Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển” vừa diễn ra sáng nay (15/3/2023) tại Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị.
Hội nghị diễn ra sau đúng một năm Việt Nam chính thức mở cửa du lịch trở lại (15/3/2022) sau thời gian dài chịu tác động bởi dịch COVID-19.
Cùng dự hội nghị có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, lãnh đạo các bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố và các hiệp hội, doanh nghiệp về du lịch, các hãng hàng không.
Việc Việt Nam mở cửa du lịch trở lại từ ngày 15/3/2022 được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) nhận định là một trong những nước có chính sách mở cửa cởi mở trên thế giới.
Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2022 đạt gần 3,7 triệu lượt người, tổng thu từ khách du lịch đạt 495 nghìn tỷ đồng (vượt trên 23% so với kế hoạch năm 2022).
Chỉ số về năng lực phát triển du lịch của Việt Nam tăng 8 bậc so với năm 2019, xếp hạng 52/117 nền kinh tế. Với 6/17 chỉ số trụ cột được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới, du lịch Việt Nam là một trong ba nước có mức tăng trưởng cao nhất.
Tuy vậy, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa đạt được như kỳ vọng, vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn cần khắc phục.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đại dịch COVID-19 đã gây thiệt hại nặng nề đối với các ngành kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch. Song dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, chúng ta đã vượt qua đại dịch. Đảng, Nhà nước đã hết sức quan tâm, nắm bắt tình hình để đưa ra các giải pháp, đối sách phù hợp.
Nhìn lại những năm phòng, chống dịch vừa qua, ngành du lịch bị thiệt hại nặng nề. Mặc dù là nước đông dân, đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, song Việt Nam là nước chống dịch và kiểm soát dịch bệnh tốt, mở cửa sớm. Tuy nhiên, so các nước trong khu vực, năm 2022, chúng ta chưa đạt mục tiêu thu hút khách du lịch.
Do đó, Hội nghị này được tổ chức nhằm nhìn lại việc phát triển ngành du lịch thời gian qua, đánh giá những việc đã làm được, chưa làm được, trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam, đưa ra nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới để vượt qua những khó khăn, biến nguy thành cơ, tận dụng những kinh nghiệm, thời cơ đã có, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước và của ngành du lịch so các nước trong khu vực và thế giới để phát triển nhanh và bền vững.
Thủ tướng đặt ra các câu hỏi, bên cạnh những nguyên nhân khách quan như đại dịch COVID-19, xung đột Nga - Ukraine, những khó khăn mà cả thế giới phải đối mặt, thì đâu là nguyên nhân chủ quan khi mà du lịch Việt Nam mở cửa sớm nhưng lại "đi trước về chậm"? Tại sao tỷ lệ khách du lịch quốc tế trở lại Việt Nam còn thấp? Các giải pháp đúng và trúng chưa? Tại sao vẫn có tình trạng manh mún trong du lịch? Chúng ta đã làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến du lịch chưa? Vì sao thông tin cho khách du lịch còn thiếu, yếu mặc dù đã thúc đẩy kinh tế số, chuyển đổi số?
Ngành du lịch khép lại năm 2022 với hơn 100 triệu lượt khách du lịch nội địa
Báo cáo tình hình ngành du lịch, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, thời điểm tổ chức hội nghị hôm nay đúng tròn 1 năm Thủ tướng Chính phủ cho phép mở lại thị trường du lịch quốc tế, cùng với việc đẩy nhanh phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới. Ngành du lịch của Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để vượt qua khó khăn và bước đầu đạt được những kết quả, biểu hiện trên một số lĩnh vực sau:
Tập trung nghiên cứu để tháo gỡ các điểm nghẽn khó khăn về cơ chế, chính sách nhằm tại điều kiện thuận lợi để thu hút khách du lịch của quốc tế vào Việt Nam, đồng thời đề cao vao trò của du lịch nội địa, coi du lịch nội địa là bệ đỡ trong bối cảnh từng bước tiếp cận với thị trường khách quốc tế.
Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan hữu quan khôi phục chính sách miễn thị thực và xuất nhập cảnh như trước khi chưa có dịch.
Ngoài tháo gỡ về cơ chế, tiếp tục thực hiện các chính sách hướng tới giúp đỡ các doanh nghiệp du lịch trong vấn đề tiếp cận vốn, chính sách hỗ trợ cho hướng dẫn viên du lịch và các chính sách khác về tiền điện, nước, tiền thuê đất đai trong các cơ sở lưu trú nhằm tạo điều kiện để chia sẻ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp.
Đẩy mạnh hơn về công tác thông tin, truyền thông trong việc xúc tiến, quảng bá, tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch để thúc đẩy du lịch phục hồi nhanh.
Các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội du lịch tổ chức nhiều sự kiện để phát động, công bố mở cửa du lịch trong điều kiện bình thường mới.
Bộ cũng đã ban hành chiến lược maketing về phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 để tổ chức thực hiện, tổ chức các chương trình truyền thông du lịch trên nền tảng số với khẩu hiệu "Việt Nam - Đi để yêu" bằng hai ngôn ngữ Tiếng Anh và tiếng Việt. Lồng ghép, triển khai các hoạt động xúc tiến du lịch với các sự kiện quan trọng có quy mô khu vực và quốc tế nhất là gần đây chúng ta đã tổ chức diễn đàn du lịch ASEAN.
Ngành Du lịch đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội du lịch tổ chức nhiều sự kiện nhằm phát động, công bố mở cửa du lịch trong điều kiện bình thường mới và truyền thông thông điệp "Sống trọn vẹn tại Việt Nam" trong giai đoạn mở cửa thị trường:
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ban hành Chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030.
Lồng ghép triển khai các hoạt động, xúc tiến quảng bá du lịch gắn với các sự kiện quan trọng, quy mô khu vực và quốc tế, gần đây nhất là Diễn đàn Du lịch ASEAN và Hội chợ Travex tại Indonesia, Hội chợ ITB Berlin 2023 tại Đức, với 700 biên bản ghi nhớ và cuộc đàm phán giữa những cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, các công ty lữ hành với bạn bè quốc tế để cam kết và đưa khách quốc tế vào Việt Nam.
Nhiều hoạt động liên kết, quảng bá du lịch được nhiều địa phương tổ chức như: Hà Nội tổ chức Diễn đàn du lịch MICE, TP. Hồ Chí Minh tổ chức Lễ hội Âm nhạc quốc tế, Lễ hội Áo dài với chủ đề "Tôi yêu áo dài Việt Nam", Đà Nẵng triển khai chương trình kích cầu du lịch với thông điệp "Tận hưởng Đà Nẵng", Hội nghị xúc tiến du lịch Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh năm 2023…
Các hãng hàng không đã mở thêm nhiều đường bay quốc tế mới kết nối với các thị trường nguồn của du lịch Việt Nam như Ấn Độ, Frankfurt (Đức), London (Anh), San Francisco (Mỹ)….
Điểm sáng nữa là chuyển đổi số: Hệ sinh thái du lịch thông minh từng bước được hình thành trên nền tảng hệ thống cơ sở dữ liệu Du lịch Việt Nam; nền tảng Quản trị và kinh doanh du lịch; nền tảng đa dịch vụ Du lịch Việt Nam-Vietnam Travel; thẻ Việt-Thẻ du lịch thông minh và nhiều sản phẩm công nghệ khác hỗ trợ công tác quản lý và kinh doanh du lịch.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã làm việc với Bộ Công an để kết nối dữ liệu trên cơ sở đề án 06; chia sẻ dữ liệu để phát triển ngành du lịch trên nền tảng dữ liệu dân cư, căn cước công dân và định danh điện tử để thống kê chính xác về khách du lịch quốc tế, khách nội địa, khách lưu trú, khách thăm quan điểm đến…làm cơ sở hoạch định các chính sách về phát triển du lịch.
Chính nhờ các giải pháp nêu trên, toàn ngành du lịch dưới sự lãnh đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, khép lại năm 2022 đã hoàn thành được chỉ tiêu về khách du lịch nội địa đạt 101,3 triệu lượt, vượt chỉ tiêu phục vụ 60 triệu lượt đặt ra từ đầu năm, tiếp tục khẳng định du lịch nội địa đã làm bệ đỡ cho du lịch quốc tế, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495.000 tỷ đồng, góp phần vào tăng trưởng của đất nước. Khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3,6 triệu lượt, bằng 70% so với chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm.
Trong 2 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 1,8 triệu lượt, bằng 50% so với lượng khách cả năm 2022; khách nội địa đạt 20 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 85,6 nghìn tỷ đồng.
Những hạn chế, tồn tại của du lịch Việt Nam
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, tồn tại của du lịch Việt Nam. Thứ nhất, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa đạt được như kỳ vọng mặc dù ngành Du lịch đã rất nỗ lực chuẩn bị cho việc mở cửa lại thị trường du lịch quốc tế.
Một số nguyên nhân chính gồm: Các doanh nghiệp du lịch Việt Nam vẫn còn phụ thuộc vào thị trường truyền thống, trong khi đó, các thị trường này chưa mở cửa do tác động của COVID-19. Việc kết nối, khai thác các thị trường mới, thị trường tiềm năng chưa chủ động, còn chậm. Việc triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá, cung cấp thông tin về du lịch Việt Nam ra quốc tế chưa được thực hiện kịp thời, thường xuyên, liên tục.
Thứ hai, chính sách visa đã có nhiều đổi mới, tiến bộ song so với các quốc gia khác thì vẫn còn khiêm tốn.
Thứ ba, sản phẩm du lịch chưa bắt kịp với xu thế hiện nay của thế giới, chưa phát huy được lợi thế về tài nguyên thiên nhiên nhất là tài nguyên văn hoá. Việc phát triển các loại hình sản phẩm du lịch có lợi thế ở Việt Nam chưa được quan tâm, mới tiếp cận theo cái chúng ta có mà chưa tiếp cận theo cái du khách cần, vì vậy ít nhiều ảnh hưởng đến thu hút khách.
Thứ tư, nguồn nhân lực làm du lịch thiếu do trong thời gian dịch bệnh đã chuyển ngành, đặc biệt thiếu hụt lao động có chuyên môn và kinh nghiệm.
Thứ năm, hiệu quả liên kết giữa các vùng, các địa phương, các ngành còn thấp, nhiều hoạt động liên kết còn hình thức. Sản phẩm du lịch chưa thực sự đa dạng, hấp dẫn đối với một số thị trường khách du lịch trong bối cảnh mới.
Để đưa du lịch Việt Nam tiếp tục phát triển, ngành du lịch đặt ra các mục tiêu năm 2023: khách du lịch quốc tế đạt 8 triệu lượt; khách du lịch nội địa 102 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch khoảng 650.000 tỷ đồng.
Về các giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, cần chú trọng thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Nghị quyết số 103/NQ-CP của Chính phủ, các Nghị quyết chuyên đề của Trung ương về phát triển vùng, trong đó, tập trung:
Định vị vị thế và thế mạnh du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới trên cơ sở bảo tồn, phát huy giá trị tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên lịch sử văn hoá, bao gồm các lĩnh vực: Du lịch văn hoá, lịch sử; du lịch thiên nhiên, du lịch nghỉ dưỡng; du lịch thể thao và các lĩnh vực khác phù hợp với thị hiếu và đặc điểm của các thị trường khách du lịch mục tiêu cũng như xác định cụ thể phạm vi và quy mô, thực hiện chiến lược phát triển phù hợp với các thị trường tiềm năng.
Cơ cấu lại thị trường du lịch; nhất là tính toán lại thị trường khách, phân tích và dự báo trên cơ sở kế thừa thị trường khách truyền thống, tiếp cận theo hướng thị trường khách tiềm năng, chú ý tới thị trường Bắc Âu, Mỹ và một số thị trường khác ngoài các thị trường truyền thống.
Các địa phương chú trọng phát huy kinh nghiệm, lợi thế so sánh về các di sản văn hóa, thiên nhiên; hệ thống lễ hội, làng nghề; truyền thống lịch sử và giá trị sinh thái-nhân văn đặc trưng của từng vùng, từng địa phương... để mỗi địa phương có một sản phẩm du lịch độc đáo.
Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ đã kết luận tại Hội nghị thúc đẩy, thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (Thông báo số 05/TB-VPCP ngày 06/1/2023), trong đó huy động tối đa nguồn lực xã hội, sự chuyên nghiệp của các tập đoàn lớn về du lịch để cùng nhau giới thiệu, quảng bá hình ảnh về một "Việt Nam an toàn, thân thiện, hiền hoà, mến khách, hội nhập và phát triển" đến với nhiều du khách tại các thị trường trọng điểm trên thế giới.
Triển khai tổ chức thành công Năm Du lịch quốc gia 2023- "Bình Thuận - Hội tụ xanh" và chuỗi các hoạt động hưởng ứng của các địa phương trong toàn quốc nhằm xây dựng và tạo điểm nhấn về sản phẩm, dịch vụ phục vụ các hoạt động quảng bá, xúc tiến hàng năm của Du lịch Việt Nam.
Tăng cường các hoạt động truyền thông, quảng bá xúc tiến định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với đa dạng hoá thị trường, tập trung xúc tiến quảng bá theo chiến dịch trọng điểm, phù hợp định hướng phát triển sản phẩm, thương hiệu du lịch trên cơ sở kết quả nghiên cứu thị trường. Huy động sự tham gia của các cơ quan đại diện ngoại giao tại các nước.
Tiếp tục thực hiện chuyển đổi số trong du lịch, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an nghiên cứu, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương xây dựng, triển khai Đề án "Phát triển du lịch gắn với mục tiêu phát triển kinh tế của Đề án 06".
Phát triển nguồn nhân lực du lịch, có chính sách thu hút nguồn nhân lực đã thôi việc, chuyển việc trở lại; tập trung đào tạo tại chỗ, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ của đội ngũ nhân lực ngành, đảm bảo tính sẵn sàng phục vụ khách du lịch.
Về kiến nghị, đề xuất: Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết sau Hội nghị, Nghị quyết sẽ đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cho các bộ, ngành, trong đó tháo gỡ về những điểm nghẽn trong chính sách miễn thị thực, xem xét, đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam, tạo thuận lợi hơn cho du khách quốc tế nhập cảnh Việt Nam gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Khẩn trương thực hiện mô hình chuyển đổi số gắn với kinh tế số; phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo đến ngành du lịch của mình để 63 tỉnh, thành đều có 63 sản phẩm du lịch mang tính bản sắc, chú trọng nhiều hơn đến công tác kết nối, liên kết để bảo đảm được các chỉ tiêu mà nhiều địa phương đã đề ra.
Hiệp hội Du lịch Việt Nam cam kết vận động các doanh nghiệp cả nước tích cực triển khai chương trình phục hồi du lịch
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình đánh giá cao, nỗ lực của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã xây dựng chương trình đẩy nhanh phục hồi phát triển du lịch. Đây là mong muốn của tất cả các doanh nghiệp du lịch.
"Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất của Bộ. Về phía Hiệp hội chúng tôi cũng cam kết sẽ vận động các doanh nghiệp cả nước tích cực triển khai chương trình hiệu quả nhất", ông Vũ Thế Bình nói.
Nêu đề xuất, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhìn nhận, trong nhận định của Bộ nói về hạn chế là các doanh nghiệp du lịch chưa chủ động tích cực để kết nối với các thị trường để khai thác. Thực ra, sau 2 năm "đóng băng", năng lực của doanh nghiệp giảm sút nên khó kết nối, cho nên sự hỗ trợ lúc này của Nhà nước là vô cùng quan trọng. Vấn đề là hỗ trợ đúng hướng để giải quyết một các mạnh mẽ thì chúng ta mới có thể làm được.
Hiệp hội Du lịch Việt Nam là một tổ chức xã hội với thành phần có 57 thành viên là các hiệp hội của các tỉnh, các thành phố, có 6 hiệp hội chuyên ngành, 2 hiệp hội vùng có 15.000 hội viên là doanh nghiệp, hơn 30.000 hội viên là cá nhân trực tiếp. Đây là lực lượng đủ mạnh để có thể làm được nhiều việc cho hoạt động khôi phục ngành du lịch.
Về chương trình Nhà nước đưa ra để đẩy nhanh phục hồi du lịch, đại diện Hiệp hội Du lịch đề nghị:
Thứ nhất, phải đưa ra những chính sách hết sức cụ thể để có thể giao cho từng cơ quan làm ngay.
Thứ hai, đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị trong đó có một số việc cần làm ngay, đó là chuuyển giá điện của các cơ sở lưu trú du lịch từ giá điện dịch vụ sang giá điện sản xuất và các ưu đãi về thuế sử dụng đất của các cơ sở du lịch.
Khuyến khích, tạo điều kiện cho các tập đoàn du lịch lớn trên thế giới được thành lập doanh nghiệp du lịch tại Việt Nam và được thực hiện tất cả các nghiệp vụ du lịch. Việt Nam muốn đón loại khách chi trả cao, để có thể trở thành thị trường sang trọng về du lịch thì chắc chắn phải có các doanh nghiệp trên thế giới tham gia vào để chuyển khách hàng cho chúng ta.
Thứ ba là quỹ phát triển du lịch, phải hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp du lịch từ quỹ này để triển khai các hoạt động xúc tiến du lịch trong nước và nước ngoài. Tạo điều kiện cho Hiệp hội Du lịch tổ chức văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở các thị trường trọng điểm và đặc biệt hỗ trợ các hoạt động xúc tiến của văn phòng ở nước ngoài.
Chúng tôi đề nghị thêm một việc nữa là để thu hút loại khách chi trả cao đến Việt Nam và để Việt Nam thành thị trường khách du lịch cao cấp thì có rất nhiều việc chúng ta cần phải làm, nhưng hiện nay một loạt các sản phẩm mới ra đời, trong đó có sản phẩm Nhà nước phải hỗ trợ ví dụ như du lịch thể thao.
Hiện nay golf chỉ là môn thể thao nhưng thực chất trở thành sản phẩm du lịch hết sức quan trọng và số lượng khách đến Việt Nam đánh golf ngày càng đông. Năm 2019, riêng Hàn Quốc có 5 triệu khách đến Việt Nam trong đó có hơn 1 triệu khách du lịch đến đánh gofl. Chúng tôi nghĩ rằng, với lượng khách ấy thì chi phí để trả cho Việt Nam cũng đến 2 - 3 tỉ USD. Nước nào cũng phát triển rất nhiều sân golf để hút khách, nên chúng tôi đề nghị Nhà nước cho phép miễn hoặc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt của những người chơi golf là khách du lịch. Bởi 20 năm trước chúng ta nghĩ chơi golf là xa xỉ vì vậy chúng ta đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, nhưng thực ra bây giờ thì toàn khách du lịch.
Đề nghị Chính phủ cho phép nghiên cứu để có thể giảm từ 20% xuống 10%, hay 5% hoặc miễn được thì nâng cao khả năng cạnh tranh rất lớn cho du lịch Việt Nam.
"Chúng tôi một lần nữa cam kết các doanh nghiệp Việt Nam quyết tâm cao để có thể triển khai mạnh mẽ chương trình của Chính phủ, quyết tâm đưa du lịch Việt Nam nhanh chóng phục hồi và tăng tốc phát triển sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn", ông Vũ Thế Bình nói.