lai. Chính vì thế, các điểm đến phải đổi mới để phù hợp với nhu cầu thị trường đã thay đổi. Ngoài ra, các yếu tố như tâm lý e ngại sau dịch bệnh, xung đột, kinh tế phát triển chậm… có thể làm giảm nhu cầu du lịch, dẫn đến cạnh tranh để thu hút khách ngày càng tăng lên.
Nhận định phát triển bền vững sẽ là xu hướng tất yếu trong thời kỳ mới, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, du lịch là ngành nhạy cảm, dễ bị ảnh hưởng bởi các tác nhân như dịch bệnh, thiên tai. Vì vậy, càng phải chú trọng đến tính bền vững. Tổng cục trưởng lưu ý, sau tác động của dịch COVID-19, quan điểm “bền vững” được mở rộng hơn, không chỉ dừng lại việc chú trọng phát triển cân bằng, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên, mà còn là ứng phó nhanh, linh hoạt với khủng hoảng. Các điểm đến và các doanh nghiệp du lịch sẽ lựa chọn các giải pháp phát triển bền vững để nâng cao năng lực đối phó với những khủng hoảng có thể xảy ra trong tương lai.
“Để thúc đẩy phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam, Tổng cục Du lịch sẽ hỗ trợ các địa phương phát triển “mỗi địa phương một sản phẩm du lịch độc đáo” để thu hút khách du lịch tới tất cả các điểm đến trên cả nước, tạo sự cân bằng ở các điểm đến”, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết.
Còn ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam khẳng định, Châu Âu là thị trường khách có khả năng chi tiêu cao, du khách thường lập kế hoạch đi du lịch dài hạn. Do đó, bên cạnh việc quảng bá qua mạng thì việc tiếp xúc, trao đổi trực tiếp giữa các doanh nghiệp du lịch theo hình thức B2B sẽ giới thiệu cụ thể sản phẩm du lịch mới của Việt Nam, điểm đến an toàn và tạo đà cho việc đón khách dịp cuối năm 2022 và đặc biệt là năm 2023.